Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng Hai 15, 2021
Mục Lục Bài Viết
Hiện nay có nhiều phương pháp có thể phát hiện được ung thư. Trong đó, xét nghiệm máu là bước đầu tiên để bác sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường thông qua việc theo dõi, xác định số lượng các tế bào đang lưu thông và mức độ hóa chất, enzym, protein và các chất thải hữu cơ trong máu.
Các xét nghiệm máu tầm soát ung thư thường được các bác sĩ chỉ định đầu tiên để phát hiện các chất chỉ điểm khối u, bởi phương pháp này dễ thực hiện, rẻ hơn so với các thử nghiệm khác, đồng thời không mất quá nhiều thời gian để có kết quả.
Thực tế thì khi bác sĩ nghi ngờ những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân là dấu hiệu cảnh báo ung thư thì sẽ yêu cầu tiến hành xét nghiệm máu phát hiện ung thư.
Bởi vì, xét nghiệm máu kiểm tra ung thư là một trong những phương pháp giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu về tình hình ung thư.
Đặc biệt, xét nghiệm máu còn có thể giúp phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm để có phương pháp khắc phục hiệu quả, nâng cao hiệu quả điều trị.
Mặc dù xét nghiệm máu tầm soát ung thư được xem là phương pháp phát hiện ung thư hữu hiệu và chính xác. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu lại không thể hiện được 100% bản chất của các loại ung thư.
Có thể hiểu rằng, nếu chỉ thực hiện xét nghiệm máu thì không thể đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lý ung thư ở người bệnh. Bởi kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đôi lúc sẽ cho kết quả dương tính giả nếu có sự tương đồng trong các khối u bình thường và khối u ung thư.
Đặc biệt, để biết chính xác giai đoạn phát triển của ung thư thì bác sĩ sẽ phải kết hợp thêm nhiều kỹ thuật khác bên cạnh xét nghiệm máu xác định ung thư.
Mỗi phương pháp xét nghiệm máu tầm soát ung thư sẽ đóng một vai trò khác nhau. Bằng cách dựa trên các protein được tạo ra bởi chính tế bào ung thư, bạn sẽ chẩn đoán được loại ung thư nào.
Dưới đây là các xét nghiệm phổ biến để chỉ điểm khối u:
Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA): Thường được sử dụng như một công cụ sàng lọc để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Bằng cách xác định mức độ của protein được sản xuất bởi các tế bào tuyến tiền liệt. Nếu mức PSA tăng cao thì đây là dấu hiệu sớm về sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, một số tình trạng lành tính của tuyến tiền liệt cũng có thể khiến mức PSA tăng.
Xét nghiệm kháng nguyên carcinoembryonic (CEA): Nếu nồng độ CEA tăng cao bất thường, vượt quá mức 2.5 mcg/l thì có nghĩa cơ thể có khả năng đã mắc những loại ung thư như ung thư gan, tụy, buồng trứng, thực quản, tuyến giáp, trực tràng, phổi, dạ dày,…
Xét nghiệm tìm kháng nguyên AFP (Alpha-Fetoprotein): Chỉ số AFP khi tăng cao trên mức 500 – 1000 ng/ml thì đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư xuất hiện. Lúc này, người bệnh có thể đang mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư tinh hoàn.
Xét nghiệm Kháng nguyên ung thư 19-9 (CA 19-9): Nồng độ CA 19 – 9 thường bài tiết vào máu với một lượng nhất định. Tuy nhiên, nếu nồng độ này tăng cao bất thường khi có khả năng cơ thể xuất hiện khối u và lúc này bệnh nhân có thể mắc ung thư đường tiêu hóa, ung thư tuyến tụy hay ung thư dạ dày.
Xét nghiệm Kháng nguyên Ung thư 27.29 (CA 27.29): Xét nghiệm máu đo mức độ kháng nguyên CA 27.29 để phát hiện ung thư vú.
Xét nghiệm Human Chorionic Gonadotropin (hCG): hCG cũng được sản xuất bởi một số tế bào ung thư. Loại xét nghiệm này giúp phát hiện ung thư tế bào mầm ở nam giới và phụ nữ không mang thai. Ung thư tế bào mầm là những khối u phát triển từ trứng hoặc tinh trùng, bao gồm cả ung thư tinh hoàn và ung thư buồng trứng.
Xét nghiệm kháng nguyên ung thư 125 (CA-125): Xét nghiệm máu để đo mức độ của kháng nguyên này được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng, theo dõi tiến trình điều trị ung thư buồng trứng và phát hiện tình trạng tái phát của bệnh.
Nồng độ CA 125 ở người bình thường sẽ ở mức dưới 35ul/ml. Nếu nồng độ này tăng cao bất thường thì có nghĩa, bệnh nhân đang có nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đường tiêu hóa,…
Xét nghiệm protein trong máu: Xét nghiệm máu để tìm một số protein bất thường của hệ thống miễn dịch (immunoglobulin) trong máu. Loại xét nghiệm này được sử dụng để phát hiện bệnh đa u tủy.
Chỉ số CA 72 – 4: Nếu xét nghiệm máu cho kết quả nồng độ CA 72 – 4 tăng cao bất thường thì bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư buồng trứng.
Chỉ số CYFRA 21 -1: Thường thì khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư phổi thì sẽ cho người bệnh tiến hành xét nghiệm máu Cyfra 21 – 1. Đặc biệt, nếu nồng độ này trong máu tăng cao thì bệnh nhân còn có thể đang mắc những ung thư khác như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản,…
Chỉ số CA 15 – 3: Chỉ số CA 15 – 3 là chỉ số thể hiện kháng nguyên biểu mô, thường xuất hiện ở màng tế bào, dịch bào hay vùng ngoại bào. Nồng độ CA 15 – 3 tăng cao là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi và ung thư vú.