Siêu âm thai: Khái niệm, phân loại, ưu nhược điểm và lịch siêu âm

Trang chủ > Chuyên khoa > Chẩn đoán > Vô tuyến học > Siêu âm thai: Khái niệm, phân loại, ưu nhược điểm và lịch siêu âm

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười một 13, 2024

Siêu âm thai đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe của thai phụ và thai nhi, từ việc xác định tuổi thai, theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của các cơ quan, đến việc phát hiện các bất thường về cấu trúc, nhiễm sắc thể và các vấn đề liên quan đến nhau thai.

Siêu âm thai là gì?

Siêu âm thai là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe của thai nhi trong suốt thai kỳ. Việc siêu âm thường xuyên giúp mẹ bầu nắm rõ tình trạng phát triển của thai nhi, từ đó có thể bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Siêu âm thai giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi
Siêu âm thai giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi

Phương pháp sử dụng sóng âm (có tần số cao, tai người không thể nghe được) để tạo ra hình ảnh của thai nhi trong bụng mẹ. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi một cách dễ dàng và kịp thời phát hiện các bất thường hoặc dị tật bẩm sinh (nếu có).

Siêu âm thai lần đầu tiên thường được thực hiện trong ba tháng đầu thai kỳ nhằm xác nhận sự hiện diện của thai và ước tính ngày dự sinh. Nếu thai kỳ diễn tiến bình thường, lần siêu âm tiếp theo sẽ được thực hiện vào tam cá nguyệt thứ hai, khi thai nhi đã phát triển đầy đủ chi tiết. Nếu nghi ngờ thai nhi có vấn đề, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm hình ảnh, như MRI, để kiểm tra kỹ hơn.

Các loại hình siêu âm thai

Có 5 loại siêu âm thai, mỗi loại có những ưu điểm và ứng dụng riêng. Dưới đây là một số loại hình siêu âm thai phổ biến:

Có nhiều loại hình siêu âm thai khác nhau, mỗi loại có những ưu điểm và ứng dụng riêng.
Có nhiều loại hình siêu âm thai khác nhau, mỗi loại có những ưu điểm và ứng dụng riêng.

Siêu âm qua ngả âm đạo

Siêu âm qua ngã âm đạo là một kỹ thuật siêu âm sử dụng một đầu dò đặc biệt được đưa vào âm đạo để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan sinh sản nữ. Kỹ thuật siêu âm này mang lại hình ảnh rõ nét, phù hợp cho việc kiểm tra thai kỳ ở giai đoạn đầu.  Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác về tình trạng thai sớm trong tử cung, xác định tuổi thai, dự đoán ngày dự sinh hoặc phát hiện những bất thường của mẹ và thai nhi.

Siêu âm qua thành bụng

Siêu âm qua thành bụng sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cơ quan bên trong ổ bụng. Đầu dò siêu âm được đặt trực tiếp lên da bụng, sóng âm sẽ xuyên qua thành bụng và phản xạ lại từ các cơ quan bên trong, tạo thành hình ảnh trên màn hình.

Đối với thai phụ có thành bụng dày hoặc thai nhi còn quá nhỏ, quan sát bằng phương pháp này có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá tình trạng thai. Lúc này, các bác sĩ thường kết hợp siêu âm đầu dò âm đạo hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thích hợp khác.

Siêu âm 2D, 3D, 4D

Siêu âm là phương pháp an toàn, không xâm lấn, sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh 2D, 3D và 4D của thai nhi. Kỹ thuật này đôi khi được sử dụng để giúp bác sĩ phát hiện các bất thường trên khuôn mặt hoặc khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler là một kỹ thuật hữu ích trong việc theo dõi thai kỳ, giúp tầm soát nguy cơ tiền sản giật, đánh giá lưu lượng máu trong tử cung và nhau thai, đồng thời đánh giá sức khỏe của thai nhi thông qua việc kiểm tra tuần hoàn thai nhi.

Siêu âm Doppler giúp đánh giá chức năng của tim, mạch máu, van tim, các mạch máu nuôi dưỡng các cơ quan.
Siêu âm Doppler giúp đánh giá chức năng của tim, mạch máu, van tim, các mạch máu nuôi dưỡng các cơ quan.

Siêu âm tim thai

Siêu âm tim thai chi tiết được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ thai nhi có dấu hiệu dị tật tim bẩm sinh. Kỹ thuật này giúp khảo sát hình thái, cấu trúc, hoạt động của tim thai, từ đó phát hiện các bất thường bẩm sinh về tim thai.

Tầm quan trọng của siêu âm thai nhi 

Siêu âm thai đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, giúp bác sĩ đưa ra những can thiệp kịp thời (nếu có). 

