Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu? Có được bảo hiểm y tế chi trả?

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y tế công cộng > Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu? Có được bảo hiểm y tế chi trả?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 4 2, 2025

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, nhưng nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi là rất cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thắc mắc về chi phí của việc tầm soát này. Vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu? Có bao nhiêu phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung? Mời bạn tham khảo các thông tin trong bài viết sau.

Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu?

Giá tầm soát ung thư cổ tử cung không cố định mà phụ thuộc vào từng cơ sở y tế thực hiện. Thông thường, chi phí này dao động từ 1.500.000 đồng trở lên, bao gồm nhiều khoản từ khám bệnh đến các chi phí xét nghiệm và tầm soát ung thư cổ tử cung.

Thông thường, chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung dao động từ 1.500.000 đồng trở lên
Thông thường, chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung dao động từ 1.500.000 đồng trở lên

Chí phí dịch vụ phụ khoa

Khám phụ khoa tổng quát là bước đầu tiên trong quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung. Chi phí khám phụ khoa phụ thuộc vào cơ sở y tế, khu vực địa lý và dịch vụ đi kèm. Tại các bệnh viện công, giá thường từ 300.000 đến 500.000 đồng, trong khi tại các bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân, mức giá có thể từ 500.000 đến trên 1.000.000 đồng, nhưng bù lại là dịch vụ nhanh chóng, không cần chờ đợi lâu.

Tùy vào đặc thù dịch vụ tại cơ sở y tế, khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ khám thường hoặc dịch vụ khám VIP. Với dịch vụ VIP, khách hàng được miễn phí thời gian chờ đợi, các bước thăm khám và chữa bệnh được ưu tiên thực hiện nhanh chóng. Quy trình khám khép kín, khoa học từ đón tiếp, gặp bác sĩ, thực hiện xét nghiệm, cùng không gian chờ và thăm khám hiện đại, được đầu tư kỹ lưỡng để mang đến sự thoải mái và nhiều tiện ích khác. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng cá nhân và gia đình mà đưa ra lựa chọn phù hợp.

Chi phí dịch vụ xét nghiệm

Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ thường chỉ định thêm các phương pháp xét nghiệm nhằm tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung. Mức chi phí cho việc tầm soát này sẽ thay đổi, phụ thuộc vào loại xét nghiệm cụ thể được thực hiện.

Phí xét nghiệm HPV

HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thống kê, HPV gây ra 99% trường hợp ung thư cổ tử cung, 65% ung thư âm đạo, 50% ung thư âm hộ và 45 – 90% ung thư vòm họng. Ước tính có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 59 nhiễm các tuýp huyết thanh HPV gây ung thư.

Mặc dù đa số các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và sẽ tự khỏi trong vòng 6-24 tháng, nhưng vẫn có khoảng 20% trường hợp virus tồn tại dai dẳng, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành mụn cóc sinh dục hoặc ung thư. Chính vì lý do này, xét nghiệm HPV là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm các tuýp HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Chi phí cho xét nghiệm này thường từ 1.500.000 đồng trở lên và đôi khi được kết hợp với Pap smear để tăng độ chính xác.

Phí xét nghiệm Pap Smear

Pap Smear (hay phết tế bào cổ tử cung) là phương pháp rất phổ biến để tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này giúp xác định các tế bào bất thường ở cổ tử cung, vốn thường do virus HPV gây ra. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên thực hiện Pap Smear định kỳ, ít nhất 3 năm một lần, hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, nhiều người dễ bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, tầm soát bằng Pap Smear là rất cần thiết giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, mang lại cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao. Chi phí cho một lần xét nghiệm Pap Smear thường từ 650.000 đồng trở lên.

Tầm soát ung thư cổ tử cung được bảo hiểm Y tế chi trả không?

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam có hơn 4.000 ca mắc mới và gần 3.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Nghiên cứu cho thấy, nước ta hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung (UTCTC) trong 30 năm tới nếu tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị UTCTC được điều trị đầy đủ.

Bên cạnh băn khoăn về chi phí, nhiều người cũng thắc mắc liệu tầm soát ung thư cổ tử cung có được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hay không. Hiện tại, câu trả lời là chưa. Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa nằm trong danh mục được BHYT hỗ trợ tại Việt Nam, do chính sách BHYT hiện hành ưu tiên chi trả cho việc khám chữa bệnh hơn là các dịch vụ phòng ngừa.

việc tầm soát ung thư cổ tử cung chưa nằm trong danh mục chi trả của Bảo hiểm Y tế (BHYT) tại Việt Nam.
Hiện nay, tầm soát ung thư cổ tử cung chưa nằm trong danh mục chi trả của Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Do được phân loại là dịch vụ tự chọn, các xét nghiệm như Pap Smear, HPV hay tầm soát ung thư tổng quát không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí, ngay cả khi lựa chọn thực hiện tại các bệnh viện hay cơ sở y tế công lập.

