Chuyên gia giải đáp: Tiêm vacxin về có được tắm không và nên kiêng bao lâu?

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Chuyên gia giải đáp: Tiêm vacxin về có được tắm không và nên kiêng bao lâu?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 27, 2024

Sau khi tiêm chủng, nhiều bậc cha mẹ có tâm lý lo sợ vết tiêm nhiễm trùng nên thường kiêng tắm cho trẻ. Đặc biệt, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sau tiêm như sốt, mệt mỏi,sưng đỏ vùng tiêm,… càng khiến phụ huynh e ngại tiêm vacxin về có được tắm không. Vậy, trẻ tiêm phòng sau bao lâu thì được tắm? Tắm cho trẻ sau tiêm cần lưu ý những gì?

Tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe

Tiêm chủng vắc xin là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của nhân loại, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam có gần 50 loại vắc xin phòng ngừa hơn 50 bệnh nguy hiểm, bao gồm cả những bệnh đã và đang là dịch bệnh trên toàn cầu.

Việc tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là chìa khóa bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là “lá chắn” bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bảo vệ sức khỏe của trẻ trước những căn bệnh nguy hiểm

Vắc xin hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus và vi khuẩn, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm, và bảo vệ sức khỏe cho cả trẻ em và người lớn. Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Việt Nam, khoảng 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu, giúp cơ thể không bị mắc bệnh

Mặc dù kháng thể có thể được hình thành thông qua việc mắc bệnh tự nhiên, nhưng quá trình này không được kiểm soát về giới hạn an toàn. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh nặng, để lại di chứng thần kinh, vận động, tàn tật về hình thể, thậm chí có thể gây tử vong.

Ví dụ, dù trẻ mắc thủy đậu có thể hình thành kháng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh trong tương lai, nhưng những trẻ có sức đề kháng kém vẫn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, tăng nguy cơ bội nhiễm với các loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng nhóm A, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết và thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác như viêm màng não do não mô cầu khuẩn có thể gây tử vong nhanh chóng chỉ trong 24 giờ hoặc để lại các di chứng tàn tật vĩnh viễn như điếc, cụt tứ chi, tổn thương não, thiểu năng trí tuệ. Nhiễm trùng phế cầu khuẩn có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Và bệnh sởi cũng có thể gây sưng não, viêm não, viêm phổi,…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm chủng vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn 42.000 ca tử vong ở trẻ em do các bệnh như bạch hầu, ho gà, bại liệt và uốn ván. Tại Việt Nam, tiêm chủng mở rộng đã cứu sống 6,7 triệu trẻ em trong suốt 25 năm qua, từ giai đoạn xóa xã trắng về tiêm chủng mở rộng năm 1990 đến năm 2015.

Tiêm chủng vắc xin không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh mà còn mang lại những lợi thế lâu dài về sức khỏe trong sinh hoạt, vui chơi và học tập. Việc tiêm chủng giúp tối thiểu hóa số ngày nghỉ học do bệnh tật, tối ưu hóa khả năng tiếp thu kiến thức, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển vượt trội và toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Tạo miễn dịch cộng đồng

Tiêm chủng không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng miễn dịch cộng đồng. Khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm sẽ khó lây lan, tạo thành một bức tường bảo vệ cho cả cộng đồng, đặc biệt là những người không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh, người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.

Có thể thấy, hệ thống y tế toàn cầu đã có thể kiểm soát và loại trừ nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Điển hình là bệnh đậu mùa đã được thanh toán vào năm 1976 và bệnh bại liệt đã được thanh toán thành công tại Việt Nam vào năm 2000.

Tiết kiệm chi phí điều trị y tế

Chi phí để tiêm phòng một loại bệnh thường thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị khi mắc bệnh đó. Nhiều bệnh truyền nhiễm có thể để lại các biến chứng nặng nề, gây ra những hậu quả lâu dài về sức khỏe và thậm chí là tàn tật. Việc điều trị các biến chứng này thường rất tốn kém và kéo dài.