Siêu âm thai đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
Siêu âm thai đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ nhằm xác định sự hiện diện, kích thước và vị trí của thai nhi, xác định số lượng thai nhi, ước tính ngày dự sinh. Bên cạnh đó, siêu âm còn được chỉ định để sàng lọc các bất thường di truyền cũng như các vấn đề về tử cung hoặc cổ tử cung của sản phụ.

Trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, siêu âm tiêu chuẩn được thực hiện nhằm đánh giá một số đặc điểm của thai nhi, bao gồm cả giải phẫu. Siêu âm thường được thực hiện trong khoảng từ tuần 18 đến 20 của thai kỳ.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm thai nhi để:

  • Xác nhận mang thai và vị trí của thai nhi: Siêu âm thai nhi có thể giúp bác sĩ phát hiện thai ngoài tử cung, tình trạng thai nhi phát triển bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.
  • Xác định tuổi thai: Biết tuổi thai giúp bác sĩ dự đoán ngày sinh và theo dõi các mốc phát triển quan trọng của thai nhi trong suốt thai kỳ.
  • Xác nhận số lượng thai nhi: Siêu âm có thể xác nhận số lượng thai nhi nếu bác sĩ nghi ngờ trường hợp đa thai.
  • Đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi: Siêu âm giúp bác sĩ theo dõi tốc độ phát triển của thai nhi, đồng thời theo dõi chuyển động, nhịp thở và nhịp tim của bé.
  • Nghiên cứu nhau thai và mức nước ối: Siêu âm giúp đánh giá tình trạng nhau thai và lượng nước ối bao quanh thai nhi, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi đồng thời phát hiện sớm các vấn đề như quá nhiều hoặc quá ít nước ối, hay các bất thường của nhau thai.
  • Xác định dị tật bẩm sinh: Siêu âm có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm một số dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
  • Xác định nguyên nhân các biến chứng: Siêu âm là kỹ thuật giúp bác sĩ xác định nguyên nhân chảy máu hoặc các biến chứng khác xảy ra trong thai kỳ.
  • Các xét nghiệm tiền sản khác: Siêu âm giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác để đặt kim trong các xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm.
  • Xác định vị trí của thai nhi trước khi sinh: Hầu hết thai nhi sẽ xoay đầu xuống vào cuối tam cá nguyệt thứ ba. Siêu âm giúp bác sĩ xác định vị trí của thai nhi, từ đó đưa ra phương pháp sinh nở phù hợp.

Các giai đoạn siêu âm thai

Nhiều bà mẹ chủ quan cho rằng siêu âm thai bất kỳ lúc nào cũng có thể phát hiện ra dị tật nếu có. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào siêu âm cũng có thể phát hiện dị tật ngay lập tức, vì khả năng phát hiện phụ thuộc vào thời điểm, vị trí và loại dị tật. 

Qua các lần siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm các bất thường
Qua các lần siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm các bất thường.

Việc siêu âm muộn có thể khiến dị tật thai nhi trở nên nặng hơn, do mẹ bầu không chú ý đến chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt điều độ. Hơn nữa, khi tuổi thai đã lớn, việc đình chỉ thai nghén sẽ gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ (từ tuần 5 đến tuần 13 ngày 6) nhằm các mục đích sau:

  • Xác nhận tình trạng mang thai của thai phụ.
  • Kiểm tra sự hiện diện của tim thai.
  • Xác định số lượng thai nhi, vị trí bánh nhau và túi ối, đặc biệt quan trọng khi mang đa thai.
  • Xác định chính xác tuổi thai và tính toán ngày sinh dự kiến.
  • Phát hiện sớm các trường hợp thai ngoài tử cung hoặc sẩy thai.
  • Đánh giá quá trình phát triển của thai nhi có phù hợp với tuổi thai không và phát hiện sớm các bất thường.
  • Thực hiện khảo sát hình thái học thai nhi giai đoạn I.
  • Kiểm tra tình trạng tử cung và các cơ quan phần phụ của người mẹ.

Trong giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ, thực hiện siêu âm thai nhi (từ tuần 20-25) nhằm:

  • Theo dõi và đánh giá sự phát triển của thai nhi theo từng tuổi thai.
  • Thực hiện siêu âm 4D hình thái học thai nhi giai đoạn II.
  • Tiến hành đo chiều dài kênh cổ tử cung của mẹ bầu.

Giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ (từ tuần 28 đến trước khi sinh), việc siêu âm được thực hiện nhằm: 

  • Theo dõi quá trình phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn tuổi thai.
  • Đánh giá chi tiết hình thái học thai nhi để phát hiện sớm các dị tật có thể xuất hiện.
  • Kiểm tra tình trạng nhau thai và nước ối, giúp phát hiện các vấn đề như nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau bám màng, bánh nhau phụ, hoặc tình trạng thiểu ối, đa ối.
  • Chẩn đoán các bất thường có thể xảy ra với buồng trứng hoặc tử cung của thai phụ.

