Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi đầy đủ

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi đầy đủ

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 1 17, 2025

Để bảo vệ trẻ toàn diện và khỏe mạnh từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, bố mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng từ 0 đến 5 tuổi do Bộ Y tế khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vậy lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi gồm những vắc xin quan trọng nào?  Trẻ đi tiêm chủng cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn?

Lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ

BS Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa Vùng 2 – Hồ Chí Minh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Trẻ càng nhỏ, càng dễ mắc bệnh truyền nhiễm và diễn tiến bệnh nặng vì hệ miễn dịch non nớt, sức đề kháng bệnh tật kém và kháng thể thụ hưởng từ mẹ giảm dần theo thời gian. Do đó, trẻ 0-6 tuổi cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cách an toàn và hiệu quả nhất để củng cố hệ miễn dịch, bảo vệ con khỏi các tác nhân gây bệnh nguy hiểm ngay trong 6 tuổi đầu đời.”

Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ.
Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ.

Tiêm chủng là một trong những thành tựu vĩ đại của y học hiện đại, mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe của trẻ em. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo Bộ Y Tế giúp trẻ hình thành miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh.

  • Ngăn ngừa bệnh tật: Tiêm chủng giúp cơ thể trẻ sản sinh kháng thể, giúp chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhờ đó, trẻ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella, bại liệt, viêm não Nhật Bản, ho gà,…
  • Giảm nguy cơ biến chứng: Các bệnh truyền nhiễm nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ, thậm chí gây tử vong.
  • Bảo vệ cộng đồng: Khi một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao, nguy cơ lây lan bệnh sẽ giảm đáng kể, tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, bảo vệ cả những người không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch.
  • Giảm chi phí: Chi phí tiêm chủng thường thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị khi trẻ mắc bệnh.
  • Tạo điều kiện cho trẻ phát triển: Trẻ khỏe mạnh sẽ có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi

Dưới đây là lịch tiêm chủng cơ bản cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, cùng với những thông tin cần thiết để bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.

Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi

Giai đoạn Các mũi vắc xin cần tiêm

 Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh)

  • Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cần được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. 
  • Vắc xin BCG phòng bệnh lao cần được tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. (*)
  • Nếu trẻ không được tiêm phòng lao trong tháng đầu sau sinh, phụ huynh nên cho trẻ tiêm bổ sung càng sớm càng tốt trong năm đầu đời. (*)

Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi

  • Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh: uốn ván, bại liệt, ho gà, bạch hầu, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae tuýp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ,  cần tiêm mũi đầu tiên vắc xin phối hợp 6 trong 1 (Infanrix hexa hoặc Hexaxim) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim).
  • Liều uống đầu tiên của vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus nên được thực hiện khi trẻ 2 tháng tuổi.
  • Vắc xin phế cầu Synflorix hoặc Prevenar 13 (mũi 1) giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não do phế cầu gây ra.

Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi

  •  Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 cần tiêm mũi thứ 2. Nếu tiêm 5 trong 1, cần tiêm bổ sung mũi vắc xin viêm gan B.
  • Liều uống thứ hai của vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus được thực hiện.

Tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi

  • Vắc xin kết hợp 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 mũi cần thực hiện mũi 3. Nếu tiêm vắc xin 5 trong 1, cần tiêm bổ sung mũi viêm gan B.
  • Mũi tiêm thứ hai của vắc xin Synflorix hoặc Prevenar 13 giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não do phế cầu gây ra.

Tiêm phòng cho trẻ 6 tháng tuổi

  • Vắc xin Vaxigrip/Influvax phòng bệnh cúm mùa, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
  • Tiêm mũi 1 vắc xin Mengoc BC giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu B+C.
  • Tiêm mũi 3 vắc xin Synflorix hoặc Prevenar 13 giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não do phế cầu gây ra.

Tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi

  • Tiêm mũi 2 vắc xin Mengoc BC giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C.
  • Vắc xin sởi đơn MVVac giúp phòng ngừa bệnh sởi.
  • Vắc-xin Imojev (Thái Lan) giúp phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B.

Tiêm phòng cho trẻ 12 – 15 tháng tuổi

  • Vắc xin 3 trong 1 MMR II (Mỹ) giúp phòng ngừa các bệnh sởi, quai bị và rubella.
  • Vắc xin Varivax/Varicella giúp phòng ngừa bệnh thủy đậu.
  • Vắc xin Jevax (Việt Nam) phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 tuần.
  • Vắc xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A, cần tiêm liều nhắc lại sau 6-18 tháng.
  • Vắc xin Synflorix hoặc Prevenar 13 giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não do phế cầu gây ra. (Tiêm mũi 4).

