Xét nghiệm HPV Genotype trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Xét nghiệm HPV Genotype trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 4 21, 2025

Virus HPV là một trong những yếu tố hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, có hàng trăm type HPV khác nhau, và không phải tất cả các chủng virus đều mang nguy cơ như nhau. Vậy làm thế nào xác định những type HPV nguy cơ cao? Xét nghiệm HPV Genotype – một xét nghiệm chuyên sâu, sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử, giúp định type cụ thể, cung cấp thông tin trong việc sàng lọc, tiên lượng nguy cơ và xây dựng phác đồ theo dõi phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

Xét nghiệm HPV genotype PCR là gì?

Nhiễm trùng HR-HPV kéo dài (dai dẳng) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung (UTCTC). WHO ước tính rằng HPV type 16 và 18 chịu trách nhiệm cho khoảng 70% các trường hợp UTCTC và tổn thương tiền ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. HR-HPV cũng liên quan đến các loại ung thư khác ở cả nam và nữ, bao gồm ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật và vùng hầu họng.

Xét ngiệm HPV genotype phát hiện nhiễm virus HPV
Xét ngiệm HPV genotype phát hiện nhiễm virus HPV

Human Papillomavirus (HPV) là virus gây u nhú ở người, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hầu hết những người có hoạt động tình dục sẽ nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm trùng sẽ tự khỏi mà không gây ra vấn đề sức khỏe nào.

Có hơn 200 type HPV đã được xác định, trong đó 40 type lây truyền qua đường tình dục có thể gây các bệnh lý và ung thư nguy hiểm gồm 12 type HPV nguy cơ cao. Chúng được phân loại thành hai nhóm chính dựa trên nguy cơ gây ung thư:

  • HPV nguy cơ thấp (Low-risk HPV – LR-HPV): Chủ yếu gây mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) hoặc các tổn thương lành tính khác (ví dụ: type 6, 11). Chúng hiếm khi liên quan đến ung thư.
  • HPV nguy cơ cao (High-risk HPV – HR-HPV): Có khả năng gây ra các biến đổi tế bào dẫn đến ung thư. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 14 type HR-HPV được công nhận (ví dụ: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, 68).

HPV nguy cơ thấp thường không cần chẩn đoán xét nghiệm, trong khi HPV nguy cơ cao cần được kiểm tra định kỳ, đặc biệt ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.

Xét nghiệm HPV genotype là phương pháp ưu tiên để phát hiện HPV nguy cơ cao, xác định cụ thể chủng virus gây bệnh thông qua kiểm tra mẫu tế bào cổ tử cung bằng kỹ thuật Realtime PCR (phản ứng chuỗi polymerase thời gian thực).

Ai nên làm xét nghiệm HPV genotype PCR? 

Thời điểm và tần suất làm xét nghiệm HPV genotype khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và lịch sử tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ. Phương pháp tầm soát có thể là xét nghiệm Pap smear, xét nghiệm HPV, hoặc kết hợp cả hai.

Phụ nữ từ 30-65 tuổi được khuyến khích thực hiện xét nghiệm HPV định kỳ ít nhất 5 năm một lần, kết hợp với Pap smear mỗi 1-3 năm.

Phụ nữ dưới 30 tuổi thường không được khuyến khích làm xét nghiệm HPV genotype vì nhiễm HPV rất phổ biến ở độ tuổi này và đa số trường hợp tự khỏi. Thêm vào đó, ung thư cổ tử cung cần nhiều năm để phát triển, nên xét nghiệm HPV ở người trẻ có thể gây lo lắng không cần thiết.

Phụ nữ có yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung có thể cần xét nghiệm HPV sớm hơn hoặc tầm soát thường xuyên hơn.

  • Xét nghiệm Pap smear trước đó bất thường.
  • Đã được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung.
  • Đã được chẩn đoán mắc HPV.
  • Trước đây từng bị ung thư cổ tử cung.
  • Bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Xét nghiệm HPV genotype PCR thực hiện khi nào?

Xét nghiệm HPV genotype PCR thường được thực hiện trong các trường hợp sau:

Mục đích của xét nghiệm HPV là để phát hiện nhiễm virus HPV.
Mục đích của xét nghiệm HPV là để phát hiện nhiễm virus HPV.

  • Tầm soát ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm HPV phát hiện sự hiện diện của virus HPV – tác nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Cho phép theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân nhiễm HPV nguy cơ cao, từ đó phát hiện sớm và loại bỏ các tổn thương tiền ung thư.
  • Xét nghiệm bổ sung: HPV được chỉ định thực hiện sau khi phết tế bào cổ tử cung cho kết quả bất thường, giúp đánh giá chi tiết nguy cơ phát triển ung thư và xác định phương pháp theo dõi hoặc can thiệp phù hợp.
  • Lập kế hoạch điều trị ung thư vòm họng: Xét nghiệm HPV xác định nguyên nhân gây ung thư vòm họng, vì đa số các ca bệnh có liên quan đến HPV. Phương án điều trị ung thư vòm họng do HPV khác biệt so với các nguyên nhân khác.