Ưu/nhược điểm của phương pháp siêu âm thai

Siêu âm thai là một kỹ thuật quan trọng giúp bác sĩ xác định thai kỳ, theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các bất thường, hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Công nghệ siêu âm hiện đại đã có những bước tiến vượt bậc, cho phép tạo ra hình ảnh 3D và 4D của thai nhi, giúp bác sĩ theo dõi chi tiết hơn sự phát triển của bé.

Theo dõi sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn, đặc biệt với công nghệ 3D và 4D, bác sĩ có thể phát hiện tốt hơn các dị tật về hình thái của thai nhi.

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, chưa ghi nhận tác dụng phụ nào đối với mẹ và thai nhi, cho phép kiểm tra nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ.

Cung cấp thông tin quan trọng cho bác sĩ sản khoa, giúp họ theo dõi thai kỳ và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích, siêu âm thai cũng có một số hạn chế như khó khăn trong việc khảo sát rõ tình trạng thai nhi đối với những trường hợp sản phụ có thành bụng dày hoặc thai nhi nằm trong tư thế không thuận lợi.

Cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm thai?

Trước khi siêu âm thai, mẹ bầu có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, nếu siêu âm trước tuần thứ 10, mẹ bầu cần uống nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang đầy, giúp hình ảnh siêu âm rõ hơn.

Nếu đã từng đi khám thai trước đó, hãy mang theo kết quả siêu âm
Nếu đã từng đi khám thai trước đó, hãy mang theo kết quả siêu âm.

Lưu ý hạn chế uống rượu bia, chất kích thích, nước ngọt hoặc nước trái cây trước khi siêu âm. Để quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, mẹ bầu nên chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát.

Thông qua các chỉ số siêu âm như chiều dài đầu mông (CRL), đường kính lưỡng đỉnh (BPD), chu vi vòng đầu (HC), chu vi vòng bụng (AC), chỉ số nước ối (AFI), nhịp tim thai (FHR)… bác sĩ có thể xác định tuổi thai, dự đoán ngày dự sinh và đánh giá sự phát triển của thai nhi so với tuổi thai hiện tại.

Các câu hỏi thường gặp khi siêu âm thai

Siêu âm thai là một phần không thể thiếu trong quá trình theo dõi và chăm sóc thai kỳ. Để giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về quá trình này, dưới đây là lời giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp:

1. Siêu âm có thể phát hiện hết bất thường của thai nhi?

Siêu âm phát hiện bệnh lý phụ thuộc vào từng loại bệnh, mức độ biểu hiện và tiến triển. Có những bệnh lý dễ phát hiện, nhưng cũng có những bệnh lý khó hoặc không thể phát hiện bằng siêu âm.

  • Một số bất thường như dị tật tim hoặc tắc ruột có thể khó phát hiện ở giai đoạn sớm của thai kỳ và thường được phát hiện vào giai đoạn muộn hơn.
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi có thể phát hiện phần lớn các dị tật, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn tất cả các bất thường của thai nhi.
  • Siêu âm không thể phát hiện những bệnh lý như tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ vì những bệnh lý này không liên quan đến bất thường về cấu trúc cơ thể.

2. Siêu âm thai có an toàn không?

Siêu âm thai đã được sử dụng trong sản khoa hàng chục năm và được chứng minh là an toàn với thai kỳ. Hiện nay đã có bộ hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn đầy đủ cho việc thực hiện siêu âm thai. Theo các tiêu chuẩn này, chưa có trường hợp nào được ghi nhận là siêu âm gây hại cho thai nhi. Siêu âm thai chỉ nên được thực hiện khi có chỉ định về mặt y tế.

3. Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không?

Kỹ thuật siêu âm đầu dò giúp bác sĩ xác định vị trí của túi thai và phôi thai, đồng thời phát hiện sớm tình trạng thai ngoài tử cung nếu có.

*Lưu ý: Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ thai ngoài tử cung, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và siêu âm. Phát hiện và điều trị sớm thai ngoài tử cung rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn.

4. Chi phí siêu âm thai bao nhiêu? 

Chi phí siêu âm thai có thể thay đổi tùy theo bệnh viện, do sự khác biệt về hệ thống máy móc, dịch vụ khám chữa bệnh và đội ngũ y bác sĩ. Để nắm rõ chi phí siêu âm, mẹ bầu nên liên hệ trực tiếp với bệnh viện để được tư vấn và chủ động về kế hoạch tài chính trong suốt thai kỳ.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên thực hiện siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên đi khám thai định kỳ. Mẹ bầu cũng cần lưu ý thực hiện siêu âm tại các cơ sở y tế uy tín, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