Calo rỗng là gì? Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

Trang chủ > Chuyên khoa > Khoa khác > Y học dự phòng > Calo rỗng là gì? Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

Tác giả: Duyen Nguyen Ngày đăng: Tháng Bảy 16, 2024

Calo rỗng trong một số loại thực phẩm, đồ uống cung cấp lượng lớn calo nhưng thiếu giá trị dinh dưỡng, khi sử dụng không có sự kiểm soát có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe. Vậy calo rỗng là gì, tại sao chúng gây hại cho sức khỏe?

Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để cân bằng chế độ ăn, cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Calo rỗng là gì?

Calo rỗng (empty calories) là thuật ngữ dùng để chỉ những loại calo đến từ thực phẩm, đồ uống chứa ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Những thực phẩm và đồ uống này thường có nhiều đường, chất béo xấu mà không cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ, các chất dinh dưỡng cần thiết khác.

Calo rỗng
Calo rỗng (empty calories) là thuật ngữ dùng để chỉ những loại calo đến từ thực phẩm, đồ uống chứa ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng

Theo một khảo sát của Dịch vụ nghiên cứu nông nghiệp (ARS) tại Beltsville, Maryland (cơ quan nghiên cứu khoa học nội bộ chính của USDA – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), nam giới trưởng thành ăn trung bình 923 calo rỗng mỗi ngày. Đối với nữ giới, lượng calo rỗng trung bình nạp vào là 624 calo mỗi ngày. Bên cạnh đó, theo Khảo sát kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NHANES) năm 2010, có tới gần 40% tổng lượng calo tiêu thụ của trẻ em từ 2 – 18 tuổi ở dạng calo rỗng. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, lượng calo rỗng được tiêu thụ vượt xa lượng calo tương ứng cho tất cả các nhóm tuổi – giới tính (dao động từ 8 – 20%).

Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa calo rỗng có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường loại 2, các bệnh liên quan đến béo phì. Do đó, việc hạn chế calo rỗng và thay thế bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng là điều rất quan trọng để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tại sao calo rỗng lại nguy hiểm? 

Những loại thực phẩm calo rỗng chứa nhiều đường và chất béo không lành mạnh nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác mà cơ thể cần. Khi ăn nhiều loại thực phẩm này sẽ gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe như:

Thiếu dinh dưỡng

Thực phẩm chứa calo rỗng thường thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng. Khi cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng này sẽ dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch yếu kém và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. 

Tăng cân và béo phì

Calo rỗng thường có nguồn gốc từ các loại thực phẩm có nhiều đường và chất béo không lành mạnh. Khi tiêu thụ quá nhiều calo mà không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để hoạt động, calo dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, dẫn đến tăng cân và béo phì. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là yếu tố nguy cơ chính cho nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.

calo rỗng 2
Thực phẩm thuộc nhóm calo rỗng là tác nhân gây tăng cân và béo phì

Gây ra rối loạn chức năng trong cơ thể

Một số loại thực phẩm chứa calo rỗng, đặc biệt là đồ ngọt, thức ăn nhanh, còn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Đường và chất béo bão hòa khi nạp vào cơ thể quá nhiều có thể gây rối loạn chức năng insulin, dẫn đến bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Harvard, việc tiêu thụ nhiều đường tinh luyện có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 .

Ngoài ra, các chất phụ gia trong thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Thực phẩm chứa calo rỗng như đồ ăn nhanh, bánh ngọt và đồ uống có ga thường rất ít hoặc không có chất xơ. Điều này làm giảm khối lượng phân và làm cho phân trở nên cứng, dẫn đến táo bón và khó tiêu. Táo bón lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như trĩ và viêm túi thừa.

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chứa calo rỗng thường chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh có thể gây viêm ruột, tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích (IBS), tăng sản xuất khí trong ruột, gây đầy hơi, khó tiêu.

calo rỗng 3
Sử dụng thực phẩm chứa calo rỗng thường xuyên có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Tác động xấu đến tâm lý và hành vi

Tiêu thụ quá nhiều đường và chất béo không lành mạnh không chỉ gây hại cho sức khỏe thể chất mà còn có tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi. Đường có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp điều chỉnh tâm trạng.

Ngoài ra, Chất béo bão hòa, chất béo trans thường có trong thức ăn nhanh, đồ ăn vặt có thể gây ra viêm nhiễm trong cơ thể, bao gồm cả não. Sự viêm nhiễm này có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu. 

Các nghiên cứu từ Viện Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần Mỹ (NIMH) đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm giảm mức serotonin, dẫn đến cảm giác buồn bã và trầm cảm.

