Tật khúc xạ học đường: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Trang chủ > Chuyên khoa > Trị liệu > Nhãn khoa > Tật khúc xạ học đường: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 3 20, 2025

Tại Việt Nam, hiện có gần 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ, trong đó có tới hơn 2/ 3 trẻ bị cận thị. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị điện tử, áp lực học tập và môi trường sống thay đổi đã tác động không nhỏ đến sức khỏe thị lực của trẻ em và thanh thiếu niên. Vậy tật khúc xạ học đường là gì? 

Tật khúc xạ học đường là gì?

Tật khúc xạ (refractive error) là tình trạng mắt gặp vấn đề trong việc hội tụ ánh sáng, khiến ánh sáng không tập trung đúng vào võng mạc. Điều này dẫn đến hình ảnh bị mờ và gây khó khăn trong việc nhìn rõ các vật thể. Có 3 loại tật khúc xạ phổ biến gồm: cận thị, loạn thị, viễn thị.

Tật khúc xạ học đường là các rối loạn thị giác thường gặp ở lứa tuổi học sinh, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ của mắt.
Tật khúc xạ học đường là các rối loạn thị giác thường gặp ở lứa tuổi học sinh.

Tật khúc xạ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng thường gặp nhất là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, những người sử dụng máy tính nhiều và người cao tuổi. Theo số liệu từ Bộ Y Tế năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên mắc tật khúc xạ đang có xu hướng gia tăng:

  • Tỷ lệ thanh thiếu niên mắc tật khúc xạ ở nông thôn: khoảng 15%-20%.
  • Tỷ lệ thanh thiếu niên mắc tật khúc xạ ở thành phố: khoảng 30%-40%.
  • Tính chung trên cả nước, khoảng 20% trẻ em từ 6-15 tuổi mắc tật khúc xạ học đường, tương đương gần 3 triệu em.

Các loại tật khúc xạ:

Các tật khúc xạ phổ phiến ở trẻ em
Các tật khúc xạ phổ phiến ở trẻ em

  • Cận thị: tình trạng khúc xạ của mắt, trong đó các tia sáng song song đi vào mắt hội tụ ở trước võng mạc, khi mắt ở trạng thái nghỉ không điều tiết. Mắt cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại không nhìn rõ các vật ở xa. Tật khúc xạ này thường gặp ở người trẻ như: học sinh, sinh viên và dân văn phòng, những người tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Độ cận thị được đo bằng điốp (D).
  • Viễn thị: tình trạng mắt có điểm hội tụ nằm phía sau võng mạc, gây khó khăn cho việc nhìn rõ cả vật ở xa lẫn vật ở gần. Để khắc phục, mắt phải liên tục điều tiết để đưa ảnh của vật về đúng vị trí trên võng mạc. Viễn thị thường là do bẩm sinh, nhưng có thể xuất hiện do các yếu tố khác như giác mạc dẹt hoặc sẹo giác mạc.
  • Loạn thị: xảy ra khi giác mạc không có hình cầu đều như bình thường, dẫn đến việc ánh sáng không hội tụ tại một điểm duy nhất trên võng mạc. Thay vào đó, ánh sáng hội tụ ở nhiều điểm khác nhau, khiến hình ảnh trở nên nhòe mờ và không rõ ràng. Loạn thị thường là do bẩm sinh và có thể đi kèm với cả cận thị hoặc viễn thị.

Nguyên nhân tật khúc xạ ở mắt

Tật khúc xạ ở mắt thường do hai yếu tố chính gây ra: di truyền và môi trường. Trong đó, yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định, khi cha mẹ đều mắc tật khúc xạ thì khả năng con cái mắc phải cũng sẽ cao hơn.

Yếu tố môi trường có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ mắc tật khúc xạ. Nhiều trường hợp mắc tật khúc xạ hiện nay đều có điểm chung là những thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như ngồi sai tư thế, đọc sách báo trong điều kiện ánh sáng yếu và lạm dụng các thiết bị điện tử.

