Siêu âm tim trong tầm soát, chẩn đoán bệnh lý tim mạch

Trang chủ > Chuyên khoa > Chẩn đoán > Vô tuyến học > Siêu âm tim trong tầm soát, chẩn đoán bệnh lý tim mạch

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng 5 6, 2020

Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nhằm phát hiện bất thường về cấu trúc, chức năng hoặc bệnh lý ở tim. Tùy vào trường hợp cụ thể và bệnh lý nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định các loại siêu âm tim khác nhau như siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm Doppler, siêu âm tim gắng sức, siêu âm tim 3 chiều.

Siêu âm tim là gì?

Trái tim là cơ quan cơ rỗng hình nón, nằm ở trung thất giữa và được bao bọc bởi màng ngoài tim. Đây là trung tâm của hệ tuần hoàn, tim đóng vai trò bơm máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời loại bỏ chất thải chuyển hóa. Hệ thống tim mạch bao gồm trái tim cùng mạng lưới động mạch và tĩnh mạch  thực hiện chức năng bơm máu đi nuôi toàn bộ cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào.

Siêu âm tim giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch
Siêu âm tim giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch

Siêu âm tim là phương pháp sử dụng sóng siêu âm tần số cao để tạo hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim, bao gồm: cơ tim, hệ thống van tim, màng ngoài tim, các mạch máu xuất phát từ tim, cũng như khả năng co bóp và hoạt động của tim. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không xâm lấn, không sử dụng bức xạ và thường hiếm khi gây tác dụng phụ.

Lợi ích của siêu âm tim trong phát hiện bệnh lý tim mạch

Siêu âm tim là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng trong việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lý và những biến chứng nguy hiểm về tim mạch. Cụ thể, hình ảnh thu được từ siêu âm tim cho phép bác sĩ đánh giá chính xác kích thước, hình dạng, độ dày và chuyển động của thành tim, cũng như sức co bóp và hoạt động của tim.

Qua đó, bác sĩ có thể xác định van tim có bị hở, hẹp hay có khối u bất thường xung quanh hay không. Những hình ảnh này giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, ngay cả khi chúng chưa biểu hiện rõ ràng trên lâm sàng.

Siêu âm tim là một kỹ thuật an toàn, không xâm lấn và không sử dụng bức xạ, nên rất hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Do đó, siêu âm tim có thể được lặp lại nhiều lần để theo dõi tình trạng bệnh. 

Đối tượng cần siêu âm tim

Siêu âm tim thường được chỉ định cho những bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến tim hoặc mạch máu như loạn nhịp tim, tăng huyết áp, khó thở, đau thắt ngực,….. Bên cạnh đó, người bệnh có kết quả xét nghiệm bất thường như bóng tim to trên phim chụp X-quang phổi hoặc tiếng tim bất thường khi nghe bằng ống nghe,… cần chỉ định thực hiện siêu âm tim để đánh giá kỹ lưỡng tình trạng tim mạch.

Siêu âm tim được chỉ định cho người có triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, tức ngực
Siêu âm tim được chỉ định cho người có triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, tức ngực

Ngoài những trường hợp đã nêu, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để thực hiện siêu âm tim nếu gặp phải các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến tim như:

  • Chóng mặt, đau thắt vùng ngực, hoa mắt, đau đầu.
  • Khó thở, tim đập loạn nhịp, nhịp tim không đều đặc biệt khi làm việc nặng, tim đập nhanh, khó thở, hụt hơi, nôn ói.
  • Các dấu hiệu của bệnh thiếu máu cơ tim như đau cánh tay, đau vùng vai trái, đau cổ hay hàm, đau lưng.

Các kỹ thuật siêu âm tim

Nhờ những tiến bộ trong y tế, kỹ thuật siêu âm tim ngày càng được nâng cao và hiện đại hóa. Hiện nay, có một số kỹ thuật siêu âm tim phổ biến như:

Siêu âm tim qua thành ngực

Đây là phương pháp phổ biến nhất trong các kỹ thuật siêu âm tim, giúp các bác sĩ đánh giá chức năng của tim, phát hiện các bệnh lý tim mạch và theo dõi hiệu quả điều trị. Bác sĩ sử dụng đầu dò đặt trên ngực, gần tim, để thu thập hình ảnh và thông tin về cấu trúc và chức năng của tim. Kết quả siêu âm tim qua thành ngực là những hình ảnh 2D và 3D về tim, cũng như dòng chảy máu trong tim.

 Siêu âm tim qua thực quản

Siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò được đưa vào thực quản của người bệnh. Vị trí này giúp đầu dò tiếp cận gần tim hơn, loại bỏ một số trở ngại từ thành ngực, cho phép thu được những hình ảnh tim rõ ràng và chi tiết hơn.

