Tiêm chủng là gì? Lợi ích của tiêm chủng vắc xin đối với sức khỏe

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Tiêm chủng là gì? Lợi ích của tiêm chủng vắc xin đối với sức khỏe

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 19, 2024

Mỗi 1 triệu đồng chi trả cho tiêm chủng có thể tiết kiệm được 16 triệu đồng chi phí điều trị. Tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cả cá nhân và cộng đồng. Nhờ tiêm chủng, nhiều căn bệnh nguy hiểm đã được đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Vậy, tiêm chủng là gì?

Tiêm chủng là gì?

BS Hoa Tuấn Ngọc – Quản lý Y khoa khu vực 1 Đông Nam Bộ, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc xin đã cứu được hơn 4 triệu mạng sống mỗi năm trên toàn cầu. Nếu không có tiêm chủng, nguy cơ mắc bệnh nặng và tàn tật do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin như sởi, viêm màng não, viêm phổi, uốn ván, bại liệt… sẽ tăng cao, nhiều bệnh thậm chí còn đe dọa tính mạng. Ở thời đại 4.0, nhiều quốc gia mở cửa giao lưu quốc tế, du lịch lữ hành phát triển, các bệnh truyền nhiễm càng dễ dàng “vượt biên”, nguy cơ rất cao lây nhiễm cho bất kỳ ai không tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ. Tiêm chủng không chỉ bảo vệ chính bản thân mà còn bảo vệ những người xung quanh và cả cộng đồng vì có một số đối tượng không thể tiêm chủng như trẻ nhỏ, người bệnh nặng hoặc dị ứng – họ phụ thuộc vào miễn dịch từ cộng đồng để được bảo vệ trước các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin.”

Tiêm chủng là phương pháp giúp con người tạo ra khả năng miễn dịch đặc hiệu, chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua các loại vắc xin. Theo thống kê, tiêm chủng đã cứu sống 4,4 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 3 triệu là trẻ em. Theo dự kiến, con số này có thể tăng lên 5,8 triệu người vào năm 2030 nếu các mục tiêu của Chương trình Tiêm chủng 2030 (IA2030) do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác hoàn thành.

Tiêm chủng giúp tạo miễn dịch đặc hiệu, bảo vệ cơ thể chủ động chống lại bệnh truyền nhiễm thông qua các loại vắc xin.
Tiêm chủng là biện pháp giúp cơ thể tạo dựng miễn dịch đặc hiệu, chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua các loại vắc xin.

Có thể nói, ngoại trừ nước sạch, chưa có một phương pháp nào, kể cả kháng sinh, có thể mang đến những tác động tích cực trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong như chủng ngừa vắc xin. Khi tiêm chủng, cơ thể nhận diện vắc xin như tác nhân lạ và sản sinh kháng thể để tiêu diệt và ghi nhớ chúng. Nhờ đó, khi gặp tác nhân gây bệnh thật sự trong tương lai, hệ miễn dịch sẽ phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.

Lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin

Tiêm chủng là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của nhân loại, mang lại vô số lợi ích cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của việc tiêm chủng:

Tiêm chủng bảo vệ sức khỏe người lớn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cũng như những người có bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu,
Tiêm chủng bảo vệ sức khỏe người lớn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cũng như những người có bệnh nền, hoặc hệ miễn dịch suy yếu,…

Đối với cá nhân

Tiêm chủng giúp cơ thể tạo ra kháng thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, rubella, bại liệt, viêm gan B,… Ngay cả khi mắc bệnh, những người đã được tiêm chủng thường có triệu chứng nhẹ hơn và ít nguy hiểm đến tính mạng hơn. Bên cạnh đó, miễn dịch do tiêm chủng tạo ra có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là suốt đời.

Tiêm chủng không chỉ quan trọng đối với trẻ em mà còn với người lớn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền và người suy giảm miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật, biến chứng, nhập viện và tử vong. WHO ước tính hơn 1,5 triệu người tử vong mỗi năm vì các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin, trong đó 80% là người lớn, người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.

