Vắc xin là gì? Cơ chế hoạt động của vaccine phòng bệnh

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học du lịch > Vắc xin là gì? Cơ chế hoạt động của vaccine phòng bệnh

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 19, 2024

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Ngoại trừ nước sạch, chưa có một can thiệp y tế nào có thể tác động tích cực đến vấn đề giảm thiểu tỷ lệ tử vong như vắc xin. Có thể nói, chủng ngừa là phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả cao, tiết kiệm tối đa chi phí.

Vắc xin là gì?

Vắc-xin là một chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, được bào chế đảm bảo độ an toàn nhằm kích thích cơ thể tạo miễn dịch chống lại bệnh tật.

Vacxin giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể.
Vacxin góp phần nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Vắc xin (vacxin) không phải là một phát minh mới trong y học, mà đã xuất hiện cách đây hơn 200 năm. Vào cuối thế kỷ 18, khi bệnh đậu mùa khỉ đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người dân châu Âu mỗi năm, bác sĩ Edward Jenner đã trở thành người đặt nền móng cho ngành tiêm chủng và vắc xin, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên toàn thế giới và ngăn chặn nhiều đại dịch nguy hiểm trong lịch sử nhân loại.

Hiệu quả của vắc xin được thể hiện qua khả năng tạo miễn dịch đặc hiệu ở 8-95% người được tiêm chủng, giúp họ không bị mắc bệnh. Hàng năm, vắc xin đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em khỏi tử vong do các bệnh truyền nhiễm, đồng thời góp phần quan trọng trong việc thanh toán bệnh bại liệt và đậu mùa, loại trừ bệnh uốn ván, cũng như giảm đáng kể số ca tử vong do các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, viêm gan A, B và thủy đậu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhờ vắc xin mà các quốc gia đã:

  • Việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra.
  • Sau khi loại trừ được bệnh Đậu mùa, thế giới đã tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho các chi phí chăm sóc y tế trực tiếp.
  • Theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, việc đầu tư 1 USD vào vaccine Sởi – Quai bị – Rubella có thể giúp tiết kiệm được 21 USD chi phí y tế.
  • 2/3 các quốc gia đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh.
  • Số ca tử vong do bệnh Sởi đã giảm một cách ấn tượng từ 2,6 triệu ca mỗi năm xuống còn 122.000 ca vào năm 2012.
  • Số trường hợp tử vong do bệnh Ho gà cũng đã giảm đáng kể từ 1,3 triệu ca mỗi năm xuống còn 63.000 ca vào năm 2013.
  • Từ năm 1975 đến nay, số ca mắc bệnh Bạch hầu đã giảm mạnh từ 80.000 trường hợp xuống còn dưới 10.000 trường hợp.
  • Tại châu Âu, tỷ lệ mắc bệnh Viêm màng não do Hib đã giảm đến 90% trong vòng một thập kỷ qua.

Chương trình tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người, cả trẻ em và người lớn, khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

  • Năm 1979, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa.
  • Năm 2000, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt.
  • Năm 2005, Việt Nam đã thanh toán bệnh uốn ván sơ sinh.

Cơ chế hoạt động của vắc xin

Vaccine là một chế phẩm sinh học được tạo ra từ virus hoặc vi khuẩn đã được giảm độc lực, bất hoạt hoặc tiêu diệt để không còn khả năng gây bệnh. Khi được đưa vào cơ thể, những tác nhân này sẽ được hệ miễn dịch nhận diện như “kẻ xâm nhập”, từ đó kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể đặc hiệu để chống lại và lưu giữ thông tin về chúng trong trí nhớ miễn dịch. Nhờ cơ chế này, khi gặp phải tác nhân gây bệnh thực sự trong tương lai, hệ miễn dịch của cơ thể có thể nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt chúng một cách hiệu quả hơn.

