Xét Nghiệm Phân Là Gì? Khi Nào Cần Thực Hiện?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Khoa tiêu hoá > Xét Nghiệm Phân Là Gì? Khi Nào Cần Thực Hiện?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng sáu 5, 2022

Xét nghiệm phân thường được bác sĩ chỉ định nhằm mục đích chẩn đoán một số bệnh lý về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nhiều người cũng còn thắc mắc không biết khi nào cần tiến hành? Quy trình lấy mẫu ra sao? Nên đọc kết quả như thế nào cho đúng? Bạn hãy cùng Phòng khám Đa khoa Phương Nam tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết này nhé!

Xét nghiệm phân là gì?

Xét nghiệm phân được thực hiện trên mẫu phân, giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý ở đường tiêu hóa, cụ thể gồm có:

  • Nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng).
  • Tình trạng hấp thụ dưỡng chất kém.
  • Ung thư.

Mẫu phân sẽ được kiểm tra về mùi, hình dạng, số lượng, độ đặc quánh, màu sắc và sự hiện diện của chất nhầy. Kỹ thuật viên cũng tiến hành tìm một số chất khác ẩn trong phân như dịch mật, chất béo, máu, các loại đường và tế bào bạch cầu. Ngoài ra xét nghiệm còn đo được nồng độ pH của phân (nếu cần). Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thủ thuật cấy phân trong một số trường hợp để xác định những loại vi khuẩn nghi ngờ gây ra bệnh nhiễm trùng. 

Xét nghiệm phân vốn không phải là hình thức xét nghiệm thường quy mà sẽ tiến hành theo chỉ định của bác sĩ. Dụng cụ để lấy mẫu sẽ gồm lọ được cung cấp sẵn và có thìa nhựa bên trong.

xet-nghiem-phan-3
Dụng cụ để lấy mẫu sẽ gồm lọ được cung cấp sẵn và có thìa nhựa bên trong

Khi nào cần tiến hành xét nghiệm phân? Kết quả trong xét nghiệm phân cho biết điều gì?

Xét nghiệm phân sẽ được tiến hành trong một số trường hợp nhất định, nhằm mục đích:

  • Giúp bác sĩ xác định những bệnh lý về đường tiêu hóa, tuyến tụy (thông qua việc kiểm tra một số Enzyme như Elastase hoặc Trypsin) và gan mật.
  • Giúp tìm ra lý do khiến đường tiêu hóa của bệnh nhân bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy ra máu, tiêu chảy kéo dài, chán ăn, buồn nôn, nôn, sốt, đau bụng, đầy hơi.
  • Phát hiện bệnh ung thư đại tràng bằng cách xác định xem phân có dính máu hay không,…
  • Phát hiện ký sinh trùng như Giardia hoặc giun kim.
  • Tìm ra các nguyên nhân gây nhiễm trùng như virus, nấm hoặc vi khuẩn.
  • Kiểm tra khả năng hấp thụ của các dưỡng chất qua đường tiêu hóa. Đối với hình thức xét nghiệm này, tất cả mẫu phân cần thu thập trong 72 giờ để kiểm tra hàm lượng chất béo trong phân. Nó còn được gọi là xét nghiệm tìm mỡ trong phân (phân mỡ) hoặc xét nghiệm thu thập phân 72 giờ. 
  • Xét nghiệm phân cũng giúp bác sĩ chữa trị đúng bệnh vào thời điểm phù hợp. Tránh trường hợp dùng sai phương pháp, sai thuốc, hỗ trợ bệnh nhân giảm chi phí điều trị.
xet-nghiem-phan-2
Xét nghiệm phân giúp bác sĩ tìm ra lý do gây bệnh tiêu chảy

Quy trình xét nghiệm phân

Đối với trẻ lớn, người trưởng thành cần thu thập một mẫu phân để tiến hành xét nghiệm. Hiện có nhiều phương pháp để lấy mẫu:

  • Có thể đi tiêu vào một bọc nhựa bằng cách đặt nó trên bồn cầu và kẹp chặt lại bằng nắp bồn cầu. Sau đó, tiến hành lấy mẫu phân cho vào lọ đựng sạch.
  • Bộ dụng cụ xét nghiệm sẽ cung cấp cho bạn giấy vệ sinh, hỗ trợ quá trình thu thập mẫu diễn ra dễ dàng hơn. Bạn hãy cho mẫu phân vào lọ đựng sạch.
  • Không để lẫn giấy vệ sinh, nước, nước tiểu trong mẫu phân.

Đối với trẻ em có mặc tã:

  • Lót tã bằng bọc nhựa.
  • Cố định bọc nhựa để tránh làm phân bị trộn lẫn với nước tiểu. Điều này sẽ giúp thu được mẫu phân đạt yêu cầu.

Những điều nên biết trước khi tiến hành xét nghiệm phân?

