Tiêm phòng HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Tiêm phòng HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 19, 2024

Vắc xin HPV là một trong những thành tựu y học nổi bật trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Với hiệu quả bảo vệ cao, tiêm phòng HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung được các chuyên gia khuyến cáo rộng rãi cho các bé gái và phụ nữ trẻ.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus HPV là nguyên nhân gây ra hơn 90% ung thư cổ tử cung, khoảng 70% ung thư âm đạo và âm hộ, và hơn 60% ung thư dương vật. Theo các chuyên gia, tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa ung thư đường sinh dục hiệu quả nhất hiện nay, với tỷ lệ bảo vệ lên đến 94%.

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư ác tính xuất hiện ở cổ tử cung, biểu hiện dưới nhiều hình thái như u nhú, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm, thường dễ chảy máu.

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung phát triển bất thường và không kiểm soát được. Bệnh có thể là dạng xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ Việt Nam và là loại ung thư phổ biến thứ hai trên toàn cầu. Thống kê của HPV Information Centre cho thấy mỗi ngày tại Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới và 7 ca tử vong do ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư phát triển từ các tế bào ở cổ tử cung - phần dưới của tử cung nối với âm đạo.
Ung thư cổ tử cung là ung thư phát triển từ các tế bào ở cổ tử cung – phần dưới của tử cung nối với âm đạo.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn 99% các ca ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ vi-rút HPV (Human papillomavirus) thuộc nhóm nguy cơ cao. Trong số hơn 100 tuýp HPV, có khoảng 15 tuýp có khả năng gây ung thư, trong đó phổ biến nhất là HPV 16 và 18 (chiếm hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu), tiếp theo là tuýp 31 và 45.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi nên tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt, cụ thể:

  • Nhóm tuổi từ 9 – 26 tuổi: Theo nhận định của các chuyên gia, nhóm tuổi từ 9-14 được đánh giá là có khả năng sản sinh kháng thể phòng ngừa HPV hiệu quả nhất, bởi đây là độ tuổi mà cơ thể chưa từng bị phơi nhiễm hoặc nhiễm HPV. Đối với nhóm tuổi từ 15-26, mặc dù không phải là độ tuổi tối ưu nhất nhưng vẫn có hiệu quả phòng ngừa cao, do đó các chuyên gia khuyến nghị nên tiêm phòng trước khi bước sang tuổi 27.
  • Nhóm tuổi 27 – 45 tuổi: Gần đây, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm vắc xin HPV 9 chủng cho người từ 27-45 tuổi, nhằm giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm các chủng HPV mới hoặc hạn chế khả năng tái nhiễm những chủng đã từng mắc. Vì vậy, ngay cả khi đã có quan hệ tình dục hay có tiền sử bệnh về đường sinh dục, những người trong độ tuổi này vẫn cần được khuyến khích tiêm phòng vắc xin HPV.

Tiêm phòng HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Vắc xin HPV được phát triển nhằm tạo kháng thể chống lại sự tấn công của virus Human Papilloma (HPV) – loại virus gây u nhú ở người. Trong số hơn 200 type HPV đã được phát hiện, có khoảng 40 chủng phổ biến có khả năng gây ra các bệnh về đường sinh dục và nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, dương vật, vòm họng, hậu môn.

Tiêm phòng HPV là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm virus HPV và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Tiêm phòng HPV là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm virus HPV và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Hiện nay, thị trường đang lưu hành hai loại vắc xin HPV được cấp phép là Gardasil và Gardasil 9. Trong đó, vắc xin Gardasil có khả năng phòng ngừa sự lây nhiễm của 4 chủng HPV type 6, 11, 16 và 18; còn Gardasil 9 là phiên bản cải tiến với khả năng phòng ngừa 9 chủng HPV, bao gồm 4 chủng của Gardasil và bổ sung thêm 5 chủng mới là HPV type 31, 33, 45, 52 và 58.