Cơ chế hoạt động của vắc xin
Cơ chế hoạt động của vắc xin

Vắc xin được phát triển đặc thù cho từng loại mầm bệnh và cơ chế gây bệnh của chúng. Ví dụ, bệnh sởi do virus gây ra, nên vắc xin sởi sử dụng virus sởi đã được làm yếu để kích thích miễn dịch mà không gây bệnh. Ngược lại, bệnh uốn ván là do độc tố của vi khuẩn gây ra, vì vậy vắc xin uốn ván chứa độc tố đã được xử lý (bất hoạt) để tạo ra phản ứng miễn dịch an toàn.

Các dạng vaccine thường gặp

Hiện nay, có nhiều loại vắc-xin khác nhau, được phân loại dựa trên cơ chế hoạt động và thành phần. Cụ thể như sau:

So với vắc xin bất hoạt, vắc-xin sống giảm độc lực tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có khả năng duy trì khả năng bảo vệ lâu dài hơn
So với vắc xin bất hoạt, vắc-xin sống giảm độc lực tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có khả năng duy trì khả năng bảo vệ lâu dài hơn.

Vắc xin sống giảm độc lực

Vắc-xin sống giảm độc lực được sản xuất bằng cách làm suy yếu các tác nhân gây bệnh (virus hoặc vi khuẩn) trong phòng thí nghiệm, qua nhiều lần nuôi cấy cho đến khi chúng không còn khả năng gây bệnh. Khi tiêm vắc xin sống giảm độc lực vào cơ thể, một lượng rất nhỏ virus hoặc vi khuẩn có khả năng nhân lên với số lượng nhỏ để kích thích hệ miễn dịch, nhưng không đủ mạnh để gây bệnh.

So với vắc xin bất hoạt, vắc-xin sống giảm độc lực tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có khả năng duy trì khả năng bảo vệ lâu dài hơn, thường dẫn đến khả năng bảo vệ lâu dài, thậm chí suốt đời, mà không cần tiêm nhắc lại ở tuổi trưởng thành.

Một số ví dụ về vắc-xin sống giảm độc lực phổ biến bao gồm: vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR), vắc-xin bại liệt, vắc-xin đậu mùa, vắc-xin thủy đậu, vắc-xin sốt vàng, vắc-xin viêm não Nhật Bản, vắc-xin ngừa zona thần kinh và vắc-xin cúm,…

Vắc xin bất hoạt

Vắc-xin bất hoạt được tạo ra từ vi sinh vật (virus hoặc vi khuẩn) đã được nuôi cấy để phát triển hoàn toàn, sau đó sử dụng các phương pháp nhiệt, hóa chất hoặc tia xạ để khiến chúng không còn khả năng hoạt động (bất hoạt), khiến chúng mất khả năng gây bệnh. Mặc dù vi sinh vật đã ở trạng thái bất hoạt nhưng kháng nguyên vẫn còn. Khi tiêm vắc-xin này, hệ miễn dịch của cơ thể vẫn nhận biết được các kháng nguyên này như “thủ phạm” và sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm tương ứng.

Một số loại vắc-xin bất hoạt phổ biến hiện nay bao gồm: vắc-xin ho gà, vắc-xin cúm (một số loại), vắc-xin phòng bệnh dại, vắc-xin phòng bệnh bại liệt (một số loại), vắc-xin thương hàn, vắc-xin tả, và vắc-xin dịch hạch.

  Vắc xin biến độc tố

Vắc-xin biến độc tố, hay vắc-xin giải độc tố, được tạo ra từ độc tố của vi khuẩn. Không phải tất cả các bệnh nhiễm trùng đều do vi khuẩn hoặc virus trực tiếp gây ra; một số bệnh là do độc tố của virus, vi khuẩn tiết ra. Ví dụ, độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây uốn ván, và độc tố của Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. 

Vắc xin giải độc tố (toxoid vaccine) là loại vắc xin được bào chế từ độc tố của vi khuẩn gây bệnh. Loại vắc xin này có tác dụng bảo vệ cơ thể người được tiêm khỏi sự xâm nhập, tấn công và tổn thương do độc tố vi khuẩn gây ra. Hai ví dụ điển hình của vắc xin giải độc tố là vắc xin bạch hầu và vắc xin uốn ván.

