Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế?

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười hai 3, 2024

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh rất nguy hiểm, thường không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn ủ bệnh và diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong cho trẻ trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh. Do đó, tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ là vô cùng cần thiết. Vậy, viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi là đủ?

Viêm não Nhật Bản là bệnh gì?

“Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin từ sớm ngay từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, giữ môi trường sống thông thoáng, diệt lăng quăng và muỗi cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả”. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản (JEV) gây ra. Loại virus này được phát hiện bởi các nhà khoa học Nhật Bản vào năm 1935. Đặc biệt, viêm não Nhật Bản không lây truyền trực tiếp từ động vật sang người, mà thông qua vật trung gian là muỗi Culex. Muỗi hút máu động vật nhiễm virus, sau đó đốt người và truyền virus viêm não Nhật Bản vào máu người. Tại Việt Nam, bệnh thường bùng phát vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và lây lan bệnh.

Viêm não Nhật Bản là bệnh lây truyền qua muỗi Culex
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính lây truyền qua muỗi Culex

Theo số liệu dịch tễ học, viêm não Nhật Bản là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não virus ở trẻ em châu Á. Mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine, nhưng bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là từ 2-8 tuổi. Đây là giai đoạn hệ miễn dịch còn yếu và trẻ có nhu cầu khám phá, tìm hiểu thế giới bên ngoài rất lớn. Tuy nhiên, việc ham học hỏi và giao tiếp xã hội của trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các di chứng của bệnh.

Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng và áp dụng các biện pháp hỗ trợ để cải thiện sức khỏe. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 20-30% số ca mắc, và 50% số người sống sót thường để lại di chứng nặng nề về thần kinh và vận động như: liệt một phần cơ thể, suy giảm nhận thức, học tập hoặc có các cơn co giật, động kinh. Vì vậy, việc tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng ngừa vô cùng cần thiết.

Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có tỉ lệ mắc khoảng 67.900 ca mỗi năm (tương đương 1.8 ca trên 100.000 dân), tỉ lệ tử vong từ 25-30%, và khoảng 50% số người bệnh có di chứng thần kinh nghiêm trọng. 

Tiêm vắc xin đầy đủ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản – một căn bệnh nguy hiểm. Nhờ vắc xin, số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản đã giảm hàng nghìn lần. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả miễn dịch cao nhất, trẻ em và người lớn cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Trẻ cần được tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch, bao gồm cả các mũi tiêm nhắc lại.
Trẻ cần được tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch, bao gồm cả các mũi tiêm nhắc lại.

Dưới đây là thông tin chi tiết về phác đồ tiêm chủng cho từng loại vắc xin viêm não Nhật Bản, cụ thể như sau: 

Vắc xin Imojev

Vắc xin Imojev của hãnh dược Sanofi Pasteur (Pháp) là vắc xin sống giảm độc lực, tái tổ hợp thế hệ mới phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Được lưu hành tại Việt Nam từ năm 2019, Imojev được sử dụng song song với vắc xin Jevax.

Vắc xin viêm não Nhật Bản Imojev được tiêm sớm hơn khi trẻ mới 9 tháng tuổi giúp phòng bệnh sớm hơn vắc-xin Jevax được tiêm lúc trẻ 12 tháng tuổi. Phác đồ tiêm chủng của vắc xin Imojev được thực hiện như sau:

  • Trẻ em từ 9 tháng đến 18 tuổi cần tiêm 2 mũi
  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Cách một năm sau khi mũi thứ nhất.
  • Người lớn trên 18 tuổi chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.

Vắc xin Jevax

Jevax là một loại vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, được nghiên cứu và sản xuất bởi Vabiotech – Việt Nam. Vắc xin Jevax được chỉ định cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn với phác đồ tiêm chủng như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách 1 – 2 tuần sau mũi tiêm thứ 1.
  • Mũi 3: Cách 1 năm sau mũi tiêm thứ 2.

Để duy trì miễn dịch, cần tiêm nhắc lại vắc xin Jevax mỗi 3 năm một lần. Đối với những người có hệ miễn dịch tốt, có thể tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.

Nếu trẻ đã tiêm vắc xin Jevax trước đó và muốn chuyển sang Imojev:

  • Đã tiêm 1 mũi Jevax: Tiêm 02 mũi Imojev, mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm ít nhất 2 tuần.
  • Đã tiêm 2 mũi Jevax: Tiêm 02 mũi Imojev, mũi Imojev đầu cách mũi Jevax thứ 2 ít nhất 1 năm.
  • Đã tiêm 3 mũi Jevax: Tiêm 01 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax ít nhất 3 năm.
  • Không cần tiêm nhắc lại Jevax sau khi đã tiêm Imojev.

