Xét Nghiệm Lipase Là Gì? Thực Hiện Ra Sao? Ý Nghĩa Thế Nào?

Trang chủ > Xét Nghiệm > Xét Nghiệm Lipase Là Gì? Thực Hiện Ra Sao? Ý Nghĩa Thế Nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng Sáu 8, 2022

Lipase được xem là loại Enzyme tiêu hóa quan trọng trong cơ thể. Xét nghiệm Lipase hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến tụy một cách chính xác. Vậy xét nghiệm Lipase là gì? Giá trị bình thường của xét nghiệm Lipase ra sao? Cách thực hiện thế nào? Bạn hãy cùng Phòng khám Đa khoa Phương Nam tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Enzyme Lipase là gì?

Lipase là một Enzyme ở người được tụy sản xuất. Tụy là cơ quan duy nhất sản xuất loại Enzyme này. Lipase giúp chuyển đổi Triglyceride và mỡ thành các Glycerol, Axit béo. Thông qua các ống tụy, nó được vận chuyển vào tá tràng rồi phá vỡ những chất béo trung tính trong thức ăn thành các Axit béo.

Thông thường, tuyến tụy chỉ sản xuất một lượng Lipase đủ để tiêu hóa thức ăn. Do đó, Lipase sẽ hiện diện bên trong máu với nồng độ thấp. Số lượng Enzyme Lipase được vận chuyển vào máu sẽ gia tăng khi mắc một số bệnh lý ở tuyến tụy như viêm tụy, tổn thương tế bào tuyến tụy, khối u tuyến tụy hoặc sỏi chặn ống tụy. Điều này khiến nồng độ Lipase trong máu cũng tăng theo. Vậy xét nghiệm Lipase là gì?

xet-nghiem-lipase-1
Lipase là một Enzyme ở người được tụy sản xuất

Xét nghiệm Lipase là gì? Mục đích và ý nghĩa ra sao?

Xét nghiệm Lipase được dùng để đo hoạt độ của Enzyme Lipase có trong máu. Nó được ứng dụng nhiều nhất trong việc chẩn đoán bệnh lý về tuyến tụy.

Ở bệnh viêm tụy cấp (với triệu chứng như đau bụng dữ dội, liên tục, đột ngột lan sang hai bên mạng sườn và xiên ra phía sau lưng, sốt, chướng bụng, nôn, buồn nôn,…), nồng độ Lipase sẽ gia tăng trong vòng 24 – 36 giờ sau khi bắt đầu bị viêm. Tức là sau khi hoạt độ Amylase trong máu gia tăng. Lipase vẫn tiếp tục gia tăng đến ngày thứ 14 (lâu hơn so với tình trạng tăng Amylase). So với giá trị bình thường, hoạt độ Lipase trong máu trung bình sẽ gia tăng từ 5 – 10 lần. 

Bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định song sóng xét nghiệm Lipase và Amylase trong chẩn đoán viêm tụy cấp. Nồng độ Enzyme Lipase thường sẽ tăng song song với Amylase. Tuy nhiên nồng độ Lipase quay trở lại bình thường muộn hơn Amylase. Do đó, xét nghiệm Lipase có giá trị trong việc chẩn đoán viêm tụy ở giai đoạn muộn. So với xét nghiệm đo hoạt độ Amylase, Lipase được đánh giá là loại xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu cao hơn trong bệnh viêm tụy cấp. 

Xét nghiệm Lipase còn được dùng để theo dõi việc chữa trị viêm tụy cấp, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Ngoài ra, đo hoạt độ Lipase còn là một xét nghiệm hữu ích giúp bác sĩ phân biệt triệu chứng đau bụng do bệnh viêm tụy cấp với những tình trạng tương tự do nguyên nhân khác. Thông qua việc xét nghiệm hoạt độ Lipase, bác sĩ sẽ nhanh chóng xác định được nguồn gốc cơn đau bụng là do tụy hay ngoài tụy. Xét nghiệm Lipase đôi khi cũng được dùng để đánh giá một số bệnh khác như:

  • Chẩn đoán tắc mật, viêm túi mật cấp.
  • Chẩn đoán bệnh Crohn, Celiac.
  • Chẩn đoán bệnh xơ nang.
  • Suy thận.
  • Viêm phúc mạc.
  • Các bệnh về gan mãn tính và tổn thương gan do rượu.
  • Thủng do loét dạ dày – tá tràng.
  • Chẩn đoán nhồi máu ruột, tắc ruột.
  • Nhiễm toan ceton do bệnh đái tháo đường. 
xet-nghiem-lipase-2
Xét nghiệm Lipase được dùng để đo hoạt độ của Enzyme Lipase có trong máu

Giá trị bình thường của xét nghiệm Lipase

Giá trị Enzyme Lipase bình thường trong máu người lớn < 60U/L và < 40 U/L ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một số yếu tố góp phần làm kết quả xét nghiệm Lipase thay đổi:

  • Hồng cầu trong mẫu bệnh phẩm bị vỡ.
  • Hoạt độ Lipase trong máu sẽ gia tăng khi có sự can thiệp của một số loại thuốc như: Thuốc chống virus, Paracetamol, ức chế men chuyển Angiotensin, Bethanechol, Ethanol, Corticosteroid, viên uống ngừa thai,… 
  • Khi Ion Canxi can thiệp, hoạt độ Lipase máu có thể giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu xuất hiện tổn thương vĩnh viễn ở những tế bào sản xuất Lipase bên trong tụy, điển hình là bệnh xơ nang. 