Trong quá trình bào chế vắc xin giải độc tố, độc tố của vi khuẩn phải trải qua quá trình tinh chế và khử hoạt tính bằng hóa chất hoặc nhiệt. Quy trình này giúp loại bỏ khả năng gây độc của độc tố nhưng vẫn duy trì được tính kháng nguyên của nó. Nhờ đó, khi đưa vào cơ thể người, vắc xin vẫn có khả năng kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng đặc hiệu chống lại độc tố của vi khuẩn đó.

Vắc xin tiểu đơn vị

Không giống như các loại vắc-xin khác sử dụng toàn bộ mầm bệnh (đã được làm suy yếu hoặc bất hoạt), vắc-xin tiểu đơn vị chỉ sử dụng một phần đã được chọn lọc kỹ của mầm bệnh để kích thích phản ứng miễn dịch.

Các ví dụ về vắc-xin tiểu đơn vị (hay vắc-xin dưới đơn vị) phổ biến hiện nay bao gồm: vắc-xin viêm gan B, vắc-xin ho gà vô bào (dựa trên protein), vắc-xin polysaccharide phế cầu, và vắc-xin MenACWY (tiểu đơn vị liên hợp).

Vaccine túi màng ngoài

Túi màng ngoài (OMV) có khả năng kích thích miễn dịch tự nhiên và có thể được sử dụng để sản xuất vắc-xin mạnh. Vắc-xin OMV nổi bật nhất là các vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B serotype.

Vaccine liên hợp

Vaccine kết hợp chứa các protein đặc trưng được tách ra từ các tác nhân gây bệnh và chuỗi phân tử đường polysaccharide nhằm gia tăng khả năng đáp ứng miễn dịch khi tiêm. Vaccine liên hợp được biết đến như vaccine phế cầu khuẩn liên hợp PCV13, vaccine liên hợp Hib,…

Vắc xin vector virus

Vắc-xin vector virus (hay vắc xin sử dụng virus an toàn) sử dụng vector là virus nhằm đưa vật liệu di truyền mã hóa cho một kháng nguyên mong muốn vào tế bào vật chủ của người nhận.

So với vắc-xin tiểu đơn vị truyền thống, vắc-xin vector virus không chỉ tạo ra kháng thể mạnh mẽ mà còn kích thích phản ứng tế bào quan trọng giúp loại bỏ tế bào bị nhiễm bệnh. 

Vắc xin mRNA

Khác với các loại vắc-xin khác, vắc-xin mRNA không trực tiếp đưa kháng nguyên vào cơ thể để kích thích sản xuất kháng thể. Thay vào đó, chúng sử dụng mRNA để hướng dẫn tế bào sản xuất protein gai của virus, từ đó kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể bảo vệ.

Công nghệ mRNA đã được ứng dụng thành công trong sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, ví dụ như vắc-xin của Moderna và Pfizer/BioNTech. Thành công này đã mở ra triển vọng to lớn cho việc ứng dụng vắc-xin mRNA trong phòng ngừa các bệnh nguy hiểm khác như ung thư và HIV/AIDS.

Thử nghiệm

Vắc xin thử nghiệm đã trải qua các giai đoạn nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. Tiếp theo, chúng được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt trên người để đánh giá tính an toàn, hiệu quả phòng bệnh và xác định các tác dụng phụ tiềm ẩn. Các thử nghiệm này thường được thực hiện trên các tình nguyện viên khỏe mạnh và trẻ tuổi.

Vắc xin có thể phòng ngừa bệnh gì?

Vắc xin là một trong những thành tựu vĩ đại của y học, giúp chúng ta phòng ngừa được rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ có vắc xin, nhiều căn bệnh từng hoành hành đã được kiểm soát hoặc xóa sổ hoàn toàn.

Bệnh viêm gan A là bệnh do virus làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan.
Bệnh viêm gan A là bệnh do virus làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan.

