Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 3 20, 2025
Mục Lục Bài Viết
Xét nghiệm định lượng beta HCG là phương pháp kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu hoặc nước tiểu, giúp xác định sớm việc mang thai của phụ nữ. Thay vì phải chờ đợi các triệu chứng điển hình như đau ngực, đi tiểu nhiều lần, buồn nôn, đầy hơi, đau lưng hay ốm nghén,…
Ngay khi trứng được thụ tinh và bắt đầu làm tổ trên niêm mạc tử cung, các tế bào của nhau thai bắt đầu tiết ra hormone HCG (Human Chorionic Gonadotropin). HCG ban đầu được sản sinh bởi tế bào trophoblast (lá nuôi) của bánh nhau, do đó còn được gọi là hormone thai kỳ. Nồng độ HCG thường tăng gấp đôi sau mỗi 48-72 giờ, đạt mức cao nhất vào tuần thứ 8-10 của thai kỳ, sau đó giảm dần và duy trì ổn định trong suốt thời gian mang thai.
HCG không chỉ có chức năng điều hòa quá trình mang thai mà còn kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành. Ngoài ra, hormone này còn kích thích việc tiết ra hormone sinh dục và góp phần định hình giới tính của thai nhi. HCG có vai trò trong việc ngăn sự rụng trứng theo chu kỳ bình thường, báo hiệu cho tử cung sẵn sàng làm tổ và khiến cơ thể người mẹ chuẩn bị cho giai đoạn thai kỳ, đồng thời gây ra các phản ứng ốm nghén.
Hiện nay, y học có hai loại xét nghiệm HCG phổ biến là xét nghiệm định lượng beta HCG (B.hCG) và xét nghiệm định lượng Free beta hCG (F.B hCG).
Xét nghiệm định lượng Free beta hCG (F.B hCG)
Xét nghiệm định lượng F.B hCG trong máu mẹ bầu được sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể thai nhi (NST 13, NST 18 và NST 21) trong giai đoạn tuần 11-13 của thai kỳ. (Xét nghiệm Double test, gồm F.BhCG và PAPP-A).
Xét nghiệm định lượng beta hCG (B hCG)
Ý nghĩa quan trọng nhất của xét nghiệm nồng độ beta HCG là khả năng chẩn đoán có thai từ giai đoạn rất sớm, ngay cả khi thai phụ chưa có dấu hiệu chậm kinh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn vừa trải qua quá trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản và đang mong ngóng có em bé. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nồng độ beta HCG ở người vợ để xác định sớm việc mang thai.
Dựa vào nồng độ beta HCG, bác sĩ có thể dự đoán được một người mang thai đơn hay đa thai. Trong giai đoạn sớm của thai kỳ, khi nồng độ HCG tăng cao bất thường so với mức chuẩn cùng độ tuổi thai, có thể nghi ngờ trường hợp đa thai. Tuy nhiên, việc kết luận chính xác về số lượng thai nhi cần được kết hợp với siêu âm thai để có kết quả chính xác.
Xét nghiệm nồng độ beta HCG còn giúp phát hiện sớm các trường hợp thai ngoài tử cung và thai chết lưu, mặc dù cần kết hợp với siêu âm thai để có chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp tầm soát hội chứng Down của thai nhi, phát hiện bệnh lý liên quan đến tế bào nuôi ở nhau thai hoặc các bệnh lý ở tử cung, buồng trứng một cách tương đối.
Xét nghiệm nồng độ hormone beta HCG trong máu không chỉ xác định tình trạng mang thai mà còn tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai nhi trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, xét nghiệm beta HCG còn giúp xác định các khối u tế bào mầm như ung thư tinh hoàn.
Xét nghiệm định lượng BhCG thường được kết hợp với xét nghiệm định lượng AFP và đo hoạt độ LDH trong trường hợp này.
Ở nam giới và phụ nữ không mang thai, nồng độ hCG và AFP thông thường rất thấp.
Ví dụ: Theo xét nghiệm trên máy Cobas, giá trị tham chiếu: Beta hCG: Nam: < 2.6 mIU/mL
Đối với phụ nữ khỏe mạnh không mang thai, trong giai đoạn tiền mãn kinh: ≤ 5.3 mIU/mL; Hậu mãn kinh: ≤ 8.3 mIU/mL
Khi cả hai chỉ số AFP và BhCG cùng tăng cao bất thường, đây là dấu hiệu chỉ điểm quan trọng của ung thư tế bào mầm.
Trong điều trị ung thư tế bào mầm, xét nghiệm nồng độ AFP và hCG đóng vai trò trong việc theo dõi đáp ứng điều trị. Nếu điều trị thành công, nồng độ AFP và hCG sẽ giảm, thậm chí trở về mức bình thường. Ngược lại, nếu chỉ số không giảm hoặc tiếp tục tăng, điều đó cho thấy phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả. Đặc biệt, nếu nồng độ AFP và hCG sau khi đã giảm xuống lại tăng trở lại, dấu hiệu cảnh báo ung thư tái phát hoặc sự xuất hiện của một khối u mới.
Beta HCG có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu khoảng 11 ngày sau khi thụ thai và qua xét nghiệm nước tiểu sau khoảng 12-14 ngày. Mặc dù hầu hết các trường hợp thụ thai thành công đều có nồng độ beta HCG tăng cao, phụ nữ vẫn nên thực hiện xét nghiệm này sau khi chậm kinh để có kết quả chính xác hơn. Để kiểm soát tốt thai kỳ và phát hiện sớm những bất thường, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm beta HCG nhiều lần nhằm có hướng xử trí sớm.
