Tham vấn y khoa: Bác sĩ Ngô Thị Vinh | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng mười 6, 2021
Mục Lục Bài Viết
Ở tuần thứ 4 của thai kỳ, phôi nang đã chui vào niêm mạc tử cung làm tổ. Phôi nang sẽ trải qua quá trình phân chia lớn khi có mặt trong tử cung và tách thành hai nhóm. Một nửa phôi thai sẽ phát triển thành bé gái hoặc bé trai, nửa còn lại tạo ra nhau thai. Nhau thai được ví như huyết mạch của em bé vì mang dưỡng chất đến thai nhi và mang chất thải ra ngoài cho đến khi con yêu ra đời.
Thai 4 tuần tuổi lúc này đang nằm sâu trong tử cung và tăng trưởng mạnh mẽ. Kích thước của em bé vẫn còn rất nhỏ và chưa rõ ràng, ước tính khoảng 2 mm, gồm có ba lớp nội bì, trung bì, ngoại bì.
Ba lớp này sẽ hình thành tất cả các mô và cơ quan trong cơ thể của bé, cụ thể là:
Ngoại bì: Xương sống, dây thần kinh, tủy sống, não bộ, ống thần kinh hình thành và phát triển ở ngoài cùng, nên gọi là ngoại bì. Lớp này cũng có khả năng tạo ra men răng, mồ hôi, tuyến vú, móng, tóc, da cho bé.
Trung bì: Hệ tuần hoàn và tim bắt đầu hình thành ở tầng giữa, còn gọi là lớp trung bì. Trái tim của con yêu bắt đầu phân chia thành các ngăn rõ ràng, có khả năng đập và bơm máu. Tầng trung bì cũng đóng vai trò tạo ra mô dưới da, xương, sụn, cơ bắp của bé.
Nội bì: Lớp thứ ba hình thành nên tuyến tụy, gan, tuyến giáp, hệ thống tiết niệu thô sơ, ruột, phổi. Trong lúc đó, dây rốn và nhau thai đã cung cấp Oxy và dưỡng chất cho bé.
Trên đây là sự phát triển của thai 4 tuần tuổi. Vậy khi thai 4 tuần tuổi đã có tim thai chưa? Khoảng 22 ngày sau thụ thai tim bắt đầu hình thành và đập, thậm chí trước khi mẹ biết mình có thai. Vào tuần 6 – 7, tim thai thường xuất hiện và chúng ta có thể nghe thấy nhịp đập bằng những kỹ thuật siêu âm hiện đại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chị em phải đợi đến tuần 8 – 10 của thai kỳ thì mới bắt đầu nghe được tim thai. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển của phôi thai cũng như chu kỳ kinh nguyệt.
Nhịp đập của tim thai sẽ mạnh mẽ hơn và dễ dàng nghe được bằng tai nghe bình thường từ tuần 20 trở đi. Nếu nhịp đập rõ ràng, dễ dàng nghe thấy thì chứng tỏ em bé đang phát triển khỏe mạnh. Do đó khi thai 4 tuần tuổi vẫn chưa có tim thai.
Ở tuần thai thứ 4, hiện tượng thai cấy vào tử cung vẫn tiếp tục diễn ra. Lúc này, thai 4 tuần tuổi đang nằm sâu bên trong tử cung. Thai nhi sẽ tiết ra một loại Hormone sau khi cấy nhằm duy trì lớp niêm mạc tử cung. Buồng trứng sẽ nhận được tín hiệu từ Hormone để ngăn chặn hiện tượng rụng trứng vào mỗi tháng, đồng nghĩa với việc kinh nguyệt của mẹ sẽ dừng lại. Khi cấy thai một số chị em sẽ xuất hiện đốm máu và bị co thắt nhẹ. Mẹ bầu có thể nhầm lẫn với các dấu hiệu kinh nguyệt bình thường.
Trong các xét nghiệm thai kỳ, HCG là Hormone đo được. Ở tuần thứ 4, mẹ có thể sẽ phát hiện mình mang thai khi dùng que thử, vì Hormone HCG tiết ra. Chỉ số HCG thai 4 tuần thường nằm ở mức từ 5 – 426 mIU/mL. Nhiều chị em tự cảm nhận được bản thân có em bé trước khi tiến hành kiểm tra. Một số dấu hiệu mang thai sớm phải kể đến là:
Ngực sưng, mềm, đau: Nhiều chị em cho biết cơn đau cảm nhận được tương tự như trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng ở mức độ nặng hơn.
