Hướng dẫn đọc đơn kính mắt của bạn – Tự tin chọn kính phù hợp

Trang chủ > Chuyên khoa > Trị liệu > Nhãn khoa > Hướng dẫn đọc đơn kính mắt của bạn – Tự tin chọn kính phù hợp

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 9 25, 2024

Số lượng người mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị,… ngày càng nhiều. Hiểu rõ đơn kính không chỉ giúp bạn chọn kính phù hợp mà chủ động hơn trong việc theo dõi tình trạng mắt. Nội dung dưới đây sẽ hướng dẫn đọc đơn kính mắt của bạn một cách chi tiết!

Mục đích của đọc đơn kính thuốc

Thị lực bình thường cho phép chúng ta nhìn rõ mọi vật nhờ hệ thống quang học của mắt hội tụ ảnh chính xác lên võng mạc. Tuy nhiên, khi mắt gặp tật khúc xạ, cấu trúc quang học bị thay đổi, khiến ảnh không hội tụ đúng vị trí trên võng mạc. Điều này dẫn đến tình trạng mắt của chúng ta không thể nhìn rõ vật, hay còn được gọi là tật khúc xạ.

Khi phát hiện tật khúc xạ, bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành thăm khám để xác định loại tật khúc xạ bạn đang gặp phải. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ kê đơn kính thuốc phù hợp, chỉ định loại kính và độ kính giúp ảnh hội tụ chính xác trên võng mạc. Tất cả các thông số quan trọng này đều được ghi rõ trong đơn thuốc kính của bạn.

Lần đầu đi khám mắt và nhìn vào đơn kính thuốc, bạn có thể thấy nhiều thông tin lạ lẫm. Tuy nhiên, đừng lo lắng, việc đọc hiểu đơn kính thuốc không quá phức tạp. Chỉ cần nắm rõ các ký hiệu và quy ước, bạn sẽ hiểu được mọi thông tin cần thiết về kính của mình.

Đơn kính là “bản đồ” chi tiết về tình trạng khúc xạ của mắt bạn (cận thị, viễn thị, loạn thị). Nhờ đó, bạn nắm rõ mình cần loại kính nào và độ kính bao nhiêu.Hai mắt của bạn có thể có kết quả khám mắt khác nhau, bởi vì mỗi mắt có hệ thống khúc xạ riêng biệt. Vì vậy, khi xem đơn kính thuốc, bạn cần chú ý phân biệt ký hiệu của mỗi bên mắt để tránh nhầm lẫn kết quả.

Hướng dẫn đọc đơn kính mắt của bạn

Việc sử dụng ký hiệu LE (mắt trái) và RE (mắt phải) trên đơn kính thuốc là cách làm phổ biến, giúp đơn giản hóa thông tin. Tuy nhiên, điều này không phải là quy chuẩn bắt buộc, nên không phải tất cả bác sĩ hoặc phòng khám mắt đều sử dụng ký hiệu này.

Cách phân biệt ký hiệu đơn kính mắt hai bên mắt
Cách phân biệt ký hiệu đơn kính mắt hai bên mắt

Bên cạnh việc sử dụng LE và RE, một số bác sĩ và phòng khám vẫn sử dụng ký hiệu tiếng Latinh OS (Oculus Sinister) cho mắt trái và OD (Oculus Dexter) cho mắt phải. Thực chất, cả hai cách ký hiệu này đều khá phổ biến trong ngành nhãn khoa. Điều quan trọng là bạn cần chú ý đến cách ghi chú của mỗi bác sĩ hoặc phòng khám để tránh nhầm lẫn.

Trong đơn kính thuốc, các thuật ngữ Latin được sử dụng để chỉ định mắt cụ thể. “Oculus” có nghĩa là mắt, với “sinister” chỉ mắt trái và “dexter” chỉ mắt phải. Khi cần đề cập đến cả hai mắt, bác sĩ sẽ dùng ký hiệu “OU”, viết tắt của (Oculus Uterque), có nghĩa là cả hai mắt.

Việc nắm rõ các ký hiệu trong đơn kính thuốc sẽ giúp bạn hiểu được nội dung của nó một cách dễ dàng. Hãy cùng xem qua những ký hiệu thường gặp dưới đây!