  • Bệnh Lao (TB)
  • Bệnh Viêm gan B
  • Bệnh Viêm gan A
  • Bệnh Bạch hầu
  • Bệnh Uốn ván
  • Bệnh Ho gà
  • Bệnh do Phế cầu khuẩn
  • Bệnh do Hib
  • Bệnh tiêu chảy do Rotavirus
  • Bệnh Sởi
  • Bệnh Quai bị
  • Bệnh Rubella
  • Bệnh Cúm
  • Bệnh Thủy đậu
  • Bệnh Zona thần kinh
  • Bệnh viêm não Nhật Bản
  • Bệnh viêm màng não do mô cầu B,C
  • Bệnh viêm màng não do mô cầu A,C,Y và W135
  • Ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV
  • Bệnh Thương hàn
  • Bệnh Tả
  • Bệnh Đậu mùa khỉ
  • Bệnh Sốt vàng
  • Bệnh Sốt xuất huyết
  • Bệnh Sốt rét
  • Bệnh Dịch hạch
  • Bệnh Dại
  • Bệnh Covid
  • Bệnh Đậu mùa

Khi nào nên tiêm vắc xin phòng bệnh?

Việc tiêm vắc xin là một phần quan trọng trong lịch trình chăm sóc sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thời điểm tiêm vắc xin thường được khuyến cáo dựa trên độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác nhau.

Vắc xin đóng vai trò như một “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe con người trong suốt cuộc đời, từ khi mới chào đời cho đến tuổi già. Để theo dõi và quản lý việc tiêm chủng một cách hiệu quả, hầu hết các quốc gia đều cấp thẻ hoặc sổ tiêm chủng cho người dân, giúp họ nắm được lịch sử tiêm phòng và thời điểm cần tiêm các liều vắc xin hoặc liều tăng cường tiếp theo.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc tiêm phòng vắc xin cần được thực hiện càng sớm càng tốt khi đến độ tuổi quy định cho từng loại vắc xin. Việc trì hoãn tiêm chủng có thể khiến người dân đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt nếu chờ đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới bắt đầu tiêm phòng thì cơ thể sẽ không có đủ thời gian để vắc xin phát huy hiệu quả và đạt được liều lượng khuyến nghị cần thiết.

Đối tượng nào không nên tiêm vắc xin?

Trước khi tiêm vắc-xin, tất cả mọi người đều được bác sĩ khám sàng lọc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp. Một số trường hợp có thể bị hoãn hoặc chống chỉ định tiêm chủng bao gồm:

  • Không tiêm vắc xin cho trẻ có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nghiêm trọng với các loại vắc xin có cùng thành phần ở lần tiêm trước.
  • Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực do nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
  • Những người có hệ miễn dịch suy giảm (HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch) không được tiêm vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (không được điều trị dự phòng tốt) không được tiêm vắc xin phòng bệnh Lao.
  • Những người đang suy giảm chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tim, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan không được tiêm vắc xin.
  • Một số trường hợp chống chỉ định khác được áp dụng theo hướng dẫn cụ thể của nhà sản xuất cho từng loại vắc xin.

Tác dụng phụ của vắc xin

Khi đưa vào cơ thể, vắc xin có thể gây ra một số tác dụng phụ thông thường, đây được xem là dấu hiệu bình thường cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động để tạo kháng thể. Các triệu chứng này thường nhẹ như đau nhức, sưng đỏ tại chỗ tiêm, nhức cánh tay, sốt nhẹ, mệt mỏi, khó chịu, hoặc ở trẻ nhỏ có thể bỏ bú, bú kém và quấy khóc. Những triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc xin rất hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời, bao gồm sốt cao co giật, tím tái, quấy khóc kéo dài, khó thở, ngưng thở, sốc phản vệ và hội chứng sốc nhiễm độc (có thể xuất hiện trong vòng 24-48 giờ sau tiêm). Chính vì vậy, sau khi theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, người được tiêm vắc xin cần tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà trong 24-48 giờ để kịp thời phát hiện các phản ứng bất lợi nếu có.

