Tham vấn y khoa: Bác sĩ IRENE CHANG | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng ba 1, 2021
Mục Lục Bài Viết
Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa Nhi, khi bé chưa đủ 6 tháng tuổi, mẹ không nên cho bé uống nước cất hay nước khoáng. Vì lúc bú, trẻ đã nhận được đủ lượng nước cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh.
Khi thấy bé khát, mẹ hãy cho bé bú ngay. Vì trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa đầu dòng (sữa đầu mỗi cữ bú) có đến 80% nước. Do đó, trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi không cần uống nước, ngay cả khi thời tiết đang nóng bức.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 6 tháng đầu trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn, mà không cần bất kì chất lỏng hoặc thực phẩm bổ sung nào. Trừ khi bé cần dùng thuốc, vitamin, khoáng chất, dung dịch bù nước đường uống, thuốc nhỏ,… theo chỉ định của bác sĩ. Sữa mẹ là lượng nước an toàn cho bé trong 6 tháng đầu đời, giúp trẻ tránh bị nhiễm trùng, tiêu chảy,…
Câu hỏi có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không đã tìm được câu trả lời, các mẹ hãy tiếp tục tìm hiểu thêm những tác hại khi bé uống nước lúc còn quá nhỏ nhé!
Với việc cho trẻ uống thêm nước có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, tiêu chảy cao gấp 2 đến 3 lần so với trẻ chỉ bú sữa mẹ. Vì trong nước, dù tinh khiết đi chăng nữa vẫn tiềm ẩn các mầm bệnh, vi khuẩn nguy hiểm. Đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, nên rất dễ bị tổn thương.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng có thể bị ngộ độc, co giật, hôn mê khi uống quá nhiều nước. Vì trọng lượng cơ thể thấp, thận chưa phát triển hoàn thiện, nên lúc tiếp nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ Natri trong máu. Natri từ đó thoát ra ngoài dẫn đến tình trạng thiếu hụt Natri, gây hạ nhiệt độ cơ thể, co giật và hôn mê.
Dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh khá nhỏ, nên nếu mẹ cho bé uống nhiều nước sẽ khiến bé bú ít đi hoặc bỏ bú vì no. Từ đó về lâu dài, bé sẽ hấp thụ không đủ dưỡng chất, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mẹ cho bé dùng thêm nước sau khi bú sẽ khiến trẻ dễ bị sặc và ọc sữa. Trong trường hợp mẹ pha loãng sữa công thức cho bé uống để tránh bị táo bón, vẫn làm trẻ nhận không đủ dưỡng chất mà cơ thể đang cần.
Trên đây là các tác hại điển hình khi mẹ cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng uống nước, chắc hẳn đã giúp mẹ nhận được đáp án và góc nhìn đầy đủ hơn về thắc mắc có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích tiếp theo nhé!
Theo chỉ định của bác sĩ:
Trẻ sơ sinh trước 6 tháng tuổi chỉ nên bổ sung thêm nước khi có chỉ định của bác sĩ, trong một số trường hợp liên quan đến bệnh vàng da (tăng nồng độ Bilirubin), giảm cân quá mức hoặc nằm viện trong thời gian quá dài,… Lượng nước lúc này đưa vào cơ thể bé dưới dạng thuốc, khoáng chất, vitamin, thuốc nhỏ, dung dịch bù nước đường uống,…
Bé lớn hơn 6 tháng tuổi:
Đối với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể bổ sung cho bé 1 ít nước đun sôi để nguội mỗi ngày để ngăn ngừa táo bón, nhưng không được thay thế sữa mẹ. Theo WHO, trẻ nên được bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi để có được sự phát triển toàn diện nhất.
Khi bé khoảng 6 tháng tuổi, mẹ chỉ nên cho bé uống vài ngụm nước nhỏ không quá 4 muỗng mỗi ngày. Lúc bé lớn hơn, có thể tăng dần lượng nước. Hãy cho nước vào thìa, bình hoặc cốc để bé uống được dễ dàng.
Tránh để bé uống nước trước bữa ăn dặm sẽ khiến bé no, làm loãng dịch vị không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Ngoài ra, trước khi đi ngủ cũng không phải là thời điểm thích hợp để uống nước, bé sẽ dễ tè dầm hoặc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Mẹ hãy tập cho bé uống nước sau khi ăn hoặc vừa ở ngoài về.
Vậy có nên cho trẻ sơ sinh uống nước, chắc hẳn mọi người đã tìm được câu trả lời đầy đủ rồi đúng không nào?
Khi cần nhận tư vấn kỹ lưỡng hơn về chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ sơ sinh, các mẹ hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín như Phòng khám Đa khoa Phương Nam để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và cung cấp thêm những lời khuyên khoa học, chính xác nhất.