Trẻ nhỏ 6 tháng tuổi vẫn có hệ miễn dịch non yếu. Do đó bé rất dễ nhiễm một số bệnh lý như cúm mùa và làm gia tăng nguy cơ gặp biến chứng nặng. Thế nên, việc tiêm vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ cũng lo lắng không biết việc chủng ngừa này có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không và cần lưu ý những gì?
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm cúm và cũng có nguy cơ đối mặt với biến chứng nguy hiểm cao hơn người lớn. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu. Vắc xin có thể được chỉ định cho trẻ 6 tháng tuổi. Do đó, bố mẹ hãy chủ động đưa con đến cơ sở y tế uy tín chủng ngừa nhé. Vậy có những loại vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi nào?
Các loại vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng
Hiện nay, vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi gồm có 2 loại:
Vắc xin Vaxigrip: Đây là loại vắc xin ngừa bệnh cúm tam giá được chỉ định phòng 3 chủng gồm 2 chủng cúm A là A/(H1N1), A/(H3N2) và 1 chủng cúm B (chủng Victoria hoặc Yamagata).
Vắc xin Influvac: Nó là loại vắc xin virus cúm bất hoạt đa kháng nguyên bề mặt. Thành phần của vắc xin Influvac được điều chỉnh hàng năm theo khuyến cáo của WHO. Influvac được phân lập từ những kháng nguyên bề mặt của các chủng A (H3N2, H1N1) và B Myxovirus Influenza.
Lịch tiêm vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ từ 6 tháng – dưới 9 tuổi chưa từng chủng ngừa vắc xin cúm:
Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng.
Sau đó, chủng ngừa nhắc lại 1 mũi hàng năm.
Nên tiến hành tiêm nhắc lại mỗi năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng phát dịch: Tại Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm nhưng sẽ đạt đỉnh vào tháng 3, 4, 10. Phụ huynh nên chủ động tiêm ngừa cúm cho trẻ trước khi bắt đầu mùa cúm của năm đó từ 2 tuần – 1 tháng.
Mũi tiêm phòng cúm nhắc lại mỗi năm có vai trò vô cùng quan trọng vì:
Thành phần của vắc xin cúm luôn được thay đổi và cập nhật hàng năm để phù hợp với chủng cúm hiện đang lưu hành.
Virus cúm có rất nhiều chủng và chúng luôn biến đổi qua từng năm. Do đó, kháng thể được tạo ra từ vắc xin có thể mang đến hiệu quả trong năm này nhưng không còn tác dụng ở năm sau.
Các kháng thể do vắc xin cúm tạo ra theo thời gian cũng suy yếu dần.
Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ trước bệnh cúm, phụ huynh nên cho con chủng ngừa mũi nhắc lại hàng năm sau khi đã tiêm đủ 2 mũi đầu.
Các phản ứng phụ khi tiêm phòng cúm cho trẻ 6 tháng tuổi
Khi tiêm vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi, một số phản ứng phụ có thể xảy ra như sau:
Đau, sưng tấy ở vị trí tiêm.
Trẻ nhỏ, nhất là khi chưa từng bị nhiễm virus cúm có thể cảm thấy mệt mỏi, sốt nhẹ.
Tuy nhiên, các phản ứng phụ từ việc chủng ngừa vắc xin cúm rất hiếm khi xảy ra. Nếu bé bị sốt cao liên tục và có những dấu hiệu bất thường trong vòng 24 giờ sau tiêm thì phụ huynh nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ. Hoặc bố mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám.
Những lưu ý khi tiêm vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi
Bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề cần làm trước và sau khi chủng ngừa vắc xin cúm cho trẻ để đảm bảo tính an toàn:
Các lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm ngừa cúm
Không cho trẻ bú hoặc ăn quá no. Bạn cũng không nên để trẻ bị đói vì điều này có thể khiến con bị hạ đường huyết sau khi chủng ngừa.
Để hạn chế tình trạng nhiễm trùng, bạn hãy tắm rửa cho trẻ thật sạch sẽ.
Để giúp bác sĩ dễ dàng thao tác hơn trong quá trình tiêm chủng, bạn hãy cho con mặc trang phục đơn giản.
Hãy mang theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ của trẻ, nhất là sổ tiêm chủng.
Trước khi chủng ngừa, bố mẹ hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về tình hình sức khỏe của con, tiền sử dị ứng thuốc, bệnh tật,… để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phù hợp.
Nếu ở các mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu sốt, dị ứng,… phụ huynh cũng cần báo cho bác sĩ biết.
Cách chăm sóc trẻ sau tiêm ngừa cúm
Sau khi chủng ngừa, trẻ phải được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở y tế để bác sĩ kịp thời xử lý những phản ứng phản vệ bất thường (nếu có). Trong vòng 24 giờ sau khi về nhà, bố mẹ nên chú ý quan sát tình hình sức khỏe của con. Hãy kiểm tra nhiệt độ cơ thể thường xuyên, quan tâm đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ,…
Sau khi tiêm ngừa hãy chó bé uống nhiều nước và bú mẹ thường xuyên hơn. Khi bế con chú ý không chạm vào vết tiêm.
Trong trường hợp bé bị sốt nhẹ sau tiêm thì bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
Cởi bớt quần áo, chăn quấn khi trẻ sốt. Chỉ nên cho con mặc quần áo thoáng mát, tránh làm thân nhiệt gia tăng.
Chườm ấm cho bé (nhiệt độ nước phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1 – 2 độ C).
Duy trì chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, cho bé uống nước và bú mẹ nhiều hơn.
Cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Ibuprofen, Paracetamol có liều lượng phù hợp với cân nặng khi bé sốt > 38,5 độ C, quấy khóc nhiều. Tốt nhất, phụ huynh nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Nếu vết tiêm của trẻ bị sưng, đỏ, bố mẹ có thể chườm lạnh để giúp con giảm sưng đau.
Khi bế trẻ, bạn nên tránh chạm vào vị trí tiêm. Lưu ý không chườm nóng, thoa dầu, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi bất kỳ thứ gì lên vị trí chủng ngừa. Vì nó có thể gây nhiễm trùng.
Không dùng Aspirin hay những loại thuốc hạ sốt, ho khác. Vì chúng có thể làm tăng liều Paracetamol ở trẻ.
Phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ gặp những dấu hiệu tai biến nghiêm trọng sau khi chủng ngừa, ví dụ như: Ngưng thở, tím tái, sốt cao co giật, sốc nhiễm độc, sốc phản vệ, khó thở,…
Vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi giá bao nhiêu?
Hiện nay, vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi có giá dao động từ 275.000 – 350.000 đồng. Mức chênh lệch này phụ thuộc vào các yếu tố như nguồn vắc xin, trình độ của bác sĩ, trang thiết bị máy móc của cơ sở y tế,… Tuy nhiên, mức giá này chỉ mang tính tham khảo. Phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với phòng khám, bệnh viện để được báo giá chính xác nhé!
Tóm lại, tiêm vắc xin cúm cho trẻ 6 tháng tuổi là việc làm vô cùng cần thiết. Phụ huynh cũng nên cho con tiêm ngừa nhắc lại mũi cúm hàng năm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bố mẹ cần đưa trẻ đến chủng ngừa ở cơ sở y tế uy tín. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Phòng khám Đa khoa Phương Nam qua Hotline 0868 666 968 hoặc 1800 2222 nhé!