Bảo quản vắc xin

Hiệu quả của vắc-xin trong việc phòng chống dịch bệnh phụ thuộc rất lớn vào việc bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng và an toàn. Việc bảo quản không đúng quy trình (ví dụ: tiếp xúc với ánh sáng hoặc nhiệt độ không phù hợp) có thể làm hỏng vắc-xin, giảm hoặc mất tác dụng bảo vệ, thậm chí gây nguy hiểm cho người được tiêm. 

Do đó, mỗi loại vắc-xin cần được bảo quản theo những điều kiện cụ thể để đảm bảo chất lượng tối ưu trước khi sử dụng.

STT Loại vắc xin Phòng bệnh Nhiệt độ bảo quản vắc xin
1 Pentaxim Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và HIB 2°C – 8°C (Không bảo quản đông lạnh)
2 Infanrix Hexa Bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, HIB, viêm gan B 2°C – 8°C. Không đông đá huyền dịch DTPa-HB-IPV và vắc xin đã hoàn nguyên. Loại bỏ nếu vắc xin bị đông băng.
3 Hexaxim Bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, HIB, viêm gan B 2°C – 8°C
4 Rotateq Rota virus 2°C – 8°C. Vắc-xin Rotateq cần được sử dụng ngay sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh. Nếu bảo quản ở 25°C, vắc-xin có thể sử dụng trong vòng 48 giờ; sau thời gian này, vắc-xin phải được loại bỏ theo quy định.
5 Rotarix
  • Vắc xin đông khô cần được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C, tránh ánh sáng.
  • Dung môi hoàn nguyên có thể được bảo quản ở 2-8°C hoặc ở nhiệt độ phòng (dưới 37°C).
  • Vắc xin đã được hoàn nguyên cần được sử dụng ngay lập tức. Nếu bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8°C, vắc xin có thể được sử dụng trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ, vắc xin phải được loại bỏ.
6 Rotavin 2°C – 8°C
7 Synflorix Các bệnh do phế cầu 2°C – 8°C (Không bảo quản đông lạnh)
8 Prevenar 13
9 BCG Lao
  • 2°C – 8°C (vắc xin không bị hỏng bởi đông băng nhưng dung môi thì không được đông băng).
  • Sau khi hoàn nguyên, dung dịch tiêm cần được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 °C trong 6 giờ. Phần còn lại của lọ vắc xin sau mỗi buổi tiêm chủng hoặc sau 6 giờ cần phải hủy bỏ.
10 Engerix B Viêm gan B 2°C – 8°C (Không được bảo quản đông lạnh)
11 Heberbiovac
12 Gene Hbvax
13 Euvax B
18 Mengoc BC Viêm màng não mô cầu BC 2°C – 8°C (Không được bảo quản đông lạnh)
19 Menactra Viêm màng não mô cầu ACYW
20 Mvvac Sởi
  • Lọ vắc-xin sởi đông khô cần được bảo quản ở nhiệt độ ≤ 8°C và tránh ánh sáng.
  • Lọ nước pha tiêm cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C và không được làm đông băng.
  • Vắc-xin đã pha với nước pha tiêm cần được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C và sử dụng trong vòng 6 giờ.
22 MMR II Sởi – quai bị- rubella
  • Trước khi hoàn nguyên, vắc-xin cần được bảo quản ở nhiệt độ 2-8°C, tránh ánh sáng.
  • Sau khi hoàn nguyên, cần sử dụng ngay vắc xin. Nếu bảo quản ở 2-8°C, tránh ánh sáng, vắc-xin đã hoàn nguyên có thể sử dụng trong vòng 4 giờ. Sau 4 giờ, vắc xin phải hủy bỏ vắc xin theo quy định.
23 Priorix
  • Bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8°C. Không làm đông đá vắc-xin, dung môi hay đông khô.
  • Dung môi có thể được bảo quản trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Bảo quản trong bao bì gốc để tránh ánh sáng.
24 Measles- Mumps- Rubella
  • Cả vắc xin và nước hồi chỉnh đều phải tránh ánh sáng.
  • Cần bảo quản vắc xin ở nơi không có ánh sáng, nhiệt độ từ 2-8 độ C.
  • Nước hồi chỉnh phải bảo quản ở nhiệt độ mát, không để đông băng.
25 Varivax Thủy đậu 2°C – 8°C
26 Varilrix
27 Varicella 2°C – 8°C. Tránh ánh sáng trực tiếp.
28 Vaxigrip tetra Cúm mùa 2°C – 8°C (Không được đông lạnh  và tránh ánh sáng)
29 Influvac tetra
30 GC Flu Quadrivalent
31 Ivacflu-S Cúm (người > 18 tuổi)
32 Gardasil 9 Sùi mào gà và Ung thư CTC 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
33 Gardasil
34 Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) Phòng uốn ván 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
35 Huyết thanh uốn ván (SAT)
36 Imojev Viêm não Nhật Bản 2°C – 8°C (Không được đông lạnh  và tránh ánh sáng)
37 Jeev
38 Jevax
39 Verorab (TTD) Dại 2°C – 8°C
40 Verorab (TB)
41 Abhayrab (TB) 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
42 Abhayrab (TTD)
43 Adacel Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
44 Boostrix
45 Tetraxim Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt
46 Uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td) Uốn ván – Bạch hầu
48 Twinrix Viêm gan A và Viêm gan B
49 Havax Viêm gan A 2°C – 8°C (Không được đông lạnh  và tránh ánh sáng)
50 Avaxim
51 Typhim VI Thương hàn 2°C – 8°C
52 Typhoid VI 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
53 Quimi Hib Các bệnh do HIB 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)
54 mOrcvax Tả 2°C – 8°C
55 Stamaril Sốt vàng 2°C – 8°C (Không được đông lạnh)