Tại Việt Nam, phần lớn người trưởng thành chưa được tiêm chủng đầy đủ khi còn nhỏ, ngay cả sau khi chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (TCMR) được triển khai từ năm 1985. Nhiều người chỉ được tiêm một số ít loại vắc xin, cộng thêm hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin trước đây không cao nên hầu hết mọi người cần tiêm nhắc lại.

Đối với cộng đồng

Khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng, sẽ hình thành “miễn dịch cộng đồng“, giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm và có thể loại trừ hoàn toàn một số bệnh. Một cộng đồng khỏe mạnh sẽ có năng suất lao động cao hơn, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, người già, trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch suy yếu thường dễ mắc bệnh và có nguy cơ biến chứng nặng. Tiêm chủng giúp bảo vệ những nhóm đối tượng này.

Hơn nữa, tiêm chủng là một trong những khoản đầu tư sinh lời trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cụ thể: 

  • Theo thống kê năm 2021 của Trung tâm Tiếp cận Vắc xin Quốc tế thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), cứ mỗi 1 đô la Mỹ (khoảng hơn 20.000 đồng) đầu tư vào một liều vắc xin sẽ tiết kiệm được 20 đô la Mỹ (khoảng gần 500.000 đồng) trong tổng chi phí sử dụng cho y tế.
  • Báo cáo từ nghiên cứu tại 11 quốc gia Tây Âu cho thấy chi phí điều trị một ca bệnh sởi dao động từ 6 đến 13 triệu đồng, trong khi chi phí tiêm phòng sởi cho một người chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng.

Các bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng

Trên thế giới, hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng rộng rãi. Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (TCMR) đã được triển khai từ rất sớm, đến nay đã hơn 30 năm. Danh sách các loại vắc xin trong chương trình TCMR tại Việt Nam bao gồm:

  • Vắc xin phòng bệnh lao
  • Vắc xin phòng bệnh viêm gan B
  • Vắc xin phòng bệnh bạch hầu
  • Vắc xin phòng bệnh ho gà
  • Vắc xin phòng bệnh uốn ván
  • Vắc xin phòng bệnh bại liệt
  • Viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib
  • Vắc xin phòng bệnh sởi
  • Vắc xin phòng bệnh rubella
  • Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản
  • Vắc xin phòng bệnh tả (vùng có nguy cơ cao)
  • Vắc xin phòng thương hàn (vùng có nguy cơ cao)

Bên cạnh các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (TCMR), còn có nhiều loại vắc xin khác phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như:

  • Vắc xin phòng thủy đậu
  • Vắc xin phòng 3 bệnh: sởi – quai bị – rubella
  • Vắc xin phòng viêm gan A, vắc xin phòng viêm gan A+B
  • Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu tuýp A+C+Y+W135, tuýp B+C, tuýp B
  • Vắc xin phòng viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết
  • Vắc xin phòng tiêu chảy do Rota virus
  • Vắc xin phòng cúm
  • Vắc xin phòng dại
  • Vắc xin phòng thương hàn
  • Vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm đạo, âm hộ, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục

Chương trình Tiêm chủng miễn phí Quốc gia, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ sức khỏe hàng triệu trẻ em qua các năm, vẫn còn những hạn chế đáng kể. Trong khi thế giới đã có hơn 40 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm, chương trình này mới chỉ cung cấp miễn phí 10 loại vắc xin cơ bản và thường xuyên gặp vấn đề về nguồn cung. Thêm vào đó, nhiều loại vắc xin mới với công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả cao hơn vẫn chưa được đưa vào chương trình.

Các cơ sở tiêm chủng hiện tại còn nhiều bất cập trong việc xây dựng hệ thống bảo quản vắc xin và quy trình tiêm chủng an toàn, chuyên nghiệp. Tình trạng khan hiếm vắc xin thường xuyên xảy ra, dẫn đến biến động về giá cả, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và an toàn.