Bên cạnh di truyền và thói quen sinh hoạt, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tật khúc xạ, bao gồm: lão hóa thủy tinh thể, tổn thương do chấn thương mắt, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh (như ánh nắng mặt trời hoặc tia lửa hàn), vệ sinh mắt không đúng cách, tuổi tác,…

Triệu chứng của các tật khúc xạ ở học đường

Bất kỳ tật khúc xạ nào cũng có thể gây suy giảm thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để nhận biết trẻ có thể mắc tật khúc xạ, cha mẹ nên chú ý đến một số triệu chứng sau:

  • Tật khúc xạ có triệu chứng chính là không nhìn rõ vật ở xa, vật ở gần hoặc cả hai, khiến tầm nhìn trở nên mơ hồ.
  • Người mắc tật khúc xạ thường nheo mắt kéo dài hoặc khi nhìn quá lâu vào một vật (như màn hình máy tính) sẽ dẫn đến hiện tượng mỏi mắt.
  • Nhức đầu là triệu chứng đáng lưu ý, xảy ra do trương lực cơ mi bù trừ quá mức hoặc do nheo mắt và cau mày trong thời gian dài.
  • Trẻ có xu hướng nghiêng đầu khi nhìn mọi vật.

Ở trẻ em, các dấu hiệu của tật khúc xạ có thể bao gồm: hay nhíu mắt, nheo mắt khi đọc, chớp mắt hoặc dụi mắt nhiều. Trẻ nhỏ có thể không nhận ra rằng thị lực của mình đang bị suy giảm, vì vậy cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những hành động và cử chỉ hàng ngày của trẻ để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cách phòng chống tật khúc xạ ở học đường

Mặc dù không quá nguy hiểm, tật khúc xạ ở trẻ em trong độ tuổi đi học có thể gây ra những bất tiện đáng kể. Do đó, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tật khúc xạ và bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho con. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể mà cha mẹ nên áp dụng:

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng một lần tại các bệnh viện uy tín.
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng một lần tại các bệnh viện uy tín.

Tạo thói quen tốt cho mắt trẻ

  • Khi đọc và viết chữ, mắt của con phải cách mặt bàn và sách ít nhất 30cm.
  • Cần giữ tư thế học tập với lưng thẳng, ngồi ngay ngắn khi học bài.
  • Chỉ nên xem tivi dưới 2 tiếng mỗi ngày và ngồi cách màn hình tivi ít nhất 2m.
  • Chỉ được dùng điện thoại khi có sự cho phép của ba mẹ và không được sử dụng liên tục trong thời gian dài.
  • Tạo thói quen cho mắt nghỉ ngơi theo quy tắc 20-20-20: sau 20 phút dùng điện thoại hoặc tivi, cho mắt nghỉ 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).

Thường xuyên tham gia hoạt động ngoài trời

Việc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời thường xuyên là một biện pháp tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tổng thể và đặc biệt là sức khỏe thị lực. Lưu ý, nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh ánh nắng gay gắt.

Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng một lần tại các bệnh viện uy tín. Nếu nhận thấy trẻ có các biểu hiện như: phải đứng gần mới nhìn rõ vật, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát bàn khi đọc viết, dụi mắt thường xuyên,… thì cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của tật khúc xạ sẽ giúp bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị kịp thời và hiệu quả.

Chế độ ăn dinh dưỡng khoa học

Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, bao gồm: khoai lang, cà rốt (giàu vitamin A); cải bó xôi, trứng (cung cấp lutein và zeaxanthin giúp bảo vệ võng mạc); sữa và các sản phẩm từ sữa (chứa vitamin A và kẽm).

Tật khúc xạ học đường là một vấn đề sức khỏe đáng quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập và sinh hoạt của học sinh. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống tật khúc xạ một cách đồng bộ và hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ đôi mắt sáng khỏe cho thế hệ tương lai, giúp các em phát triển toàn diện.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