Siêu âm trị liệu là gì? Tác dụng của siêu âm trị liệu

Trang chủ > Chuyên khoa > Chẩn đoán > Vô tuyến học > Siêu âm trị liệu là gì? Tác dụng của siêu âm trị liệu

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười một 13, 2024

Siêu âm trị liệu đang trở thành lựa chọn phổ biến trong điều trị các vấn đề về cơ xương khớp, chấn thương thể thao hay các vấn đề về cơ,…  Phương pháp mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh, giúp giảm đau, giảm viêm và thúc đẩy quá trình hồi phục. Vậy, siêu âm trị liệu là gì? Mời bạn đọc theo dõi nội dung dưới đây!

Siêu âm trị liệu là gì?

Siêu âm trị liệumột phương pháp vật lý trị liệu sử dụng sóng âm tần số cao (không nghe thấy được bằng tai người) để tác động vào các mô sâu bên trong cơ thể. Những sóng âm này tạo ra các rung động cơ học nhỏ, giúp giảm đau, giảm viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi các mô bị tổn thương.

Sóng âm này tạo ra các rung động cơ học, giúp giảm đau, giảm viêm, tăng cường tuần hoàn máu
Sóng âm này tạo ra các rung động cơ học, giúp giảm đau, giảm viêm, tăng cường tuần hoàn máu

Tần số sóng sử dụng trong siêu âm trị liệu thường nằm trong khoảng từ 1MHz đến 3MHz. Tùy thuộc vào mục tiêu điều trị (giảm đau, giảm viêm, tăng tuần hoàn máu…) mà bác sĩ sẽ chọn tần số phù hợp.

Tác dụng của phương pháp siêu âm trị liệu

Siêu âm trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu sử dụng sóng âm tần số cao để điều trị các vấn đề về cơ xương khớp. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể:

Tác dụng cơ học

Siêu âm tác động lên cơ thể chủ yếu bằng cách tạo ra những rung động nhỏ, khiến các phân tử trong môi trường giao động, tạo thành các pha nén và giãn. Hiện tượng này giống như “xoa bóp vi thể” ở cấp độ tế bào. Tần số sóng siêu âm cao (3MHz) sẽ tạo ra sự thay đổi áp suất nhanh hơn so với tần số thấp (1MHz). Sự thay đổi áp suất do sóng siêu âm tác động đến tế bào theo các cách sau:

  • Thay đổi thể tích tế bào
  • Tăng tính thấm của màng tế bào
  • Tăng hoạt động trao đổi chất
  • Hiệu quả của tác động cơ học phụ thuộc vào cường độ sóng siêu âm (W/cm2) và chế độ hoạt động liên tục hay xung.

Siêu âm được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh, như siêu âm tim, siêu âm mạch máu, sử dụng sóng siêu âm có cường độ thấp để tạo hình ảnh. Ngược lại, trong vật lý trị liệu, sóng siêu âm có cường độ cao hơn, đủ để tạo ra các tác động vật lý, sinh lý lên mô cơ thể, được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ứng dụng.

Sóng siêu âm trị liệu có cường độ cao hơn, đủ để tạo ra các tác động vật lý, sinh lý lên mô cơ thể
Sóng siêu âm trị liệu có cường độ cao hơn, đủ để tạo ra các tác động vật lý, sinh lý lên mô cơ thể.

Tác dụng nhiệt

Sóng siêu âm tác động lên mô tạo ra sự cọ xát giữa các phân tử, chuyển hóa năng lượng cơ học thành nhiệt năng dẫn đến hiện tượng sinh nhiệt trong mô. Sử dụng siêu âm liên tục với cường độ 1,5W/cm2 trong 5 phút có thể làm tăng nhiệt độ mô mềm khoảng 3,3 độ C, mô khớp khoảng 6,3 độ C và mô xương khoảng 9,3 độ C.

  • Giảm đau: Bằng cách giảm độ co cứng của cơ, tăng tuần hoàn máu và làm giảm kích thích các dây thần kinh.
  • Giảm viêm: Nhiệt làm tăng lưu lượng máu đến vùng tổn thương, giúp các chất trung gian hóa học gây viêm được đào thải nhanh chóng.
  • Tăng tính thấm của màng tế bào: Các chất dinh dưỡng và thuốc dễ dàng thẩm thấu vào tế bào, hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Tăng cường tuần hoàn máu: Nhiệt làm giãn nở mạch máu, tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô bị tổn thương.
  • Giãn cơ: Nhiệt giúp làm giãn các cơ bị căng cứng, giảm co thắt cơ.

Tác dụng sinh học 

Sự kết hợp giữa tác dụng cơ học và sinh nhiệt của sóng siêu âm tạo ra nhiều tác dụng sinh học, tăng hiệu quả điều trị:

  • Nhiệt độ tăng lên và tính thấm của mạch máu được cải thiện, giúp máu lưu thông tốt hơn, mang nhiều dưỡng chất đến các mô.
  • Sóng siêu âm tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh, giúp thư giãn cơ bắp.
  • Màng tế bào trở nên dễ bị xuyên qua hơn, hỗ trợ quá trình hấp thụ thuốc và dưỡng chất.
  • Sóng siêu âm thúc đẩy quá trình phục hồi mô, giúp vết thương mau lành.
  • Tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh giúp giảm đau nhức. 