Bảng những ký hiệu thường gặp trong đơn kính thuốc

Tên ký hiệu Lý giải
Right eye hoặc OD (mắt phải) Đây chính là thông số đo mắt phải và đơn kính cho mắt phải của bạn.
Left eye hoặc OS (mắt trái) Đây chính là thông số đo mắt trái và đơn kính cho mắt trái của bạn.
S / SPH / Sphere / Cầu Độ cầu (SPH) trên đơn kính thuốc phản ánh khả năng khúc xạ ánh sáng của thủy tinh thể trong mắt. Dấu trừ (-) biểu thị mắt bạn đang bị cận thị, ngược lại dấu cộng (+) biểu thị mắt bạn đang bị viễn thị. 
Cylinder Độ trụ (CYL) trên đơn kính thuốc biểu thị độ loạn thị của mắt. Theo đó, dấu trừ (-) cho biết độ cận loạn, nếu dấu (+) thể hiện độ viễn loạn.
Axis Trục (AXIS) chỉ xuất hiện trong đơn kính thuốc khi bạn bị loạn thị.
ADD ( cộng thêm) Chỉ số xuất hiện trên đơn kính thuốc của người bị lão thị, vì khi tuổi cao, khả năng điều tiết của mắt giảm, khiến mắt khó tập trung vào các vật thể gần.
Diopters (đôi khi viết tắt là D)  Đơn vị đo lường được sử dụng để xác định sức mạnh quang học của kính.
KCDT/PD (khoảng cách đồng tử)

Khoảng cách đồng tử (KCDT) là khoảng cách giữa tâm hai đồng tử của mắt. Cắt kính cần đảm bảo tâm tròng kính trùng với tâm đồng tử của mắt để tạo ra thị lực rõ ràng nhất. Nếu hai tâm này lệch nhau, sẽ dẫn đến hiện tượng méo hình ảnh, nhìn không rõ ràng, thậm chí gây nhức mỏi mắt.

Các thông số độ trong đơn kính thuốc

Độ cầu (SPH)

Độ cầu (SPH) trên đơn kính thuốc phản ánh khả năng khúc xạ ánh sáng của thủy tinh thể trong mắt.

  • Viễn thị là tình trạng mắt gặp khó khăn khi nhìn các vật ở gần, do thủy tinh thể khúc xạ ánh sáng quá yếu, khiến hình ảnh tập trung sau võng mạc. Độ cầu của viễn thị được biểu thị bằng số dương (dấu cộng +) ở phía trước.
  • Cận thị là tình trạng mắt gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa, do thủy tinh thể khúc xạ ánh sáng quá mạnh, khiến hình ảnh tập trung trước võng mạc. Độ cầu của cận thị được biểu thị bằng số âm (dấu trừ -) ở phía trước.

Độ (Diopters)

Độ (Diopters) là đơn vị đo lường công suất quang học và độ cong của tròng kính. Độ Diopters cao (số lớn), tức là khả năng hội tụ hoặc phân kỳ ánh sáng mạnh hơn, tương ứng với mức độ cận thị hoặc viễn thị cao hơn. Độ Diopters thấp (số nhỏ), tức là khả năng hội tụ hoặc phân kỳ ánh sáng yếu hơn nên mức độ cận thị hoặc viễn thị thấp hơn.

Ví dụ: Đơn kính thuốc của bạn có ghi rõ, OD: SPH – 4,25 nghĩa là mắt phải của bạn bị cận 4,25 độ. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần sử dụng tròng kính lõm (bề mặt cong vào bên trong) vì nó phân tán ánh sáng, giúp hình ảnh tập trung chính xác trên võng mạc. Ngược lại, tròng kính lồi (bề mặt cong ra ngoài) được sử dụng để khắc phục tình trạng viễn thị và lão thị. 

Hướng dẫn đọc đơn kính mắt cho người mới khám mắt
Hướng dẫn đọc đơn kính mắt cho người mới khám mắt

Thông số độ trụ (CYL)

Thông số độ trụ (CYL) trong đơn kính thuốc liên quan đến tật loạn thị. Nó chỉ ra mức độ cần điều chỉnh do giác mạc hoặc thủy tinh thể không cong đều, khiến ánh sáng không hội tụ chính xác trên võng mạc. Tình trạng này có thể do giác mạc bất thường, thủy tinh thể không cong đúng cách, hoặc cả hai. Nếu không được khắc phục bằng kính thuốc có độ trụ phù hợp, loạn thị sẽ gây giảm thị lực đáng kể. Trong đơn kính thuốc, thông số CYL (độ trụ) có thể là số âm hoặc dương, phản ánh mức độ và hướng điều chỉnh cho loạn thị.

Đi kèm với CYL là thông số AXIS (độ trục), một chỉ số bổ sung quan trọng cho việc khắc phục loạn thị. AXIS có giá trị từ 0 đến 180 độ, trong đó 90 độ tương ứng với đường thẳng đứng trong mắt, còn 180 độ là đường nằm ngang.

