Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai tại Việt Nam từ năm 1981 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc – UNICEF. Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng đang nỗ lực triển khai 12 loại vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Vậy, tiêm chủng mở rộng là gì? Khác gì so với tiêm chủng dịch vụ?
Tiêm chủng mở rộng là một trong những chiến lược/dự án cộng đồng quan trọng trong lĩnh vực y tế, được bắt đầu triển khai từ năm 1981. Chương trình do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nhằm tạo điều kiện cho tất cả người dân có cơ hội tiếp cận và tiêm chủng các loại vắc xin phòng các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.
Tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật, nhất là cho trẻ sơ sinh và trẻ em.
Lịch tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam hiện bao gồm 12 loại vắc xin, giúp phòng ngừa 12 bệnh nguy hiểm cho trẻ em dưới 1 tuổi. Nhờ sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống y tế quốc gia, chương trình đã được mở rộng, không chỉ nâng độ tuổi đối tượng được tiêm chủng lên 10 tuổi mà còn tăng số lượng mũi vắc xin miễn phí cho trẻ em.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã trải qua bốn giai đoạn phát triển chính từ khi thành lập đến nay, bao gồm:
Giai đoạn thí điểm(1981 – 1984): Chương trình được triển khai thí điểm ở một số vùng có nguy cơ bùng dịch cao, sau đó mở rộng quy mô tiêm chủng sang các khu vực lân cận.
Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trong cả nước (1985 – 1990): Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đẩy mạnh toàn quốc bằng cách kết hợp ba hình thức: tiêm chủng chiến dịch, tiêm chủng định kỳ và tiêm chủng thường xuyên. Đến cuối giai đoạn, chương trình đã đạt được mục tiêu phủ sóng 100% huyện và tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3,6% số xã, chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, chưa được tiếp cận dịch vụ tiêm chủng.
Giai đoạn xóa xã trắng về tiêm chủng mở rộng (1991 -1995): Chương trình 12 đã được triển khai nhằm loại bỏ các “xã trắng” (xã chưa được tiếp cận dịch vụ tiêm chủng) còn tồn tại từ giai đoạn trước, bằng sự phối hợp giữa ngành y tế, quân dân y và quân y Bộ đội Biên phòng.
Giai đoạn duy trì và nâng cao chất lượng Chương trình (1996 đến nay): Tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Vậy, chương trình tiêm chủng mở rộng mai lại lợi ích gì?
Lợi ích của tiêm chủng mở rộng
Chương trình Tiêm chủng mở rộng, một dự án y tế quy mô quốc gia do Bộ Y tế Việt Nam triển khai mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sự phát triển của trẻ em và sự thịnh vượng của đất nước.
Tiêm chủng không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc bệnh mà còn giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.
Cụ thể như sau:
Bảo vệ sức khỏe trẻ em: Vắc xin kích thích hệ miễn dịch của trẻ tạo ra các kháng thể đặc hiệu chống lại các tác nhân gây bệnh, giúp bảo vệ trẻ khỏi những bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là những bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhờ đó, trẻ được bảo vệ toàn diện cả về thể chất và trí lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Tạo miễn dịch cộng đồng: Khi tỷ lệ vắc xin trong cộng đồng được bao phủ ở mức độ cao sẽ hình thành hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh do không tìm được vật chủ truyền bệnh. Điều này không chỉ bảo vệ gián tiếp những người không thể tiêm chủng (như trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, mà còn giúp cả nước, thậm chí toàn cầu kiểm soát, loại trừ hoặc tiêu diệt hoàn toàn các bệnh truyền nhiễm.
Xây dựng nguồn lao động chất lượng cao cho quốc gia: Khi sức khỏe được bảo vệ thông qua tiêm chủng, trẻ có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, từ đó góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Khoản đầu tư mang hiệu quả kinh tế cao: Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tiêm chủng vắc xin cho trẻ là khoản đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Cứ mỗi 1 đô la đầu tư vào tiêm chủng sẽ mang lại khoảng 16 đô la tiết kiệm cho chi phí chăm sóc y tế và gia tăng năng suất kinh tế.
Khi trẻ khỏe mạnh, không bị bệnh tật hay khiếm khuyết, phụ huynh không phải tốn thời gian, công sức và tiền bạc cho việc chăm sóc và điều trị. Số ngày nghỉ phép do bệnh tật hoặc chăm sóc trẻ cũng giảm đáng kể, góp phần tăng năng suất và hiệu quả lao động. Đồng thời, hệ thống y tế có thể tập trung nguồn lực cho các ca bệnh không lây nhiễm diễn biến nặng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường an ninh y tế quốc gia.
Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm những vắc xin gì?
Hiện nay, chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam cung cấp 12 loại vắc xin, gồm:
Vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh (BCG)
Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh
Vắc xin SII (vắc xin 5 trong 1)
Vắc xin phòng bại liệt (OPV)
Vắc xin phòng bại liệt (IPV)
Vắc xin phòng bệnh sởi (MVVac)
Vắc xin phòng bệnh sởi – rubella (MRVac)
Vắc xin tiêm nhắc bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT)
Vắc xin viêm não Nhật Bản (Jevax)
Vắc xin phòng tả
Vắc xin thương hàn
Vắc xin uốn ván
Lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em
Để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, cha mẹ cần theo dõi và tuân thủ lịch tiêm chủng mở rộng khuyến cáo hàng năm của Bộ Y tế, tránh bỏ sót bất kỳ mũi tiêm nào.
Tháng tuổi
Vắc xin cần tiêm/uống
Lịch tiêm/uống
Sơ sinh
Vắc xin viêm gan B đơn giá
Tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh
Vắc xin lao (BCG)
01 mũi trong vòng 1 tháng sau sinh
2 tháng tuổi
Vắc xin phối hợp 5 trong 1 SII phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB
Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
Vắc xin bại liệt
Uống lần 1
3 tháng tuổi
Vắc xin phối hợp 5 trong 1 SII phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB
Tiêm mũi 2
Vắc xin bại liệt
Uống lần 2
4 tháng tuổi
Vắc xin phối hợp 5 trong 1 SII phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB
Tiêm mũi 3
Vắc xin bại liệt
Uống lần 3
9 tháng tuổi
Vắc xin sởi
Tiêm mũi 1
18 tháng tuổi
Vắc xin phối hợp 5 trong 1 SII phòng viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB
Tiêm mũi 4
Vắc xin sởi – rubella (MR)
Tiêm mũi 1
Từ 12 tháng
Vắc xin Viêm não Nhật Bản
Mũi 1: Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi
Mũi 2: Cách 2 tuần sau mũi thứ 1
Mũi 3: Cách 1 năm sau mũi thứ 2
Từ 2 – 5 tuổi
Vắc xin Tả (vùng nguy cơ cao)
Uống 2 lần cách nhau 2 tuần
Từ 3 – 10 tuổi
Vắc xin Thương hàn (vùng nguy cơ cao)
Chỉ tiêm 1 mũi duy nhất
Vắc xin phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ mang thai
Tiêm càng sớm càng tốt khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ từ 15 – 35 tuổi ở vung nguy cơ mắc uốn ván sơ sinh cao.Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
Mũi 3: 6 tháng sau mũi 2 / trong thời kỳ có thai sau
Mũi 4: 1 năm sau mũi 3 / trong thời kỳ có thai sau
Mũi 5: 1 năm sau mũi 4 / trong thời kỳ có thai sau