Theo thống kê năm 2021 của Trung tâm Tiếp cận Vắc xin Quốc tế thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), cứ 1 USD (hơn 20.000 đồng) đầu tư cho mỗi liều vắc xin sẽ giúp tiết kiệm được 20 USD (khoảng gần 500.000 đồng) trong tổng chi phí sử dụng cho y tế.

Một nghiên cứu tại 11 quốc gia ở Tây Âu cho thấy chi phí điều trị một ca bệnh sởi có thể lên đến 6 tới 13 triệu VNĐ, trong khi đó, chi phí để kiểm soát và chủng ngừa bệnh sởi cho một người chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn VNĐ.

Tiêm vacxin về có được tắm không?

Nhiều người vẫn còn băn khoăn liệu có nên tắm sau khi tiêm vắc xin hay không. Thực tế, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy việc tắm sau khi tiêm vắc xin ảnh hưởng đến hiệu quả của tiêm chủng hoặc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Chính vì vậy, bố mẹ không cần thiết phải kiêng tắm cho trẻ sau khi tiêm vắc xin. Thực tế, tiêm chủng là quá trình đưa một chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên vào cơ thể qua đường tiêm hoặc đường uống, và việc tắm hay không tắm sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của vắc xin bên trong cơ thể.

Hoàn toàn có thể tắm sau khi tiêm vaccine
Hoàn toàn có thể tắm sau khi tiêm vaccine.

Tắm và tiêm phòng vắc xin không có mối liên hệ trực tiếp nào, nên không có một khoảng thời gian chính xác nào được khuyến cáo để tắm cho trẻ sau tiêm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh có thể cho trẻ tắm trong khoảng 1-2 tiếng sau tiêm – khi trẻ vẫn khỏe mạnh và các phản ứng phụ sau tiêm chưa phát triển, bởi vì phản ứng miễn dịch cần một khoảng thời gian nhất định để diễn ra.

Khi tắm cho trẻ sau tiêm, cần lưu ý nhiệt độ nước tắm phù hợp, thực hiện các thao tác tắm nhẹ nhàng và cẩn thận tránh làm ướt vị trí tiêm. Nên sử dụng nước ấm và các sản phẩm chăm sóc da em bé dịu nhẹ, không gây kích ứng, thay vì các sản phẩm hóa chất tẩy rửa mạnh. Sau khi tắm, cần đặc biệt chú ý giữ ấm cho trẻ.

Nếu sau khi tiêm, trẻ bị sốt, cha mẹ nên đợi khoảng 1-2 ngày sau hoặc cho đến khi trẻ giảm sốt hẳn mới nên tắm cho trẻ. Trong thời gian này, chỉ nên dùng khăn bông mềm, sạch, ẩm và ấm lau người cho trẻ thật nhẹ nhàng để đảm bảo vệ sinh cơ thể, tránh các nguy cơ nhiễm khuẩn khác và nhiễm trùng vị trí tiêm.

Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sau tiêm phòng

Việc tắm cho trẻ sau tiêm phòng cần được thực hiện cẩn thận để đảm bảo an toàn và thoải mái cho bé. Dưới đây là một số gợi ý về cách tắm cho trẻ sau tiêm phòng mà bố mẹ có thể tham khảo:

Bước 1: Chuẩn bị vật dụng

  • Phụ huynh cần chuẩn bị các vật dụng như nước ấm, khăn tắm mềm mại và quần áo sạch để trẻ có thể mặc ngay sau khi tắm.
  •  Sữa tắm phải được làm từ các thành phần an toàn, dịu nhẹ, không hương liệu, không chứa các chất hóa học độc hại hoặc gây kích ứng da, có thể tham khảo ý kiến của bá sĩ chuyên khoa.

