Các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo và chống chỉ định cần biết

Trang chủ > Chuyên khoa > Chẩn đoán > Vô tuyến học > Các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo và chống chỉ định cần biết

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười một 6, 2024

Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng, cũng như xác định khả năng mang thai, kiểm tra sức khỏe thai nhi và hỗ trợ thực hiện một số thủ thuật phụ khoa. Bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo và chống chỉ định.

Siêu âm đầu dò âm đạo là gì?

Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật phổ biến trong sản phụ khoa, giúp bác sĩ kiểm tra các cơ quan sinh sản nữ như buồng trứng, tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và âm đạo. Hình ảnh siêu âm cung cấp thông tin về tình trạng phát triển và bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của các cơ quan sinh dục hoặc bào thai. Khác với siêu âm vùng bụng – chậu thông thường (đầu dò nằm bên ngoài khung chậu), kỹ thuật siêu âm đầu dò đưa đầu dò siêu âm vào sâu 5 – 8cm trong âm đạo.

Siêu âm đầu dò được chỉ định trong chẩn đoán thai nghén sớm
Siêu âm đầu dò được chỉ định trong chẩn đoán thai nghén sớm

Có nhiều chị em phụ nữ sẽ thắc mắc liệu siêu âm đầu dò có hại không? Siêu âm đầu dò được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa sản có kinh nghiệm chuyên môn cao. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ di chuyển thiết bị quanh âm đạo một cách nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến tử cung và cổ tử cung. Vậy nên, siêu âm đầu dò âm đạo an toàn, không gây đau nhưng sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Vậy, đâu là các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo?

Các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo

Kỹ thuật siêu âm đầu dò âm đạo giúp bác sĩ thu được hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn so với siêu âm bụng, nhờ đó phát hiện sớm các bất thường và đưa ra chẩn đoán chính xác.

Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh sản, phụ khoa
Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh sản, phụ khoa

Trong phụ khoa

  • Siêu âm các cơ quan sinh dục gồm tử cung, vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng;
  • Siêu âm chẩn đoán xác định một số bệnh lý phụ khoa như u, viêm nhiễm, lạc nội mạc;
  • Siêu âm theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bình thường;
  • Siêu âm theo dõi quá trình điều trị vô sinh;
  • Siêu âm chẩn đoán tình trạng mang thai ngoài tử cung.

Trong sản khoa

Siêu âm đầu dò là một kỹ thuật quan trọng trong sản khoa, đặc biệt trong việc chẩn đoán thai nghén sớm.

  • Phát hiện sớm thai nghén;
  • Xác định số lượng thai nhi trong tử cung;
  • Kiểm tra nhịp tim của thai nhi;
  • Ước lượng tuổi thai chính xác;
  • Kiểm tra hình dạng và cấu trúc của thai nhi;
  • Đối với thai nhi lớn, siêu âm ngã âm đạo được sử dụng trong trường hợp nghi ngờ nhau tiền đạo hoặc đánh giá tình trạng cổ tử cung (hở eo tử cung, độ dài cổ tử cung).

Trong một số thủ thuật sản phụ khoa

Siêu âm đầu dò đóng vai trò hỗ trợ trong một số thủ thuật sản phụ khoa, cụ thể:

  • Siêu âm cổ tử cung;
  • Chọc hút noãn;
  • Chọc dò cùng đồ sau;
  • Siêu âm tầng sinh môn;
  • Chọc hút dịch ở bệnh nhân u nang buồng trứng;
  • Chụp buồng tử cung bằng kỹ thuật siêu âm.

Những đối tượng chống chỉ định siêu âm đầu dò

Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật hữu ích trong việc chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phù hợp để thực hiện kỹ thuật này. Dưới đây là một số trường hợp chống chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo:

  • Người chưa quan hệ tình dục: Đối với những người phụ nữ chưa quan hệ tình dục, màng trinh còn nguyên, việc đưa đầu dò vào âm đạo có thể làm rách màng trinh. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm qua đường trực tràng để đánh giá.
  • Dị tật bộ phận sinh dục: Các dị tật sinh dục có thể làm thay đổi cấu trúc bình thường của âm đạo, tử cung, hoặc các cơ quan sinh dục khác. Điều này khiến cho việc đưa đầu dò vào âm đạo trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể gây tổn thương.
  • Người đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang bị viêm nhiễm cấp tính vùng âm đạo, viêm âm đạo cấp độ nặng: Việc đưa đầu dò vào âm đạo khi đang bị viêm nhiễm có thể làm tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, lây lan sang các cơ quan sinh dục khác. Các trường hợp chống chỉ đinh siêu âm đầu dò như: Viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp tính,…

Kỹ thuật siêu âm đầu dò âm đạo thực hiện như thế nào?

Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, được sử dụng rộng rãi trong sản phụ khoa. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành theo các bước sau:

Quá trình siêu âm đầu dò âm đạo thường diễn ra nhanh chóng và không gây đau đớn.

Chuẩn bị

  • Bác sĩ sẽ chuẩn bị đầu dò siêu âm, gel siêu âm và bao cao su. Bạn sẽ được yêu cầu thay đồ và mặc áo choàng.
  • Trước khi siêu âm, bạn có thể được yêu cầu đi tiểu, nhưng điều này sẽ tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ. Bàng quang đầy sẽ giúp bác sĩ nhìn rõ hơn các cơ quan vùng chậu trên hình ảnh siêu âm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể muốn bàng quang rỗng.

