Có thể xét nghiệm HPV ở nam giới không? Khi nào nên thực hiện?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Có thể xét nghiệm HPV ở nam giới không? Khi nào nên thực hiện?

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 4 9, 2025

Nhiều người cho rằng virus HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung và các bệnh phụ khoa ở nữ giới mà không ảnh hưởng đến nam giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, với nguy cơ gây bệnh tương đương nhau. Vậy, có thể xét nghiệm HPV ở nam giới không? Thực hiện bằng cách nào?

Nam giới có bị nhiễm virus HPV không?

Tại Hội nghị khoa học về vắc xin HPV với chủ đề “Tương quan bảo vệ hiệu quả và an toàn vắc xin HPV 9 giá ở trẻ vị thành niên và nam giới”, TS.BS. Lê Quang Thanh, Phó chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam (VAGO) trình bày tỷ lệ lây truyền virus HPV từ nam sang nữ thấp hơn so với từ nữ sang nam. Cụ thể, tỷ lệ từ nam HPV-positive lây nhiễm cho nữ HPV-negative là 3.5% và tỷ lệ từ HPV-positive lây nhiễm cho nam HPV-negative là 5.6%.

Nhiều người thường lầm tưởng rằng virus HPV (Human Papillomavirus) chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và gây ra ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, tỷ lệ nam giới nhiễm HPV trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam đặc biệt cao.

HPV tấn công và gây tăng sinh tế bào ở khu vực chúng khu trú, thậm chí di căn đến các cơ quan khác ở giai đoạn muộn như gan, phổi, tuyến tiền liệt,…

Theo thống kê từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về tình hình ung thư dương vật tại Hoa Kỳ năm 2023, khoảng 2.050 trường hợp mới được chẩn đoán mắc ung thư dương vật, và trong số đó có khoảng 470 trường hợp tử vong.

Trang thông tin điện tử về ung thư Cancer.net đã tổng hợp số liệu và ước tính rằng có khoảng 9.760 người trưởng thành tại Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hậu môn, trong đó bao gồm 3.180 nam giới và 6.580 nữ giới.

Theo số liệu thống kê toàn cầu, khoảng 50.685 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hậu môn vào năm 2020. Con số này là bằng chứng rõ ràng cho thấy virus HPV không chỉ ảnh hưởng đến nữ giới mà nam giới. Do đó, nam giới không nên chủ quan hay bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn mà virus HPV có thể gây ra cho sức khỏe của họ.

Nam giới có nguy cơ cao nhiễm HPV khi có quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc gần gũi với người đã nhiễm virus này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu rõ là không phải tất cả những người nhiễm HPV đều đã từng có quan hệ tình dục.

Xã hội hiện nay thường có xu hướng gắn việc nhiễm HPV với hoạt động tình dục kém lành mạnh, dẫn đến thái độ phân biệt đối xử và chỉ trích những người mắc bệnh. Đây là một quan niệm sai lầm và thiếu cơ sở khoa học, vì thực tế virus HPV có khả năng lây lan qua tiếp xúc da tại vùng sinh dục, niêm mạc miệng và các cơ quan chứa dịch tiết.

Sự tiếp xúc gần gũi với người đã nhiễm HPV tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm cao, không chỉ giới hạn trong quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Các quan hệ tình dục đồng giới cũng có nguy cơ lây nhiễm tương tự nếu một trong hai người đã nhiễm virus.

Khi nào nên xét nghiệm HPV cho nam giới?

Mặc dù các xét nghiệm HPV ở nam giới chưa được phổ biến rộng rãi như ở nữ giới, nhưng chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ và hỗ trợ điều trị.

Nam giới cần chủ động tìm hiểu về HPV và tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ.
Nam giới cần chủ động tìm hiểu về HPV và tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ.

Những đối tượng cần xét nghiệm HPV:

  • Triệu chứng bất thường: Khi nam giới phát hiện những dấu hiệu bất thường như mụn cóc sinh dục, vết loét, hoặc viêm nhiễm ở vùng kín, việc xét nghiệm HPV là cần thiết. Điều này giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và quá trình điều trị diễn ra kịp thời. HPV không chỉ ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục mà còn có thể gây ra các vấn đề ở hậu môn và miệng. Nếu nam giới có các triệu chứng bất thường như đau, ngứa, hoặc viêm nhiễm ở những khu vực này, việc xét nghiệm HPV là rất quan trọng.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Những người có thói quen quan hệ tình dục không an toàn nên chủ động xét nghiệm HPV. Xét nghiệm sớm giúp phát hiện kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục, từ đó ngăn chặn sự lây lan và bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và bạn tình.
  • Đối tác tình dục nhiễm HPV: Nếu bạn tình được chẩn đoán nhiễm HPV, nam giới cần nhanh chóng thực hiện xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của cả hai người và đưa ra biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Nam giới nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cần xét nghiệm HPV định kỳ để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Cách xét nghiệm HPV ở nam giới

Bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc các phòng khám nam khoa uy tín

Dưới đây là các phương pháp xét nghiệm HPV phổ biến ở nam giới, cụ thể:

Pap hậu môn

Xét nghiệm Pap hậu môn (hay còn gọi là Pap smear hậu môn) là một xét nghiệm sàng lọc được thực hiện để phát hiện sớm các tế bào bất thường ở hậu môn có thể dẫn đến ung thư hậu môn. Phương pháp nhằm tầm soát, phát hiện sớm ung thư hậu môn nam giới bằng cách sử dụng mẫu tế bào từ niêm mạc hậu môn phân tích dưới kính hiển vi.

Quy trình thực hiện xét nghiệm gồm các bước sau:

  • Bước chuẩn bị: Người làm xét nghiệm cần giữ tâm lý thoải mái và cung cấp cho bác sĩ thông tin về tiền sử bệnh và các phản ứng dị ứng (nếu có).
  • Bước thực hiện: Người bệnh nằm nghiêng, co gối về phía bụng. Bác sĩ sẽ thăm khám hậu môn bằng tay để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, sau đó dùng cọ mềm lấy mẫu tế bào từ lớp niêm mạc bên trong.
  • Bước phân tích mẫu: Mẫu tế bào thu được sẽ được chuyển đến phòng xét nghiệm để các chuyên gia quan sát dưới kính hiển vi, từ đó xác định tình trạng tế bào là bình thường, có dấu hiệu bất thường hay tiền ung thư.

Thăm khám trực tiếp

Để thăm khám trực tiếp cho nam giới mắc HPV, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc các phòng khám nam khoa uy tín. Quy trình thực hiện gồm các bước sau:

  • Đánh giá và quan sát triệu chứng: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bất thường ở da/niêm mạc, tiền sử quan hệ tình dục và các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HPV. Tiếp theo, bác sĩ sẽ trực tiếp quan sát và kiểm tra vùng sinh dục và hậu môn để tìm kiếm các dấu hiệu như nốt sùi, mụn cóc, hoặc vết loét.
  • Sử dụng thuốc axit axetic: Bác sĩ sẽ bôi dung dịch axit axetic với nồng độ phù hợp lên các vùng da nghi ngờ có nốt sùi. Thời gian chờ đối với vùng da thông thường là 3-5 phút, và khoảng 15 phút đối với vùng hậu môn. Các nốt sùi mào gà thường chuyển sang màu trắng khi tiếp xúc với axit axetic, giúp bác sĩ khoanh vùng nghi ngờ nhiễm HPV.
  • Tư vấn và xét nghiệm bổ sung: Nếu nghi ngờ nhiễm HPV, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Những xét nghiệm khác

  • Xét nghiệm PCR: Đây là phương pháp nhân rộng đoạn DNA thông qua phản ứng chuỗi đa nhân tử, được triển khai thử nghiệm trong việc xét nghiệm HPV ở nam giới. Mặc dù phương pháp này có độ nhạy cao, nó vẫn còn hạn chế về chi phí và chưa được áp dụng rộng rãi trong các chương trình sàng lọc dành cho nam giới.
  • Xét nghiệm Hybrid Capture: sử dụng công nghệ phát hiện tín hiệu nguyên tử để xác định sự hiện diện của virus HPV. Phương pháp này được đánh giá là nhạy và đáng tin cậy trong việc phát hiện các gen HPV có nguy cơ cao, tuy nhiên độ tin cậy của nó trong việc kiểm tra HPV ở nam giới chưa được chứng thực đầy đủ thông qua các nghiên cứu chuyên môn và vẫn cần được nghiên cứu thêm.
  • Kiểm tra tổng hợp phân tử: là phương pháp kết hợp hybridization và PCR nhằm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong xét nghiệm HPV. Hiện tại, phương pháp này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm và chưa được đưa vào ứng dụng thực tiễn do độ chính xác của kết quả xét nghiệm chưa được chứng thực bởi các chuyên gia, nhưng nó có nhiều tiềm năng trong việc kiểm tra HPV ở nam giới trong tương lai.