Trẻ không tiêm viêm não Nhật Bản có sao không?

Vậy nếu trẻ không tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản có sao không? BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: Nếu không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, trẻ em sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản và chịu những di chứng vĩnh viễn về thần kinh, vận động, thậm chí tử vong nếu chẳng may tiếp xúc với virus viêm não Nhật Bản.

Việc triển khai tiêm vắc xin phòng ngừa đã giúp giảm đáng kể số ca mắc viêm não Nhật Bản so với trước đây. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn xuất hiện hàng năm với khoảng 200-400 ca mắc. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến việc không tiêm vắc xin, tiêm không đủ liều hoặc không thực hiện tiêm nhắc lại đúng lịch.

Nếu không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản
Nếu không tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản

Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản được coi là biện pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia có dịch tễ viêm não Nhật Bản như Việt Nam cần duy trì tỷ lệ chủng ngừa cao ở cả trẻ em và người lớn để bảo vệ cộng đồng. Đặc biệt, vắc xin này đã được Bộ Y tế đưa vào danh sách 10 loại vắc xin bắt buộc phải tiêm cho trẻ em.

Vậy, làm thế nào khi quên tiêm các mũi vắc xin 2,3 phòng viêm não Nhật Bản? Mũi tiêm đầu tiên phòng viêm não Nhật Bản sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hình thành miễn dịch. Nếu không tiếp tục tiêm mũi 2 và mũi 3, lượng kháng thể này sẽ suy giảm nhanh chóng trong vòng 2-4 tuần và không còn khả năng phòng bệnh.

Những trường hợp đã tiêm đủ mũi 1 và mũi 2 nhưng bỏ lỡ mũi 3, phụ huynh vẫn có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm bổ sung. Việc tiêm mũi 3 muộn không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, ngược lại còn giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ của kháng thể. Vì vậy, ngoại trừ những trường hợp có chống chỉ định, phụ huynh không nên chủ quan bỏ qua các mốc tiêm phòng quan trọng này.

Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin viêm não Nhật Bản

Đối với vắc xin Jevax, trẻ trên 12 tháng tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi cơ bản để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu. Mũi đầu tiên được tiêm khi trẻ tròn 12 tháng tuổi, tuy nhiên nếu chỉ tiêm mũi 1 thì khả năng miễn dịch gần như không có. Mũi 2 được tiêm cách mũi 1 từ 1-2 tuần, giúp nâng hiệu lực bảo vệ lên trên 80%. Sau khi tiêm mũi 3 (cách mũi 2 khoảng 1 năm), hiệu lực bảo vệ sẽ đạt tới 95% trước virus viêm não Nhật Bản.

Tuy nhiên, vắc xin Jevax cần tiêm nhắc lại mỗi 3 năm cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi để duy trì hiệu quả miễn dịch. Nhiều phụ huynh thường bỏ qua mũi tiêm nhắc do khoảng cách tiêm xa và nghĩ rằng 3 mũi cơ bản đã đủ bảo vệ. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, tạo cơ hội cho virus xâm nhập. Do đó, việc tiêm nhắc đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung kháng thể, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh lâu dài.

Hiện nay, vắc xin thế hệ mới sống giảm độc lực Imojev đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Trẻ chỉ cần tiêm 2 mũi cơ bản đã có thể đạt hiệu quả bảo vệ trên 95%. Đặc biệt, với những trẻ đã tiêm đủ 3 mũi Jevax, chỉ cần tiêm nhắc một liều duy nhất Imojev là đủ để bảo vệ lâu dài mà không cần tiêm thêm, giúp việc tiêm chủng trở nên thuận tiện hơn cho phụ huynh.

Chăm sóc trẻ sau tiêm viêm não Nhật Bản

Sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, việc chăm sóc trẻ đúng cách là rất quan trọng để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và giảm thiểu các tác dụng phụ có thể xảy ra. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn cần biết:

  • Cần vệ sinh sạch sẽ vết tiêm, không đắp hay bôi bất cứ thứ gì lên đó. Đồng thời, quan sát vết tiêm xem có sưng đỏ hoặc đau không;
  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, nếu sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp lau người bằng nước ấm. Tuy nhiên, nếu sốt cao, kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác như quấy khóc, bỏ bú, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay;
  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, ưu tiên các thực phẩm tăng cường sức đề kháng để hỗ trợ tạo miễn dịch và giảm thiểu tối đa phản ứng phụ;
  • Theo dõi các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nổi mẩn ngứa. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc “Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?”. Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm não Nhật Bản thì việc tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch là vô cùng quan trọng. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