Bé khò khè có tiêm phòng được không và nên trì hoãn bao lâu?

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Bé khò khè có tiêm phòng được không và nên trì hoãn bao lâu?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 27, 2024

Thở khò khè là một bệnh lý đường hô hấp mạn tính phổ biến ở trẻ em, có thể do nhiều yếu tố gây ra như các yếu tố khí tượng, môi trường, tuổi tác, tình trạng béo phì, và các bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính liên quan đến đường hô hấp hoặc thần kinh. Vậy, bé khò khè có tiêm phòng được không?

Dấu hiệu nhận biết bé thở khò khè

Thở khò khè ở trẻ em được nhận biết qua tiếng thở bất thường, có âm sắc trầm và nghe rõ nhất khi thở ra, với nhịp thở không đều, giống như tiếng ngáy nhẹ khi ngủ. Trong trường hợp đường thở bị thu hẹp nghiêm trọng, có thể nghe thấy tiếng thở khò khè the thé khi trẻ hít vào. Phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện bằng cách áp tai sát gần miệng trẻ, đặc biệt khi trẻ ngủ, tiếng thở khò khè sẽ càng rõ hơn.

Triệu chứng thở khò khè thường đi kèm với các biểu hiện khác như ho khan, ho có đờm, sốt, sổ mũi và khó ăn
Triệu chứng thở khò khè thường đi kèm với các biểu hiện khác như ho khan, ho có đờm, sốt, sổ mũi và khó ăn

Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, nhận biết thở khò khè càng dễ dàng hơn thông qua các dấu hiệu như khó thở, thở ra kéo dài và gắng sức, thở nhanh, sử dụng nhiều cơ ngực, lỗ mũi phập phồng và da có thể chuyển sang màu xanh, xám hoặc tím tái. Triệu chứng thở khò khè thường đi kèm với các biểu hiện khác như ho khan, ho có đờm, sốt, sổ mũi và khó ăn (do suy tim hoặc khó nuốt), tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Thở khò khè là một vấn đề hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời, với tỷ lệ mắc bệnh lên tới 50% trong năm đầu tiên. Thống kê cho thấy 25-30% trẻ sơ sinh sẽ trải qua ít nhất một đợt thở khò khè; tỷ lệ này tăng lên 40% khi trẻ được 3 tuổi và gần 50% khi trẻ được 6 tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ tái phát của tình trạng này ở trẻ dưới 1 tuổi là trên 10%.

Nguyên nhân gây ra khò khè ở trẻ

Thở khò khè ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là các vấn đề liên quan đến dị ứng,  tắc nghẽn đường hô hấp dưới (từ đoạn khí quản ngực đến các phế quản nhỏ), bệnh trào ngược dạ dày thực quản, khó thở khi ngủ, mềm sụn thanh quản, hen suyễn (hen phế quản),  viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp cấp,…

Khò khè ở trẻ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khò khè ở trẻ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

  • Dị ứng là một phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với các chất thường vô hại, gọi là chất gây dị ứng. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ hiểu nhầm đó là một mối đe dọa và phản ứng lại bằng cách giải phóng các hóa chất gây viêm, dẫn đến các triệu chứng dị ứng. Do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa có khả năng tự làm sạch cổ họng hoàn thiện, đờm dãi và dịch nhầy không được loại bỏ mà tích tụ lại, dẫn đến tắc nghẽn đường thở và gây ra tình trạng thở khò khè.
  • Trào ngược dạ dày hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến xảy ra khi dịch vị từ dạ dày (bao gồm axit, thức ăn, men tiêu hóa) trào ngược lên thực quản. Điều này gây kích ứng niêm mạc thực quản và dẫn đến các triệu chứng khó chịu.
  • Hen phế quản là một bệnh viêm đường thở mạn tính thường gặp ở trẻ em, thường gây ra tình trạng thở khò khè tái diễn. Bệnh có thể khởi phát khi trẻ gắng sức, có những biến đổi cảm xúc đột ngột như khóc hoặc cười to, hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên. Mặc dù hen phế quản ít liên quan đến nhiễm khuẩn, nhưng đôi khi có thể bộc phát sau khi nhiễm cúm hoặc nhiễm vi khuẩn như mycoplasma. Đặc biệt, ở những trẻ có cơ địa dị ứng, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hoặc viêm đa xoang, tình trạng hen phế quản liên quan đến dị ứng cũng có thể gây ra thở khò khè.
  • Mềm sụn thanh quản là một tình trạng bất thường bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây ra tiếng thở khò khè do hẹp đường thở. Bệnh chiếm đến 60% những bất thường của bẩm sinh thanh quản.
  • Khó thở khi ngủ xảy ra khi đường thở bị tắc nghẽn, khiến cho sự chuyển động của không khí qua các đường dẫn khí nhỏ bị thu hẹp hoặc bị nén. Khi trẻ thở trong tình trạng này, có thể phát ra tiếng khò khè đặc trưng.
  • Viêm phế quản là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới, chủ yếu do virus như virus hợp bào hô hấp (RSV), Rhinovirus, virus cúm hoặc vi khuẩn phế cầu gây ra. Theo thống kê, khoảng 80% trường hợp trẻ thở khò khè cấp tính có liên quan đến nhiễm virus đường hô hấp. Tình trạng này thường xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc diễn biến phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc khi trời chuyển lạnh. Trong những điều kiện này, cổ họng tiết nhiều đờm và dịch nhầy, có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến các triệu chứng như ho khan dữ dội và thở khò khè.
  • Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt phổ biến ở trẻ 1 tuổi. Bệnh gây viêm ở vùng tiểu phế quản, nơi có đường thở với đường kính dưới 2mm. Nguyên nhân chủ yếu do virus, trong đó phổ biến nhất là virus hợp bào hô hấp RSV, gây ra các triệu chứng như ho và sốt, có thể sốt cao đến 39 độ C. Khi bệnh phát triển đến giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có triệu chứng khò khè, và trong trường hợp nặng có thể dẫn đến thở nhanh, kích thích quấy khóc, và gắng sức của các cơ hô hấp.
  • Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dễ mắc ở trẻ dưới 2 tuổi do sức đề kháng cơ địa yếu. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng ho và sốt. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có biểu hiện tăng tần số thở, thở gắng sức, thở rút lõm lồng ngực, và co kéo đường hô hấp trong quá trình thở, dẫn đến tình trạng thở khò khè.

