Bệnh đau mắt đỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Trang chủ > Chuyên khoa > Trị liệu > Nhãn khoa > Bệnh đau mắt đỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng mười 9, 2024

Hàng năm, có hàng triệu người trên thế giới mắc phải bệnh đau mắt đỏ. Căn bệnh này không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có khả năng lây lan nhanh chóng, đặc biệt trong môi trường cộng đồng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh này và làm thế nào để phòng tránh?

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ (Conjunctivitis – Pinkeye) hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng viêm nhiễm ở lớp màng trong suốt bao phủ bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và mặt trong của mí mắt. Khi bị viêm, các mạch máu nhỏ ở vùng này sẽ giãn nở, khiến mắt trở nên đỏ và gây ra các triệu chứng khó chịu khác. Bệnh có thể ảnh hưởng một hoặc cả hai mắt, do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi khuẩn, dị ứng, …

Người bị đau mắt đỏ thường có phần tròng trắng mắt chuyển sang màu hồng nhạt hoặc đỏ. Mí mắt sưng húp, rủ xuống và có thể có dịch tiết hoặc vảy bám trên lông mi và mí mắt.

Phân loại bệnh đau mắt đỏ

“Không dễ đến mức chỉ nhìn thấy nhau cũng làm cho lây đau mắt đỏ, nhưng hãy hình dung như sau: mắt đầy virus dây ra tay, tay lan ra đồ vật cầm nắm, người khác cầm nắm đồ vật ấy lại dính ra tay rồi đưa lên mắt của mình… Cứ vậy, trong nhà, ra phố, thang máy, siêu thị, nơi làm việc, chưa kể nói chuyện cự ly gần, ôm hôn, quan hệ vợ chồng cũng gây nhiễm bệnh”, bác sĩ Cương lưu ý. Theo tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư

Đau mắt đỏ là tình trạng viêm nhiễm kết mạc do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Các tác nhân này gây tổn thương kết mạc, dẫn đến các triệu chứng như: mắt đỏ, sưng, đau, chảy nhiều dịch mắt. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, đau mắt đỏ có thể được phân loại như sau:

 Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc bị viêm sưng
Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc bị viêm sưng

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Đau mắt đỏ thường do vi khuẩn như Staphylococcus, Haemophilus influenzae gây ra. Mặc dù ít phổ biến hơn đau mắt đỏ do virus, nhưng đau mắt đỏ do vi khuẩn có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho mắt, dẫn đến giảm thị lực và thậm chí mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường có các triệu chứng đặc trưng như: Chảy dịch mủ màu vàng hoặc xanh lá cây, dịch này dính hai mí mắt, đặc biệt là sau khi thức dậy, ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều. Vi khuẩn gây đau mắt đỏ tồn tại trong nước mắt và dịch mủ mắt của người bệnh, vì vậy có thể lây nhiễm sang người khỏe mạnh.

Đau mắt đỏ do virus

Đau mắt đỏ do virus, đặc biệt là Adenovirus, thường gây ra các triệu chứng như: Chảy nước mắt nhiều; ngứa mắt; ra nhiều ghèn; dịch mắt màu vàng, giảm thị lực; sưng cộm mí mắt gây khó chịu. 

Virus gây đau mắt đỏ tồn tại trong nước mắt của người bệnh, cũng như trong dịch tiết hô hấp và lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, bệnh viện, và có thể dẫn đến bùng phát thành dịch với nhiều người mắc bệnh.

Đau mắt đỏ do nhiễm các loại virus như adenovirus, herpes simplex virus.
Đau mắt đỏ do nhiễm các loại virus như adenovirus, herpes simplex virus.

Đau mắt đỏ do dị ứng

Đau mắt đỏ do dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng như phấn hoa hoặc các chất kích ứng khác. Bệnh không lây nhiễm, thường ảnh hưởng cả hai mắt, gây ngứa dữ dội, chảy nước mắt, viêm mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng dị ứng khác như ngứa mũi, hắt hơi, ngứa họng hoặc hen suyễn.