Siêu âm tim qua thực quản có ưu điểm hơn siêu âm tim qua thành ngực trong việc hiển thị rõ ràng các cấu trúc nhỏ như sùi nội mạc van tim, tổ chức dưới van, đặc biệt là trên nền van tim nhân tạo, cũng như các lỗ thông bất thường trong tim. Do đó, khi hình ảnh từ siêu âm tim qua thành ngực bị hạn chế hoặc cần khảo sát kỹ cấu trúc van tim hay bất thường trong tim, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tim qua thực quản, nhất là trước hoặc trong khi phẫu thuật.

Siêu âm tim qua thực quản cung cấp hình ảnh các cấu trúc có kích thước nhỏ một cách rõ ràng hơn.
Siêu âm tim qua thực quản cung cấp hình ảnh các cấu trúc có kích thước nhỏ một cách rõ ràng.

Siêu âm tim gắng sức

Siêu âm tim gắng sức là kỹ thuật siêu âm tim được thực hiện trong lúc bệnh nhân gắng sức, có thể bằng cách tập thể dục hoặc dùng thuốc. Kỹ thuật này giúp bác sĩ đánh giá xem tim có nhận đủ máu trong khi gắng sức hay không, qua đó đánh giá khả năng hoạt động an toàn của người bệnh có bệnh tim mạch, cũng như hiệu quả của quá trình điều trị.

Bệnh mạch vành thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Siêu âm tim gắng sức có thể phát hiện ra các dấu hiệu thiếu máu cơ tim do hẹp động mạch vành gây ra.

Lưu ý: Vì siêu âm tim gắng sức yêu cầu người bệnh hoạt động thể lực hoặc sử dụng thuốc để tăng co bóp cơ tim, nên có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Siêu âm tim ba chiều

Siêu âm tim ba chiều là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực hình ảnh y tế, mang đến cho các bác sĩ một cái nhìn chi tiết và toàn diện hơn về cấu trúc và chức năng của trái tim. Phương pháp được đánh giá cao nhờ khả năng chẩn đoán các vấn đề về tim ở trẻ sơ sinh và trẻ em, cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc tim, đánh giá chức năng van tim ở những người có tiền sử bệnh van tim hoặc bất thường về cấu trúc tim.

Siêu âm tim thai

Nhiều dị tật tim bẩm sinh không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sơ sinh. Siêu âm tim thai giúp phát hiện sớm các bất thường này, giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp dị tật tim bẩm sinh nặng, siêu âm tim thai có thể giúp các bậc phụ huynh đưa ra quyết định về việc tiếp tục thai kỳ.

Kỹ thuật siêu âm tim thai phổ biến nhất là siêu âm 2D và Doppler bằng đầu dò qua thành bụng, thường được thực hiện trong khoảng tuần thai thứ 18 đến 22. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như mẹ bầu phát hiện dị tật lớn ở cơ quan ngoài tim, có tiền sử sinh con dị tật tim bẩm sinh ở lần mang thai trước, hoặc độ mờ da gáy dày, siêu âm tim thai có thể được thực hiện sớm hơn.

Siêu âm tim phát hiện những bất thường nào?

Sóng siêu âm cho phép bác sĩ quan sát chi tiết cấu trúc tim, cách tim hoạt động và co bóp, kích thước và hình dạng của tim, kích thước và chuyển động của các thành tim, cũng như hoạt động của van tim. Với những thông tin thu được từ siêu âm tim, bác sĩ có thể phát hiện và chẩn đoán các vấn đề về tim mạch như:

Thay đổi kích thước tim:  Kết quả siêu âm tim cung cấp thông tin chi tiết về kích thước các buồng tim, độ dày thành tim, kích thước của vòng van, lá van và dây chằng van tim. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá xem buồng tim có bị giãn hay không, thành tim có bị dày bất thường hoặc mỏng đi hay không, và van tim có bị thiểu sản hoặc giãn vòng van hay không.

Bệnh lý về van tim: Siêu âm tim giúp bác sĩ đánh giá tình trạng van tim một cách chính xác, bao gồm: xác định xem các lá van tim có bị biến dạng hay không, van tim có mở đủ rộng để máu chảy qua dễ dàng hay bị cản trở (hẹp van tim), và van tim có đóng kín để ngăn máu chảy ngược trở lại buồng tim hay không (hở van tim).