Bước 2: Kiểm tra vết tiêm

  • Để đảm bảo an toàn cho trẻ, hãy kiểm tra vết tiêm trước khi tắm. Nếu vết tiêm không bị đỏ, sưng hoặc viêm thì việc tắm là an toàn và thoải mái.
  • Khi vết tiêm có biểu hiện đau, sưng, đỏ hoặc mưng mủ, hãy dùng băng cá nhân che chắn cẩn thận. Đồng thời, không nên để vết tiêm tiếp xúc với các hóa chất như sữa tắm, dầu gội và cố gắng giữ vết tiêm khô ráo.

Bước 3: Tắm cho trẻ

  • Khi tắm cho trẻ, hãy dùng nước ấm với nhiệt độ vừa phải để bé không bị khó chịu do quá lạnh hoặc quá nóng. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là từ 37 đến 38 độ C.
  • Hãy dùng khăn bông mềm và sữa tắm (nếu có) để lau nhẹ toàn thân cho bé, đặc biệt cẩn thận tránh vùng tiêm. Hạn chế tối đa để nước tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm.
  • Hãy tắm cho bé nhanh chóng và tránh để bé ngâm mình trong nước quá lâu nhằm tránh trường hợp cảm lạnh.

Bước 4: Lau khô và mặc quần áo

  • Sau khi tắm, hãy dùng khăn sạch lau khô người cho bé. Lưu ý, cần thấm nhẹ nhàng vùng tiêm trước để đảm bảo vết tiêm khô ráo, rồi mới lau khô toàn bộ cơ thể.
  • Hãy mặc cho bé quần áo sạch sẽ và thoải mái sau khi tắm. Nếu thời tiết lạnh, đừng quên mặc thêm một lớp áo khoác mỏng để giữ ấm cho bé.

Bước 5: Giữ vùng tiêm phòng sạch và khô

  • Trong vài giờ sau khi tắm cho bé, bố mẹ cần tiếp tục theo dõi vết tiêm phòng để chắc chắn rằng vùng tiêm không bị ẩm ướt, không có mủ hay bị bám bẩn.
  • Cần hạn chế cho trẻ vận động quá sức, gây đổ mồ hôi sau khi tắm. Đồng thời, tránh để trẻ tiếp xúc với những nơi không đảm bảo vệ sinh, để giảm nguy cơ nhiễm trùng vết tiêm.

Chăm sóc trẻ sau tiêm phòng giúp giảm biến chứng

Sau khi tiêm, trẻ có thể xuất hiện một số phản ứng phụ như sốt, quấy khóc, mệt mỏi. Để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và giảm thiểu các biến chứng, cha mẹ cần chú ý một số điều sau:

Theo dõi phản ứng sau tiêm chủng

Sau khi tiêm vắc xin, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý theo dõi các phản ứng của trẻ tại cơ sở tiêm chủng trong ít nhất 30 phút. Nếu phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào như nôn trớ, khó thở, thở khò khè, thở ngắt quãng, thở rút lõm lồng ngực, ngứa họng, chóng mặt, sốt, mệt mỏi, da mẩn ngứa hoặc đổi màu (đỏ, xanh, tím tái, hồng…), cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được xem xét và xử trí kịp thời.

Sau khi tiêm vắc xin, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý theo dõi các phản ứng của trẻ tại cơ sở tiêm chủng trong ít nhất 30 phút.
Sốt là một phản ứng rất bình thường sau khi tiêm phòng.

Đồng thời, sau khi rời cơ sở tiêm chủng, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà trong vòng 24-48 giờ tiếp theo, đặc biệt chú ý theo dõi vào ban đêm, vì đây là những mốc thời gian quan trọng mà các phản ứng sau tiêm thường xảy ra nhất.

Khi đo nhiệt độ cơ thể trẻ bằng nhiệt kế: Cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 39 độ C, sốt cao không hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, hoặc sốt kèm theo các triệu chứng như ho, quấy khóc hơn bình thường, phát ban (thay đổi màu da), nổi mẩn ngứa kéo dài trên 1 ngày.

