Xét Nghiệm Tiểu Đường Thai Kỳ – Thông Tin Từ A Đến Z

Trang chủ > Chuyên khoa > Sản phụ khoa > Sản khoa > Xét Nghiệm Tiểu Đường Thai Kỳ – Thông Tin Từ A Đến Z

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng tư 29, 2022

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé trong bụng. Do đó, tiến hành thăm khám, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là việc làm vô cùng cần thiết. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin chi tiết hơn về phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Hãy cùng Đa khoa Phương Nam tìm hiểu nhé!

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng vượt mức quy định do khả năng dung nạp đường huyết bị rối loạn. Theo ước tính, chế độ ăn không cân đối khiến 2 – 5% mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Bệnh lý này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng phổ biến hơn ở tam cá nguyệt thứ 2 và 3. 

Tiểu đường thai kỳ có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và em bé trong lúc mang thai hay sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu phát hiện và chữa trị sớm, các rủi ro sẽ giảm xuống. Vậy nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ là gì? Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ diễn ra như thế nào? 

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-2
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu của mẹ bầu tăng vượt mức quy định do khả năng dung nạp đường huyết bị rối loạn

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ

Tuyến tụy sẽ giải phóng Hormone Insulin khi ăn, giúp di chuyển đường Glucose trong máu đến các tế bào để tạo năng lượng. Tuy nhiên khi mang bầu, nhau thai tạo ra các Hormone sẽ khiến Glucose tích tụ trong máu. Thông thường, tuyến tụy sẽ gửi đủ Insulin đến để xử lý. Nhưng nếu cơ thể ngừng sử dụng Insulin hoặc sản sinh đủ Insulin thì lượng đường trong máu sẽ gia tăng. Lúc này mẹ bầu sẽ bị tiểu đường thai kỳ. 

Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ không có bất kỳ biểu hiện hay triệu chứng bất thường nào. Hầu hết các trường hợp chỉ phát hiện ra khi tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để sàng lọc bệnh. Tuy nhiên, một số mẹ bầu vẫn gặp triệu chứng nếu lượng đường trong máu gia tăng quá cao, ví dụ như: Mệt mỏi, khô miệng, cần đi tiểu thường xuyên, cơn khát tăng dần,… 

Thế nhưng những triệu chứng kể trên không phải là dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường thai kỳ. Chị em có thể gặp phải thường xuyên trong quá trình mang thai. Do đó, mẹ bầu hãy đến cơ sở y tế thăm khám, kiểm tra khi gặp phải bất kỳ biểu hiện bất thường nào nhé. 

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-3
Mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi khi bị tiểu đường thai kỳ

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu nào cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ trên sẽ gia tăng trong một vài trường hợp:

  • Chỉ số BMI trên 30. 
  • Bạn đã từng sinh một bé nặng 4,5 kg trở lên.
  • Có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ trước đó.
  • Anh, chị, em hoặc bố mẹ bị tiểu đường.

Nếu mẹ bầu nằm trong bất kỳ trường hợp nào ở trên, hãy đề nghị bác sĩ chỉ định cho xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để tầm soát bệnh từ sớm. 

Biến chứng của tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và em bé:

  • Lượng đường trong máu của em bé sẽ tăng cao. Cân nặng tăng vượt mức so với bình thường. Điều này sẽ khiến mẹ bầu trong những tháng cuối bị khó chịu và làm quá trình sinh nở gặp khó khăn.
  • Polyhydramnios có thể gây ra hiện tượng chuyển dạ sớm hoặc những vấn đề khác khi sinh.
  • Gia tăng khả năng sinh non (trước 37 tuần).
  • Mẹ bầu đối mặt với nguy cơ bị tiền sản giật, có thể dẫn đến một số biến chứng thai kỳ. 
  • Trẻ khi ra đời có thể bị vàng da/mắt hoặc hạ đường huyết.
  • Thai có khả năng bị chết lưu dù trường hợp này hiếm khi xảy ra. 
  • Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cũng đồng nghĩa với việc mẹ bầu có nguy cơ bị tiểu đường loại 2 trong tương lai. 
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-4
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể làm gia tăng nguy cơ sinh non

Tầm quan trọng của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ đang trở thành bệnh lý đáng lo ngại đối với sức khỏe của sản phụ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và chữa trị sớm có thể gây ra một số biến chứng như thai chết lưu, sảy thai, vàng da,… Thậm chí, em bé có khả năng bị rối loạn chuyển hóa, suy hô hấp, béo phì trong những năm tháng đầu đời. 

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở tuần bao nhiêu?

Mẹ bầu thường gặp bệnh tiểu đường thai kỳ trong tam cá nguyệt thứ 2, 3. Do đó, chị em nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào khoảng tuần thứ 24 – 28 hoặc sớm hơn (trong trường hợp có nguy cơ cao). Phụ nữ có tiền sử tiểu đường thai kỳ nên chủ động thực hiện xét nghiệm định kỳ tối thiểu 3 năm/lần để kiểm tra mức độ phát triển của bệnh. 