Thông số ADD

Thông số ADD xuất hiện trong đơn kính hai tròng, được sử dụng để khắc phục tình trạng lão thị. Kính hai tròng có hai vùng quang học riêng biệt: một cho tầm nhìn gần và một cho tầm nhìn xa. Thiết kế này cho phép người dùng điều chỉnh tầm nhìn linh hoạt theo từng hoàn cảnh và mục đích sử dụng.

Một số ví dụ về đơn kính thuốc:

  • OD: -1,00 Có nghĩa là mắt phải bị cận thị 1 độ, đây là mức độ cận thị nhẹ.
  • OS: +3,5 Chỉ số này có nghĩa mắt bị viễn thị 3,5 độ, đây là mức độ viễn thị khá cao.
  • OD: -2,00 (- 1,00 x 180 ) Chỉ số này biểu thị mắt phải bị cận 2 độ và loạn 1,00 độ và trục là 180 độ.
  • OS: +3,50 (+ 3,00 x 45) Chỉ số biểu thị mắt trái bị viễn thị 3,5 độ và loạn 3 độ với trục là 45 độ. Trục 45 độ nghĩa là trục loạn thị nằm giữa ngang và dọc, tạo một góc 45 độ so với đường ngang.

Những điều cần lưu ý khi đo khám thị lực

Khi đi khám mắt và đo thị lực, việc tuân thủ một số lưu ý sẽ giúp bạn có kết quả chính xác nhất và đảm bảo sức khỏe đôi mắt. Dưới đây là một số điều bạn nên nhớ!

Bạn cần nắm rõ thông tin cần thiết trên đơn kính mắt
Bạn cần nắm rõ thông tin cần thiết trên đơn kính mắt

Trước khi khám mắt

  • Không đeo kính áp tròng: Nếu bạn đang sử dụng kính áp tròng, hãy tháo chúng ra trước khi khám ít nhất vài giờ.
  • Ngủ đủ giấc: Một giấc ngủ ngon giúp mắt bạn thư giãn và cho kết quả đo chính xác hơn.
  • Không sử dụng thuốc nhỏ mắt: Trừ khi bác sĩ có chỉ định, hãy tránh nhỏ thuốc giãn đồng tử trước khi khám. Thuốc này có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.
  • Thông báo cho bác sĩ về các vấn đề về mắt: Nếu bạn đang gặp bất kỳ vấn đề gì về mắt như đau mắt, mờ mắt, nhìn đôi, hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra kỹ lưỡng.

Trong quá trình khám mắt

  • Thư giãn: Thư giãn bằng cách hít vào thật sâu và thở ra từ từ. Hãy tập trung nhìn vào điểm đỏ mà bác sĩ chỉ và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
  • Trả lời trung thực các câu hỏi: Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến thị lực và sức khỏe mắt của bạn. Hãy trả lời thật chính xác để bác sĩ có đánh giá chính xác nhất.
  • Kiểm tra kỹ lưỡng: Tại sao tôi lại bị cận thị?’, ‘Kính này tôi nên đeo trong bao lâu?’, ‘Tôi có cần phải phẫu thuật không?’, hãy hỏi ngay bác sĩ để được giải đáp.

Sau khi khám mắt

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Sau khi khám, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên và chỉ định cụ thể. Hãy tuân thủ nghiêm túc để bảo vệ sức khỏe đôi mắt.
  • Khám mắt định kỳ: Ngay cả khi bạn không cảm thấy có vấn đề gì về mắt, hãy khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về mắt.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo thị lực:

  • Ánh sáng: Ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu đều có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.
  • Môi trường: Môi trường ô nhiễm, khói bụi cũng có thể gây ảnh hưởng đến mắt.
  • Tình trạng sức khỏe chung: Các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến thị lực.
  • Tư thế: Tư thế không đúng khi đo thị lực cũng có thể làm sai lệch kết quả.

Lưu ý, bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra thị lực của bạn, xác định các vấn đề về mắt (nếu có) và đưa ra lời khuyên phù hợp. Hãy nhớ rằng, khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ đôi mắt của bạn và duy trì thị lực khỏe mạnh.

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về những thông số quan trọng trên đơn kính mắt. Hiểu rõ về đơn kính sẽ giúp bạn tự tin hơn khi lựa chọn kính và chăm sóc mắt hiệu quả. Hãy luôn mang theo đơn kính mỗi khi đi khám mắt để đảm bảo được tư vấn chính xác nhất.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