Trước khi tiến hành xét nghiệm phân, bạn nên biết những điều dưới đây:

  • Một vài loại thuốc có thể làm kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng như: Cản quang, điều trị tiêu chảy, kháng sinh, kháng viêm không chứa Steroid, thuốc Sắt, Magie, Vitamin C, Bismuth (giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, được sử dụng để chữa tình trạng viêm loét dạ dày). 
  • Tránh để phân nhiễm máu kinh, do bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, những tổn thương bên ngoài hậu môn hay các chất khác từ giấy vệ sinh hoặc khăn. 
  • Cần gửi mẫu phân đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau khi thu thập.
  • Bạn nên hiểu rõ các lưu ý và cảnh báo trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này. Hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.
xet-nghiem-phan-1
Cần gửi mẫu phân đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau khi thu thập

Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm phân

  • Có chất béo trong phân: Nồng độ chất béo trong phân cao có thể là do bệnh Celiac, viêm tụy, xơ nang hoặc những rối loạn khác tác động đến sự hấp thụ chất béo. Trong đó, xơ nang là một bệnh lý di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như hệ hô hấp và tiêu hóa,… 
  • Độ pH trong phân thấp: Độ pH thấp có thể do sự hấp thụ chất béo và Carbohydrate kém. Phân có độ pH cao có khả năng là vì tình trạng viêm đại tràng, sử dụng kháng sinh hoặc ung thư.
  • Có máu ở trong phân: Phát hiện máu ở trong phân có thể là do đường tiêu hóa bị chảy máu.
  • Có bạch cầu trong phân: Xuất hiện tế bào bạch cầu trong phân có thể là vì bệnh viêm ruột ví dụ như viêm loét đại tràng hoặc do vi khuẩn. 
  • Tìm thấy virus trong phân như Rotavirus: Rotavirus chính là tác nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Xét nghiệm có thể được tiến hành nếu đang bị tiêu chảy nhằm mục đích tìm ra virus trong phân.
  • Lượng đường trong phân: Lượng đường khử trong phân cao có thể là do bệnh nhân đang gặp một số vấn đề về việc tiêu hóa đường. Lượng đường khử thấp có thể là do bệnh xơ nang, Celiac hoặc suy dinh dưỡng. Một vài loại thuốc như Colchicine, tránh thai cũng có khả năng khiến lượng đường khử thấp.
  • Cấy phân: Xét nghiệm cũng giúp kiểm tra những vi sinh vật có mặt trong phân với số lượng quá lớn hoặc vi sinh vật bình thường vốn không xuất hiện ở phân. Kỹ thuật nuôi cấy sẽ xác định được loại vi sinh vật nào đang có mặt. Từ đó xem xét chúng có phải là tác nhân gây ra bệnh tiêu chảy hay không.
  • Trong phân có chất độc của Clostridium Difficile: Clostridium Difficile là loại vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy mạn. Nó cùng những loại vi khuẩn khác có thể tồn tại bình thường trong ruột nhưng sẽ bắt đầu gia tăng số lượng sau khi chữa trị với kháng sinh. Sự quá sản này sẽ gây ra bệnh tiêu chảy.
  • Có trứng và ký sinh trùng: Xét nghiệm này giúp bác sĩ xem xét dấu hiệu của ký sinh trùng đang sống trong ruột. Những loại ký sinh trùng này thường được tìm thấy ở người bơi trong nước bẩn, thường ăn thịt tái, sống tại nơi không có nước uống sạch và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm kém. Kỹ thuật viên sẽ quan sát mẫu phân dưới kính hiển vi để tìm ra trứng và ký sinh trùng của chúng.

Nhìn chung, thời gian trả kết quả xét nghiệm phân cũng khá nhanh chóng, phụ thuộc vào hình thức và mục đích thực hiện, ví dụ như:

  • Trả kết quả ngay: Test nhanh để tìm máu trong mẫu phân.
  • Trả kết quả trong vài giờ: Tìm ký sinh trùng.
  • Trả kết quả trong khoảng vài ngày đến vài tuần: Cấy phân tìm virus hoặc vi khuẩn.
xet-nghiem-phan-4
Kết quả xét nghiệm phân sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe của bệnh nhân

Một số mẹo thu thập mẫu phân

Đối với những hình thức xét nghiệm khác, việc lấy mẫu cần được bác sĩ hoặc nhân viên y tế trực tiếp thực hiện vì yêu cầu có trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên ở xét nghiệm phân, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự thu thập mẫu. Bạn hãy nhớ đeo găng tay trong suốt quá trình thực hiện nhé. Sau khi hoàn tất, đừng quên vệ sinh tay sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng. Đối với trẻ, đôi khi bố mẹ khó xác định được thời điểm con sẽ đi vệ sinh. Do đó, bạn nên bọc túi nilon vào miệng bồn cầu để lấy mẫu phân sau khi con đi tiêu xong. 

Tóm lại, xét nghiệm phân có công dụng hữu ích trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý ở đường tiêu hóa. Bạn nên tiến hành lấy mẫu đúng cách và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế nhé. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 1800 2222 nhé!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