Viêm giác mạc là tình trạng viêm nhiễm trùng ở giác mạc, lớp mô trong suốt hình vòm ở phía trước của mắt, có chức năng bảo vệ mắt vi khuẩn và các tác nhân gây hại từ môi trường. Bệnh có thể gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến thị lực và thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Giác mạc là một mảnh mô mỏng trong suốt có hình vòm nằm ở phía trước nhãn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép ánh sáng đi vào mắt. Ngoài chức năng bảo vệ các cấu trúc bên trong mắt khỏi tác động từ môi trường bên ngoài, giác mạc còn góp phần đáng kể vào hoạt động khúc xạ của mắt.
Viêm giác mạc là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Do cấu trúc rất mỏng và là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh, giác mạc đặc biệt dễ bị tổn thương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng xâm nhập.
Tổn thương giác mạc có thể dẫn đến nhiều di chứng và biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là viêm giác mạc. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp, viêm giác mạc có nguy cơ gây mù lòa cao, xếp ngay sau hai bệnh lý nguy hiểm khác của mắt là đục thủy tinh thể và glocom.
Nguyên nhân viêm giác mạc
Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm giác mạc, bao gồm:
Viêm biểu mô giác mạc nông: Thường do các loại virus như Herpes, Zona, Adenovirus gây ra, hoặc có thể do các vấn đề về tiết nước mắt (khô mắt), hở mi hoặc nhiễm độc.
Viêm giác mạc sâu: Tác nhân gây bệnh thường xâm nhập vào giác mạc qua đường máu, có thể liên quan đến các bệnh như lao, giang mai, phong, hoặc do virus.
Viêm giác mạc sợi: Thường phát sinh từ tình trạng khô mắt, do thiếu nước mắt (ví dụ: thức khuya, mất ngủ, nhắm mắt không kín do liệt dây thần kinh số VII, hở mi,…). Nguyên nhân khác có thể là do mắt không sản xuất đủ nước mắt (thiếu vitamin A, dị ứng thuốc, tác dụng phụ của một số loại thuốc nhỏ mắt,…).
Viêm loét giác mạc: Tình trạng này có thể do nhiều tác nhân gây ra, bao gồm vi khuẩn, virus, nấm, amip, hoặc microsporidia.
Cần lưu ý đến các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét giác mạc sau đây:
Biến chứng từ bệnh mắt hột, ví dụ như lông quặm hoặc khô mắt.
Thiếu vitamin A, dẫn đến khô mắt.
Tổn thương thần kinh, chẳng hạn như liệt dây thần kinh số VII (gây khó khăn trong việc nhắm mắt).