Để giải quyết những vấn đề trên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đã được thành lập, cung cấp dịch vụ tiêm chủng chất lượng cao với hệ thống bảo quản đạt chuẩn quốc tế. Với vai trò là đối tác của các hãng vắc xin lớn trên thế giới, VNVC có khả năng nhập khẩu trực tiếp, đảm bảo nguồn cung ổn định và cam kết duy trì giá cả hợp lý cho người dân.

Không tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn có sao không?

CÓ. Việc trẻ em và người lớn không tiêm vắc-xin sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mắc các bệnh nguy hiểm do không có miễn dịch, bị tàn phế và thậm chí là tử vong. Vắc xin có hiệu quả to lớn trong việc phòng ngừa dịch bệnh ở trẻ em, góp phần làm giảm rõ rệt số ca mắc một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng ngừa trong những năm gần đây.

Một thế giới không có vắc xin sẽ chìm trong bóng tối của bệnh tật, cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Một thế giới không có vắc xin sẽ “chìm” trong bệnh tật, cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Hãy tưởng tượng thế giới trước khi có vắc xin:

  • Trước khi có vắc xin, bệnh đậu mùa từng là mối đe dọa khủng khiếp đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng tới 60% dân số toàn cầu và có tỷ lệ tử vong là 25%. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới, tương đương với 26 chiếc máy bay Boeing 747 chở đầy người rơi mỗi ngày.
  • Bệnh sởi cũng từng gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng với khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm trước khi có vắc xin, tương đương với số người thiệt mạng trong hai vụ khủng bố  11/09/2001 (ở Mỹ) mỗi ngày khoảng 3.000 người chết. Sau khi vắc xin được đưa vào sử dụng, tỷ lệ tử vong do sởi đã giảm đáng kể 75% trong giai đoạn 2000-2007. Đến năm 2022, số ca tử vong chỉ còn khoảng 128 nghìn người, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ.
  • Trước khi có vắc xin sởi-rubella, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 4 trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh với các triệu chứng nghiêm trọng như nổi ban đỏ, gan to, lách to, vàng da, điếc, chậm phát triển trí tuệ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Trung bình mỗi ngày trên thế giới có 492 trẻ sinh ra mắc hội chứng này.
  • Tại Việt Nam, con số trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh là 8 trẻ mỗi ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn tạo ra gánh nặng to lớn về kinh tế, tài chính và tâm lý cho gia đình và xã hội. Chi phí điều trị cho một ca rubella bẩm sinh có thể lên đến 44.000 USD (khoảng 1,12 tỷ VNĐ).
  • Theo thống kê từ đợt dịch sởi-rubella tại Romania giai đoạn 2011-2012, gánh nặng tài chính từ việc điều trị hội chứng rubella bẩm sinh đã khiến 36% gia đình phải vay nợ để có đủ chi phí chữa bệnh cho người thân.

Đối với các loại vắc xin khác, nếu không chủ động tiêm phòng, gánh nặng mà nhân loại phải gánh chịu sẽ là:

