Phác Đồ Điều Trị Viêm Gan B Mới Nhất

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Khoa tiêu hoá > Phác Đồ Điều Trị Viêm Gan B Mới Nhất

Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng mười một 20, 2022

Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm gây ra bởi virus HBV, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, việc chữa trị bệnh viêm gan B cần được quan tâm. Mời bạn đọc hãy cùng Phòng khám Đa khoa Phương Nam tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm gan B mới nhất trong bài viết này nhé!

Phác đồ điều trị viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh lý gây ra bởi virus HBV. Nó có thể lây nhiễm từ người sang người, biểu hiện qua các triệu chứng như sốt nhẹ, đau vùng hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn,… Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy gan, xơ gan, ung thư. Nếu gặp dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị lây virus HBV, bạn hãy đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán và đề ra biện pháp điều trị phù hợp. 

Bệnh nhân cần tuân thủ liệu trình chữa viêm gan B để nhận được hiệu quả tối ưu. Đó có thể là phác đồ điều trị viêm gan B do Bộ Y Tế đề ra hoặc của một cơ sở y tế cụ thể dựa theo hướng dẫn chữa trị của Bộ Y Tế. Phác đồ là một bộ quy chuẩn với những tiêu chí khắt khe bao gồm trình tự chẩn đoán, chữa trị và tiên lượng bệnh. Nó sẽ cung cấp khá đầy đủ về quy trình xử lý và điều trị viêm gan B.

Phác đồ điều trị viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh lý gây ra bởi virus HBV

Phân loại bệnh viêm gan B

Viêm gan B có 2 dạng là cấp và mạn tính, cụ thể như sau:

  • Viêm gan B cấp tính là tình trạng bệnh xảy ra nếu virus HBV tồn tại trong cơ thể dưới 6 tháng. Bác sĩ có thể chữa trị dứt điểm thể bệnh này.
  • Viêm gan B mạn tính là tình trạng bệnh xảy ra nếu virus HBV tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng. Bệnh nhân có thể sẽ phải sống chung với viêm gan B cả đời vì hiện không chữa khỏi hoàn toàn được. 

Tương ứng với mỗi thể bệnh sẽ có phác đồ chữa trị riêng. Đa khoa Phương Nam sẽ gửi đến bạn đọc phác đồ điều trị viêm gan B mới nhất ở những phần tiếp theo. Phác đồ này chỉ đề cập đến việc chữa trị sau khi bác sĩ dùng những phương pháp chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng cũng như chẩn đoán phân biệt để xác định bệnh lý một cách chính xác. 

Phân loại bệnh viêm gan B
Viêm gan B có 2 dạng là cấp và mạn tính

Phác đồ điều trị viêm gan B cấp tính

Ước tính khoảng 95% người trưởng thành mắc bệnh viêm gan B có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Các phương pháp được đưa ra chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ điều trị. 

 Phương pháp điều trị

Với trường hợp này, cách chữa viêm gan B tại nhà được áp dụng chính là chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng.

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức trong giai đoạn biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Bệnh nhân nên bổ sung rau xanh, trái cây để cung cấp khoáng chất, Vitamin cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước, kiêng bia rượu, hạn chế dùng món chứa nhiều chất béo.
  • Nếu không thể nạp đủ dưỡng chất thông qua việc ăn uống do nôn nhiều,… thì có thể phải tiến hành nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Hạn chế sử dụng những loại thuốc chuyển hóa thông qua gan. Từ đó có thể hỗ trợ làm giảm bớt gánh nặng cho gan.

Riêng với trường hợp bị viêm gan tối cấp thì cần chữa trị hồi sức tích cực thông qua những phương pháp như:

  • Duy trì hệ tuần hoàn và hô hấp một cách ổn định.
  • Áp dụng những biện pháp chữa trị riêng biệt với người mắc chứng phù não, rối loạn đông máu hoặc những biểu hiện bất thường khác.
  • Với trường hợp Prothrombin giảm xuống dưới 60% thì cần tiến hành tiêm Vitamin K1.
  • Bác sĩ đôi khi có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus như Tenofovir, Entecavir,…

 Theo dõi trong điều trị

  • Tiến hành theo dõi những triệu chứng lâm sàng như rối loạn tiêu hóa, cổ trướng, vàng da, vàng mắt,…
  • Theo dõi chỉ số ALT, AST định kỳ 1 – 2 tuần/lần cho đến khi ALT nhỏ hơn 2 lần giới hạn trên của giá trị bình thường. Sau đó là 4 – 12 tuần/lần trong vòng 24 tuần kể từ lúc chữa trị.
  • Theo dõi Bilirubin, INR toàn phần và trực tiếp trong 1 – 2 tuần/lần cho đến lúc các trị số quay về giá trị như bình thường. 
  • Xét nghiệm Anti-HBs, HBsAg ở tuần chữa trị thứ 12 và 24. 

 Các loại thuốc kháng virus HBV

Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc kháng virus như Tenofovir hoặc Entecavir đến khi HBsAg biến mất. Các trường hợp dùng thuốc bao gồm:

  • Viêm gan B cấp kèm theo tối thiểu 2 tiêu chí: INR > 1,5; Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL (hoặc Bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL); bệnh não gan.
  • Viêm gan B thể tối cấp.
  • Bilirubin có xu hướng gia tăng, bệnh kéo dài trên 4 tuần.

