Viêm Màng Não Do Phế Cầu Khuẩn – Tìm Hiểu Từ A Đến Z

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Viêm Màng Não Do Phế Cầu Khuẩn – Tìm Hiểu Từ A Đến Z

Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng chín 26, 2022

Phế cầu khuẩn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trong đó có bệnh viêm màng não. Trẻ em hay người lớn đều có thể gặp phải. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh chóng và việc chữa trị cũng rất khó khăn, tốn kém. Vì thế, bạn hãy cùng Đa khoa Phương Nam tìm hiểu một số thông tin về bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn trong bài viết này để ngăn ngừa đúng cách và hiệu quả nhé!

Bệnh viêm màng não do phế cầu là gì?

Viêm màng não là tình trạng lớp màng bảo vệ bao phủ tủy sống và não bộ bị nhiễm khuẩn. Viêm màng não do phế cầu cũng là bệnh lý để lại di chứng nặng nề và có tỷ lệ tử vong cao. Viêm màng não do phế cầu khuẩn được xác định thông qua đường xâm nhập của vi khuẩn vào trong màng não, gồm có:

  • Vi khuẩn từ ổ viêm gần màng tủy, màng não xâm nhập vào, ví dụ như: Ổ viêm tai, viêm hốc mắt, viêm xoang, viêm xương sọ, viêm xương chũm, viêm cơ dọc theo cột sống,… Phế cầu khuẩn sẽ xâm nhập vào màng não bằng cách tiếp cận hoặc thông qua đường bạch huyết.
  • Vi khuẩn từ một ổ viêm ở xa như: Nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn ruột, nhiễm khuẩn tử cung, viêm nội tâm mạc, viêm phổi đinh râu,… Nó sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Vi khuẩn cũng có thể vượt qua hàng rào mạch máu và màng não để đi vào màng não. 
Bệnh viêm màng não do phế cầu là gì?
Bệnh viêm màng não do phế cầu là gì?

Nguyên nhân gây bệnh

Theo CDC, phế cầu khuẩn gây ra hơn 50% các trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở Hoa Kỳ. Mỗi năm ước tính có khoảng 2.000 ca bệnh viêm màng não phế cầu. 

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) thường trú ngụ bên trong hầu họng của trẻ em và người lớn. Ước tính có khoảng 40 – 70% trẻ nhỏ mạnh khỏe mang phế cầu vùng mũi họng. Nó chính là tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, ví dụ như viêm tai giữa, viêm mũi, viêm họng. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi. Trong đó, viêm màng não do phế cầu khuẩn là bệnh nghiêm trọng và khó phát hiện nhất. Phế cầu khuẩn cũng đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới 5 tuổi.

Đường lây truyền phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn phát triển thuận lợi vào mùa đông – xuân. Bệnh sẽ lây lan nhiều nhất thông qua đường không khí và tiếp xúc với bệnh nhân hoặc những người mạnh khỏe có mang vi khuẩn phế cầu. Những hành động như hôn, ho, hắt hơi hoặc trẻ nhỏ chơi chung đồ chơi đều tiềm ẩn nguy cơ phát tán phế cầu khuẩn. Ở những người có sức khỏe tốt, đề kháng vững vàng, vi khuẩn thường chỉ khu trú mà không gây ra bệnh. Tuy nhiên đối với trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, còn non nớt, phế cầu khuẩn rất dễ tấn công và gây bệnh.  

Đường lây truyền phế cầu khuẩn
Hắt hơi tiềm ẩn nguy cơ phát tán phế cầu khuẩn

Thời gian ủ bệnh viêm màng não do phế cầu bao lâu?

Viêm màng não do phế cầu khuẩn thường ủ bệnh trong vòng 1 tuần. Trong 1 – 2 ngày bệnh sẽ khởi phát cấp tính. Sau đó tiến đến giai đoạn toàn phát.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là gì?