Các bước thực hiện

  • Người bệnh sẽ nằm ngửa trên bàn khám, gập đầu gối và được kê một chiếc gối nhỏ dưới mông để tạo tư thế thoải mái và thuận lợi cho bác sĩ thực hiện siêu âm.
  • Đầu dò siêu âm sẽ được bọc một lớp bao cao su và bôi gel siêu âm để tạo sự tiếp xúc trơn tru và giảm ma sát khi đưa vào âm đạo.
  • Đầu dò siêu âm phát ra sóng âm, sau đó thu nhận tín hiệu phản hồi. Những tín hiệu này được xử lý và mã hóa để tạo ra hình ảnh các cơ quan trong vùng chậu. Trong quá trình thăm khám, đầu dò có thể được xoay nhẹ để thu được hình ảnh đầy đủ và chi tiết hơn.
  • Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm truyền nước muối vào lòng tử cung để kiểm tra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bên trong tử cung. Phương pháp này giúp bác sĩ nhìn rõ hơn cấu trúc bên trong tử cung, nhưng không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang bị nhiễm trùng.

Siêu âm thường diễn ra trong khoảng 15 đến 20 phút và kết quả thường được cung cấp ngay sau khi kết thúc thủ thuật.

 Siêu âm đầu dò phát hiện bệnh gì?

Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm đầu dò khi cần kiểm tra kỹ lưỡng các cơ quan sinh sản nữ như tử cung, buồng trứng, vòi trứng và cổ tử cung nếu nghi ngờ có bất thường. Phương pháp này cũng được sử dụng để theo dõi quá trình rụng trứng, sự phát triển của trứng và đánh giá độ dày của niêm mạc tử cung.

Siêu âm đầu dò có thể giúp phát hiện các bệnh lý về tử cung, buồng trứng,...
Siêu âm đầu dò có thể giúp phát hiện các bệnh lý về tử cung, buồng trứng,…

Siêu âm đầu dò giúp phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu thai kỳ, giúp bác sĩ:

  • Phát hiện sớm thai ngoài tử cung: Ở tuần thứ 4-5, siêu âm đầu dò giúp xác định chính xác vị trí của thai nhi, phát hiện sớm những trường hợp thai ngoài tử cung, tránh những biến chứng nguy hiểm như vỡ ống dẫn trứng, nhiễm trùng ổ bụng,…
  • Đánh giá tim thai sớm: Từ tuần thứ 6-8, siêu âm đầu dò cho phép bác sĩ nghe tim thai, giúp phát hiện sớm những trường hợp thai ngừng phát triển.
  • Xác định số lượng thai: Siêu âm đầu dò giúp xác định chính xác số lượng thai, là thai 1 noãn hay khác noãn.
  • Xác định vị trí bánh nhau: Trong trường hợp thai nhi đã lớn, đầu thai nhi che khuất sóng âm, siêu âm đầu dò có thể giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí của bánh nhau, loại bỏ nghi ngờ nhau tiền đạo.

Vậy siêu âm đầu dò phát hiện bệnh gì? Khi khám phụ khoa bằng siêu âm đầu dò còn giúp chẩn đoán một số bệnh phụ khoa khác như:

  • U nang buồng trứng: Siêu âm đầu dò giúp phát hiện sớm u nang buồng trứng, một bệnh lý thường không có triệu chứng rõ ràng, giúp điều trị kịp thời trước khi bệnh nặng.
  • U xơ tử cung: Hình ảnh siêu âm cho phép đánh giá kích thước, vị trí của u xơ tử cung, giúp theo dõi sự phát triển của khối u và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Ung thư tử cung: Siêu âm đầu dò giúp phát hiện sớm ung thư tử cung, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, giúp tăng khả năng điều trị thành công.
  • Viêm tắc ống vòi trứng: Siêu âm đầu dò giúp phát hiện tình trạng viêm tắc ống vòi trứng, xác định vị trí tắc nghẽn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Siêu âm đầu dò âm đạo có an toàn không?

Siêu âm qua đường âm đạo là một phương pháp thăm khám an toàn, không gây rủi ro cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi do không sử dụng bức xạ. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ chỉ di chuyển đầu dò trong âm đạo mà không chạm đến cổ tử cung. Dù một số thai phụ có thể cảm thấy hơi khó chịu khi đưa đầu dò vào, nhưng cảm giác này thường nhẹ và sẽ nhanh chóng hết sau khi kết thúc thăm khám.

Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật an toàn và không gây đau đớn.
Siêu âm đầu dò âm đạo là một kỹ thuật an toàn cho cả phụ nữ mang thai và không mang thai.

Siêu âm đầu dò còn đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu thai kỳ, giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí của thai nhi và phát hiện sớm trường hợp thai ngoài tử cung – một biến chứng nguy hiểm cần được can thiệp kịp thời.

Việc không phát hiện sớm thai ngoài tử cung có thể gây ra nguy cơ như vỡ túi thai, nhiễm trùng ổ bụng, mất máu nặng và đe dọa tính mạng thai phụ. Trong một số trường hợp đặc biệt, ngay cả khi thai đã lớn, bác sĩ vẫn có thể chỉ định siêu âm đầu dò để theo dõi tình trạng cổ tử cung hoặc kiểm tra khả năng nhau tiền đạo.

Trên đây là thông tin các trường hợp chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo. Siêu âm đầu dò âm đạo mang lại độ chính xác cao trong chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện thai sớm, các bệnh lý phụ khoa và hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn. Để đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình thăm khám, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của đội ngũ y tế. Do đó, phụ nữ nên thực hiện siêu âm đầu dò định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe sinh sản.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