Ngoài ra, các nguyên nhân hiếm gặp khác như dị vật đường thở, một số dị tật bẩm sinh của phế quản,  trẻ có khối u hoặc bệnh ác tính, rối loạn chức năng dây thanh, lao, phù phổi, phế quản bị chèn ép (do mạch máu bất thường, u, hạch cạnh phế quản),…. Đối với trường hợp này, trẻ thường xuất hiện dấu hiệutrẻ khò khè khó thở dai dẳng, kéo dài.

Khi trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng như tần số thở nhanh hơn bình thường, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực, phụ huynh cần đặc biệt chú ý. Trong trường hợp trẻ có các triệu chứng nguy hiểm như sốt cao, ăn kém, ý thức kích thích, li bì, nôn trớ, hoặc tiêu chảy, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bé khò khè có tiêm phòng được không?

Trẻ thở khò khè vẫn có thể được tiêm phòng vắc xin nếu nguyên nhân được xác định là do các tình trạng sinh lý thông thường như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng nhẹ, hen suyễn, khó thở khi ngủ, hay mềm sụn thanh quản gây khụt khịt. Điều kiện tiên quyết là trẻ phải được bác sĩ chuyên khoa khám và xác nhận tình trạng sức khỏe ổn định, với nhịp thở đều và không quá nhanh. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của trẻ để có thể xử trí kịp thời, đồng thời thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc sau tiêm của nhân viên y tế.

 Trong nhiều trường hợp, bé bị khò khè vẫn có thể tiêm phòng.
Trong nhiều trường hợp, bé bị khò khè vẫn có thể tiêm phòng theo lịch tiêm khuyến cáo, nếu do các tình trạng bệnh lý cấp tính, cần được hoãn tiêm cho đến khi trẻ bình phục. 

Trẻ có thể tiêm vắc xin trong một số trường hợp thở khò khè sinh lý khác: 

Tư thế ẵm và nằm không đúng cách có thể gây ra tình trạng tì đè, tạo áp lực lên đường thanh quản của trẻ, dẫn đến tiếng thở khò khè. Đây là tình trạng thở khò khè sinh lý thông thường và trẻ hoàn toàn có thể tiêm vắc xin. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý ẵm bé và cho bé nằm đúng cách, tránh để bé nằm sấp hoặc đặt vật nặng lên ngực trẻ để không gây nghẽn thanh quản.

Khi trẻ ngậm bắt vú không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng không nuốt kịp khi sữa chảy, khiến sữa tích tụ nơi thanh quản. Điều này có thể gây ra các vấn đề như sặc sữa hoặc thở khò khè ở trẻ.