Thực phẩm nào chứa nhiều calo rỗng? 

Các loại thực phẩm chứa calo rỗng đều có một điểm chung, đó là calo cao nhưng hàm lượng dinh dưỡng rất thấp. Dưới đây là một số ví dụ phổ biến:

Tổng hợp các loại thực phẩm chứa nhiều calo rỗng
Tổng hợp các loại thực phẩm chứa nhiều calo rỗng

  • Đồ ngọt: Bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem, bánh mì trắng,…
  • Đồ ăn nhanh: Hamburger, pizza, khoai tây chiên, gà rán,…
  • Ngũ cốc tinh chế: Bánh mì trắng, gạo trắng, mì tinh bột,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, thịt nguội, đồ hộp,…
  • Nước trái cây đóng hộp: Nhiều loại nước trái cây đóng hộp chứa nhiều đường và ít chất xơ.

Cách tránh ăn thực phẩm chứa calo rỗng

Hiện nay, có rất nhiều thực phẩm chứa calo rỗng mà chúng ta vẫn đang ăn hàng ngày nhưng không hề hay biết. Để tránh ăn phải thực phẩm chứa calo rỗng, bạn cần lưu ý một số điều sau:

Hạn chế đồ ngọt

Đồ ngọt là những nhóm thực phẩm chứa rất nhiều calo rỗng, ít dinh dưỡng. Vì vậy, thay vì ăn nhiều đồ ngọt, bạn nên tên thay thế bằng các thực phẩm lành mạnh như:

calo rỗng 4
Thay thế đồ ngọt bằng các thực phẩm lành mạnh

  • Trái cây: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
  • Sữa chua: Cung cấp protein, canxi và lợi khuẩn cho đường ruột.
  • Các loại hạt: Cung cấp protein, chất béo tốt và vitamin.
  • Rau củ: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
  • Protein lành mạnh: Thịt nạc, cá, trứng, đậu hạt, đậu phụ.

Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm

Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để biết được hàm lượng calo, chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Nên chọn mua thực phẩm ít đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và nhiều chất xơ. Một số thông tin dinh dưỡng quan trọng cần chú ý trên nhãn thực phẩm bao gồm:

  • Tổng lượng calo: Lượng calo cung cấp cho một khẩu phần ăn.
  • Chất béo: Bao gồm chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
  • Chất xơ: Giúp bạn no lâu và hỗ trợ hệ tiêu hóa.
  • Đường: Nên chọn thực phẩm có hàm lượng đường thấp.
  • Natri: Ăn quá nhiều natri có thể dẫn đến cao huyết áp.

Nấu ăn tại nhà

Tự nấu ăn tại nhà giúp bạn kiểm soát được nguyên liệu và cách chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên chọn các phương pháp chế biến ít dầu mỡ như hấp, luộc, nướng,… đồng thời hạn chế sử dụng đường, muối, gia vị khi nấu ăn.

calo rỗng 1
Nấu ăn tại nhà là cách tốt nhất để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng

Những câu hỏi thường gặp

1. Có phải tất cả các loại đường đều là calo rỗng? 

Không phải tất cả các loại đường đều là calo rỗng. Một số loại đường tự nhiên, chẳng hạn như mật ong và đường thô, có thể chứa một số vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, hầu hết các loại đường tinh luyện và đường thêm vào thực phẩm đều thuộc loại này.

2. Làm sao để nhận biết thực phẩm calo rỗng? 

Kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm. Những thực phẩm có lượng chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất thấp là calo rỗng.

3. Có thể loại bỏ hoàn toàn calo rỗng khỏi chế độ ăn uống? 

Loại bỏ hoàn toàn calo rỗng khỏi chế độ ăn uống là không cần thiết và việc loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm chứa calo rỗng ra khỏi chế độ ăn vô cùng khó khăn. Thay vào đó, bạn nên tập trung duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng, hạn chế calo rỗng ở mức tối đa để có lợi cho sức khỏe.

Calo rỗng không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Việc tiêu thụ quá nhiều calo rỗng có thể dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe. Hãy hạn chế calo rỗng bằng cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có chế độ ăn uống hợp lý.

Nguồn tham khảo:

Bài viết “What are empty calories?” tại medicalnewstoday.com

Bài viết “Snacking Associated with Increased Calories, Decreased Nutrients” tại ars.usda.gov

Bài viết “Recognizing and Avoiding Empty Calories” tại healthline.com

Lưu ý: Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Vì thế, độc giả vui lòng thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để nhận được tư vấn chính xác nhất! Xin cảm ơn!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người