Đau mắt đỏ do kích ứng

Khi hóa chất (Xà phòng, hóa chất tẩy rửa, khói thuốc lá, nước hồ bơi không được xử lý) hoặc dị vật lọt vào mắt (cát, bụi, lông mi), mắt sẽ bị kích ứng, chảy nước mắt và tiết dịch nhầy. Thông thường, tình trạng này sẽ tự hết trong vòng một ngày. Tuy nhiên, nếu mắt không thuyên giảm, có thể vẫn còn dị vật trong mắt hoặc bạn bị xước giác mạc hoặc kết mạc.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm:

Tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Nhiễm khuẩn: Một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ, đặc biệt là viêm kết mạc. Một số vi khuẩn thường gặp gây ra tình trạng này là: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.
  • Nhiễm Virus: Virus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ. Trong đó, adenovirus là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ngoài ra, một số virus khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ, bao gồm: virus Corona, virus simplex và virus varicella-zoster.
  • Dị ứng: Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể immunoglobulin E. Loại kháng thể này sẽ kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường thở, giải phóng các chất gây viêm như histamine. Histamine gây ra một số triệu chứng dị ứng, bao gồm đau mắt đỏ.
  • Hóa chất bắn vào mắt: Các hóa chất như dầu gội, mỹ phẩm, khói hoặc clo trong hồ bơi có thể gây kích ứng và làm mắt đỏ. Thậm chí, việc rửa mắt để loại bỏ hóa chất cũng có thể khiến mắt đỏ và bị kích ứng.
  • Dị vật trong mắt: Trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi bụi bẩn vướng vào mắt có thể gây viêm kết mạc, dẫn đến đau mắt đỏ.
  • Kính áp tròng: Nếu không được vệ sinh đúng cách, kính áp tròng có thể mang mầm bệnh gây đau mắt đỏ vào mắt. Đối với những người bị đau mắt đỏ, việc đeo kính áp tròng thường xuyên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng ở mắt.
  • Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ khác: Để tránh bị đau mắt đỏ, bạn cần giữ vệ sinh tay thật sạch. Không nên chạm vào mắt nếu tay chưa được rửa sạch, bởi vì tay có thể là nơi ẩn chứa các tác nhân gây bệnh từ người bị đau mắt đỏ.

Biến chứng của bệnh đau mắt đỏ

Mặc dù đau mắt đỏ thường tự khỏi sau một thời gian ngắn, nếu không được điều trị đúng cách hoặc để bệnh kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Đau mắt đỏ nếu không được điều trị đúng cáchcó thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.
Đau mắt đỏ nếu không được điều trị đúng cáchcó thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp viêm kết mạc do nhiễm trùng, mầm bệnh có khả năng lan rộng ra khỏi vùng mắt, gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở các bộ phận khác của cơ thể. Những biến chứng này có thể bao gồm viêm màng não, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, hoặc viêm tai giữa.

Viêm kết mạc nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 28 ngày đầu đời, bệnh tiến triển nhanh chóng thành nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, và nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến thị lực của trẻ. Trường hợp viêm kết mạc do Chlamydia, khoảng 20% trẻ sơ sinh có nguy cơ phát triển viêm phổi – một biến chứng có thể đe dọa tính mạng.

Viêm giác mạc biểu mô là một tình trạng nguy hiểm có thể gây ra đau đớn và nhạy cảm với ánh sáng, thậm chí dẫn đến vết loét trên giác mạc có thể làm thị lực bị hỏng vĩnh viễn.

Lưu ý: Nếu bạn bị đau mắt đỏ hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác như mắt đỏ, đau, nhức, cộm,… hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều này giúp hạn chế nguy cơ lây lan bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Những bệnh thường bị nhầm lẫn với đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh về mắt khác. Điều này là do các bệnh này thường có những triệu chứng ban đầu tương tự nhau, như mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Việc tự chẩn đoán và điều trị tại nhà có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, thậm chí làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng viêm nhiễm lớp lót bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt. Bệnh có thể do virus, vi khuẩn, dị ứng hoặc các nguyên nhân khác gây ra. Quan trọng là đau mắt đỏ không gây nổi mụn ở mí mắt hoặc xung quanh mắt.
  • Lẹo mắt là một vết sưng đỏ, đau nhức xuất hiện trên hoặc bên trong mí mắt, gần mép lông mi. Nguyên nhân là do nhiễm trùng ở tuyến dầu trên mí mắt.
  • Viêm củng mạc: Bệnh lý gây đau mắt, cơn đau lan lên vùng trán, xoang và gò má. Tròng trắng mắt có màu đỏ hồng hoặc đỏ tươi, và có thể xuất hiện các hạt gồ lên dưới khóe mắt.
  • Viêm nội nhãn: Tình trạng mắt đỏ, đau nhức nhưng không có dịch nhầy (ghèn, gỉ mắt). Ngoài ra, bệnh còn có thể gây sưng mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị sốt, mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ.
  • Viêm loét giác mạc: Bệnh lý gây ra cảm giác cộm mắt, chảy nhiều nước mắt, nhìn mờ, và khó mở mắt vào buổi sáng. 