Chi phí xét nghiệm HPV cho nam giới có thể khác nhau tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm cụ thể mà bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe và biểu hiện bệnh lý của từng người. Do đó, để có thông tin chính xác nhất về chi phí, bạn nên liên hệ trực tiếp với các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và cung cấp thông tin chi tiết.

Phòng ngừa nhiễm virus HPV ở nam giới

Hiện tại, các phương pháp xét nghiệm HPV cho nam giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, chưa được áp dụng rộng rãi trong thực tế lâm sàng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, nam giới cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm sau:

Tiêm vắc xin ngừa HPV

Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao gây ra mụn cóc sinh dục, ung thư hậu môn, ung thư dương vật và ung thư vòm họng ở nam giới. Vắc xin này được áp dụng cho nhiều đối tượng như trẻ em trai, trẻ em gái, thanh niên nam nữ, cộng đồng LGBT, MSM và những người trong độ tuổi từ 9 đến 45 tuổi.

Nam giới cần chủ động tiêm vắc xin ngừa HPV
Nam giới cần chủ động tiêm vắc xin ngừa HPV

Vắc xin Gardasil 9 là một loại vắc xin ngừa HPV hiệu quả cao, được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Loại vắc xin này bảo vệ cơ thể khỏi 9 loại HPV phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay (HPV type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58), những loại có thể gây ra các bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục, cùng các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản.

Vắc xin Gardasil 9 không chỉ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh sùi mào gà ở nam giới mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến virus HPV như ung thư cổ họng và ung thư hậu môn. Được đánh giá là vắc xin HPV an toàn và hiệu quả nhất hiện nay cho cả nam và nữ, Gardasil 9 có khả năng bảo vệ lên đến hơn 90%, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nam, nữ và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Tùy vào độ tuổi đối tượng tiêm ngừa, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ tiêm vắc xin Gardasil 9 (Mỹ) phù hợp. Cụ thể:

Đối với người từ 9 đến dưới 15 tuổi:

Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi này.
  • Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 từ 6 đến 12 tháng.
  • Lưu ý: Nếu mũi 2 tiêm sớm hơn 5 tháng so với mũi 1, cần tiêm thêm mũi 3, cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi này.
  • Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.
  • Mũi 3: Tiêm cách mũi 2 tối thiểu 4 tháng.

Đối với người từ 15 đến 45 tuổi:

Phác đồ 3 mũi (0-2-6):

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi này.
  • Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.
  • Mũi 3: Tiêm cách mũi 2 tối thiểu 4 tháng.

Phác đồ tiêm nhanh:

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu tiên trong độ tuổi này.
  • Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng.
  • Mũi 3: Tiêm cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng.

Quan hệ tình dục an toàn

Nam giới rất dễ nhiễm virus HPV qua đường tình dục. Bất kể là quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay đường miệng, sự tiếp xúc thân mật đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus HPV.

Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV (Human Papillomavirus) ở nam giới
Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV (Human Papillomavirus) ở nam giới

Nguy cơ lây nhiễm HPV không chỉ giới hạn trong quan hệ tình dục khác giới mà còn tồn tại trong các mối quan hệ đồng tính hoặc quan hệ với nhiều bạn tình. Đáng chú ý, quan hệ đồng tính, đặc biệt là quan hệ qua đường hậu môn, thường có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nguyên nhân là do vùng hậu môn và trực tràng thiếu tuyến nhờn tự nhiên, dẫn đến ma sát lớn hơn trong quá trình quan hệ, dễ gây ra các tổn thương nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho virus HPV xâm nhập vào cơ thể.

Quan hệ tình dục an toàn có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV (Human Papillomavirus) ở nam giới, mặc dù không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. Dưới đây là một số biện pháp quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa HPV:

  • Sử dụng bao cao su đúng cách và nhất quán: Bao cao su có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền HPV bằng cách tạo ra một rào cản vật lý. Tuy nhiên, HPV có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da ở các khu vực không được bao phủ bởi bao cao su, vì vậy nó không mang lại sự bảo vệ hoàn toàn. Để có hiệu quả tốt nhất, hãy sử dụng bao cao su từ đầu đến cuối mỗi lần quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng.
  • Giảm số lượng bạn tình: Có nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ tiếp xúc với HPV. Chung thủy một vợ một chồng với một người bạn tình không bị nhiễm bệnh là cách an toàn nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác.
  • Trao đổi cởi mở với bạn tình: Thảo luận về lịch sử tình dục và tình trạng sức khỏe với bạn tình có thể giúp cả hai đưa ra quyết định sáng suốt về các biện pháp bảo vệ.
  • Tránh quan hệ tình dục khi có triệu chứng: Nếu bạn hoặc bạn tình có mụn cóc sinh dục hoặc các triệu chứng bất thường khác ở vùng sinh dục, hãy tránh quan hệ tình dục cho đến khi các triệu chứng biến mất và đã được bác sĩ kiểm tra.