Mệt mỏi: Nồng độ Hormone Progesterone tăng nhanh một cách đột ngột khiến chị em cảm thấy mệt mỏi.
Thường xuyên đi tiểu: Mẹ bầu sẽ thấy bản thân thường đi vệ sinh hơn ngay sau khi có thai.
Trở nên nhạy cảm hơn với mùi hương: Đây chính là tác dụng phụ của việc nồng độ Estrogen nhanh chóng gia tăng, đặc biệt ở tuần thai thứ 4.
Lười ăn: Chị em thường bị nôn hơn khi thai 4 tuần tuổi. Mẹ bầu có thể thấy khó chịu và sợ hãi trước những món đã từng rất thích trước đây.
Tăng nhiệt độ cơ thể: Nếu cơ thể chị em tăng nhiệt độ bất thường trong khoảng 18 ngày liên tiếp, nhiều khả năng là đã mang thai.
Bị đốm máu hoặc chảy máu: Một số chị em đối mặt với những đốm máu nâu đỏ, hồng hoặc đỏ như trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu mẹ bầu chảy máu kèm theo cơn đau thì nên đến bác sĩ thăm khám gấp, vì có thể là dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung.
Sức khỏe của mẹ và bé rất nhạy cảm trong những tuần đầu tiên của thai kỳ. Mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, ốm nghén triền miên và cũng rất dễ bị sảy thai. Do đó, để thai 4 tuần tuổi phát triển tốt, chị em nên ghi nhớ những lời khuyên bổ ích từ bác sĩ, cụ thể như sau:
Hãy bổ sung Vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc răng và xương khỏe mạnh, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ lượng lớn Canxi. Vitamin D có thể tìm thấy trong những thực phẩm như lòng đỏ trứng gà, nước cam, sữa. Ngoài ra, năng lượng tự nhiên từ mặt trời có thể bổ sung Vitamin D cho bạn.
Tránh khói thuốc lá: Ngay cả khi chị em không hút thuốc thì vẫn phải tránh xa khói thuốc ở bất kỳ đâu. Một số nghiên cứu cho thấy mẹ bầu tiếp xúc với khói thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, sảy thai, em bé nhẹ cân và nhiều biến chứng khác. Nếu mẹ bầu có thói quen hút thuốc lá thì cần phải bỏ ngay.
Bổ sung chất béo: Chất béo rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, nhất là các chất béo thiết yếu như Axit béo Omega-3. DHA cũng thuộc nhóm chất béo Omega-3 đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. DHA còn là thành phần chính của võng mạc và não. Khi thai 4 tuần tuổi, mắt và não đang phát triển nên rất cần DHA. Chúng ta có thể tìm thấy DHA trong các loại thực phẩm như cá mòi, cá cơm, cá hồi, trứng, hạt lanh, quả óc chó,…
Đi bơi: Môn bơi rất tốt cho mẹ bầu, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, lưu thông và trương lực cơ hiệu quả. Bơi lội làm cơ thể gia tăng khả năng sử dụng Oxy, hữu ích với cả mẹ và con yêu. Hãy cố gắng bơi 3 – 4 ngày/tuần, bơi ít nhất 20 phút để ngủ ngon hơn và giảm đi cảm giác mệt mỏi.
Đối phó với cơn buồn nôn: Nhằm đối phó với những cơn buồn nôn có thể đến bất kì lúc nào, chị em nên chuẩn bị bánh quy, đồ ăn vặt và nước bên mình nhé.
Tránh xa bia, rượu và các hóa chất độc hại: Sức khỏe của thai 4 tuần tuổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mẹ bầu sử dụng nhiều bia, rượu hay tiếp xúc với hóa chất độc hại. Con yêu có khả năng mắc phải hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi hoặc một số hệ lụy khác.
Khám sức khỏe: Chị em nên dành thời gian đến cơ sở y tế uy tín như Phòng khám Đa khoa Phương Nam thăm khám. Từ đó có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ và nhận thêm các lời khuyên hữu ích cho thai kỳ.