Cách thực hiện xét nghiệm Lipase

Xét nghiệm Lipase được tiến hành trên mẫu huyết tương (ống chống đông Heparin) hoặc huyết thanh (ống không chống đông). Bệnh nhân tiến hành làm xét nghiệm Lipase phải ngừng ăn uống (trừ nước lọc) từ 8 – 12 giờ trước khi lấy mẫu máu. Bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân cung cấp thông tin về các loại thực phẩm chức năng và thuốc đang dùng. Từ đó xem xét và đề nghị ngừng sử dụng một vài loại thuốc có khả năng tác động đến kết quả. Điều dưỡng sẽ lấy khoảng 2 ml máu ở tĩnh mạch vào buổi sáng. Kết quả thường được trả lại cho bệnh nhân sau 1 giờ làm xét nghiệm. 

xet-nghiem-lipase-3
Xét nghiệm Lipase được tiến hành trên mẫu huyết tương (ống chống đông Heparin) hoặc huyết thanh (ống không chống đông)

Xét nghiệm Lipase có nguy hiểm không?

Trong quá trình lấy máu làm xét nghiệm Lipase, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu một chút. Kim lấy máu có thể gây đau và để lại vết bầm ở vị trí lấy mẫu. Bên cạnh đó, người bệnh có khả năng rơi vào những trường hợp dưới đây:

  • Khó xác định ven để lấy máu, khiến điều dưỡng phải lặp lại thao tác nhiều lần, gây đau.
  • Chóng mặt, bị ngất vì nhìn thấy máu.
  • Tích tụ máu dưới da.
  • Vị trí lấy máu bị nhiễm trùng da.

Nhìn chung, xét nghiệm Lipase là một thủ thuật an toàn và không xâm lấn nhiều.

Làm thế nào để giảm nồng độ Lipase cao?

Khi bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân làm nồng độ Lipase gia tăng và tiến hành chữa trị tốt thì chỉ số này sẽ giảm. Viêm tụy cấp là bệnh lý phổ biến liên quan đến tình trạng nồng độ Lipase trong máu tăng cao. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp chữa trị như: 

  • Dùng thuốc để kiểm soát cơn đau.
  • Truyền dịch.
  • Tạm dừng ăn trong một khoảng thời gian được khuyến nghị. Sau đó bắt đầu áp dụng một chế độ ăn nhạt.

Bác sĩ cũng tiến hành xem xét chữa trị các vấn đề tiềm ẩn khác có liên quan đến bệnh viêm tụy, ví dụ như nồng độ Canxi tăng cao hoặc sỏi mật. Bên cạnh đó, một vài loại thuốc có thể gây ra bệnh viêm tụy cấp. Lúc này, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có khả năng chỉ định cho phẫu thuật tuyến tụy. Bệnh nhân cần tránh làm dụng rượu bia, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển viêm tụy cấp.

xet-nghiem-lipase-4
Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, có thể dùng thuốc để kiểm soát cơn đau

Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm tụy bạn nên biết

Viêm tụy cấp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Nghiện rượu là nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm từ 80 – 90%. Vì rượu sẽ phá hủy và làm tổn thương những tế bào tụy, gây viêm, xơ hóa. 
  • Nhiễm khuẩn.
  • Tình trạng rối loạn chuyển hóa.
  • Sỏi tụy, mật,…
  • Một vài nguyên nhân khác như yếu tố di truyền, sử dụng thuốc, tổn thương do chấn thương hoặc tai nạn, suy dinh dưỡng.

Viêm tụy có một số triệu chứng điển hình là:

  • Đau bụng: Nó là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị viêm tụy. Cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng trên rốn lan sang 2 bên bụng và sau lưng. Hiện tượng đau không thường xuyên và gia tăng sau khi uống rượu hay ăn nhiều món chứa chất béo. 
  • Ban đầu bị đau bụng âm ỉ, sau đó quặn thành từng cơn dữ dội, có thể diễn ra liên tiếp nhau. Tình trạng này có khả năng kéo dài vài giờ.
  • Vàng da: Sau cơn đau vài giờ có thể bị vàng da nhẹ. 
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Có thể thấy bụng bị đau và chướng.
  • Người bệnh có thể bị sốt, gia tăng nhịp tim.
  • Gầy yếu: Người bệnh không ăn được nhiều do đau bụng, giảm hấp thụ dưỡng chất gây sụt cân. 
  • Phân lỏng, mùi khó chịu, màu nhạt, có lẫn chất nhầy do thiếu men tụy.
xet-nghiem-lipase-5
Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị viêm tụy

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tụy

Bạn nên ghi nhớ một số biện pháp ngăn ngừa bệnh viêm tụy, điển hình là:

  • Hãy hạn chế uống rượu đến mức tối đa để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là với những người đã bị viêm tụy mạn tính nên kiêng rượu một cách tuyệt đối để bệnh không tiến triển nặng hơn.
  • Hạn chế món ăn chứa mỡ động vật, chất béo. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh. Bên cạnh đó nên uống đủ lượng nước cần thiết. 
  • Chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ hoặc đi khám khi có dấu hiệu bất thường.

Tóm lại, xét nghiệm Lipase có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ở tuyến tụy. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của bệnh tụy, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín làm xét nghiệm để bác sĩ can thiệp sớm nhé. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 0868 666 968 hoặc 1900 633 698!

Bài viết này có hữu ích với bạn không?
Bài viết trước
Xét Nghiệm Cortisol Là Gì? Khi Nào Cần Thực Hiện? Xem Ngay!
Bài viết tiếp theo
Xét Nghiệm HBcrAg Có Ý Nghĩa Như Thế Nào?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Chat ngay 1