Các thông số điều trị của siêu âm trị liệu

Các thông số điều trị bằng siêu âm là những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả và an toàn của quá trình điều trị. Việc lựa chọn các thông số này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mục đích điều trị, vùng điều trị, tình trạng bệnh nhân, và kinh nghiệm của người thực hiện.

Tần số: Tần số được lựa chọn tùy theo các mô cần điều trị.

  • 1 MHz: Thích hợp cho các mô sâu, từ 3-5cm. Tạo ra tác dụng nhiệt nhiều hơn.
  • 3 MHz: Thích hợp cho các mô nông, từ 1-2cm. Tạo ra tác dụng cơ học nhiều hơn.

Tác dụng của siêu âm trị liệu
Tác dụng của siêu âm trị liệu

Cường độ: Là lượng năng lượng được truyền đến mô. Cường độ quá thấp sẽ không hiệu quả, quá cao có thể gây bỏng.

Thời gian điều trị: Tùy thuộc vào vùng điều trị và mục đích điều trị, thường từ 5-10 phút/vùng.

Chế độ: Thông thường, chế độ liên tục tạo ra tác dụng nhiệt nhiều hơn, thích hợp cho các trường hợp cần giảm đau, tăng tuần hoàn. Chế độ xung tạo ra tác dụng cơ học nhiều hơn, thích hợp cho các trường hợp viêm cấp tính, tổn thương mô mềm.

Kích thước đầu phát: Tùy thuộc vào vùng điều trị. Đầu phát lớn dùng cho vùng rộng, đầu phát nhỏ dùng cho vùng nhỏ.

Kỹ thuật di động: Có nhiều kỹ thuật di động đầu phát khác nhau như: di chuyển tròn, di chuyển thẳng, di chuyển theo hình xoắn ốc…

Đối tượng thực hiện siêu âm trị liệu

Siêu âm trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu an toàn và hiệu quả, được áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Siêu âm trị liệu thường được áp dụng cho những người gặp phải các vấn đề về cơ xương khớp
Siêu âm trị liệu thường được áp dụng cho những người gặp phải các vấn đề về cơ xương khớp.

Siêu âm trị liệu được chỉ định cho nhiều trường hợp, bao gồm:

  • Tổn thương xương, khớp và cơ như: Bầm tím, bong gân, sai khớp, gãy xương…
  • Viêm khớp dạng thấp mãn tính, thoái hóa khớp, bệnh Bechterew, viêm bao hoạt dịch, viêm cơ…
  • Đau thần kinh ngoại vi, đau lưng do thoát vị đĩa đệm…
  • Rối loạn tuần hoàn như: Bệnh Raynaud, Buerger, Sudeck, phù nài nỉ…
  • Vết thương, vết loét, sẹo xấu, sẹo lồi…
  • Siêu âm hỗ trợ dẫn thuốc và điều trị thẩm mỹ.

Một số trường hợp chống chỉ định siêu âm trị liệu, cụ thể: 

  • Vùng có khối u: Siêu âm có thể làm tăng tốc độ phát triển của tế bào ung thư.
  • Vùng đang chảy máu: Siêu âm có thể làm tăng tình trạng chảy máu.
  • Vùng nhiễm trùng cấp tính: Siêu âm có thể làm tăng sự lan rộng của nhiễm trùng.
  • Trên các cơ quan nội tạng: Não, tủy sống, tim, mắt, buồng trứng, tinh hoàn…
  • Vùng có các thiết bị y tế kim loại: Máy tạo nhịp tim, nẹp vít…
  • Phụ nữ mang thai: Siêu âm có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Vùng da bị tổn thương: Vết loét, bỏng…

Lưu ý khi tiến hành siêu âm trị liệu

Nhiều người lo lắng khi thực hiện siêu âm trị liệu, nhưng thực tế tần số sóng siêu âm được sử dụng trong điều trị (từ 1MHz đến 3MHz) nằm trong mức an toàn, không gây hại cho sức khỏe. Bác sĩ sẽ điều chỉnh cường độ và chu kỳ xung cho phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.

Mặc dù siêu âm trị liệu có nhiều ưu điểm và tương đối an toàn, nhưng không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng. Một số trường hợp chống chỉ định bao gồm: Chấn thương ở mắt, não, tủy sống, cơ quan sinh dục, vùng đang chảy máu, có vết thương hở, nhiễm trùng hoặc viêm.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, siêu âm trị liệu nên được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, bởi các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm. Sai sót trong quá trình thực hiện có thể dẫn đến bỏng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Siêu âm trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Với khả năng giảm đau, giảm viêm, thúc đẩy quá trình hồi phục, siêu âm trị liệu đã trở thành một lựa chọn phổ biến trong điều trị các vấn đề về cơ xương khớp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện đúng theo chỉ định.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