Nhịp thở: Cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nhịp thở bất thường ở trẻ sau tiêm, bao gồm khó thở, thở nhanh, thở gấp, thở ngắt quãng, thở mệt (hổn hển, phì phò, khò khè…) và thậm chí ngừng thở. Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về hô hấp và cần được can thiệp y tế ngay lập tức.

Phụ huynh có thể xác định tình trạng nhịp thở của trẻ bằng cách đếm nhịp thở, cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: > 60 lần/phút;
  • Trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi: > 50 lần/phút;
  • Trẻ từ 1 đến 5 tuổi: > 40 lần/phút.

Tình trạng da: Khi da toàn thân và da tại vùng tiêm đổi màu, trở nên tím tái, mẩn đỏ, phát ban, đỏ, hồng, xanh, ngứa ngáy, phồng rộp, đau rát,…

Hoạt động bất thường của trẻ: Sau tiêm khi trẻ ăn, chơi, tiểu tiện, đại tiện, ngủ, nhận thức,… của trẻ bất thường so với các hoạt động thường ngày.

Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng 

Việc trang bị kiến thức về các phản ứng này sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn, giảm thiểu và làm dịu các triệu chứng khó chịu. Bên cạnh việc vỗ về, âu yếm để tạo cảm giác thoải mái và an tâm cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý thêm một số điều quan trọng khác trong quá trình chăm sóc sau tiêm phòng.

Việc trang bị kiến thức về các phản ứng này sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn
Việc trang bị kiến thức về các phản ứng này sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn.

  • Trẻ cần được mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thoải mái và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để cảm thấy dễ chịu hơn, giảm nhiệt độ cơ thể khi sốt và tránh đổ mồ hôi nhiều dẫn đến nhiễm trùng vết tiêm.
  • Khi trẻ bị sốt nhẹ, mẹ cần sử dụng khăn sạch và ấm để lau người nhẹ nhàng cho bé, đặc biệt là các vùng cổ, bẹn, nách và tuyệt đối không được dùng nước lạnh để lau người cho bé.
  • Với trẻ đang bú mẹ, cần được tăng cường số lần bú để đảm bảo cung cấp đủ chất lỏng và dinh dưỡng cần thiết.
  • Với trẻ lớn, cần được uống nhiều nước để phòng tránh tình trạng mất nước và cảm giác khó chịu, đồng thời giúp tăng cường hydrat hóa, tạo cảm giác dễ chịu và hỗ trợ nâng cao năng lượng cùng sức đề kháng sau tiêm.
  • Trẻ cần được duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hạn chế các thực phẩm khó tiêu và kém lành mạnh như đồ ăn cay nóng, thức ăn nhanh chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ hộp, đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt và vận động một cách khoa học.
  • Khi trẻ bị tiêu chảy hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa sau tiêm vắc xin Rota, cúm, phụ huynh nên cho trẻ ăn các thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa và tránh các món ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ uống có gas.
  • Phụ huynh không được tự ý cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự tham vấn và chỉ định từ bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc ” Tiêm vacxin về có được tắm không?”. Việc tắm sau khi tiêm không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin và còn giúp cơ thể sạch sẽ, thoải mái hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên tránh để nước vào vết tiêm, đặc biệt là trong những ngày đầu sau khi tiêm. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Nguồn tham khảo: 

  1. Don’t Be Late! Follow the National Immunization Schedule and Make Sure Your Child’s Vaccinations are Up-to-Date! (n.d.). World Health Organization. https://www.who.int/vietnam/news/detail/24-03-2015-don-t-be-late-follow-the-national-immunization-schedule-and-make-sure-your-child-s-vaccinations-are-up-to-date-
  2. Hoekstra, S. P., Bishop, N. C., Faulkner, S. H., Bailey, S. J., & Leicht, C. A. (2018). Acute and chronic effects of hot water immersion on inflammation and metabolism in sedentary, overweight adults. Journal of Applied Physiology. https://doi.org/10.1152/japplphysiol.00407.2018
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