Đặc biệt, 9 chủng HPV là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh về đường sinh dục từ nhẹ đến nặng ở trẻ em và người lớn, cụ thể:

  • HPV 6 và HPV 11 là hai chủng HPV nguy cơ thấp, nhưng chúng khá phổ biến và được xác định là nguyên nhân của 90% trường hợp xuất hiện mụn cóc sinh dục.
  • HPV 16 và HPV 18 là hai chủng HPV nguy cơ cao, gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, HPV 16 còn có liên quan chặt chẽ đến ung thư hậu môn và ung thư vòm họng.
  • HPV 31, 33, 45, 52 và 58 thuộc nhóm các type HPV nguy cơ gây ung thư cao, chiếm khoảng 10-20% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Vắc-xin HPV hoạt động như thế nào?

Cơ chế hoạt động của vắc xin HPV dựa trên việc kích thích hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại 4 chủng virus HPV phổ biến (6, 11, 16, 18) hoặc 9 chủng virus HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58). Vắc xin được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA hiện đại, chứa các protein L1 tinh chế từ vỏ bọc virus HPV. Những protein này sẽ tạo thành các phần tử có cấu trúc tương tự virus HPV nhưng hoàn toàn vô hại, giúp cơ thể nhận biết và ghi nhớ để chống lại virus HPV trong xâm nhập trong tương lai.

Điều quan trọng cần lưu ý là vắc xin HPV chỉ có tác dụng phòng ngừa sự lây nhiễm các chủng HPV có trong vắc xin, không có khả năng điều trị bệnh hay ngăn chặn tổn thương do các loại HPV đã nhiễm trước đó gây ra. Do đó, ngay cả khi đã tiêm vắc xin, người dân vẫn cần thực hiện việc khám sàng lọc và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.

Vắc xin HPV có tác dụng phòng bệnh trong bao lâu?

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người đã tiêm vắc xin HPV sẽ được bảo vệ trong thời gian ít nhất 12 năm với hiệu quả phòng ngừa duy trì ở mức độ cao, và không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy hiệu quả này suy giảm theo thời gian. Đặc biệt, nếu người tiêm tuân thủ đúng và đầy đủ phác đồ, vắc xin HPV được dự đoán có thể bảo vệ cơ thể lên đến 30 năm mà không cần tiêm nhắc lại.

Tuy chưa có những nghiên cứu khẳng định vắc xin HPV sẽ có hiệu quả vĩnh viễn, nhưng người dân có thể hoàn toàn yên tâm vì thời gian bảo vệ của vắc xin đủ dài, và đặc biệt mang lại hiệu quả phòng ngừa mạnh mẽ đối với những cơ thể chưa từng nhiễm HPV trước đây.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin HPV

Mặc dù vắc xin HPV rất an toàn và ít gây phản ứng phụ nghiêm trọng, nhưng vẫn có một số trường hợp chống chỉ định cần lưu ý:

  • Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vắc xin HPV. Nếu đã tiêm một hoặc hai liều và phát hiện mang thai, cần phải tạm dừng cho đến khi sinh con;
  • Những người từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin HPV;
  • Những người bị dị ứng nặng với thành phần nấm men trong vắc xin HPV;
  • Những người đang bị sốt cao, nhiễm trùng cấp tính mức độ trung bình hoặc nặng (phải chờ khỏi bệnh mới được tiêm).

Tìm hiểu về 2 loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

Hiện nay, có hai loại vắc-xin HPV phổ biến được sử dụng rộng rãi, cụ thể như sau:

Vắc xin HPV thế hệ mới có khả năng phòng ngừa 9 chủng virus HPV gây bệnh truyền nhiễm và ung thư.
Vắc xin HPV thế hệ mới có khả năng phòng ngừa 9 chủng virus HPV gây bệnh truyền nhiễm và ung thư.

Gardasil 9

Vắc xin Gardasil 9 được mệnh danh là vắc xin bình đẳng giới khi mở rộng đối tượng tiêm phòng cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi. Đây là vắc xin thế hệ mới có khả năng bảo vệ người tiêm khỏi sự lây nhiễm và tấn công của 9 tuýp HPV phổ biến và nguy hiểm hàng đầu, với hiệu quả bảo vệ lên đến trên 90% cho cả hai giới.

