Bệnh Cảm Cúm Ở Trẻ Em Nên Điều Trị Và Phòng Chống Thế Nào?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nhi khoa > Nhi truyền nhiễm > Bệnh Cảm Cúm Ở Trẻ Em Nên Điều Trị Và Phòng Chống Thế Nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng năm 26, 2021

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cảm cúm. Dù là loại bệnh phổ biến, nhưng nếu không biết cách điều trị phù hợp, kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé. Do đó, bố mẹ nên tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng ngừa và chữa trị bệnh cảm cúm ở trẻ em trong bài viết này.

Phân biệt cảm và cúm ở trẻ em

Bệnh cảm cúm ở trẻ em luôn là nỗi bận tâm của nhiều bố mẹ vì rất thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong những thời điểm giao mùa. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh tuy nhiên có thể điều trị tại nhà và thường tự khỏi sau 1 tuần. Có rất nhiều người không biết nhưng thực tế bệnh cảm do virus gây ra nhưng hiếm khi đe dọa tính mạng còn bệnh cúm thì cũng do virus gây ra nhưng có thể gây tử vong. Bệnh cảm và cúm có biểu hiện khá giống nhau tuy nhiên bệnh cúm sẽ có dấu hiệu nặng hơn rất nhiều, cụ thể bạn đọc có thể tham khảo bảng so sánh dưới đây.

Triệu chứng Bệnh cảm Bệnh cúm
Sốt Hiếm khi sốt hoặc sốt nhẹ Sốt cao (39 – 40 độ) và kéo dài nhiều ngày
Đau đầu Ít xảy ra Liên tục, đau nhiều
Đau cơ Nhẹ Nặng
Đau họng Thường gặp Thỉnh thoảng
Đau ngực Ít khi xảy ra Có thể khó thở, nặng ngực
Mệt mỏi Nhẹ Kéo dài nhiều ngày, kiệt sức
Hắt hơi Thường xuyên Thỉnh thoảng
Ho Nhẹ đến vừa Nhiều
Nghẹt mũi, sổ mũi Phổ biến Thỉnh thoảng

Trên đây là những triệu chứng điển hình giúp bạn phân biệt bệnh cảm và cúm ở trẻ em. Như các bạn đã thấy triệu chứng của 2 loại bệnh này khá giống nhau vì thế rất khó phân biệt. Một lưu ý là các triệu chứng của bệnh cúm thường trầm trọng hơn nhiều và diễn biến rất nhanh. Vì bệnh cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách vì thế nếu nhầm lẫn với bệnh cảm thì rất nguy hiểm. Vì thế các bác sĩ khuyên bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá 3 ngày liên tục, đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn, ho kéo dài quá 2 tuần.

Và đặc biệt lưu ý, cả trường hợp bị cảm và cúm, nếu bệnh nhân có biểu hiện đau ngực nghiêm trọng, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục. Trẻ em có biểu hiện thở nhanh hoặc khó thở, da tím tái, không thể uống hay bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày và các triệu chứng cải thiện nhưng đột nhiên trầm trọng hơn nhanh chóng kèm theo phát ban. Thì cần đưa đi cấp cứu kịp thời.

*Lưu ý: bệnh cảm và cúm nguy hiểm với người bị bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp như hen, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Vậy bệnh cảm và cúm nguy hiểm như thế nào?

benh-cam-cum-o-tre-em-1
Bố mẹ cần phân biệt được triệu chứng của cảm và cúm

Bệnh cảm và cúm nguy hiểm như thế nào?

Bệnh cảm cúm ở trẻ em dù rất thường gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị tích cực. Cụ thể như sau:

Biến chứng của bệnh cảm ở trẻ em

  • Viêm tai cấp tính: Biến chứng này rất thường gặp, khi trẻ không được chữa trị phù hợp và nhanh chóng.
  • Hen suyễn: Trẻ dễ bị tức ngực, khò khè khi cảm. Nếu bé có tiền sử hen, những triệu chứng sẽ tái phát và kéo dài khi mắc bệnh cảm.
  • Viêm họng: Trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi dễ mắc viêm họng khi cảm. Những dấu hiệu cảnh báo điển hình là vòm họng có màu đỏ, sưng họng đỏ Amidan hay xuất hiện nốt nhỏ, đau họng,…
  • Viêm xoang: Thông thường, bệnh cảm không đáng ngại, nhưng có nguy cơ xảy ra tình trạng tắc nghẽn xoang mũi, tạo điều kiện cho virus phát triển trong mũi, sinh sôi nhiều hơn. Từ đó, dẫn tới nhiễm trùng xoang mũi, viêm xoang.
  • Viêm phổi: Nếu con yêu xuất hiện triệu chứng ớn lạnh, đổ mồ hôi, sốt cao,… mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ thăm khám, nhằm phòng tránh và kịp thời chữa trị biến chứng viêm phổi nguy hiểm.

Biến chứng của bệnh cúm ở trẻ em

Sau 4 – 7 ngày mắc bệnh, sốt và các triệu chứng khác sẽ tự khỏi nhưng tình trạng mệt mỏi, ho vẫn tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, bệnh cúm vẫn diễn biến rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi, có khả năng đối mặt với các biến chứng dưới đây:

  • Gây nhiễm trùng huyết, suy thận và hô hấp, tiêu cơ vân, viêm não, phổi, tim mạch,… thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời.
  • Nếu trẻ có tiền sử bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch,… cúm sẽ khiến tình trạng thêm nguy kịch.
  • Trẻ dễ bị mất nước và muối khi nhiễm cúm, nếu quá trầm trọng sẽ khiến suy kiệt sức khỏe, dẫn đến tử vong.
  • Gây nhiễm trùng tai và các vấn đề về xoang.