Tiêm vắc xin có an toàn không?

Tiêm chủng là một phương pháp phòng bệnh an toàn và ít gây tác dụng phụ. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và không đáng ngại như sốt nhẹ, sưng đỏ hay đau tại vị trí tiêm. Những phản ứng này có thể không xuất hiện, và nếu có cũng sẽ tự biến mất sau 24-48 giờ. Để đảm bảo an toàn, tất cả người tiêm chủng đều được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà, mặc dù các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra.

Vắc-xin rất an toàn.
Vắc-xin rất an toàn.

Mọi loại vắc xin đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và nhiều giai đoạn thử nghiệm trước khi được phê duyệt đưa vào sử dụng. Ngay cả khi đã được sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học vẫn liên tục theo dõi và thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vắc xin có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Điều quan trọng cần nhớ là các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra những tổn thương và hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những tác dụng phụ hiếm gặp của vắc xin. Ví dụ như bệnh uốn ván có thể gây ra những cơn đau dữ dội do co thắt cơ, hay bệnh sởi có thể dẫn đến viêm não và mù lòa. Do đó, lợi ích mà việc tiêm chủng mang lại vượt xa những rủi ro có thể xảy ra.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch cộng đồng (community immunity) xảy ra khi phần lớn dân số trong một cộng đồng có khả năng miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm cụ thể. Điều này có nghĩa là ngay cả những người không có khả năng miễn dịch cũng được bảo vệ vì mầm bệnh khó có thể lây lan rộng rãi. Miễn dịch cộng đồng được tạo ra thông qua tiêm chủng và/ hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh, biến chứng nguy hiểm và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, tiêm chủng là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ vì sức khỏe bản thân mà còn vì cộng đồng. Hãy tìm hiểu thêm về lịch tiêm chủng và tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quyết định đúng đắn nhất cho sức khỏe của mình và gia đình.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo:

  1. World Health Organization: WHO. (2020, December 8). How do vaccines work? https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/how-do-vaccines-work
  2. News-Medical. (2023, February 20). What are the Different Types of Vaccines? https://www.news-medical.net/health/What-are-the-Different-Types-of-Vaccines.aspx
  3. Boulanger, A. (2018, June 21). Vaccines: Who should avoid them and why. Healthline. https://www.healthline.com/health/vaccinations/immunization-complications
  4. Henderson, D. A. (1999). Smallpox and vaccinia. NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK7294/
  5. How Vaccines are Developed and Approved for Use | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/vaccines/basics/test-approve.html
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