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ 15 – 24 tháng tuổi

  • Tiêm mũi 4 vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Nếu tiêm vắc xin 5 trong 1, cần tiêm bổ sung mũi viêm gan B.
  • Mũi nhắc lại của vắc xin Avaxim 80U/0.5ml giúp phòng ngừa bệnh viêm gan A.
  • Vắc xin phòng bệnh cúm (mũi 3 – sau mũi thứ hai 1 năm).
  • Mũi nhắc lại thứ hai vắc xin Imojev phòng viêm não Nhật Bản B được thực hiện sau mũi thứ nhất 1 năm.

Tiêm phòng cho trẻ trên 24 tháng tuổi

  • Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C hoặc Menactra A,C,W,Y giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C.
  • Mũi tiêm thứ ba vắc xin Jevax giúp phòng bệnh viêm não Nhật Bản B.
  • Vắc xin Typhim Vi giúp phòng ngừa bệnh thương hàn.
  • Vắc xin Tả 2 lần uống (dành cho trẻ sống ở vùng nguy cơ cao, lần hai sau lần một 2 tuần).

Từ 3 tuổi -6 tuổi

  • Mũi nhắc lại vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR giúp phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella.
  • Mũi tiêm thứ hai vắc-xin Varivax được thực hiện nếu trẻ chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
  • Mũi nhắc lại của vắc xin Typhim Vi phòng bệnh thương hàn được tiêm khi trẻ 5 tuổi, sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần.
  • Vắc xin phòng bệnh cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm.
  • Nếu trẻ đã tiêm vắc xin Meningococcal A-C lúc 2 tuổi, tiêm vắc xin Menactra để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A, C, W, Y.
  • Mũi nhắc lại của vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B được tiêm khi trẻ 5 tuổi, sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần đến khi 15 tuổi.
  • Khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, có thể tiêm vắc xin Tetraxim (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt) hoặc vắc xin Adacel (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván). Cần nhắc lại khi trẻ 11-12 tuổi.

Trường hợp chống chỉ định tiêm chủng cho trẻ

Việc tiêm chủng là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng có thể tiêm chủng được. Có những trường hợp đặc biệt cần phải tạm hoãn hoặc chống chỉ định tiêm chủng.

Nếu trẻ đã từng bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, tuyệt đối không được tiêm loại vắc xin đó.
Nếu trẻ đã từng bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, tuyệt đối không được tiêm loại vắc xin đó.

Trường hợp không được tiêm

Bác sĩ sẽ khám sàng lọc để đánh giá sức khỏe, tiền sử tiêm chủng và bệnh tật của trẻ, từ đó đưa ra chỉ định tiêm chủng phù hợp. Các trường hợp không được tiêm vắc xin rất hiếm khi xảy ra, bao gồm:

  • Trẻ em có tiền sử phản ứng phản vệ độ III ở lần tiêm trước với vắc xin cùng loại.
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch nặng do bệnh lý hoặc đang điều trị bệnh không được tiêm vắc xin sống.

Trường hợp hoãn tiêm

Trong trường hợp trẻ mắc bệnh cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định trì hoãn tiêm chủng. Sau khi hồi phục, trẻ cần được tiêm bù sớm nhất có thể để đảm bảo đủ miễn dịch phòng bệnh.

LƯU Ý: Ba mẹ không nên tự ý trì hoãn tiêm chủng cho bé khi bé chỉ bị bệnh đường hô hấp nhẹ hoặc bệnh cấp tính nhẹ không kèm theo sốt.

Các kinh nghiệm giúp trẻ tiêm chủng an toàn

Tiêm chủng là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Để quá trình tiêm chủng diễn ra suôn sẻ và an toàn, cha mẹ cần lưu ý một số kinh nghiệm sau:

Trước khi tiêm, hãy thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, các loại thuốc đang dùng và các phản ứng dị ứng trước đó.
Trước khi tiêm, hãy thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, các loại thuốc đang dùng và các phản ứng dị ứng trước đó.