Đa khoa Phương Nam vừa thông tin đến bạn sự nguy hiểm mà bệnh cảm và cúm gây ra cho trẻ. Tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách điều trị và chăm sóc bệnh cảm cúm ở trẻ em nhé.

Cách điều trị và chăm sóc bệnh cảm cúm ở trẻ em

benh-cam-cum-o-tre-em-5
Trẻ nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Để giúp con yêu nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế biến chứng nguy hiểm, chúng ta cần có cách điều trị và chăm sóc bệnh cảm cúm ở trẻ em hợp lý, cụ thể như sau:

Phương pháp điều trị

Hiện nay không có thuốc đặc hiệu để chữa cảm cúm. Chỉ có thể điều trị các triệu chứng, nâng cao sức đề kháng, thể lực và chờ đợi bệnh tự thuyên giảm. Nếu không may có biến chứng xảy ra, cần xử lý nhanh chóng. Một số cách thức điều trị cảm cúm điển hình là:

  • Hạ sốt: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ như Paracetamol, Ibuprofen. Tránh dùng Aspirin để hạ sốt cho con.
  • Đảm bảo cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, đồ ăn lỏng như soup, cháo.
  • Vệ sinh mũi: Dùng xịt vệ sinh bằng muối biển sâu hoặc nước muối sinh lý (0,9%). Có thể dùng khăn giấy cuốn bấc sâu kèn lấy mũi cho trẻ.
  • Chữa ho: Mẹ nên cân nhắc cho bé dùng siro ho hoặc bài thuốc dân gian như chanh đào ngâm mật, tắc chưng đường phèn, mật ong, massage bàn chân bằng dầu nóng,…
  • Chưa xuất hiện bội nhiễm thì không cần dùng thuốc kháng sinh.

Lưu ý khi chăm sóc

  • Trẻ nên được cách ly tại nhà, hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm cho người khác. Nên đeo khẩu trang cho con khi ra khỏi phòng.
  • Nếu không cần thiết, mọi người xung quanh tránh tiếp xúc với trẻ. Bố mẹ khi chăm sóc nên đeo khẩu trang.
  • Phối hợp các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh hoặc thuốc ho (nếu có) cho trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh mũi họng, mắt cho con mỗi ngày.
  • Theo dõi nhịp thở, thân nhiệt, tình trạng tăng tiết, tím tái môi, da, đầu ngón tay.
  • Tăng cường cho bé uống nước, nhất là nước ép hoa quả có Vitamin C, áp dụng khẩu phần ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như sữa, bột, cháo.
  • Vệ sinh các vật dụng của trẻ như bô, thau chậu, khay ăn,… bằng xà phòng.
  • Luôn giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là khi trời lạnh.
  • Ưu tiên quần áo thấm hút mồ hôi, mềm mại. Khi trẻ không sốt, mẹ có thể tắm cho con bằng nước ấm thật nhanh trong phòng tắm.

Bố mẹ hãy ghi nhớ các phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh cảm cúm ở trẻ em, để áp dụng đúng khi cần thiết nhé.

Cách phòng chống bệnh cảm cúm ở trẻ em

Hiện nay, tiêm vacxin là cách phòng ngừa bệnh cảm cúm ở trẻ em hiệu quả nhất. Trẻ em từ 6 tháng tuổi đã có thể chủng ngừa vacxin cúm. Nhưng bé dưới 6 tháng tuổi vẫn chưa được phép tiêm vacxin. Vì thế, để bảo vệ con yêu trong giai đoạn này, mẹ nên chủng ngừa từ lúc mang thai theo chỉ định của bác sĩ.

benh-cam-cum-o-tre-em-7
Nên rửa tay cho trẻ thường xuyên

Ngoài ra, mẹ hãy cho con bú thường xuyên. Vì sữa mẹ giúp cơ thể bé thêm khỏe mạnh, tăng sức đề kháng phòng ngừa cúm hiệu quả. Bên cạnh đó, các biện pháp áp dụng tại nhà cũng phát huy hiệu quả phòng cúm như:

  • Rửa tay cho trẻ thường xuyên.
  • Vệ sinh họng giúp bé nhất là sau khi hắt hơi, ho, ăn uống xong,…
  • Không để bé tiếp xúc với người bệnh.
  • Che miệng khi hắt hơi, ho.
  • Tránh cho con dùng chung đồ chơi.
  • Nếu bé đã ăn dặm, nên tăng cường rau xanh trong khẩu phần.
  • Giữ vệ sinh không gian sống của con sạch sẽ mỗi ngày.

Bệnh cảm cúm ở trẻ em sẽ không là vấn đề nguy hiểm, nếu bố mẹ biết cách nhận diện, điều trị, chăm sóc và phòng ngừa phù hợp. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích trong quá trình nuôi dưỡng bé, chống lại bệnh cảm cúm hiệu quả. Nếu cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ với Phòng khám Đa khoa Phương Nam qua Hotline 1800 2222 nhé!

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