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-1
Chị em nên thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào khoảng tuần thứ 24 – 28 hoặc sớm hơn (trong trường hợp có nguy cơ cao)

Kinh nghiệm đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Dưới đây là một số kinh nghiệm khi đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, bạn hãy tham khảo nhé.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ?

Chị em nên nhịn đói ít nhất 8 tiếng trước khi lấy máu để nhận được kết quả đường huyết chính xác. Vì sau khi ăn, dưỡng chất sẽ chuyển hóa ngay thành đường Glucose. Ruột sẽ hấp thụ và biến đổi thành năng lượng. Lúc này, lượng mỡ hoặc đường trong máu gia tăng rất cao, kết quả sẽ không chính xác nếu làm xét nghiệm ngay.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần tránh dùng chất kích thích, hút thuốc lá, uống cà phê,… trước khi lấy máu làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Chị em nên đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm. 

Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Giá trị đường huyết bất thường sau khi tiến hành thử nghiệm dung nạp 75 gam Glucose trong 2 giờ là:

  • Đường huyết lúc đói > 90 mg/dL (5,1 mmol/L).
  • Sau 1 giờ > 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
  • Sau 2 giờ > 153 mg/dL (8,5 mmol/L).

Nếu một trong những chỉ số trên vượt mức, điều đó có nghĩa là mẹ bầu đã bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, chị em cần được bác sĩ thăm khám và theo dõi sức khỏe cẩn thận.

Nếu đã mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ bạn cần lưu ý điều gì sau khi sinh?

Chị em mắc bệnh tiểu đường thai kỳ lần đầu sẽ có nguy cơ bị lại lần 2 nếu tiếp tục mang thai. Trong số các mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ, có khoảng 50% trường hợp đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 về sau. Do đó, sau khi sinh con, bạn nên tiếp tục theo dõi đường huyết để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng. 

  • Hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tăng cường tập thể dục và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Lên kế hoạch giảm cân và theo dõi cân nặng.
  • Trong thời gian hậu sản từ 4 – 12 tuần nên thực hiện lại xét nghiệm dung nạp Glucose để chẩn đoán bệnh đái tháo đường sớm.
xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-5
Sau khi sinh con, bạn nên tiếp tục theo dõi đường huyết để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng

Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ diễn ra như sau:

Xét nghiệm hai bước: Thử Glucose + dung nạp Glucose

Mẹ bầu cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở tuần thai 22 – 24. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn xét nghiệm thử Glucose đầu tiên để sàng lọc nguy cơ, từ đó đánh giá xem có cần kiểm tra tiếp hay không. Trường hợp Glucose huyết tương đo được tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130, 135 hoặc 140 mg/dL thì sẽ tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp Glucose. 

Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả Glucose dương tính cũng chưa thể khẳng định bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không. Ước tính chỉ khoảng 30% trường hợp mẹ bầu nhận kết quả dương tính thật sự bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, để có kết quả chắc chắn bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm dung nạp Glucose. 

Khi xét nghiệm, trong vòng 3 giờ thai phụ phải uống hết dung dịch ngọt chứa 100 gam Glucose. Sau đó 1 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành trích máu từ ngón tay của mẹ bầu để kiểm tra đường huyết và đánh giá cách cơ thể chuyển hóa đường. 

Sau khi uống dung dịch 100 gam Glucose trong vòng 3 giờ, giá trị đường huyết bất thường được căn cứ như sau:

  • Đường huyết lúc đói: 95 mg/dL (5,3 mmol/L).
  • Sau 1 giờ > 180 mg/dL (10 mmol/L).
  • Sau 2 giờ > 155 mg/dL (8,6 mmol/L).
  • Sau 3 giờ > 140 mg/dL (7,8 mmol/L).

Xét nghiệm 1 bước: Dung nạp Glucose

Sáng sớm khi bụng đang trống rỗng là thời điểm tốt nhất để dung nạp Glucose. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra đường huyết lúc mẹ bầu đói trước khi uống một lượng dung dịch Glucose (khoảng 75 gam). 

Cách 1 giờ sau đó, mẹ bầu sẽ được lấy mẫu máu. Nếu có 2 kết quả dương tính trở lên sau 3 lần lấy mẫu máu bác sĩ sẽ kết luận bạn bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào giá trị đường huyết của bạn sau khi dung nạp Glucose trong 2 giờ, từ đó có thể đưa ra kết luận cuối cùng, lần lượt là:

  • Đường huyết lúc đói > 92 mg/dL (5,1 mmol/L).
  • Sau 1 giờ > 180 mg/dL (10 mmol/L).
  • Sau 2 giờ > 153 mg/dL (8,5 mmol/L).

Lưu ý: Không ăn uống bất kỳ thứ gì tối thiểu 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm và trong lúc lấy máu kiểm tra. 

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-6
Mẹ bầu sẽ được xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đúng quy trình

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bao nhiêu tiền?

