Xét nghiệm máu là phương pháp được bác sĩ chỉ định bắt buộc trong hầu hết các trường hợp thăm khám và điều trị bệnh. Vậy xét nghiệm máu là gì, phát hiện được các bệnh lý nào, quy trình thực hiện ra sao, có các loại xét nghiệm nào, xét nghiệm ở đâu uy tín,…tất cả sẽ được giải đáp đầy đủ trong bài viết sau.
Xét nghiệm máu là một xét nghiệm y tế được thực hiện để kiểm tra các thành phần khác nhau trong máu của một người. Việc xét nghiệm máu giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, theo dõi hiệu quả của điều trị và đánh giá nguy cơ mắc bệnh.
Các loại xét nghiệm máu
Hiện có 2 loại xét nghiệm máu cơ bản bao gồm: Xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu.
1. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC)
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu CBC là một trong những xét nghiệm máu cơ bản và phổ biến nhất. Trong các gói kiểm tra sức khỏe định kỳ thường có dịch vụ xét nghiệm công thức máu toàn phần này. Thông qua kết quả xét nghiệm, có thể xác định được tình trạng sức khỏe chung giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh lý khác nhau như bệnh thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn đông máu, ung thư máu,…
Xét nghiệm công thức máu toàn phần phân tích các chỉ số trong máu như:
Tế bào hồng cầu: Hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể, phục vụ cho hoạt động của các mô, tế bào. Nếu mức hồng cầu trong máu cao hơn hoặc thấp hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, thiếu máu hoặc chảy máu trong.
Tế bào bạch cầu: Bạch cầu là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tác nhân gây bệnh. Lượng tế bào bạch cầu tăng đột biến hoặc thấp hơn bình thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, ung thư máu, rối loạn hệ thống miễn dịch.
Tiểu cầu: Tiểu cầu là mảnh tế bào rất lớn trong tủy xương hay còn gọi là megakaryocytes, có chức năng hình thành cục máu đông làm chậm hoặc ngừng chảy để bịt kín vết cắt, vỡ trên thành mạch máu và cầm máu. Nếu chỉ số xét nghiệm cho thấy mức tiểu cầu cao hoặc thấp hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn đông máu.
Hematocrit (Hct): Hematocrit là chỉ số đo lượng tế bào hồng cầu trong máu. Mức Hematocrit quá cao cho thấy cơ thể đang bị mất nước. Ngược lại, Hematocrit thấp phản ánh tình trạng thiếu máu của cơ thể.
Hemoglobin (Hb): Hemoglobin là một loại protein trong tế bào hồng cầu có nhiệm vụ đẩy oxy đi kháp cơ thể. Nồng độ Hemoglobin bất thường có thể là biểu hiện của các bệnh lý: thiếu máu, chứng tan máu bẩm sinh,…
Mức MVC: MVC chỉ số đo kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu. Chỉ số MVC thấp phản ánh kích thước hồng cầu thấp, là dấu hiệu của bệnh thiếu máu hoặc bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia.
2. Xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu thực hiện trên mẫu huyết tương giúp kiểm tra các chất hóa học tự nhiên khác nhau trong máu. Kết quả xét nghiệm phản ánh tình trạng của một số cơ quan trong cơ thể như tim, gan, thận, xương,… Ngoài ra, xét nghiệm sinh hóa máu cũng có thể kiểm tra lượng canxi, chỉ số đường huyết, điện giải,…
Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm sinh hóa máu bao gồm:
2.1. Chỉ số chức năng thận
Ure máu: Là sản phẩm thoái hóa chính của protein trong cơ thể, được lọc qua cầu thận để bài tiết qua nước tiểu. Nồng độ ure máu tăng cao có thể do suy thận, tắc nghẽn đường niệu, chế độ ăn quá giàu protein,…
Creatinine: Được tạo thành từ creatine phosphate trong cơ, là một chất quan trọng cho hoạt động của cơ bắp. Nồng độ creatinine tăng cao có thể do suy thận, mất nước, tắc nghẽn đường niệu,…
eGFR (tốc độ lọc cầu thận): Là chỉ số đánh giá khả năng lọc cầu thận của thận. eGFR thấp có thể do suy thận.