Các bệnh đã có thể phòng ngừa bằng vắc xin Những gánh nặng phải gánh chịu nếu không tiêm vắc xin
Bệnh ho gà
  • Tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà thấp dưới 70%, nguy cơ mắc bệnh ho gà ở trẻ 1 tuổi lên đến 30%. Con số này tăng đáng kể lên 80% khi trẻ đến 5 tuổi và có thể đạt 100% khi trẻ 15 tuổi.
  • Ho gà có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm: tỷ lệ 1-3% trẻ mắc ho gà bị động kinh; 0,1-0,3% bị tổn thương thần kinh; và 0,5% trẻ dưới 1 tuổi tử vong.
Bệnh uốn ván
  • Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván là 95%.
  • Tỷ lệ tử vong có thể từ 20% đến 90% ngay cả khi đã được điều trị.
Bệnh bại liệt
  • Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan dễ dàng trong cộng đồng qua đường tiêu hóa (phân-miệng).
  • Bệnh bại liệt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm màng não mô cầu (khoảng 1%), liệt (khoảng 1%), và tử vong (từ 2% đến 10%).
Bệnh do vi khuẩn Hib
  • Trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi chưa được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, với 2/3 số ca mắc ở trẻ dưới 18 tháng.
  • Các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra rất nghiêm trọng, với nguy cơ biến chứng thần kinh từ 15% đến 30% và tỷ lệ tử vong khoảng 5%.
Bệnh viêm gan B
  • Xuyên suốt cuộc đời, khoảng 50% dân số có nguy cơ phơi nhiễm với virus viêm gan B.
  • Trẻ sơ sinh bị viêm gan B cấp tính có nguy cơ cao chuyển thành viêm gan mạn tính trong năm đầu đời là 80 – 90%, 30-50% ở độ tuổi 1-4 và 5-10% ở người lớn. Khoảng 5% người mắc viêm gan B mạn tính sẽ bị xơ gan hoặc ung thư gan, và tỷ lệ tử vong khoảng 1-2%.

Bệnh do HPV
  • Thống kê cho thấy, 1/3 nam giới trên 15 tuổi nhiễm ít nhất một type virus HPV; 1/8 phụ nữ mắc mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trước 50 tuổi; và 10% dân số bị nhiễm mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trong 25 năm hoạt động tình dục.
  • Virus HPV không chỉ lây truyền qua đường tình dục, mà còn có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp như hôn môi, tiếp xúc gián tiếp thông qua vật dụng cá nhân (như khăn tắm, đồ lót), lây truyền từ mẹ sang con, và thậm chí là tự nhiễm.
  • Các bệnh do HPV gây ra không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tâm lý, tình cảm lứa đôi, chức năng sinh lý, gây khó khăn trong quan hệ tình dục, mất niềm tin, dẫn đến trầm cảm và mất tự tin.
Bệnh thủy đậu
  • Thủy đậu gây ra khoảng 140 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó có 4,2 triệu trường hợp biến chứng nặng (như rối loạn đông máu, viêm hạch, suy đa cơ quan, viêm cơ tim, viêm tụy cấp…) và 4.200 ca tử vong.
  • Thống kê cho thấy 17-30% trẻ sinh ra từ mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước hoặc 2 ngày sau khi sinh có nguy cơ mắc thủy đậu sơ sinh nặng, với tỷ lệ tử vong cao.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ bị thủy đậu có nguy cơ cao mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh, gây ra các vấn đề như nhẹ cân, dị tật mắt, sẹo da, teo chi, teo não và nhiều dị tật khác. Khoảng một phần ba số trẻ mắc hội chứng này tử vong trước khi tròn hai tuổi.

Trước khi tiêm chủng, việc khám sàng lọc để phát hiện các chống chỉ định là rất quan trọng. Một số trường hợp sau đây không nên tiêm chủng:

  • Những người có tiền sử phản ứng hoặc dị ứng nặng với một liều vắc xin trước đó sẽ không được tiêm bất kỳ loại vắc xin nào để đảm bảo an toàn.
  • Người bệnh bị suy giảm miễn dịch nặng cần tránh sử dụng các loại vắc xin sống giảm độc lực do nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Nếu người tiêm xuất hiện triệu chứng viêm não trong vòng 7 ngày sau khi tiêm các vắc xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván, họ không nên tiếp tục tiêm các loại vắc xin có chứa thành phần ho gà.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai được khuyến cáo không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực vì có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và an toàn của thai nhi.
  • Đối với người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, việc tiêm vắc xin chỉ được thực hiện khi lợi ích vượt trội hơn rủi ro, ví dụ như trong vùng dịch ho gà, việc tiêm vắc xin DPT vẫn cần thiết dù người đó đã từng gặp hội chứng Guillain-Barré sau lần tiêm trước.
  • Trẻ mắc bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình, có hoặc không sốt, cần được cân nhắc kỹ trước khi tiêm chủng. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng thông thường như tiêu chảy nhẹ, viêm đường hô hấp trên nhẹ, viêm tai giữa (có hoặc không sốt), phản ứng nhẹ hoặc trung bình sau tiêm trước đó, và giai đoạn hồi phục sau bệnh cấp tính không phải là chống chỉ định tuyệt đối. Việc trì hoãn tiêm chủng chỉ nên áp dụng cho trường hợp trẻ mắc bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình. Sau khi các triệu chứng biến mất, nên tiêm chủng lại càng sớm càng tốt.