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

“Những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, có chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều đều bị coi là bất thường, cần đi khám mắt để được bác sĩ chuyên khoa mắt kê đơn thuốc phù hợp”.Theo tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư

Đau mắt đỏ thường tự khỏi sau một thời gian ngắn, tuy nhiên, có những trường hợp bạn nên đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc các phương pháp điều trị phù hợp.
Tùy nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc các phương pháp điều trị phù hợp.

Đau mắt đỏ kéo dài: Nếu tình trạng mắt đỏ kéo dài hơn 1 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đi khám.

Đau mắt đỏ kèm theo các triệu chứng khác:

  • Đau nhức mắt dữ dội
  • Sưng mí mắt
  • Sốt
  • Mờ mắt
  • Nhìn thấy quầng sáng xung quanh ánh đèn
  • Chảy mủ đặc
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Mất thị lực hoặc giảm thị lực đột ngột: Đây là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng ở mắt và cần được khám ngay lập tức.

Đau mắt đỏ tái phát nhiều lần: Nếu bạn thường xuyên bị đau mắt đỏ, đặc biệt là trong một thời gian ngắn, bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân gốc rễ.

Đeo kính áp tròng và bị đau mắt đỏ: Hãy ngừng đeo kính áp tròng ngay lập tức. Nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 12-24 giờ, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra, vì tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng do kính áp tròng gây ra.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành khám và xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
Phương pháp điều trị đau mắt đỏ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị đau mắt đỏ do kích ứng

Nếu mắt bị kích ứng do vật lạ bay vào, hãy rửa mắt nhẹ nhàng với nước ấm trong 5 phút. Tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng khác. Thông thường, mắt sẽ phục hồi sau 4 tiếng rửa sạch.

Đặc biệt, nếu mắt bị kích ứng do hóa chất, axit hoặc kiềm mạnh, hãy rửa mắt bằng nước sạch và đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời và hạn chế tình trạng tổn thương mắt thấp nhất có thể.

Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh, histamine, steroid hoặc thuốc thông mũi để điều trị bệnh. Ngoài ra, bạn có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách chườm đá lạnh lên mắt.

Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh cho bạn dưới dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ hoặc thuốc viên để điều trị đau mắt đỏ. Nếu bạn được kê thuốc mỡ, đừng lo lắng về việc bôi thuốc khó khăn. Thực tế, thuốc chỉ cần chạm tới lông mi đã có thể tan chảy trong mắt.

Bác sĩ điều trị triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn bằng thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt
Điều trị triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn bằng thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt

Điều trị bệnh do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ này không phổ biến nhưng có thể nghiêm trọng. Giống như các loại đau mắt đỏ khác, bệnh do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng kháng sinh, và bệnh do virus sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus.

Đau mắt đỏ nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến giảm thị lực. Nếu người mẹ mang thai bị bệnh, em bé có thể bị nhiễm trùng trong khi sinh. Để phòng ngừa, hãy dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi lên mắt của trẻ sơ sinh.

Điều trị đau mắt đỏ do bệnh tự miễn

Điều trị bệnh tiềm ẩn trong cơ thể cũng có thể giúp cải thiện tình trạng đau mắt đỏ. Trong quá trình điều trị bệnh khác, hãy hỏi bác sĩ về cách chăm sóc và kiểm soát các triệu chứng của đau mắt đỏ để cảm thấy tốt hơn. 

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là một bệnh thường gặp, đặc biệt trong môi trường đông người. Để phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên chú ý đến chế độ sinh hoạt và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:

Chế độ sinh hoạt khoa học giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ hiệu quả
Chế độ sinh hoạt khoa học giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ hiệu quả

Chế độ ăn uống khoa học 

Thực phẩm nên ăn 

Để tăng cường sức đề kháng cho mắt, giúp mắt nhanh chóng phục hồi và ngăn ngừa biến chứng do đau mắt đỏ, bạn nên có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý. Một số thực phẩm giàu vitamin tốt cho mắt bao gồm:

  • Vitamin A: Cá, ớt chuông xanh, cà chua, gan động vật, bí ngô, khoai lang, rau màu xanh đậm, các sản phẩm từ sữa,…
  • Vitamin B: Trứng, bông cải xanh, nấm, thịt gà, cá hồi, gan động vật, các loại đậu, hạt,…
  • Vitamin C: Dâu tây, ớt chuông, ổi, cam, xoài, kiwi, đu đủ, cải xanh,…
  • Vitamin K: Trứng, dưa chuột, bông cải xanh, cà rốt, măng, cần tây, rau xà lách,…

Thực phẩm không nên ăn 

Để hạn chế tình trạng đau mắt đỏ, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Món ăn có mùi tanh: Cá mè, cua, ốc,tôm,…
  • Thức uống chứa chất kích thích: Cà phê, nước uống có gas,rượu, bia, …
  • Món ăn có tính nóng: Thịt dê, ớt, tỏi,…
  • Một số thực phẩm khác: Rau muống, mỡ động vật,…

Phòng tránh đau mắt đỏ hiệu quả

Để phòng tránh đau mắt đỏ hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Hạn chế chạm tay vào mắt: Không dùng tay chạm hoặc dụi mắt, đặc biệt là khi mắt đang bị nhiễm trùng. Hãy dùng khăn giấy lau nhẹ bên ngoài.
  • Rửa tay thường xuyên: Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước ấm thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và dụi mắt.
  • Sử dụng khăn sạch riêng biệt: Giữ khăn tắm, khăn lau riêng cho mỗi người, đặc biệt tránh dùng chung với người bị đau mắt đỏ. Giặt khăn của người bệnh đau mắt đỏ bằng nước nóng và chất tẩy rửa để diệt khuẩn.
  • Thay vỏ gối thường xuyên: Giặt ga trải giường, vỏ gối của người bệnh đau mắt đỏ bằng nước nóng và chất tẩy rửa thường xuyên. Tách biệt gối của người bệnh với những người khác.
  • Không dùng mỹ phẩm mắt cũ: Bỏ hết mỹ phẩm mắt cũ nếu bạn từng bị đau mắt đỏ, vì chúng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
  • Không dùng chung mỹ phẩm: Tránh dùng chung mỹ phẩm với người khác để hạn chế lây nhiễm.

Câu hỏi thường gặp về đau mắt đỏ

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về đau mắt đỏ cùng với lời giải đáp chi tiết của bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Phương Nam:

1.Đau mắt đỏ có lây không?

Có, đau mắt đỏ rất dễ lây lan. Virus hoặc vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt của người bệnh, hoặc qua các vật dụng bị nhiễm khuẩn như khăn mặt, gối, kính áp tròng.

2.Bệnh đau mắt đỏ diễn biến trong bao lâu?

Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường thuyên giảm trong vòng 1 tuần sau khi điều trị. Tuy nhiên, hãy tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ ngay cả khi bạn cảm thấy đỡ hơn. Đau mắt đỏ do virus có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày, thậm chí có thể đến 14 ngày mới khỏi hẳn.

Nếu chủ quan không điều trị, đặc biệt là đau mắt đỏ do vi khuẩn, bệnh có thể kéo dài, tái phát thường xuyên và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa, viêm giác mạc,…

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của đau mắt đỏ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay lập tức để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời.

3.Tại sao bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào mùa hè? 

Dấu hiệu đau mắt đỏ thường bùng phát vào mùa hè do một số yếu tố sau:

  • Khí hậu nóng ẩm: Nhiệt độ cao và độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus sinh sôi phát triển.
  • Mưa đột ngột: Mưa đột ngột khiến độ ẩm không khí tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus dễ dàng lây lan.
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn, virus có thể gây bệnh.
  • Suy giảm sức đề kháng: Cơ thể dễ bị suy giảm sức đề kháng trong thời tiết nóng ẩm, khiến cơ thể dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.
  • Hoạt động ngoài trời: Hoạt động ngoài trời như bơi lội, dã ngoại khiến cơ thể dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn, virus thông qua nước bọt, đường hô hấp, tay cầm, nắm hoặc chạm vào đồ dùng có vi khuẩn, virus gây bệnh.

Đau mắt đỏ là một căn bệnh dễ lây lan nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị. Bằng việc thực hiện các biện pháp vệ sinh đơn giản và đi khám mắt định kỳ, chúng ta có thể bảo vệ đôi mắt của mình luôn sáng khỏe. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