2.2. Chỉ số chức năng gan
AST (SGOT): Là men được tìm thấy trong gan, tim và cơ. Nồng độ AST tăng cao có thể do tổn thương gan, nhồi máu cơ tim,…
ALT (SGPT): Là men được tìm thấy chủ yếu trong gan. Nồng độ ALT tăng cao có thể do viêm gan, tổn thương gan do rượu bia,…
GGT: Là men được tìm thấy trong gan, ống mật và tụy. Nồng độ GGT tăng cao có thể do tắc nghẽn đường mật, viêm gan, uống nhiều rượu bia,…
ALP (Phosphatase kiềm): Là men được tìm thấy trong gan, xương và các mô khác. Nồng độ ALP tăng cao có thể do tắc nghẽn đường mật, bệnh lý về xương, ung thư gan,…
Bilirubin: Là sản phẩm thoái hóa của hồng cầu. Nồng độ bilirubin tăng cao có thể do vàng da, tắc nghẽn đường mật, viêm gan,…
2.3. Chỉ số liên quan đến bệnh tiểu đường
Đường huyết: Là lượng đường trong máu. Nồng độ đường huyết cao có thể do đái tháo đường.
HbA1c: Là chỉ số phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng qua. Nồng độ HbA1c cao có thể do đái tháo đường không được kiểm soát tốt.
2.4. Chỉ số mỡ máu
Cholesterol toàn phần: Nồng độ cholesterol cao trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
HDL-C (cholesterol tốt): Giúp vận chuyển cholesterol ra khỏi mạch máu, bảo vệ tim mạch. Nồng độ HDL-C thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
LDL-C (cholesterol xấu): Dễ bám vào thành mạch máu, hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến bệnh tim mạch. Nồng độ LDL-C cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Triglyceride: Là một loại chất béo trong máu. Nồng độ triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2.5. Các chỉ số khác
Protein: Là thành phần quan trọng của các mô và cơ quan trong cơ thể. Nồng độ protein thấp có thể do suy dinh dưỡng, bệnh gan, thận,…
Albumin: Là loại protein quan trọng nhất trong máu, có vai trò vận chuyển các chất và duy trì áp lực keo. Nồng độ albumin thấp có thể do suy gan, suy dinh dưỡng,…
Điện giải đồ (Natri, Kali, Clo, Canxi,…): Giúp duy trì cân bằng dịch thể và các chức năng cơ thể. Rối loạn điện giải có thể do mất nước, nôn mửa, tiêu chảy,…
Khi nào cần xét nghiệm máu?
Xét nghiệm máu thường được chỉ định khi thăm khám và điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ là người trực tiếp chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe, tìm kiếm dấu hiệu, tác nhân gây bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị,…
Khám sức khỏe định kỳ: Xét nghiệm máu là một phần của khám sức khỏe định kỳ để giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể, đánh giá chức năng tim mạch, thận, gan, tuyến giáp,… phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn nếu có.
Chẩn đoán bệnh: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh khác nhau, bao gồm: nhiễm trùng, thiếu máu, bệnh tim, bệnh tiểu đường, ung thư,…
Theo dõi tình trạng bệnh: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh, xét nghiệm máu có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng bệnh, hiệu quả điều trị. Đồng thời, thông qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thêm cơ sở để tiếp tục đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Sàng lọc bệnh: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để sàng lọc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia,…
Trước khi phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế khác: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế khác để đảm bảo bạn đủ sức khỏe để thực hiện thủ thuật.
Theo dõi sức khỏe thai kỳ: Xét nghiệm máu được thực hiện thường xuyên trong khi mang thai để theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Lý do khác: Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện vì nhiều lý do khác như theo dõi tác dụng của thuốc, kiểm tra các triệu chứng bệnh cụ thể.
Chi phí xét nghiệm máu là bao nhiêu?
Chi phí xét nghiệm máu tại Đa khoa Phương Nam chỉ từ 50.000 VND đến 500.000 VNĐ tùy từng dịch vụ. Với những xét nghiệm máu phức tạp, chi phí cao ứng dụng kỹ thuật tân tiến, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại và tốn nhiều thời gian hơn.
Để được báo giá chi tiết từng dịch vụ xét nghiệm máu, vui lòng liên hệ trực tiếp với Đa khoa Phương Nam qua hotline 1800 2222 hoặc đăng ký nhận tư vấn tại đây.
Một số lưu ý khi xét nghiệm máu bạn cần biết
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm được chỉ định trong nhiều trường hợp khám chữa bệnh như: Khám sức khỏe tổng quát, khám tiền hôn nhân, tầm soát sớm các bệnh lý,… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những lưu ý quan trọng để đảm bảo kết quả chính xác và tránh rủi ro sau xét nghiệm.
1. Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm máu
Để không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu, cần chuẩn lưu ý:
Nhịn ăn: Một số xét nghiệm máu, đặc biệt là xét nghiệm đường huyết và xét nghiệm cholesterol, yêu cầu bạn phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi xét nghiệm. Thông thường, bạn sẽ được yêu cầu nhịn ăn từ 8 đến 12 tiếng.
Uống nước: Bạn vẫn nên uống nước lọc bình thường trước khi xét nghiệm máu.
Hạn chế đồ uống có cồn: Tránh uống rượu bia ít nhất 24 tiếng trước khi xét nghiệm máu.
Hạn chế hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm máu. Tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc bỏ hút thuốc lá ít nhất 12 tiếng trước khi xét nghiệm.
Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm máu. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc vào đêm trước khi xét nghiệm.
Thuốc men đang sử dụng: Thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc thảo dược và thực phẩm chức năng bởi một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu.
Tập thể dục: Tránh tập thể dục gắng sức ít nhất 2 tiếng trước khi xét nghiệm máu.
Căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm máu. Hãy cố gắng thư giãn trước khi xét nghiệm.
Mang thai: Nếu bạn đang mang thai, hãy cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế biết. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm máu.
2. Quy trình thực hiện xét nghiệm
Quá trình lấy máu có thể rất nhanh chóng nếu bạn có các tĩnh mạch dễ dàng tìm thấy. Quá trình này thường diễn ra khoảng từ 5 đến 10 phút.
Thông thường quy trình xét nghiệm máu đạt chuẩn y khoa sẽ thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Ý tá sẽ làm sạch khu vực trên cánh tay ở vị trí cần lấy máu.
Bước 2: Buộc dây chun vào bắp tay để giúp hiển thị rõ hơn các tĩnh mạch.
Bước 3: Nhẹ nhàng đưa đầu mũi kim vào tĩnh mạch để lấy máu.
Bước 4: Rút kim ra khỏi da và tháo dây chun ra khỏi cánh tay khi quá trình thu thập mẫu máu được hoàn tất.
Bước 5: Che vị trí tim bằng băng hoặc bông và băng y tế đã được khử trùng.
Bước 6: Y tá điền đầy đủ thông tin vào ống máu sau đó chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Tùy vào loại xét nghiệm máu, thời gian trả kết quả dao động từ vài giờ đến vài ngày. Với các xét nghiệm đơn giản, chỉ sau khoảng 30 phút – 1 tiếng đã có kết quả. Với xét nghiệm máu phức tạp hơn, thời gian chờ kết quả có thể kéo dài 5 – 7 ngày.
3. Chăm sóc sau khi xét nghiệm
Sau khi lấy máu xét nghiệm, cơ thể cần được chăm sóc đúng cách để nhanh chóng phục hồi, tránh tác dụng phụ không đáng có.
Ăn uống: Có thể ăn uống bình thường ngay sau khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy chóng mặt, uể oải, lịm người, hãy ăn nhẹ ngay sau khi lấy máu và uống nhiều nước.
Nghỉ ngơi: Nên nghỉ ngơi sau khi xét nghiệm máu. Tránh tập thể dục gắng sức hoặc hoạt động nặng trong vòng 24 giờ.
Sinh hoạt: Có thể trở lại sinh hoạt bình thường ngay sau khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nếu cảm thấy đau, khó chịu tại vị trí lấy máu, hãy chườm đá lạnh hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
Hầu hết mọi người đều không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, một số người có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, bao gồm:
Đau hoặc khó chịu: Bạn có thể cảm thấy hơi đau hoặc khó chịu tại chỗ lấy máu. Cảm giác này thường sẽ hết trong vài giờ.
Bầm tím: Có thể có một vết bầm nhỏ tại chỗ lấy máu. Vết bầm này thường sẽ hết trong vòng vài ngày.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sau khi xét nghiệm máu rất hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn bị sốt, đỏ, sưng hoặc đau dữ dội tại chỗ lấy máu, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm thường quy quan trọng giúp theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Nhờ vào xét nghiệm máu, bạn có thể phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe để kịp thời điều trị.
Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã cung cấp cho bạn tất cả các thông tin xét nghiệm máu. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin và lựa chọn xét nghiệm phù hợp với nhu cầu của bạn. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua HOTLINE 1800 2222 – để được hỗ trợ thêm thông tin.