Thiếu máu: khái niệm, các cách phân độ thiếu máu, điều trị và phòng tránh

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Thiếu máu: khái niệm, các cách phân độ thiếu máu, điều trị và phòng tránh

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 10 31, 2024

Thiếu máu, hay hội chứng thiếu máu là một bệnh lý nghiêm trọng có thể gây suy nhược cơ thể và thậm chí dẫn đến tử vong. Thiếu máu và các cách phân độ thiếu máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây thiếu máu và hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Thiếu máu là gì?

TS.BS Hàn Viết Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) – cho biết, thiếu máu, thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỉ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Theo Báo Lao Động. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu là tình trạng thiếu hụt huyết sắc tố và hồng cầu trong máu, dẫn đến việc cung cấp oxy cho các mô trong cơ thể bị giảm sút. Mức độ thiếu máu được xác định dựa trên nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu, khác nhau tùy theo giới tính và độ tuổi:

  • Nam giới: Hb < 13 g/dl (130 g/l)
  • Nữ giới: Hb < 12 g/dl (120 g/l)
  • Người lớn tuổi: Hb < 11 g/dl (110 g/l)
Thiếu máu là sự suy giảm hồng cầu và huyết sắc tố trong máu
Thiếu máu là sự suy giảm hồng cầu và huyết sắc tố trong máu

Khi bị thiếu máu, người bệnh có thể cảm thấy:

  • Da xanh xao, niêm mạc nhạt màu.
  • Cảm giác ù tai, hoa mắt, chóng mặt.
  • Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí rối loạn tiêu hóa.
  • Dễ bị hồi hộp, mệt mỏi và nhịp tim nhanh hơn bình thường.
  • Rối loạn nội tiết, ở phụ nữ có thể gây vô kinh.

Thiếu máu là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hoạt động của toàn bộ cơ thể, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những trường hợp thiếu máu nhẹ, không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng thoáng qua thường dễ điều trị hơn và ít nguy hiểm hơn.

Những người mắc bệnh thiếu máu di truyền, đặc biệt là ở mức độ trung bình đến nặng, có thể gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe kéo dài, thậm chí là vĩnh viễn. Trong trường hợp thiếu máu trầm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Cũng theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu là vấn đề sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến một phần lớn dân số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ước tính, khoảng 40% trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi, 37% phụ nữ mang thai và 30% phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi trên toàn thế giới bị thiếu máu. Năm 2021, con số này lên đến 1,92 tỷ người.

Thiếu máu và các cách phân độ thiếu máu

Phân loại mức độ thiếu máu hiện nay dựa trên 4 yếu tố khác nhau, mỗi phương pháp phân loại có ứng dụng riêng trong việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây thiếu máu.

Mức độ thiếu máu

Phân độ thiếu máu chủ yếu dựa trên lượng huyết sắc tố (hemoglobin) được đo trong cơ thể. Để kiểm tra mức độ thiếu máu, bạn có thể đến gặp bác sĩ để làm xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), còn được gọi là xét nghiệm máu tổng quát, một loại xét nghiệm máu phổ biến.

Đối với trường hợp mất máu cấp, phân loại thiếu máu sẽ dựa vào tốc độ mất máu và thay đổi huyết động học. Cụ thể, nếu mất trên 15% lượng máu (tương đương 500ml), tình trạng này được xem là thiếu máu mức độ nặng. 

Đối với thiếu máu mạn tính, phân loại dựa trên nồng độ Hemoglobin (Hb) đo được trong máu như sau:

  • Mức độ 1: 10 g/dl ≤ Hb < 12 g/dl
  • Mức độ 2: 8 g/dl ≤ Hb < 10 g/dl
  • Mức độ 3: 6 g/dl ≤ Hb < 8 g/dl
  • Mức độ 4: Hb < 6 g/dl

Ngoài ra, mức độ thiếu máu còn được phân loại theo từng đối tượng dựa trên bảng đánh giá mức độ thiếu máu dưới đây: 

Bảng phân độ thiếu máu dựa trên mức độ thiếu máu của WHO

Phân độ thiếu máu dựa trên diễn tiến

Bệnh thiếu máu được phân loại theo diễn biến thành 2 loại chính: thiếu máu cấp tính và thiếu máu mạn tính.

Thiếu máu cấp tính

Tình trạng giảm nhanh chóng số lượng hồng cầu (RBC) trong máu do tan máu hoặc xuất huyết cấp tính, gây nguy hiểm đến tính mạng. Các nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu máu cấp tính bao gồm: chấn thương, vỡ túi phình động mạch, xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc dưới (GI), đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) và vỡ thai ngoài tử cung.