Tác dụng phụ của tiêm chủng vắc xin

Vắc xin tạo ra miễn dịch bằng cách kích thích phản ứng của cơ thể với kháng nguyên trong vắc xin. Phản ứng tại chỗ (ví dụ: đau, sưng) và phản ứng toàn thân (ví dụ: sốt) có thể xảy ra sau tiêm chủng, là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch.

Phản ứng tại chỗ (ví dụ: đau, sưng) và phản ứng toàn thân (ví dụ: sốt) có thể xảy ra sau tiêm chủng, là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch.
Phản ứng tại chỗ (ví dụ: đau, sưng) và phản ứng toàn thân (ví dụ: sốt) có thể xảy ra sau tiêm chủng, là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch.

Phản ứng sau tiêm chủng có thể được phân loại thành hai nhóm: nhẹ và nghiêm trọng.

  • Các phản ứng nhẹ và thường gặp sau tiêm chủng thường xuất hiện trong vài giờ sau tiêm và tự khỏi nhanh chóng, ít gây nguy hiểm. Phản ứng nhẹ tại chỗ bao gồm: sưng, đau và đỏ ở vị trí tiêm. Phản ứng toàn thân có thể bao gồm: sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu và chán ăn.
  • Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng rất hiếm gặp, hầu hết không gây ra di chứng lâu dài và hiếm khi đe dọa tính mạng. Thông thường, các phản ứng này có thể được điều trị hiệu quả mà không để lại biến chứng.

Đăng ký tiêm chủng vắc xin ở đâu?

Được thành lập vào năm 2017, hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC không ngừng hợp tác với các hãng sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới để cung cấp cho người dân Việt Nam các loại vắc xin chất lượng cao, thế hệ mới. VNVC góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhiều loại vắc xin quan trọng như vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn, vắc xin phòng dại, và vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus,…

VNVC không ngừng đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống kho bảo quản vắc xin đạt chuẩn quốc tế, quy trình tiêm chủng an toàn và dịch vụ khách hàng chất lượng cao với giá cả hợp lý, nhằm đảm bảo tất cả mọi người, từ trẻ em đến người lớn, đều có cơ hội tiếp cận với vắc xin phòng bệnh.

Ngay từ khi thành lập, VNVC đã áp dụng chính sách bình ổn giá vắc xin trên toàn quốc, cam kết không tăng giá trong thời điểm khan hàng. Bên cạnh đó, VNVC còn triển khai nhiều chương trình ưu đãi và hỗ trợ trả góp không lãi suất, giúp người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người lao động và người nghỉ hưu, có điều kiện tiêm chủng đầy đủ. Nhờ vậy, VNVC góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn, qua đó cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho người dân Việt Nam.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc “Tiêm chủng là gì?”. Có thể thấy, tiêm chủng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng, giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người mắc bệnh nền, và phụ nữ mang thai khỏi những biến chứng nguy hiểm của bệnh tật.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo: 

  1. Vaccines and immunization: What is vaccination? (n.d.). https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/vaccines-and-immunization-what-is-vaccination
  2. UNICEF UK. (2023, April 26). For every child, vaccinationhttps://www.unicef.org.uk/for-every-child-vaccination/
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