Bệnh lý do phế cầu khuẩn thường gặp ở người lớn tuổi (đặc biệt là người trên 85 tuổi) và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nguy cơ nhiễm phế cầu khuẩn và mắc bệnh nghiêm trọng cũng cao hơn ở trẻ dưới 5 tuổi đang mang bệnh đi kèm, đối tượng bị suy yếu miễn dịch, người có bệnh mạn tính như tim mạch, gan, thận, phổi, đái tháo đường. Người hút thuốc lá cũng dễ mắc bệnh do phế cầu khuẩn. 

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn

Bệnh có biểu hiện đau đầu, sốt cao, thường xuất hiện trong 1 vài giờ hoặc từ 1 – 2 ngày. Bên cạnh đó có thể xuất hiện những triệu chứng khác, ví dụ như ngủ gà, li bì, bứt rứt, rối loạn ý thức, ăn không ngon miệng, đau cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa. Bệnh viêm màng não ở trẻ có thể để lại di chứng về thần kinh nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. 

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn
Sốt cao là một trong những triệu chứng nhận biết bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn

Các giai đoạn phát triển của bệnh

Dịch não tủy có trong màng não là nơi vi khuẩn nhân lên và bắt đầu tiết ra chất độc. Nó sẽ khiến mô não và màng não bị sưng phồng, viêm nhiễm. Điều này sẽ khiến não chịu áp lực, khởi phát những triệu chứng như sợ ánh sáng, cứng cổ, nhức đầu. Trẻ em trở nên khó chịu, thường quấy khóc, nôn ói, thở không đều, sốt cao, ngủ gà, thóp bị sưng phồng,…

Ở trẻ nhỏ, biểu hiện thường thấy là nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, bỏ bú kéo dài, thường khóc đêm,… rất dễ gây nhầm lẫn với các căn bệnh về đường tiêu hóa. Khi bệnh kích phát, trẻ sẽ bị co giật, đau đầu dữ dội, rối loạn tri giác hay thở gấp. Nếu không phát hiện và tiến hành chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê chỉ trong vòng 48 giờ, thậm chí gây tử vong. 

Trường hợp may mắn chữa khỏi thì cũng để lại di chứng như mù, điếc, chậm phát triển thần kinh vận động, động kinh, tổn thương não vĩnh viễn. Những di chứng này sẽ khiến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi hay nửa người,… 

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm màng não phế cầu

Ngày nay, những phương pháp được ứng dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm màng não gồm có:

  • Chọc dịch não tủy: Phương pháp này được tiến hành để lấy dịch não tủy xét nghiệm nhằm mục đích xác định mức độ nghiêm trọng của hiện tượng viêm, sự nhạy cảm của vi sinh vật với thuốc và tác nhân gây bệnh. 
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá mức độ nhiễm trùng. Trong một vài trường hợp, để xác định tác nhân gây bệnh phải tiến hành cấy máu.
  • Xét nghiệm vật lý – chụp hình (MRI, CT): Đây là một trong các phương pháp giúp chẩn đoán những biến chứng của bệnh viêm màng não tác động đến não. 
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm màng não phế cầu
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ đánh giá mức độ nhiễm trùng

Những biến chứng của bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn 

Viêm màng não là loại bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn nghiêm trọng nhất, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Theo Bộ Y Tế, ước tính có khoảng 83% trường hợp biến chứng xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Viêm màng não do phế cầu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Bệnh lý này có thể dễ dàng cướp đi sinh mạng của người mắc phải. Tỷ lệ tử vong khoảng 22% ở người lớn và 8% với trẻ em. Nếu may mắn sống sót thì dễ gặp di chứng thần kinh.

Cứ 15 trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn sẽ có 1 trường hợp tử vong vì nhiễm trùng. Ở những người bệnh cao tuổi thì khả năng tử vong lại càng lớn hơn. Các đối tượng khác có thể gặp vấn đề dài hạn, ví dụ như chậm phát triển hoặc mất thính lực.

Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do viêm màng não phế cầu ở các quốc gia đang phát triển tại châu Á, châu Phi là hơn 50% trên tổng số ca bệnh. Bên cạnh đó, 30 – 50% người bệnh giữ được mạng sống nhưng phải gánh chịu các di chứng dài hạn, có khả năng gây tàn tật như liệt, mù, điếc, động kinh, trí nhớ kém, chậm phát triển trí tuệ, đau đầu thường xuyên.