Mức giá xét nghiệm đường huyết loại 50 gam Glucose sau 1 giờ thường dao động từ 80.000 – 100.000 VNĐ. Các xét nghiệm dung nạp Glucose dao động từ 300.000 – 400.000 VNĐ. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ rất phổ biến, đa phần nó nằm trong gói quản lý thai nghén. Do đó, chi phí có thể rẻ hơn. Lưu ý: Mức giá trên chỉ mang tính tham khảo. Chi phí xét nghiệm sẽ có nhiều thay đổi tùy vào cơ sở y tế, trang thiết bị, máy móc, trình độ của bác sĩ, phương pháp thực hiện,…

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu nếu phát hiện mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần nhanh chóng chữa trị để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở. Thay đổi chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu. Trong trường hợp những hoạt động này không mang đến hiệu quả, thai phụ phải uống thuốc để chữa bệnh. 

Chị em cũng cần kiểm tra đường huyết mỗi ngày 4 lần trở lên đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe chặt chẽ trong quá trình mang thai và sau khi sinh. Nếu bị tiểu đường thai kỳ, tốt nhất mẹ bầu nên sinh trước tuần 41. Sinh mổ hoặc khởi phát chuyển dạ có thể được khuyến khích nếu thai phụ không bắt đầu chuyển dạ tự nhiên ở giai đoạn này. 

Lời khuyên cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Dưới đây là một số lời khuyên cho chị em mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:

 Ăn món có lợi cho sức khỏe

Bạn cần áp dụng chế độ ăn đặc biệt dành cho bệnh nhân tiểu đường. Thay thế những món ăn nhẹ có đường như kem, kẹo, bánh quy,… sang thực phẩm chứa đường tự nhiên, điển hình là cà rốt, trái cây,… Đừng quên bổ sung ngũ cốc và rau vào thực đơn của bạn.

 Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục giúp cân bằng lượng thức ăn. Mẹ bầu hãy thực hiện những bài tập với cường độ vừa phải tối thiểu 5 ngày/tuần. Tốt nhất, thai phụ nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước để lựa chọn hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe. 

 Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên

Lượng đường trong máu có thể thay đổi rất nhanh khi mang thai. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra đường huyết theo chỉ định của bác sĩ.

 Uống Insulin (nếu cần)

Nếu bác sĩ yêu cầu bạn dùng Insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, mẹ bầu hãy tuân thủ thực hiện đúng theo chỉ định được đề ra. 

 Kiểm tra bệnh tiểu đường sau khi mang thai

6 – 12 tuần sau sinh, mẹ hãy tiến hành xét nghiệm bệnh tiểu đường. Đồng thời tiếp tục duy trì kiểm tra đường huyết trong 1 – 3 năm sau đó. Hầu hết mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ sẽ khỏi bệnh ngay sau khi sinh. Trường hợp không biến mất sẽ gọi là bệnh tiểu đường loại 2. Để ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tiểu đường loại 2, thai phụ nên tập thể dục và áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học.

xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-7
Mẹ bầu hãy thực hiện những bài tập với cường độ vừa phải tối thiểu 5 ngày/tuần

Các câu hỏi liên quan đến việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Đa khoa Phương Nam sẽ giúp bạn giải đáp thêm một số thắc mắc có liên quan đến xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, cụ thể như sau:

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có gây buồn nôn không?

Khi uống dung dịch Glucose, một số mẹ bầu sẽ cảm thấy buồn nôn, thậm chí nôn ra. Thai phụ sẽ phải thực hiện lại xét nghiệm vào một ngày khác nếu bị nôn ngay sau khi uống dung dịch. Xét nghiệm dung nạp sẽ khiến bạn buồn nôn hơn lúc làm xét nghiệm sàng lọc. Vì mẹ bầu phải uống dung dịch ngọt hoặc đặc gấp 2 lần sau một khoảng thời gian dài không ăn. 

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn, uống không? Và phải nhịn ăn, uống bao lâu?

Với xét nghiệm đường máu và dung nạp Glucose lúc đói, mẹ bầu phải nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng. Thai phụ thường được khuyến cáo không nạp bất kỳ lượng Carbohydrate nào trong khoảng 8 – 12 tiếng trước lúc xét nghiệm. 

Trường hợp xét nghiệm đường Glucose ngẫu nhiên, mẹ bầu không cần nhịn ăn trước khi thực hiện. Máu sẽ được bác sĩ lấy từ cánh tay của thai phụ. Tùy vào nồng độ Glucose, mẹ bầu sẽ phải làm thêm các xét nghiệm đường huyết hoặc dung nạp Glucose. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng. 

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được hưởng bảo hiểm không?

Theo quy định, mẹ bầu sẽ không được BHYT chi trả nếu tiến hành một số xét nghiệm, chẩn đoán chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc không nhằm mục đích điều trị. Tại các bệnh viện, chi phí xét nghiệm tiểu đường thường được bảo hiểm hỗ trợ thanh toán. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn về quyền lợi của bản thân, thai phụ hãy trao đổi trực tiếp với nhân viên tại cơ sở y tế nhé. 

Chúng ta vừa tìm hiểu về hình thức xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn. Chúc mẹ bầu sẽ luôn khỏe mạnh và có thai kỳ thật thuận lợi. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 1800 2222!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