Xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 4 17, 2025

Khi có những dấu hiệu bất thường hoặc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ mắc viêm gan B, thực hiện xét nghiệm là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, sự lo lắng về thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm cũng là mối quan tâm không nhỏ. Vậy, cụ thể thì xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả? Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết để giải đáp thắc mắc của bạn đọc!

Khi nào nên xét nghiệm viêm gan B?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus này tấn công gan và có thể dẫn đến cả bệnh cấp tính và mạn tính, biến chứng nghiêm trọng là xơ gan, ung thư gan, suy gan. HBV lây truyền qua đường tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Nhiều người nhiễm HBV, đặc biệt là trẻ em, không có triệu chứng nào, nếu có triệu chứng sẽ xuất hiện sau 1-4 tháng kể từ khi nhiễm.

Các dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, cảm thấy kiệt sức, phình bụng, các vấn đề tiêu hóa và đau nhói tại xương khớp thường gợi ý tình trạng viêm gan B. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường này, bệnh nhân cần khẩn trương tiến hành các xét nghiệm để có phương pháp điều trị thích hợp.

Triệu chứng bệnh viêm gan B
Triệu chứng bệnh viêm gan B

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên chủ động thực hiện xét nghiệm:

  • Những người từng mắc bệnh gan, viêm gan hoặc các rối loạn chức năng gan
  • Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý đường mật
  • Những người có thói quen sử dụng rượu bia và các chất kích thích thường xuyên
  • Cá nhân cần đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn tại gan
  • Thai phụ hoặc phụ nữ có kế hoạch mang thai
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch do các bệnh lý truyền nhiễm như HIV

Viêm gan B là một bệnh nguy hiểm, vì thế những đối tượng đặc biệt trên, và những người có triệu chứng nghi ngờ, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và xét nghiệm. Bác sĩ sẽ dựa vào các xét nghiệm máu để phát hiện kháng nguyên và kháng thể của virus HBV. Đối với viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị đặc hiệu, chủ yếu là nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt và theo dõi, còn đối với viêm gan B mãn tính cần theo dõi gan định kỳ, dùng thuốc kháng virus để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ xơ gan và ung thư gan.

Lưu ý: Thuốc không chữa khỏi hoàn toàn nhưng giúp kiểm soát virus.

Xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả?

Thông thường, đối với các xét nghiệm viêm gan B cơ bản, bạn có thể nhận được kết quả sau khoảng 2-3 giờ sau khi lấy mẫu máu. Tuy nhiên, để biết chính xác thời gian nhận kết quả trong trường hợp của mình, bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ hoặc nhân viên y tế tại cơ sở bạn thực hiện xét nghiệm. Thời gian có kết quả xét nghiệm viêm gan B có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Kết quả xét nghiệm viêm gan B thường có sau 2 – 3 tiếng kể từ lúc lấy mẫu máu.
Kết quả xét nghiệm viêm gan B thường có sau 2 – 3 giờ kể từ lúc lấy mẫu máu.

Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nhận kế quả Viêm gan B:

  • Số lượng xét nghiệm được chỉ định: Nếu bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm khác ngoài xét nghiệm viêm gan B cơ bản (ví dụ: đánh giá chức năng gan, men gan, chẩn đoán hình ảnh), tổng thời gian nhận kết quả sẽ kéo dài hơn.
  • Cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm: Tại các trung tâm lớn, bệnh viện do số lượng bệnh nhân đông, thời gian chờ đợi để có kết quả có thể kéo dài khoảng 1 tuần. Ngược lại, tại các trung tâm xét nghiệm, bệnh viện tư nhân thường thời gian nhận kết quả được rút ngắn hơn, có thể chỉ khoảng 2-3 giờ sau khi lấy mẫu.
  • Loại xét nghiệm cụ thể: Một số xét nghiệm chuyên sâu hơn có thể cần thời gian phân tích lâu hơn.

Những lưu ý khi xét nghiệm viêm gan B:

Khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B, có một số điều quan trọng bạn cần lưu ý để đảm bảo kết quả chính xác và quá trình diễn ra thuận lợi:

  • Hầu hết các xét nghiệm viêm gan B không yêu cầu bạn phải nhịn ăn. Tuy nhiên, chỉ thực hiện các xét nghiệm định tính và định lượng viêm gan B là chưa đủ để đánh giá toàn diện mức độ tổn thương gan. Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung như đánh giá chức năng gan, men gan, sắc tố mật,… thì bạn cần nhịn ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hãy cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh gan của bạn hoặc gia đình, cũng như tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn.
  • Đối với các xét nghiệm men gan, cần nhịn ăn trước đó khoảng 8 – 12 tiếng.
  • Nên xét nghiệm vào buổi sáng để đảm bảo các chỉ số ổn định.
  • Không tiêu thụ các thực phẩm có hại cho gan hoặc có thể làm thay đổi chỉ số xét nghiệm gan như rượu, bia, chất kích thích.
  • Các cơ sở y tế được trang bị hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại, phòng lab đạt chuẩn an toàn sinh học và đội ngũ bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao thường đảm bảo kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác hơn.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm gan B

Để chẩn đoán bệnh viêm gan B, bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm virus và giai đoạn bệnh. Các xét nghiệm chính bao gồm:

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm trên để chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm gan B.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm trên để chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm gan B.

