Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười 31, 2024
Mục Lục Bài Viết
Thiếu máu là tình trạng khi số lượng hồng cầu hoặc nồng độ huyết sắc tố trong hồng cầu thấp hơn mức bình thường. Cụ thể, người bị thiếu máu thường có chỉ số huyết sắc tố dưới 120 g/L.
Hồng cầu có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Sau đó, hồng cầu vận chuyển carbon dioxide và các chất thải trở lại phổi để đào thải ra ngoài. Huyết sắc tố (hemoglobin), một loại protein chứa sắt trong hồng cầu, đóng vai trò chính trong việc gắn kết và vận chuyển các phân tử oxy.
Sắt là thành phần quan trọng để tạo ra hemoglobin, thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu. Khi lượng hemoglobin giảm, khả năng vận chuyển oxy của máu cũng giảm theo. Điều này khiến các tế bào trong cơ thể không nhận đủ oxy để hoạt động bình thường, dẫn đến các triệu chứng của thiếu máu.
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh lý thiếu máu, cụ thể như sau:
Tổng phân tích tế bào máu (CBC – Complete Blood Count) là một xét nghiệm máu thông thường được thực hiện để đánh giá tổng quan về tình trạng máu của một người. Xét nghiệm này cung cấp thông tin chi tiết về số lượng và các đặc điểm của các loại tế bào máu chính, bao gồm: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
CBC giúp xác định liệu bạn có bị thiếu máu hay không bằng cách đo lượng hemoglobin (một thành phần quan trọng của hồng cầu mang oxy), số lượng hồng cầu và hematocrit (tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong máu). Đây là hình thức xét nghiệm máu tiêu chuẩn, mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch.
Kết quả tổng phân tích tế bào máu (CBC) cung cấp các thông tin chi tiết về số lượng hồng cầu (RBC), bạch cầu (WBC), tiểu cầu (PLT), thể tích hồng cầu trung bình (MCV), tỷ lệ thể tích hồng cầu trong máu (HCT), lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH), hàm lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC), và nồng độ huyết sắc tố (HB) – những chỉ số quan trọng để xác định tình trạng thiếu máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ngoài việc chẩn đoán thiếu máu, xét nghiệm máu còn giúp đánh giá nguy cơ rối loạn đông máu, nhiễm trùng, và phát hiện các bệnh lý khác như suy tủy, ung thư máu,… giai đoạn sớm.
Ferritin là một loại protein có vai trò quan trọng trong việc dự trữ sắt trong cơ thể. Sắt là thành phần thiết yếu để tạo ra hemoglobin, một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các tế bào. Nếu chỉ số ferritin thấp, điều đó có nghĩa là cơ thể đang thiếu sắt, và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh thiếu máu. Ngược lại, chỉ số Ferritin cao có thể là dấu hiệu của thừa sắt hoặc bệnh lý tan máu.
Xét nghiệm sắt huyết thanh là một trong những xét nghiệm quan trọng để đánh giá tình trạng thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt. Ngược lại, chứng tan máu hoặc hội chứng quá tải sắt có thể làm tăng chỉ số sắt huyết thanh. Mức độ giảm của sắt huyết thanh có thể giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu.
Xét nghiệm gen Thalassemia là một loại xét nghiệm y tế được thực hiện để phát hiện các đột biến gen gây ra bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Bệnh Thalassemia là một nhóm bệnh di truyền ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hemoglobin – một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể. Các đột biến trên gen alpha hoặc beta globin ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp chuỗi globin, dẫn đến thiếu máu.
Cả Folate (axit folic, vitamin B9) và Vitamin B12 đều đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và duy trì chức năng thần kinh. Xét nghiệm định lượng Folate (axit folic) và vitamin B12 giúp xác định nguyên nhân gây thiếu máu. Thiếu hụt hai vi chất này có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to và rối loạn thần kinh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ nhỏ và thai nhi.
Một số loại ký sinh trùng như giun tóc, giun kim, giun đũa, giun móc, sán lá gan… có thể sống trong cơ thể người và hút dưỡng chất để tồn tại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Xét nghiệm soi phân giúp phát hiện ký sinh trùng, xác định nguyên nhân gây thiếu máu, và hỗ trợ bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Điện di Hemoglobin là kỹ thuật được sử dụng để đánh giá chuỗi axit amin của hemoglobin, giúp bác sĩ sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến bất thường về huyết sắc tố. Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp như:
Ngoài điện di Hemoglobin, bác sĩ có thể chỉ định nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra tình trạng mất máu do xuất huyết đường tiêu hóa. Đối với phụ nữ có tình trạng rong huyết, rong kinh, cần thăm khám chuyên khoa sản phụ khoa. Vậy cách hiểu kết quả xét nghiệm thiếu máu như thế nào?
Khi bạn thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu, bác sĩ sẽ dựa vào nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá. Dưới đây là một số thông tin về kết quả xét nghiệm thiếu máu (chỉ mang tính tham khảo):
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm máu ban đầu không đủ để xác định chính xác nguyên nhân gây thiếu máu, bác sĩ có thể yêu cầu thêm những xét nghiệm bổ sung để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bạn và tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng bạn đang gặp phải.
Ngoài việc băn khoăn về loại xét nghiệm nào để biết mình có bị thiếu máu hay không, nhiều người còn lo lắng về chi phí kiểm tra. Chi phí này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp xét nghiệm được chỉ định, chất lượng máy móc, thiết bị, thời gian nhận kết quả và trình độ của bác sĩ/kỹ thuật viên.
Do đó, chi phí xét nghiệm thiếu máu có thể khác nhau giữa các cơ sở y tế và thay đổi theo thời gian. Để biết chính xác chi phí, người bệnh nên liên hệ trực tiếp với bệnh viện hoặc phòng khám để được tư vấn.
Như vậy, xét nghiệm máu đóng vai trò then chốt trong việc chẩn đoán và phân loại các loại thiếu máu. Thông qua các chỉ số huyết học, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây bệnh, đánh giá mức độ nghiêm trọng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Do đó, việc thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ và tuân thủ chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe.
Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.