Tác giả: Duyen Nguyen Ngày đăng: Tháng ba 23, 2024
Trước khi tìm hiểu về dấu hiệu cơ thể thừa Protein thì hãy cùng Đa khoa Phương Nam khám phá về lượng Protein mà chúng ta cần mỗi ngày nhé!
Protein (hay còn gọi là chất đạm) là một chất dinh dưỡng quan trọng chứa nhiều axit amin cần thiết cho sức khỏe của cơ bắp, xương và hệ miễn dịch. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan khác như mô, da, tóc, nội tiết tố.
Khi cơ thể không nhận đủ lượng Protein, có thể xảy ra quá trình mất cơ, dẫn đến sự co bóp hoặc yếu đi của cơ bắp. Thiếu hụt Protein cũng có thể gây ức chế quá trình hình thành kháng thể, làm giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus gây hại cho cơ thể. Vì vậy, Protein là một yếu tố không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Giống như các chất dinh dưỡng khác, có một lượng Protein được xem là cơ bản mà mọi người nên tiêu thụ trong một ngày. Một số trường hợp cần nhiều Protein hơn so với mức khuyến nghị, tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, chiều cao và mức độ hoạt động.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), người lớn nên cố gắng bổ sung từ 10% đến 35% lượng Calo hàng ngày từ nguồn Protein. Chế độ ăn 2.000 Calo sẽ tương đương với 200 – 700 Calo từ Protein.
Đối với người Việt Nam, theo nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016, lượng Protein hàng ngày cho người trưởng thành (19 – 30 tuổi) lao động trung bình là 74 – 68 g cho nam giới và 60 – 63 g cho nữ giới. Tuy nhiên, con số chính xác cho mỗi cá nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng hấp thụ Protein, lối sống, tốc độ trao đổi chất, mức độ hoạt động hàng ngày.
Xem thêm:
Mặc dù việc tăng lượng Protein tiêu thụ có thể mang lại lợi ích trong một số tình huống, nhưng đôi khi nó lại không hiệu quả, thậm chí dẫn đến tác dụng phụ và vấn đề sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu thường xuyên vượt quá giới hạn Protein cần thiết, sẽ gây ra một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa, thận, hệ thống mạch máu.
Mặc dù cơ thể khỏe mạnh thường xử lý lượng Protein dư thừa mà không gặp vấn đề gì, nhưng những người mắc các bệnh mạn tính có thể phải đối mặt với những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi gặp một trong các dấu hiệu cơ thể thừa Protein dưới đây bạn cần đến gặp ngay bác sĩ dinh dưỡng để có hướng xử lý kịp thời:
Hơi thở có mùi
Mùi hôi trong hơi thở có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trải qua trạng thái ketosis, khi mà năng lượng chính của cơ thể được cung cấp bằng cách đốt cháy chất béo thay vì glucose. Ketosis thường liên quan đến chế độ ăn giàu Protein, trong đó có chế độ ăn kiêng Keto.
Acetone là một sản phẩm phụ của quá trình phân hủy chất béo trong cơ thể và hạt nhỏ của acetone khiến cho mùi hơi thở trở nên dễ phát tán. Mùi hơi thở trong trạng thái ketosis thường có mùi trái cây hoặc mùi sơn móng tay. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những người khỏe mạnh, “hơi thở Keto” có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang giảm mỡ nếu họ đang thực hiện chế độ ăn ít Carbohydrate như chế độ Keto.
Mất nước
Mất nước cũng là dấu hiệu cơ thể thừa Protein mà bạn cần lưu ý. Khi bắt đầu tiêu thụ lượng chất đạm lớn hơn, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn do thận hoạt động tích cực hơn để chuyển hóa chất dinh dưỡng dư thừa. Việc đi tiểu thường xuyên sẽ dẫn đến mất nước, do đó, bạn cần duy trì sự cân bằng nước bằng cách uống đủ nước khi bạn thực hiện chế độ ăn giàu Protein.
Tăng cân
Tiêu thụ lượng Protein quá mức có thể dẫn đến tăng cân mà không liên quan đến sự tăng cơ. Ăn Protein với số lượng lớn cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều Calo hơn và nguồn protein được lựa chọn có thể chứa nhiều chất béo bão hòa.
Ngoài ra, cơ thể có thể chuyển đổi chất đạm dư thừa thành đường và lưu trữ dưới dạng chất béo. Theo thời gian, những quy trình này đóng góp vào việc tăng cân.
Tiêu hóa có vấn đề
Nếu tiêu thụ lượng Protein lớn, các triệu chứng về đường tiêu hóa thường xuyên xuất hiện. Đặc biệt, chế độ ăn giàu Protein động vật và thiếu chất xơ có thể dẫn đến tình trạng táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày.
Việc ăn quá nhiều thịt có thể khiến cơ thể phải làm việc nặng nề hơn để tiêu hóa. Một số người cũng cũng gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các hạt nguyên hạt, đặc biệt là khi họ không nhai thực phẩm kỹ lưỡng.
Nguy cơ mắc bệnh tim
Tác động của Protein đối với hệ thống tim mạch có thể tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào nguồn gốc của Protein. Protein từ nguồn thực vật như đậu, quả hạch, hạt, cá và hải sản thường có lợi cho sức khỏe tim mạch, trong khi Protein trong nguồn động vật như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Thận và gan có vấn đề
Trong trường hợp người mắc bệnh về thận hoặc gan, quá trình phân giải Protein dư thừa yêu cầu sự hoạt động mạnh mẽ, thậm chí có thể góp phần gây tổn thương cho chức năng thận, đặc biệt là khi gặp hiện tượng suy thận.
Một khía cạnh khác là sự hình thành Amoniac, một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa Protein, được đào thải qua nước tiểu. Trong trường hợp chức năng của thận hoặc gan giảm sút, lượng Amoniac có thể đạt đến mức độ độc hại, tạo điều kiện cho các tác dụng phụ nguy hiểm đối với cơ thể.