Tác giả: Nguyễn HươngNgày đăng: Tháng mười 31, 2024
Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của các thuật ngữ y khoa như “dương tính” và “âm tính”. Vậy, kết quả xét nghiệm dương tính và âm tính là gì?
Quan niệm sai lầm về xét nghiệm âm tính, dương tính
Nhiều người thường nhầm lẫn kết quả xét nghiệm dương tính là “tích cực” và âm tính là “tiêu cực”. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Kết quả âm tính: Trong cơ thể người được xét nghiệm không phát hiện thấy dấu hiệu của chất gây bệnh hoặc yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh đang được xét nghiệm. Nói cách khác, mức độ của những yếu tố này rất thấp hoặc không có, nằm dưới ngưỡng cho phép.
Kết quả dương tính: Có nghĩa là bạn có khả năng đã tiếp xúc với mầm bệnh hoặc đang bị nhiễm bệnh trong quá khứ (tìm thấy dấu hiệu hoặc vượt quá ngưỡng đã quy định).
Ví dụ, ý nghĩa của kết quả xét nghiệm viêm gan B âm tính có nghĩa là bạn không bị viêm gan B. Ngược lại, kết quả xét nghiệm viêm gan B dương tính có nghĩa là bạn bị viêm gan B. Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường, đau dạ dày, vô sinh, HBsAg, HIV cũng có thể áp dụng tương tự. Sau khi hiểu rõ hai thuật ngữ này, bạn có thể tự đọc và hiểu kết quả xét nghiệm của mình một cách dễ dàng.
Kết quả xét nghiệm âm tính là gì?
Kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là gì? Trong y học, thuật ngữ âm tính hoặc Negative được dùng để chỉ kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn ghi “âm tính” (-) hoặc “Negative”, điều đó có nghĩa là bạn không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh được xét nghiệm. Tuy nhiên, bất kỳ kết quả xét nghiệm nào cũng có thể có sai số nhất định, kể cả kết quả âm tính.
Trường hợp kết quả âm tính thiếu chính xác
Hầu hết các kết quả xét nghiệm âm tính phản ánh chính xác tình trạng bệnh lý tại thời điểm đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, kết quả âm tính có thể không hoàn toàn chính xác. Cụ thể như sau:
Trường hợp âm tính giả: Mặc dù mầm bệnh đã tồn tại trong cơ thể, nhưng nồng độ hoặc số lượng mầm bệnh vẫn chưa đủ để xét nghiệm phát hiện kết quả dương tính. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi mầm bệnh phát triển mạnh hơn, nồng độ và số lượng tăng lên, kết quả xét nghiệm có thể chuyển sang dương tính.
Thời gian xét nghiệm quá sớm: Một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng âm tính giả là việc thực hiện xét nghiệm quá sớm. Khi mầm bệnh chưa phát triển đủ mạnh để đạt đến nồng độ có thể được phát hiện bởi xét nghiệm, kết quả sẽ cho ra âm tính, mặc dù mầm bệnh đã tồn tại trong cơ thể.
Sai sót do thiết bị y tế: Hiện tượng âm tính giả cũng có thể xảy ra do lỗi thiết bị. Máy móc xét nghiệm đời cũ, sau thời gian hoạt động dài, dễ bị hao mòn và dẫn đến sai lệch trong kết quả xét nghiệm, khiến kết quả âm tính mặc dù bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh.
Khả năng “Tái kích hoạt”: Tái kích hoạt xảy ra khi nồng độ mầm bệnh trong cơ thể đã giảm sau quá trình điều trị, khiến kết quả xét nghiệm cho ra âm tính. Tuy nhiên, một số mầm bệnh còn sót lại có thể bị tái kích hoạt sau một thời gian, dẫn đến số lượng tăng nhanh chóng, gây nên tình trạng bệnh tái phát. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có kết quả xét nghiệm âm tính sau điều trị, nhưng sau đó lại chuyển sang dương tính.
Ví dụ:
Xét nghiệm COVID-19 âm tính: Có nghĩa là tại thời điểm làm xét nghiệm, bạn không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh sau đó.
Công nghệ PCR hiện được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới để xác định Covid-19 do độ nhạy cao (khoảng 60-70%). Tuy nhiên, theo Bác sĩ Daniel Brenner của Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ), đã có trường hợp bệnh nhân xét nghiệm PCR 3 lần vẫn cho kết quả âm tính mặc dù có đầy đủ triệu chứng của Covid-19. Sau đó, bệnh nhân được xét nghiệm bằng phương pháp dịch rửa phế quản và mới cho kết quả dương tính.