Thiếu máu có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng thiếu hụt hồng cầu. Việc xác định chính xác nguyên nhân giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Thiếu máu do mất máu

Đây là tình trạng cơ thể bị mất máu do các tổn thương từ bên trong hoặc bên ngoài, ví dụ như chấn thương do tai nạn, mất máu do kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất huyết dạ dày.

Thiếu máu do tan máu

Tình trạng này xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn tốc độ tạo ra, thường do các nguyên nhân như bệnh Thalassemia, nhiễm trùng siêu vi, ung thư máu, sử dụng thuốc penicillin hoặc thuốc chống sốt rét.

Thiếu máu do rối loạn quá trình tạo máu

Tủy xương, cụ thể là phần tủy đỏ trong xương, là nơi sản xuất máu cho cơ thể. Do đó, các bệnh lý liên quan đến tủy xương như suy tủy xương, rối loạn sinh máu (ví dụ ung thư máu), rối loạn sinh tủy… thường dẫn đến thiếu máu.

Ngoài ra, chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, như thiếu sắt, vitamin B12, axit folic, thiếu erythropoietin hay các acid amin… cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu máu.

Phân độ thiếu máu dựa trên đặc điểm dòng hồng cầu

Phân loại này dựa trên các chỉ số huyết học, bao gồm thể tích hồng cầu trung bình (MCV) và lượng hemoglobin trung bình trong hồng cầu (MCH).

  • MCV: Dùng để phân loại thiếu máu thành thiếu máu hồng cầu to (macrocytic anemia) và thiếu máu hồng cầu nhỏ (microcytic anemia).
  • MCH: Dùng để phân loại thiếu máu thành thiếu máu nhược sắc (hypochromic anemia) và thiếu máu ưu sắc (hyperchromic anemia).

Phương pháp điều trị thiếu máu

Phương pháp điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nguyên tắc chung trong điều trị là:

  • Điều trị thiếu máu cần tập trung vào việc xác định và xử lý nguyên nhân gốc rễ, đồng thời có thể kết hợp với truyền bù khối hồng cầu.
  • Lượng máu cần truyền bù sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên kết quả xét nghiệm huyết sắc tố và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
  • Duy trì lượng huyết sắc tố tối thiểu từ 80 g/l, và đối với những trường hợp có bệnh lý tim, phổi mạn tính, cần duy trì mức 90 g/l.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị thiếu máu cụ thể:

  • Nên bổ sung sắt, axit folic và vitamin B12 thông qua chế độ ăn uống hoặc sử dụng viên uống dưới sự chỉ định của bác sĩ. Tìm hiểu kỹ về loại thực phẩm phù hợp để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
  • Tiêm hormon erythropoietin giúp kích thích sản xuất hồng cầu ở những bệnh nhân suy thận, AIDS, viêm khớp dạng thấp,… Tuy nhiên, cần có sự chỉ định và điều trị từ bác sĩ chuyên môn.
  • Trong trường hợp thiếu máu nặng, truyền máu cùng nhóm là cần thiết.
  • Cấy ghép tủy xương là phương pháp này được áp dụng trong trường hợp cơ thể không đủ khả năng sản xuất hồng cầu.
  • Bạn nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện sớm và phòng ngừa thiếu máu.

Cách phòng ngừa thiếu máu

Không phải mọi loại thiếu máu đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, với trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin hoặc thiếu sắt, bạn có thể phòng ngừa bằng cách duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

  • Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân và tầm soát trước khi mang thai giúp phát hiện sớm các bệnh lý di truyền có thể gây thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
  • Tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức.
  • Uống viên sắt theo chỉ định của bác sĩ giúp hạn chế thiếu máu trong giai đoạn thai kỳ.
  • Đối với người bị thiếu máu do thiếu vitamin B12, nên ưu tiên bổ sung vitamin B12 qua thực phẩm như cá, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ sữa và trái cây họ cam quýt.
  • Ưu tiên thực phẩm giàu sắt, vitamin nhóm B để phòng ngừa thiếu máu thông thường.
  • Người bị thiếu máu cần cẩn thận trong sinh hoạt để hạn chế nguy cơ chảy máu. Nên sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm, tránh tiếp xúc với vật sắc nhọn, và không đi chân đất. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến bệnh viện ngay thay vì tự điều trị tại nhà.

Thiếu máu và các cách phân độ thiếu máu dựa trên các tiêu chí khác nhau như nguyên nhân, mức độ, diễn biến… là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tăng hiệu quả điều trị và giảm thiểu biến chứng. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bị thiếu máu, hãy đến bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