Hẹp và hở van tim là 2 bệnh lý khác nhau
Hẹp và hở van tim là 2 bệnh lý khác nhau

Sức bơm của tim: Kết quả siêu âm tim cũng cho biết lượng máu được bơm ra từ tâm thất mỗi nhịp tim và tổng lượng máu tim bơm ra trong một phút. Nếu lượng máu tim bơm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể, sẽ có nguy cơ dẫn đến các triệu chứng của bệnh suy tim.

Tổn thương cơ tim: Siêu âm tim giúp bác sĩ phát hiện các bất thường trong quá trình tống máu, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp do hoại tử cơ tim kéo dài.

Dị tật tim: Siêu âm tim là một trong những phương pháp xác định các bất thường tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, phát hiện các luồng thông bất thường giữa các mạch máu lớn, giữa các buồng tim, cũng như sự thiếu hụt hoặc phát triển không đầy đủ của một số cấu trúc tim, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác những dị tật tim bẩm sinh thường gặp.

Tràn dịch màng tim: Tràn dịch màng ngoài tim là biểu hiện thường gặp của bệnh màng ngoài tim nguyên phát hoặc thứ phát do các bệnh lý khác trong cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của tràn dịch màng ngoài tim phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tràn dịch màng ngoài tim có thể dẫn đến suy tim.

Tràn dịch màng tim giúp người bệnh sẽ cảm thấy đau tức ngực, khó thở
Tràn dịch màng tim giúp người bệnh sẽ cảm thấy đau tức ngực, khó thở

Theo dõi phương pháp điều trị các bệnh lý về tim: Siêu âm tim đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị tim khác nhau, bao gồm thuốc điều trị suy tim, van nhân tạo và máy tạo nhịp.

Bên cạnh đó, siêu âm tim có thể phát hiện các khối bất thường trong buồng tim, chẳng hạn như huyết khối, u nhầy hoặc tổ chức sùi.

Quy trình siêu âm tim

Hình ảnh này giúp bác sĩ đánh giá cấu trúc và chức năng của tim, từ đó phát hiện các bệnh lý tim mạch. Dưới đây là quy trình siêu âm tim bao gồm:

Quy trình siêu âm tim thực hiện nhanh chóng, cho kết quả chính xác cao
Quy trình siêu âm tim thực hiện nhanh chóng, cho kết quả chính xác cao

Chuẩn bị

Đội ngũ thực hiện

Việc thực hiện siêu âm tim yêu cầu sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc chuyên khoa siêu âm. Kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng viên siêu âm tim phải được hướng dẫn ghi kết quả và trao đổi thông tin với bệnh nhân.

Các thiết bị và vật tư

Máy siêu âm, máy in ảnh siêu nhân

Máy vi tính, máy in để in và trả kết quả cho bệnh nhân

Gel siêu âm, vật dụng bảo hộ cho bác sĩ như găng tay, khẩu trang, …

Giường cho bệnh nhân, khăn giấy, khăn che phủ,…

Kiểm tra độ ẩm, nhiệt độ phòng và điều chỉnh phù hợp

Bệnh nhân

Đối với siêu âm tim qua thành ngực, bệnh nhân không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt cho siêu âm tim, ngoại trừ việc lắng nghe và phối hợp với bác sĩ. Tuy nhiên, nếu thực hiện siêu âm tim qua thực quản, bạn cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi siêu âm để tránh dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và khí quản trong quá trình thực hiện.

Trước siêu âm tim

Trước khi siêu âm tim, nhân viên y tế sẽ tiếp nhận bệnh nhân và mời vào phòng siêu âm. Họ sẽ kiểm tra và xác nhận lại thông tin cơ bản của bệnh nhân như họ tên, tuổi, địa chỉ, và lý do chỉ định siêu âm tim.

Bệnh nhân siêu âm tim sẽ được hướng dẫn nằm ngửa trên giường, tay để lên qua đầu, chân duỗi thẳng. Áo bệnh nhân được kéo lên qua mũi ức và quần kéo xuống qua khớp mu, các bộ phận kín đáo được che phủ cẩn thận.

Trong quá trình siêu âm tim

Trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ lựa chọn đầu dò và chương trình siêu âm tim phù hợp. Sau khi bôi gel lên đầu dò, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật siêu âm tim theo các lớp cắt siêu âm. Tùy theo trường hợp, bệnh nhân có thể được yêu cầu nằm nghiêng hoặc nằm ngửa.

Kỹ thuật viên/điều dưỡng/bác sĩ sẽ tiến hành dán 3 miếng dán điện cực vào 3 vị trí trên lồng ngực của người bệnh, kết nối với dây đo điện tim và máy siêu âm tim. Việc này giúp ghi lại điện tim đồ của người bệnh trong suốt quá trình siêu âm.