Xét nghiệm HIV âm tính: Có nghĩa là bạn không nhiễm virus HIV. Dù có kết quả âm tính, việc duy trì các hành vi an toàn như sử dụng bao cao su, không dùng chung kim tiêm vẫn rất quan trọng để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HIV.
Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là gì?
Ngược lại với kết quả âm tính, kết quả xét nghiệm dương tính (+) hoặc Positive chẩn đoán bạn đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh nào đó do mang yếu tố gây bệnh trong cơ thể.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thiếu chính xác
Mặc dù kết quả xét nghiệm dương tính cho thấy bạn đã mắc bệnh, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hoang mang và nghi ngờ về độ chính xác của kết quả, đặc biệt là những người bị bệnh nặng. Vì vậy, họ thường đi xét nghiệm nhiều lần tại nhiều bệnh viện lớn để tìm kiếm kết quả chính xác nhất.
Giống như trường hợp âm tính, kết quả dương tính cũng có thể bị sai lệch trong một số trường hợp cụ thể như:
Dương tính giả: Mặc dù bệnh nhân đã nhiễm bệnh nhưng mầm bệnh đã được kiểm soát, kết quả xét nghiệm vẫn có thể cho ra dương tính. Điều này có thể do nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như chế độ ăn uống, thời điểm thực hiện xét nghiệm, v.v.
Phản ứng chéo: Phản ứng chéo trong cơ thể có thể khiến quá trình xét nghiệm nhầm lẫn và nhận diện sai yếu tố gây bệnh, dẫn đến kết quả dương tính giả.
Xét nghiệm sai thời điểm: Theo các chuyên gia, thời điểm thực hiện xét nghiệm cũng có ảnh hưởng đến kết quả, cả âm tính và dương tính. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tùy vào loại mầm bệnh, nồng độ của chúng có thể tăng đột biến trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu xét nghiệm được thực hiện vào thời điểm này, kết quả có thể không chính xác.
Nhầm lẫn kết quả: Sai sót trong việc trao đổi thông tin hoặc lỗi kỹ thuật cũng có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm bị sai lệch. Ví dụ như nhân viên y tế có thể trao nhầm kết quả cho bệnh nhân hoặc máy móc gặp sự cố.
Sai sót khi thu thập mẫu xét nghiệm: Để tránh kết quả xét nghiệm dương tính sai do sơ sót của nhân viên y tế, bạn cần chú ý kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn tên, mã mẫu xét nghiệm và nhóm máu của mình khi nhận kết quả. Hãy đảm bảo thông tin trên phiếu kết quả trùng khớp với thông tin cá nhân của bạn.
Ví dụ:
Xét nghiệm COVID-19 dương tính: Có nghĩa là bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2, gây ra bệnh COVID-19.
Xét nghiệm HIV dương tính:Kết quả xét nghiệm HIV dương tính là gì? Có nghĩa là bạn đã nhiễm virus HIV, gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
Lưu ý sau khi biết kết quả âm tính hoặc dương tính
Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, dù là dương tính hay âm tính, bạn không nên vội vàng vui mừng hoặc quá lo lắng. Hãy bình tĩnh và trao đổi thêm với bác sĩ để hiểu rõ hơn về các chỉ số trong kết quả, đồng thời đặt câu hỏi về việc có cần làm xét nghiệm lại hay cần thực hiện thêm các phương pháp thăm khám nào khác.
Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ không chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm mà còn phải xem xét một cách toàn diện. Cụ thể như sau:
Kiểm tra quá trình dịch tễ: Tìm hiểu lịch sử tiếp xúc của bạn với mầm bệnh, nơi sinh sống, công việc, thói quen sinh hoạt,… để xác định nguy cơ mắc bệnh.
Theo dõi và đánh giá các triệu chứng: Quan sát các triệu chứng bạn đang gặp phải để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh.
Đánh giá khả năng phơi nhiễm: Xác định xem bạn có tiếp xúc với mầm bệnh hay không.
Kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác: Có thể sử dụng thêm các xét nghiệm, hình ảnh học (chụp X-quang, siêu âm,…) để xác định tình trạng bệnh một cách chính xác nhất.
Hy vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của kết quả xét nghiệm dương tính và âm tính. Khi cần xét nghiệm, hãy lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để đảm bảo kết quả chính xác và an toàn cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, khi nhận được bất kỳ kết quả xét nghiệm nào, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ để có những giải pháp phù hợp nhất.
Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.