Xét nghiệm HPV genytype thường là mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung (tương tự như lấy mẫu Pap), âm đạo hoặc các vị trí khác tùy thuộc vào mục đích xét nghiệm. Quy trình thực hiện gồm:

  • Bệnh nhân được đặt nằm trên bàn khám ở tư thế chân dạng kiềng để thuận lợi cho việc kiểm tra.
  • Bác sĩ sử dụng mỏ vịt đưa vào âm đạo để mở rộng và quan sát rõ vùng cổ tử cung.
  • Dùng dụng cụ chuyên dụng lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung, có thể dùng cho cả xét nghiệm Pap hoặc lấy riêng mẫu HPV.
  • Mẫu tế bào được chuyển đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích genotype HPV.
  • Quá trình xét nghiệm hoàn tất, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường ngay.
  • Kết quả xét nghiệm HPV genotype thường có sau khoảng 1-3 tuần kể từ ngày lấy mẫu.

Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm HPV:

  • Tránh thực hiện xét nghiệm HPV trong kỳ kinh nguyệt và nên chờ 5-7 ngày sau khi kết thúc chu kỳ kinh.
  • Không sử dụng băng vệ sinh trong vòng hai ngày trước khi tiến hành xét nghiệm.
  • Tạm ngưng sử dụng các thuốc đặt âm đạo trong hai ngày trước khi xét nghiệm.
  • Tránh thụt rửa âm đạo trong hai ngày trước khi xét nghiệm HPV.
  • Kiêng quan hệ tình dục trong hai ngày trước ngày xét nghiệm.
  • Nên đi tiểu trước khi thực hiện xét nghiệm để thoải mái hơn trong quá trình lấy mẫu.

Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm HPV genotype PCR

Xét nghiệm HPV genotype xác định sự hiện diện của các chủng HPV nguy cơ cao, là dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhưng không đồng nghĩa với chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Dựa trên kết quả xét nghiệm HPV kết hợp với kết quả tế bào học cổ tử cung, yếu tố nguy cơ, tuổi tác và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nguy cơ ung thư cổ tử cung hiện tại và tương lai của bệnh nhân, từ đó đưa ra kế hoạch theo dõi, chỉ định các xét nghiệm bổ sung hoặc phương án điều trị phù hợp.

  • Theo dõi và tái khám: Nếu xét nghiệm HPV dương tính nhưng kết quả Pap bình thường, cần xét nghiệm lại HPV sau 1 năm. Trường hợp kết quả HPV âm tính, có thể tái kiểm tra sau 5 năm hoặc theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
  • Soi cổ tử cung: Đây là thủ thuật sử dụng kính phóng đại để quan sát chi tiết vùng cổ tử cung, thường được chỉ định khi xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường nhằm đánh giá chính xác hơn các tổn thương.
  • Sinh thiết: Khi phát hiện mô bất thường qua soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô để làm xét nghiệm sinh thiết, giúp xác định chính xác tính chất của tổn thương và mức độ tiền ung thư hoặc ung thư.
  • Điều trị: Dựa vào kết quả các xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp để loại bỏ các tế bào tiền ung thư hoặc điều trị ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện.

Virus HPV có thể âm thầm tiến triển thành ung thư cổ tử cung trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Do đó, việc tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng để phát hiện sớm các bất thường tế bào cổ tử cung trước khi chúng trở thành ác tính. Để phòng ngừa, phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm vaccine HPV, và phụ nữ từ 30 tuổi trở lên cần thực hiện xét nghiệm HPV định kỳ để bảo vệ sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

  1. World Health Organization (WHO). Human papillomavirus (HPV) and cervical cancer. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papillomavirus-(hpv)-and-cervical-cancer

  2. International Agency for Research on Cancer (IARC). IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans, Volume 100 B: Biological Agents. (Phân loại các type HPV nguy cơ cao). https://publications.iarc.fr/Book-And-Report-Series/Iarc-Monographs-On-The-Identification-Of-Carcinogenic-Hazards-To-Humans/Biological-Agents-Volume-100-B-2012

  3. ASCCP (American Society for Colposcopy and Cervical Pathology). Risk-Based Management Consensus Guidelines for Abnormal Cervical Cancer Screening Tests and Cancer Precursors. (Hướng dẫn quản lý dựa trên nguy cơ, bao gồm vai trò của genotype). https://www.asccp.org/guidelines

  4. Wright, T. C., Jr, Stoler, M. H., Behrens, C. M., Sharma, A., Zhang, G., & Wright, T. L. (2015). Primary cervical cancer screening with human papillomavirus: end of study results from the ATHENA study using cobas HPV as the first-line screening test. Gynecologic oncology, 136(2), 189–197. (Nghiên cứu ATHENA về sàng lọc HPV sơ cấp).

  5. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Human Papillomavirus (HPV) Information for Clinicians. https://www.cdc.gov/hpv/hcp/index.html

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