Xét nghiệm HBsAg (Hepatitis B surface antigen)

Xét nghiệm HBsAg là xét nghiệm xác định sự hiện diện của virus viêm gan B (HBV) trong cơ thể. Xét nghiệm định tính HBsAg cho kết quả dương tính hoặc âm tính, qua đó xác định liệu một người có bị nhiễm HBV hay không. Ngược lại, xét nghiệm định lượng HBsAg đo lường cụ thể số lượng virus HBV có trong máu. Vì vậy, xét nghiệm định lượng thường được sử dụng để theo dõi diễn tiến và đánh giá hiệu quả điều trị hơn là để chẩn đoán ban đầu.

  • HBsAg dương tính (+) nghĩa là hiện tại có virus viêm gan B trong máu, có thể là nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính. Để xác định mức độ nghiêm trọng và giai đoạn của bệnh viêm gan B, bên cạnh các xét nghiệm ban đầu như HBsAg, người bệnh cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
  • HBsAg âm tính (-) nghĩa là không phát hiện thấy kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B tại thời điểm xét nghiệm. Tuy nhiên, để xác định chính xác hơn tình trạng phơi nhiễm viêm gan B, người bệnh nên thực hiện thêm xét nghiệm Anti-HBc.

Xét nghiệm Anti-HBs (Hepatitis B surface antibody)

Đây là xét nghiệm tìm kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg).

  • Kết quả dương tính: Cho thấy đã từng mắc viêm gan B và khỏi bệnh, hoặc đã tiêm ngừa vaccine viêm gan B, đồng nghĩa với việc có miễn dịch với virus HBV.
  • Nồng độ Anti-HBs ≥ 10 mIU/ml: Được xem là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.

Xét nghiệm HBeAg (Hepatitis B e antigen)

Xét nghiệm HBeAG phát hiện kháng nguyên e của virus viêm gan B trong mẫu huyết thanh/huyết tương. HBeAg là đoạn kháng nguyên vỏ capsid virus viêm gan B, sự xuất hiện chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.

  • HBeAg dương tính (+) thường cho thấy virus đang nhân lên mạnh và người bệnh có khả năng lây nhiễm cao.
  • HBeAg âm tính (-) có thể có nghĩa là virus không nhân lên hoặc virus đã đột biến (trong trường hợp này cần thêm xét nghiệm HBV DNA).

Xét nghiệm Anti-HBe (Hepatitis B e antibody)

Anti-HBe là loại kháng thể có khả năng kháng lại HBeAg. Xét nghiệm Anti-HBe có giá trị cao trong quá trình điều trị và quyết định can thiệp dừng thuốc điều trị.

  • Anti-HBe dương tính cho thấy cơ thể đã có một phần miễn dịch với virus viêm gan B.
  • Anti-HBe âm tính nghĩa là cơ thể vẫn chưa có khả năng miễn dịch đối với virus gây bệnh.

Xét nghiệm Anti-HBc (Hepatitis B core antibody)

Anti-HBc hay HBcAb là kháng thể chống lại kháng nguyên lõi HBcAg của virus viêm gan B. Đây là dấu hiệu xuất hiện rất sớm sau khi nhiễm virus và có đặc điểm tồn tại lâu dài, thậm chí suốt đời trong cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, xét nghiệm Anti-HBc có vai trò quan trọng trong việc xác định liệu một người đã từng phơi nhiễm với virus viêm gan B hay chưa.

Xét nghiệm Anti-HBc IgM

Anti-HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B loại IgM, xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp tính hoặc trong đợt bùng phát cấp của viêm gan B mạn tính.

Trong chẩn đoán viêm gan B cấp tính, người bệnh thường được thực hiện đồng thời hai xét nghiệm là HBsAg và Anti-HBc IgM. Khi cả hai xét nghiệm này đều cho kết quả dương tính, đó là bằng chứng xác định tình trạng viêm gan B cấp tính. Ngược lại, bệnh nhân viêm gan B mạn tính thường có kết quả Anti-HBc IgM âm tính.

Bên cạnh việc xác định đã từng phơi nhiễm virus viêm gan B hay chưa, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng gan hiện tại. Các xét nghiệm này bao gồm đánh giá chức năng gan, men gan, sắc tố mật và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm 4D, siêu âm đàn hồi mô gan, chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và loại xét nghiệm được chỉ định, thời gian có kết quả xét nghiệm viêm gan B sẽ khác nhau. Vậy, xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả?

Để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi xét nghiệm viêm gan B bao lâu có kết quả, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc nhân viên y tế tại cơ sở thực hiện xét nghiệm. Các yếu tố như loại xét nghiệm, quy trình của phòng lab và thời điểm thực hiện có thể ảnh hưởng đến thời gian nhận kết quả. Tuy nhiên, hầu hết thời gian chờ thường không quá lâu.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