Vắc xin Gardasil 9 có khả năng phòng ngừa các tuýp HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 – những tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục và các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản.

Gardasil 9 được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới – Merck Sharp & Dohme (MSD – Mỹ). Tính đến cuối năm 2023, vắc xin đã được cấp phép lưu hành tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Việt Nam, vắc xin được chỉ định tiêm cho người từ 9-45 tuổi, mở rộng cơ hội phòng bệnh cho cả nam và nữ.

Vắc xin Gardasil 9 có lịch tiêm như sau:

Người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi tiêm thứ 1 từ 6-12 tháng.

*Lưu ý: Nếu khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 1 và thứ 2 dưới 5 tháng, thì mũi tiêm thứ 3 cần cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 3 tháng.

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi thứ 1 tối thiểu 2 tháng.
  • Mũi 3: cách mũi thứ 2 tối thiểu 4 tháng.

Người từ tròn 15 tuổi đến 45 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi thứ 1 tối thiểu 2 tháng.
  • Mũi 3: cách mũi thứ 2 tối thiểu 4 tháng.

Gardasil

Vắc xin Gardasil, cũng được phát triển bởi tập đoàn Merck Sharp and Dohm (Mỹ), đã được FDA chấp thuận vào năm 2006 và đã phân phối hơn 170 triệu liều vắc xin trên toàn cầu tính đến tháng 4/2014. Năm 2013, sản phẩm này đạt doanh số bán hàng toàn cầu khoảng 1,49 tỷ euro, được phân phối cho 121 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vắc xin Gardasil là công cụ phòng bệnh quan trọng với hiệu quả cao, có khả năng ngăn chặn 4 tuýp HPV (6, 11, 16 và 18) gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, loạn sản, mụn cóc sinh dục và các bệnh lý do nhiễm HPV. Vắc xin này được chỉ định tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi.

Lịch tiêm vắc xin Gardasil 9 gồm 3 mũi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách 2 tháng sau mũi tiêm thứ 1.
  • Mũi 3: Cách 6 tháng sau mũi tiêm thứ 1.

Lưu ý khi tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Bạn cần lưu ý một số điều để đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn và hiệu quả, cụ thể như sau:

  • Để đảm bảo vắc xin HPV phát huy hiệu quả phòng ngừa tối ưu, người tiêm cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm chủng theo đúng phác đồ đã được quy định.
  • Những người có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin cần chủ động thông báo cho bác sĩ để được tư vấn.
  • Nên thực hiện khám phụ khoa và sàng lọc ung thư trước khi tiêm vắc xin HPV để đảm bảo an toàn.
  • Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao, vắc xin HPV thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm. Vì vậy, người tiêm nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín có dịch vụ giữ thuốc để đảm bảo lịch tiêm không bị gián đoạn giữa chừng.
  • Đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai, việc hoàn thành chương trình tiêm ngừa HPV trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng.
  • Sau khi tiêm vắc xin HPV, người tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ thông thường như sốt nhẹ, đau cơ, mệt mỏi, nổi mề đay, đau đầu và các triệu chứng này thường tự hồi phục sau 48 giờ. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, phù nề hoặc bất kỳ triệu chứng sốc phản vệ nào, người tiêm cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Vắc xin HPV giúp phòng ngừa các bệnh lý đường sinh dục nguy hiểm do virus HPV gây ra, bao gồm mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn và ung thư vòm họng. Với hiệu quả phòng ngừa trên 90%, vắc xin này được khuyến cáo cho cả nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi, đạt hiệu quả bảo vệ lâu dài.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo:

  1. CDC. (2024). HPV Vaccination. Human Papillomavirus (HPV). https://www.cdc.gov/hpv/vaccines/?CDC_AAref_Val=https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/hpv/public/index.html
  2. HPV vaccine: Get the facts. (2023). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hpv-infection/in-depth/hpv-vaccine/art-20047292
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