 Theo dõi sau điều trị

  • Tiến hành xét nghiệm các chỉ số định kỳ. Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg vẫn dương tính sau 6 tháng thì nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này bác sĩ sẽ chuyển sang phác đồ chữa viêm gan B mạn tính.
  • Nếu Anti-HBs nhỏ hơn 10 IU/L bạn sẽ được tư vấn chủng ngừa viêm gan B. 
Phác đồ điều trị viêm gan B cấp tính
Bệnh nhân bị viêm gan B cấp tính nên có chế độ dinh dưỡng khoa học

Phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B mạn tính. Phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y Tế sẽ đáp ứng một vài mục tiêu nhất định, cụ thể gồm có: Hỗ trợ ức chế virus HBV dưới ngưỡng, giảm lây truyền, cải thiện tổn thương gan, ngăn ngừa bệnh xơ gan, ung thư,… 

 Phương pháp điều trị

Bác sĩ sẽ lên đơn thuốc phù hợp với những chỉ số AST, ALT, mức độ xơ hóa của gan và tải lượng virus. Thuốc chữa bệnh viêm gan B mạn tính có thể được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc kháng virus như Adefovir, Lamivudine, Tenofovir,… giúp hạn chế quá trình sinh sôi, phát triển của HBV. Những loại thuốc này tồn tại dưới dạng đường uống. Trong đó, Adefovir kết hợp với Lamivudine trong trường hợp kháng thuốc. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn chữa trị như giờ uống, cách uống, loại thuốc, thăm khám đúng lịch hẹn,… và có thể kéo dài thời gian chữa trị đến suốt đời. 
  • Thuốc kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus HBV dạng đường tiêm như Peg-interferon alpha, Interferon,… Trong đó, Interferon đáp ứng bền vững và có thời gian chữa trị ngắn. Cần ưu tiên dùng những loại thuốc này trong trường hợp chị em muốn có thai, không dung nạp thuốc kháng virus đường uống và đồng nhiễm viêm gan D. Thế nhưng những loại thuốc này có thể dẫn đến những phản ứng phụ như chán ăn, rụng tóc, dị ứng, giảm bạch cầu,…

 Theo dõi trong điều trị

  • Theo dõi chỉ số ALT, AST, Creatinine máu trong tháng chữa trị đầu tiên.
  • Theo dõi chỉ số ALT, AST, Creatinine máu, HBV-DNA, Anti-HBe, HBeAg, định lượng HBsAg sau mỗi 3 – 6 tháng chữa trị.
  • Theo dõi công thức máu. Creatinin máu, Ure máu, chức năng tuyến giáp, đường huyết. Điều này giúp bạn phát hiện những phản ứng phụ không mong muốn của thuốc để tiến hành chữa trị sao cho phù hợp. 

Nếu kết quả chữa trị không được như mong muốn, bác sĩ có thể sẽ xem xét chỉ định cho bệnh nhân dùng những loại thuốc khác hoặc kết hợp sử dụng thuốc. 

 Theo dõi sau khi ngưng điều trị

  • Theo dõi những triệu chứng lâm sàng.
  • Cần tiến hành xét nghiệm ALT, AST, HBeAg, HBsAg, HBV-DNA, Anti-HBe sau mỗi 3 – 6 tháng để đánh giá. Những xét nghiệm này sẽ được tiến hành ít nhất 1 năm đầu sau khi ngưng chữa trị. 
  • Tái khám định kỳ.

Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một đợt chữa trị mới trong trường hợp cần thiết. 

Phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính
Bác sĩ sẽ lên đơn thuốc phù hợp với những chỉ số AST, ALT, mức độ xơ hóa của gan và tải lượng virus

Lưu ý dành cho người bệnh

Chúng ta vừa tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm gan B. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần lưu ý thêm những điều dưới đây:

  • Người bệnh cần tuân thủ phác đồ chữa trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt. Hãy trao đổi trực tiếp nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào. Nếu gặp dấu hiệu bất thường khi chữa trị hãy thông báo ngay với bác sĩ.
  • Bác sĩ sẽ thay đổi phác đồ trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như: Bệnh nhân là trẻ em, phụ nữ mang thai, đang bị ung thư biểu mô tế bào gan, người ghép tạng hoặc hóa trị, đồng nhiễm HBV với HDV, HIV hoặc HCV,… 
  • Áp dụng các biện pháp an toàn để phòng tránh nguy cơ lây truyền virus viêm gan B cho người khác. 
  • Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Tham vấn bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện.
  • Tiến hành tiêm vắc xin viêm gan B để phòng bệnh hiệu quả. Không sử dụng chung vật dụng cá nhân bị dính dịch cơ thể hoặc máu. Đồng thời nên tiến hành quan hệ tình dục một cách an toàn.

Chữa trị viêm gan B, đặc biệt là thể bệnh mạn tính cần có sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ. Do đó, người bệnh phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị viêm gan B được bác sĩ chỉ định. Bạn cũng đừng quên tái khám thường xuyên và áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác nhé. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline hoặc 1800 2222!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