Các phương pháp điều trị HPV ở nam giới

Hiện tại, y học vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc nào có khả năng điều trị đặc hiệu virus HPV và các bệnh lý do virus này gây ra. Các biện pháp can thiệp y tế hiện nay chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ các biểu hiện bên ngoài của bệnh, chẳng hạn như sùi mào gà hay mụn cóc sinh dục, chứ không có khả năng loại bỏ hoàn toàn virus HPV ra khỏi cơ thể người bệnh.

Trong trường hợp nam giới nhiễm HPV nhưng không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, việc quan trọng là tự chăm sóc bản thân và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, nếu nam giới có các biểu hiện lâm sàng như sùi mào gà hoặc mụn cóc sinh dục, việc điều trị cần được tiến hành càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ lây lan cho người khác.

Sử dụng thuốc kháng virus

Trong một số trường hợp nhiễm HPV ở nam giới, đặc biệt khi có sự đồng nhiễm với các loại virus khác như HIV, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng virus. Mục đích của việc này là nhằm giới hạn sự phát triển của các virus đồng nhiễm, điển hình là kiểm soát sự nhân lên của HIV. Bằng cách này, hệ thống miễn dịch của người bệnh có thể được tăng cường, gián tiếp hỗ trợ trong việc kiểm soát và đối phó với virus HPV.

Sử dụng thuốc kháng virus miễn dịch (Immune-Modulating Drugs)

Các loại thuốc kháng virus miễn dịch, bao gồm các thuốc tổng hợp Interferon (IFN) và Imiquimod (Aldara), đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiễm HPV ở nam giới. Cơ chế hoạt động của chúng là kích thích và tăng cường hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Nhờ đó, khả năng chống lại virus HPV được cải thiện, giúp làm chậm tốc độ sinh trưởng của mầm bệnh và làm giảm các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh đang gặp phải.

Phẫu thuật – tiểu phẫu

Phương pháp phẫu thuật hoặc tiểu phẫu được sử dụng để loại bỏ trực tiếp các khối sùi do virus HPV gây ra thông qua tác động vật lý. Các bước thực hiện bao gồm:

Chuẩn bị: Bác sĩ sẽ lựa chọn phương tiện can thiệp phù hợp tùy thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng khối sùi. Các phương tiện này có thể là dao mổ thông thường, các dụng cụ phẫu thuật mở, hoặc các thiết bị chuyên biệt hơn.

Loại bỏ khối sùi:

  • Năng lượng laser được tập trung để đốt và phá hủy các nốt sùi.
  • Dòng điện cao tần được truyền qua dao điện hoặc các đầu đốt nhiệt để loại bỏ khối sùi.
  • Sử dụng nhiệt độ cực thấp từ CO2 lỏng để phá hủy các tổn thương.
  • Nitơ lỏng được áp dụng để đóng băng các nốt sùi, làm chúng hoại tử và bong ra.
  • Sử dụng dao mổ để cắt bỏ trực tiếp các khối sùi.

Trong trường hợp tổn thương ở họng, thực quản, đại tràng hoặc ống hậu môn, các dụng cụ đốt hoặc cắt chuyên dụng dùng trong nội soi ống tiêu hóa sẽ được sử dụng để xử lý các khối tổn thương. Lưu ý, phương pháp này chỉ giúp loại bỏ các khối thương tổn hiện hữu trong cơ thể người bệnh, chứ không tiêu diệt được virus HPV.

Tại Việt Nam, các phương pháp xét nghiệm HPV cho nam giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, chưa được triển khai rộng rãi. Chính vì vậy, việc chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa là vô cùng quan trọng đối với nam giới để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HPV. Vắc xin HPV hiện nay là biện pháp phòng ngừa duy nhất có khả năng bảo vệ chống lại các bệnh ung thư liên quan đến virus này.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo:

  • HPV Testing | Diagnosing HPV. (2023). Cancer.org. https://www.cancer.org/cancer/risk-prevention/hpv/hpv-and-hpv-testing.html
  • Anal cancer – statistics. (2023b, March 9). Cancer.Net. https://www.cancer.net/cancer-types/anal-cancer/statistics
Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