Bảo hiểm y tế (BHYT) được thiết kế với mục tiêu chính là hỗ trợ chi phí điều trị khi người tham gia không may mắc bệnh, dựa trên nguyên tắc tương trợ giữa người tham gia bảo hiểm. Do đó, việc mở rộng phạm vi chi trả sang cả các dịch vụ phòng ngừa có thể gây áp lực tài chính đáng kể và tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân đối quỹ BHYT hiện có.

Do bảo hiểm y tế (BHYT) chưa chi trả cho tầm soát ung thư cổ tử cung, phụ nữ hiện phải tự thanh toán chi phí này. Một giải pháp thay thế là tìm đến bảo hiểm sức khỏe tư nhân, nơi các gói dịch vụ có thể bao gồm cả tầm soát phòng ngừa. Tuy nhiên, lựa chọn này thường không khả thi với đa số người dân vì chi phí bảo hiểm tư nhân khá cao và khó tiếp cận đối với những người có thu nhập thấp.

Mặc dù có tiềm năng loại bỏ ung thư cổ tử cung, nhưng thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc tại Việt Nam hiện còn rất thấp. Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021 (Điều tra SDGs về Phụ nữ và Trẻ em) chỉ ra rằng, mới chỉ có 12% nhóm nữ từ 15-29 tuổi được tiêm vắc xin HPV và 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 đã thực hiện khám sàng lọc.

Tỷ lệ phụ nữ đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung còn thấp có hai nguyên nhân chính: thứ nhất là do nhiều người chưa có ý thức chủ động đi khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư; thứ hai là do các phương pháp sàng lọc này hiện chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Các xét nghiệm trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến bao gồm tại tại các cơ sở y tế gồm:

Tầm soát ung thư cổ tử cung là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Tầm soát ung thư cổ tử cung là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ.

Khám phụ khoa

Trước khi thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt như Pap smear hay HPV, bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa ban đầu. Mục đích là để kiểm tra tổng thể, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường hoặc viêm nhiễm có thể nhìn thấy.

Dù không đủ để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, việc khám phụ khoa giúp bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe sơ bộ và quyết định phương pháp xét nghiệm phù hợp tiếp theo. Việc khám phụ khoa định kỳ (6 tháng – 1 năm/lần) được khuyến nghị cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Kiểm tra trực quan bằng axit axetic

Nghiệm pháp axit axetic (VIA) là một phương pháp sàng lọc bằng cách bôi dung dịch axit axetic 3-5% lên cổ tử cung. Bác sĩ sau đó sẽ quan sát trực tiếp bằng mắt thường. Nếu có vùng nào trên cổ tử cung chuyển sang màu trắng sau khi tiếp xúc với dung dịch, đó là dấu hiệu nghi ngờ có bất thường hoặc tổn thương tiền ung thư.

Dù phương pháp đơn giản, rẻ tiền và dễ làm, VIA không đủ để khẳng định ung thư mà chủ yếu giúp bác sĩ xác định xem có cần chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn không.

Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là một thủ thuật y tế dùng để quan sát chi tiết cổ tử cung, âm đạo và âm hộ bằng một thiết bị đặc biệt gọi là máy soi cổ tử cung. Máy soi cổ tử cung có kính hiển vi và đèn chiếu sáng, cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn các mô và mạch máu ở vùng này.

Khi soi cổ tử cung phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để lấy mẫu mô nhỏ. Mẫu mô này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để nhuộm và soi dưới kính hiển vi để chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm Pap

Xét nghiệm Pap (hay Pap smear) là phương pháp lấy một mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung và âm đạo. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ nhỏ như que gỗ, que nhựa, hoặc bàn chải chuyên dụng để thu thập tế bào. Mẫu này sau đó được phết lên lam kính, nhuộm màu và được các kỹ thuật viên soi dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Mục đích là để phát hiện sớm những biến đổi bất thường của tế bào và đánh giá là có độ chính xác khá cao.

Lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung

Để đảm bảo an toàn và kết quả sàng lọc ung thư cổ tử cung chính xác, phụ nữ cần lưu ý một số điểm quan trọng trong vòng 48 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm:

  • Tránh sử dụng tăm bông hoặc bất kỳ loại kem/gel bôi nào vào âm đạo.
  • Ngừng việc thụt rửa sâu bên trong âm đạo ít nhất 2-3 ngày trước khi xét nghiệm.
  • Kiêng quan hệ tình dục trong vòng tối thiểu 2 ngày trước ngày đi khám.
  • Không nên đi khám vào những ngày đang có kinh nguyệt; thời điểm lý tưởng là sau khi sạch kinh ít nhất 3 ngày.
  • Cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc đặt âm đạo hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa.

Cần lưu ý rằng không có xét nghiệm nào chính xác tuyệt đối và đôi khi có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Trong những trường hợp này, người thực hiện cần trao đổi kỹ với bác sĩ để có thể chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. 

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở y tế, phương pháp xét nghiệm và các dịch vụ bổ sung. Để biết chính xác “tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu?” bạn nên liên hệ trực tiếp với các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và báo giá chi tiết.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo: Cervical cancer screening. (2024, May 17). Cancer.gov. https://www.cancer.gov/types/cervical/screeningb

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