Nếu thực hiện siêu âm tim qua thực quản, bệnh nhân sẽ được làm tê cổ họng bằng thuốc xịt hoặc gel. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiêm tĩnh mạch một loại thuốc an thần để giúp bệnh nhân thư giãn trong suốt quá trình siêu âm.

Bác sĩ thường giải thích thêm cho bệnh nhân và người nhà về quá trình siêu âm. Sau khi kết thúc, gel siêu âm sẽ được lau sạch và bệnh nhân được hướng dẫn ra phòng chờ kết quả.

Sau khi siêu âm tim

Sau khi hướng dẫn bệnh nhân đến khu vực chờ kết quả, bác sĩ sẽ in và tổng hợp các hình ảnh siêu âm tim, đọc kết quả và yêu cầu kỹ thuật viên ghi chép. Các tổn thương được mô tả chi tiết kèm theo hình ảnh giúp bác sĩ khám lâm sàng dễ dàng chẩn đoán và tiên lượng bệnh hơn.

Bác sĩ sẽ xem xét lại kết quả, ký xác nhận, trả kết quả cho bệnh nhân, giải thích kết quả, và căn dặn bệnh nhân mang kết quả về nơi bác sĩ lâm sàng đã chỉ định. Nếu kết quả siêu âm tim cho thấy những dấu hiệu bất thường, bác sĩ điều trị có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Ưu/nhược điểm của siêu âm tim

Mặc dù có một số hạn chế nhất định, nhưng những ưu điểm vượt trội của nó đã khiến siêu âm tim trở thành một trong những xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Siêu âm sử dụng sóng siêu âm, không gây bức xạ ion hóa như tia X nên rất an toàn cho bệnh nhân
Siêu âm sử dụng sóng siêu âm, không gây bức xạ ion hóa như tia X nên rất an toàn cho bệnh nhân.

Ưu điểm

  • Siêu âm tim là một khảo sát y học thường quy quan trọng, cung cấp những hình ảnh chi tiết cấu trúc và chức năng của tim, bao gồm kích thước các buồng tim, độ dày thành tim, chức năng van tim, dòng máu chảy trong tim,… giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý một cách chính xác và hiệu quả.
  • Kỹ thuật siêu âm tim ngày càng hiện đại, nếu siêu âm 3D tái tạo hình ảnh 3 chiều chi tiết từ dữ liệu sóng âm thì siêu âm 4D bổ sung khả năng ghi nhận chuyển động, cung cấp thông tin giá trị cho bác sĩ trong việc điều trị.
  • Siêu âm tim là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau đớn và không có biến chứng. Thay vì sử dụng tia phóng xạ ion hóa như chụp X-quang, siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm, an toàn cho sức khỏe người bệnh và có thể thực hiện nhiều lần mà không gây hại.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, kỹ thuật siêu âm tim cũng tồn tại một số hạn chế như:

  • Có thể gây đau họng sau khi thực hiện qua thực quản, mặc dù hiếm khi xảy ra trường hợp xước họng từ bên trong.
  • Người bệnh có thể gặp vấn đề về hô hấp do thuốc an thần hoặc lượng oxy hít thở trong quá trình gây mê.
  • Việc gắng sức hoặc sử dụng thuốc trong siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời và rối loạn huyết áp.
  • Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ các điện cực theo dõi điện tim được gắn trên ngực bằng băng dính.

Tác dụng phụ hoặc biến chứng sau khi siêu âm tim

Siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim 3D và siêu âm tim thai là những phương pháp siêu âm tim không xâm lấn, an toàn và không gây đau đớn, cũng như không có tác dụng phụ hay biến chứng nào.

Siêu âm tim qua thực quản có thể gây ra một số cảm giác khó chịu. Cụ thể, việc đưa ống dò qua thực quản có thể kích thích phản xạ nuốt, gây đau họng. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc gây mê toàn thân, thuốc cản âm và thuốc an thần cũng có thể gây ra phản ứng phụ như buồn nôn, đau đầu, dị ứng và lo lắng. Tuy nhiên, những phản ứng phụ này thường nhẹ và tự hết sau một thời gian ngắn.

Có thể thấy, siêu âm tim là chỉ định đầu tay trong hầu hết chẩn đoán bệnh lý tim mạch. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng bất thường về tim mạch như tim đau nhói đau thành từng cơn, đau âm ỉ kéo dài,… hoặc muốn tầm soát bệnh tim mạch, hãy chủ động đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện siêu âm tim.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo: Krans, B. (2023, December 20). Echocardiogram. Healthline. https://www.healthline.com/health/echocardiogram

5/5 - (1 bình chọn)
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