Xét nghiệm beta HCG được đánh giá là một xét nghiệm thường quy với độ chính xác cao, đạt tới 97%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải lúc nào kết quả cũng hoàn toàn chính xác, và có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả định lượng bHCG.
Điều cần lưu ý là nếu nồng độ HCG < 5mIU/ml, chưa đủ cơ sở để kết luận người đó đang mang thai. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm lần 2 sau 48-72 giờ để theo dõi diễn biến của nồng độ HCG. Quy trình này cũng giúp loại trừ các trường hợp dương tính giả do sử dụng thuốc chứa HCG, thường dùng để điều trị vô sinh và có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Các loại thuốc như kháng sinh, giảm đau, tránh thai hoặc các loại thuốc nội tiết tố khác không ảnh hưởng đến xét nghiệm đo beta HCG. Đối với những trường hợp xét nghiệm chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định siêu âm hoặc làm thêm những xét nghiệm khác nếu cần thiết để xác định tình trạng thai kỳ.
Khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, rất có thể bạn đã mang thai. Tuy nhiên, dù hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra dương tính giả trong một số trường hợp như mắc một số loại ung thư hoặc sảy thai sớm. Ngoài ra, một số kháng thể trong cơ thể cũng có thể can thiệp và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm HCG.
Xét nghiệm beta hCG có thể được thực hiện bằng hai phương pháp: xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Đây là một trong những phương pháp cho kết quả nhanh, độ chính xác cao.
Xét nghiệm máu beta hCG
Người bệnh không cần nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm beta HCG.
Có hai loại xét nghiệm HCG chính: xét nghiệm định tính, dùng để xác định sự hiện diện của HCG trong máu, và xét nghiệm định lượng (hoặc beta), dùng để đo chính xác nồng độ HCG trong máu.
Xét nghiệm trên mẫu nước tiểu
Đây là kỹ thuật xét nghiệm khá đơn giản, thường được sử dụng trong các trường hợp ban đầu. Mẫu nước tiểu được khuyến khích lấy vào buổi sáng vì đây là thời điểm nồng độ beta HCG đạt đỉnh cao nhất trong ngày.
Sau khi thu thập, mẫu nước tiểu sẽ được phân tích bằng kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Kết quả xét nghiệm sau đó được trả theo quy trình chuẩn của cơ sở y tế.
Thông thường, để theo dõi sự phát triển của thai nhi hay chẩn đoán chính xác có thai hay không, các bác sĩ khuyến cáo làm xét nghiệm beta HCG trong máu của người mẹ.
Với xét nghiệm máu, tuy không tiện lợi và cho kết quả nhanh chóng như khi sử dụng que thử thai, nhưng phương pháp có khả năng xác định chính xác nồng độ beta HCG do nhau thai sản sinh trong máu mẹ.
Đặc biệt, xét nghiệm máu có thể đo được nồng độ hormone HCG rất nhỏ, giúp phát hiện mang thai sớm ở phụ nữ ngay cả khi chưa có dấu hiệu trễ kinh. Trong khi đó, que thử thai chỉ phát hiện hormone này trong nước tiểu, nên xét nghiệm máu thường cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nước tiểu bằng que thử thai.
Chỉ số HCG bình thường
Nếu kết quả xét nghiệm beta HCG cho chỉ số cao, có thể khẳng định sơ bộ rằng bạn đã có thai. Để chắc chắn hơn, bạn có thể làm xét nghiệm lần thứ hai. Tuy nhiên, nếu khi xét nghiệm lần hai mà chỉ số này tăng cao hoặc giảm thấp một cách bất thường, bạn cần gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.
Ngoài việc kiểm tra sự thụ thai, kết quả của xét nghiệm máu còn giúp xác định tuổi của thai nhi, phát hiện dị tật bất thường và nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Trong khi đó, xét nghiệm nước tiểu bằng que thử thai chỉ có thể kiểm tra sự thụ thai thành công hay không mà không cung cấp các thông tin chi tiết khác. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo phụ nữ nên kiểm tra sự thụ thai bằng xét nghiệm máu tại các cơ sở y tế uy tín.
Chỉ số HCG tăng cao
Nồng độ HCG tăng cao có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc tính toán tuổi thai không chính xác, mang đa thai, thai trứng hoặc hội chứng Down khi lượng AFP trong máu giảm.
Chỉ số HCG thấp
Nồng độ hCG thấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm: sai lệch trong việc xác định tuổi thai, thai lưu (thai đã ngừng phát triển), sảy thai, hoặc thai ngoài tử cung (thai nằm ngoài tử cung).
Chỉ số HCG giảm
Nồng độ HCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 72 giờ sau khi trứng thụ thai và đạt mức cao nhất trong 8-11 tuần đầu của thai kỳ. Sau giai đoạn này, nồng độ HCG sẽ giảm dần và ổn định từ tháng thứ 4, duy trì mức này cho đến khi sinh. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ HCG giảm trong giai đoạn đầu thai kỳ, bạn cần được bác sĩ tư vấn.
Những con số thống kê về nồng độ beta HCG chỉ mang tính chất tương đối vì nhiều trường hợp có chỉ số beta HCG thấp nhưng thai nhi vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Cần hiểu rằng việc kiểm tra nồng độ beta HCG chỉ cho thấy kết quả tại một thời điểm cụ thể. Để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng thai và xác định tuổi thai, bác sĩ sẽ kết hợp kết quả xét nghiệm HCG với siêu âm.
Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.