Bộ Y Tế cũng cho biết phế cầu khuẩn không chỉ xâm nhập vào phổi mà còn đi đến não, máu,… gây nhiễm trùng ở các cơ quan này. Khoảng ⅓ trẻ nhỏ bị viêm màng não do phế cầu tử vong. Ngoài ra, ⅓ các ca bệnh mắc di chứng rối loạn nhận thức, điếc, liệt, động kinh,…

Khảo sát trong giai đoạn từ 2001 – 2009 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy 80% người bệnh viêm màng não là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn chỉ ở mức 70%. Bên cạnh đó, có đến 21% trẻ may mắn sống sót bị mất thính lực. Những hệ lụy lâu dài khác phải kể đến gồm có rối loạn khả năng di chuyển, sử dụng ngôn ngữ, học tập, thỉnh thoảng xuất hiện cơn co giật.

Những biến chứng của bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn 
Viêm màng não là loại bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn nghiêm trọng nhất, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em

Phương pháp điều trị viêm màng não do phế cầu khuẩn

Thuốc kháng sinh thường được dùng để chữa trị các bệnh lý nhiễm trùng do phế cầu khuẩn. Điều đáng lo ngại hiện nay chính là phế cầu khuẩn đã bắt đầu kháng kháng sinh thông thường. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc. Điều này sẽ khiến quá trình chữa trị trở nên khó khăn hơn, kéo dài, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Do đó, chi phí chữa bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn thường rất cao vì phải sử dụng kháng sinh mạnh hoặc kết hợp dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau. Thời gian chữa trị vì thế cũng kéo dài và trở nên khó khăn hơn. 

Phòng ngừa bệnh viêm màng não phế cầu như thế nào?

Viêm màng não do phế cầu dẫn đến những hậu quả khó lường. Tuy nhiên, may mắn là chúng ta có thể phòng ngừa được bệnh lý này thông qua việc ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn và nâng cao hệ miễn dịch. Với trẻ nhỏ, cơ thể cần được giữ ấm trong mùa lạnh và mùa mưa, bú sữa mẹ suốt 6 tháng đầu đời để tăng cường khả năng miễn dịch. Phụ huynh cũng cần giữ vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ để phòng ngừa sự tấn công của vi khuẩn phế cầu.

Bên cạnh đó, việc tiêm ngừa cho trẻ từ sớm sẽ làm giảm ảnh hưởng của những bệnh lý do phế cầu gây ra. WHO nhấn mạnh tiêm vắc xin chính là biện pháp hiệu quả, chủ động, tiết kiệm, đơn giản, hỗ trợ làm giảm số ca bệnh mới do phế cầu khuẩn. 

Từ năm 2007, WHO đã khuyến cáo nên đưa vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. WHO cho biết trong năm 2015 vắc xin phế cầu đã giúp ngăn chặn 7,5 triệu ca bệnh và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Theo CDC, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn cao nhất, khoảng 10/100.000 dân nhưng hiện đã giảm đáng kể nhờ việc chủng ngừa vắc xin. Tại Việt Nam, hiện có 2 loại vắc xin phế cầu dành cho người lớn và trẻ em:

  • Vắc xin Synflorix có thể chủng ngừa cho trẻ từ 6 tuần – 5 tuổi.
  • Vacxine phế cầu 13 có thể chủng ngừa cho trẻ từ 6 tuần trở lên và người lớn. Người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi, trẻ nhỏ trên 5 tuổi có thể tiêm vacxine phế cầu 13. 
Phòng ngừa bệnh viêm màng não phế cầu như thế nào?
Tiêm vắc xin chính là biện pháp hiệu quả, chủ động, tiết kiệm, đơn giản, hỗ trợ làm giảm số ca bệnh mới do phế cầu khuẩn

Tóm lại, viêm màng não do phế cầu khuẩn là bệnh lý rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Do đó, trẻ nhỏ và người lớn đều cần chủng ngừa vắc xin đầy đủ nhé. Nếu còn câu hỏi khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Phòng khám Đa khoa Phương Nam qua Hotline 0868 666 968 hoặc 1800 2222!
 

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