Những âm thanh có thể bị nhầm lẫn với tiếng khò khè, như tiếng nghẹt mũi hay âm thanh bất thường từ đường thở do trẻ thở bằng miệng. Do đường thở của trẻ nhỏ ngắn hơn nhiều so với trẻ lớn và người lớn, khi bị nghẹt mũi, không khí đi qua khe hẹp sẽ tạo ra âm thanh có thể gây nhầm lẫn với tiếng thở khò khè. Thực chất là âm thanh từ đường hô hấp trên, khiến phụ huynh dễ nhầm với âm thanh bất thường ở đường hô hấp dưới dẫn đến lo lắng trong vấn đề tiêm phòng cho trẻ. Để chắc chắn nguyên nhân gây thở khò khè ở trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Khi thở khò khè ở trẻ không xuất phát từ các yếu tố sinh lý thông thường, có thể do nguyên nhân bệnh lý. Điều quan trọng là cần xác định là nguyên nhân bệnh lý bẩm sinh hay bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp:

Đối với trường hợp trẻ thở khò khè do viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phổi, kèm theo các triệu chứng bất thường về tiếng thở và kiểu thở, cùng với các biểu hiện như sốt, ho, tinh thần lừ đừ, bú kém và kém linh hoạt, việc tiêm chủng cần được hoãn lại. Trước tiên, trẻ phải được điều trị và chăm sóc cho đến khi tình trạng viêm nhiễm thuyên giảm và sức khỏe ổn định. Sau đó, trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa xác nhận tình trạng sức khỏe và được bác sĩ tiêm chủng đánh giá cẩn thận về lợi ích và nguy cơ trước khi đưa ra chỉ định tiêm chủng vắc xin phù hợp.

Trong trường hợp trẻ thở khò khè do các bệnh lý bẩm sinh, việc quyết định tiêm chủng cần dựa trên mức độ diễn biến của tình trạng thở khò khè. Điều này sẽ giúp xác định liệu trẻ có thể tiêm chủng ngoài bệnh viện, cần tiêm trong bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ, hoặc cần tạm hoãn việc tiêm chủng.

Lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ bị khò khè

Việc tiêm phòng cho trẻ bị khò khè cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

Phụ huynh cần mang theo phiếu hoặc sổ tiêm chủng cùng các giấy tờ, văn kiện liên quan đến tình trạng sức khỏe của trẻ khi đến tiêm chủng.

Thông báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ để có hướng xử trí phù hợp.

  • Cân nặng (đối với trẻ sơ sinh);
  • Trong vài ngày gần đây, bé có ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi bình thường không
  • Mô tả chi tiết tình trạng thở khò khè của trẻ;
  • Trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không;
  • Trẻ có đang dùng thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào trong 3 tháng qua không;
  • Nếu bé đã từng tiêm phòng và có phản ứng phụ, cần thông báo cho bác sĩ biết.
  • Tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn (nếu có);
  • Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng (quấy khóc kéo dài, phát ban, tím tái, khó thở, sốt cao khó hạ,…) ở những lần tiêm trước không.

Chủ động yêu cầu nhân viên y tế cung cấp thông tin về loại vắc xin sẽ tiêm, những phản ứng có thể gặp và cách theo dõi trẻ sau tiêm, đặc biệt chú ý các dấu hiệu nghiêm trọng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Trong quá trình tiêm chủng, phụ huynh cần giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn.

Lưu lại tại trung tâm tiêm chủng trong 30 phút sau khi tiêm để nhân viên y tế theo dõi và có thể xử trí kịp thời nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra.

Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong ít nhất 48 giờ sau tiêm về các mặt như toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban và phản ứng tại chỗ tiêm; có thể chườm lạnh nếu vết tiêm sưng đỏ nhưng tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, duy trì chế độ dinh dưỡng bình thường, khuyến khích cho trẻ bú mẹ và uống nhiều nước hơn với trẻ lớn.

Sau tiêm chủng, nếu trẻ có những biểu hiện khác thường, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được kiểm tra.

  • Sốt cao trên 39 độ C;
  • Co giật hay mệt lả, không có phản ứng khi được gọi, lừ đừ;
  • Tím tái, khó thở, rút lõm lồng ngực khi thở, thở rít;
  • Quấy khóc dữ dội, kéo dài;
  • Nếu sau tiêm chủng, trẻ có biểu hiện ăn hoặc bú kém, kèm theo các phản ứng thường gặp như sốt nhẹ, quấy khóc, hoặc phát ban, và các triệu chứng này kéo dài hơn 1 ngày.

Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của con sau tiêm chủng, đừng ngần ngại đến gặp nhân viên y tế để được thăm khám và tư vấn.

Khò khè ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và việc tiêm phòng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong trường hợp khò khè do các bệnh cấp tính, nhiễm trùng, cần điều trị khỏi trước khi tiêm. Nếu khò khè do các nguyên nhân khác như dị ứng, trào ngược dạ dày, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bé và quyết định có nên tiêm phòng hay không. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo
  1. Weiss, L. N. (2008, April 15). The diagnosis of wheezing in children. AAFP. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2008/0415/p1109.html
  2. Smyth, R. L., & Openshaw, P. J. (2006). Bronchiolitis. PubMed. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16860701/
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