Trước khi tiêm chủng

  • Chọn trang phục thoải mái và thoáng mát, dễ thay đổi cho trẻ khi đi tiêm phòng.
  • Mang theo các vật dụng bảo hộ cần thiết như khẩu trang, cồn rửa tay và khăn giấy sạch.
  • Đem theo đồ chơi hoặc vật dụng yêu thích của trẻ để giúp bé cảm thấy an tâm và bớt lo lắng khi tiêm.
  • Chuẩn bị sổ tiêm chủng và thông tin đầy đủ về tiền sử bệnh, dị ứng cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ để báo cáo với bác sĩ.

Trong khi tiêm

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế, đọc kỹ áp phích “Quy định tiêm chủng” tại điểm tiêm, đối chiếu với thực hành của nhân viên y tế và kiểm tra vắc xin trước khi tiêm (chủng loại, hạn sử dụng, cách dùng).

Để giúp bé bớt lo lắng khi tiêm chủng, cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, vỗ về bé, cho bé biết cha mẹ luôn ở bên và cơn đau sẽ nhanh chóng qua đi.

Sau khi tiêm, trẻ cần ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được theo dõi các phản ứng sau tiêm:

  • Trẻ được đánh giá tình trạng toàn thân, thường sẽ có da niêm hồng, không phát ban, tỉnh táo, không bứt rứt và không li bì.
  • Trẻ bình thường sẽ có nhịp thở không nhanh, không khó thở, với các giới hạn: trẻ dưới 2 tháng thở dưới 60 lần/phút, trẻ từ 2-12 tháng thở dưới 50 lần/phút, trẻ từ 1-5 tuổi thở dưới 40 lần/phút. Nhiệt độ cơ thể của trẻ nên dưới 37.5 độ C.
  • Chỗ tiêm được theo dõi, trẻ bình thường khi vết sưng đỏ dưới 5cm và không có các dấu hiệu bất thường nặng khác.
  • Các dấu hiệu cảnh báo phản ứng nặng sau tiêm bao gồm: kích thích, hốt hoảng, khóc kéo dài, nổi mề đay, ngứa, phù mạch, khó thở, tức ngực, thở rít, đau bụng hoặc nôn, đại tiểu tiện không tự chủ, lạnh tay chân, tụt huyết áp, ngất, co giật.

Các chuyên gia khuyên rằng, với trẻ dưới 5 tháng tuổi khóc nhiều sau tiêm, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp 5S: quấn bé (swaddling), cho bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp (side or stomach), tạo âm thanh “sh, sh” xoa dịu (shushing sound), đung đưa bé nhẹ nhàng (swinging) và cho bé bú (sucking) mẹ, bình sữa hoặc núm vú giả. Quan trọng nhất, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và lạc quan để bé không quá sợ hãi hay lo lắng.

Sau khi về nhà

Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 48 giờ (2 ngày), đặc biệt vào ban đêm. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần có đủ kiến thức để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp sau tiêm. Dưới đây là một số gợi ý về cách chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm:

  • Nên cho trẻ mặc những bộ quần áo thoáng mát để giúp bé thoải mái và dễ chịu hơn sau khi tiêm phòng.
  • Chú ý duy trì chế độ dinh dưỡng thường ngày cho trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần tăng cường cho bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, cần bổ sung thêm nước hoặc nước điện giải để đảm bảo đủ nước cho cơ thể.
  • Trong trường hợp vết tiêm bị sưng hoặc đỏ, phụ huynh có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh để giúp giảm đau và làm giảm tình trạng sưng tấy cho trẻ.
  • Khi trẻ sốt trên 38.5 độ C và có biểu hiện quấy khóc, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng phù hợp theo cân nặng. Tuyệt đối không sử dụng aspirin hay các loại thuốc ho và hạ sốt khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Người lớn khi bế trẻ cần tránh chạm vào vết tiêm. Không nên xoa dầu, chườm nóng hay bôi bất kỳ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
  • Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, co giật, mệt lả, không phản ứng khi gọi, tím tái, khó thở, quấy khóc kéo dài trên 3 giờ, bú kém, phát ban hoặc các phản ứng thông thường kéo dài hơn 1 ngày.

Tóm lại, để bảo vệ toàn diện sức khỏe của trẻ, bố mẹ hoặc người giám hộ cần ghi nhớ và tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ trẻ mà còn góp phần xây dựng cộng đồng khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho xã hội.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo: Dubinsky, D. (2023, November 10). The five S’s for baby sleep. BabyCenter. https://www.babycenter.com/baby/sleep/harvey-karps-happiest-baby-method-for-baby-sleep-and-soothin_10373838

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