Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng chín 29, 2022
Mục Lục Bài Viết
Bệnh dại rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối vì hiện không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Virus dại xuất hiện ở khắp mọi nơi. Đường lây truyền phổ biến nhất là khi nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh tiếp xúc với cơ thể con người thông qua vết cào hoặc cắn.
Bên cạnh đó, khi động vật mang virus dại liếm vào những vết thương hở hay các tổ chức phần mềm có dịch nhầy như miệng, mũi, mắt của con người thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao gây bệnh.
Tính đến nay, tiêm vắc xin chính là phương pháp phòng bệnh dại duy nhất. Nó giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở người không may bị động vật mang bệnh cắn. Có thể tiêm vắc xin ngừa dại trước hoặc sau khi phơi nhiễm với nguồn bệnh.
Người đã tiêm phòng dại trước khi bị chó cắn gọi là chủng ngừa vắc xin dại trước phơi nhiễm. Miễn dịch với bệnh dại được hình thành khi tiến hành tiêm đủ mũi vắc xin theo phác đồ phòng ngừa dại trước phơi nhiễm. Tuy nhiên, hiệu lực miễn dịch yếu hay mạnh sẽ còn phụ thuộc vào đáp ứng của hệ miễn dịch ở từng cá thể khác nhau với những nồng độ kháng thể khác nhau.
Vắc xin không thể bảo vệ người đã chủng ngừa suốt đời. Do đó, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó dại cắn dù đã tiêm phòng. Thế nên những người đã chủng ngừa trước phơi nhiễm như bác sĩ thú y, làm việc trong phòng thí nghiệm, du khách đến nơi đang lưu hành dịch,… không được chủ quan. Bên cạnh việc biết cách sơ cứu, xử lý đúng nếu chẳng may bị chó dại cắn thì bạn phải đến cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin dại chủng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ở tất cả các trường hợp, sơ cứu ban đầu sau khi bị chó dại cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số việc cần làm khi bị động vật dại cắn:
Xử lý vết thương ban đầu đúng cách là việc làm cần thiết giúp làm giảm lượng virus đi vào cơ thể cũng như góp phần quyết định mức độ hiệu quả của quá trình tiêm phòng dại sau đó. Vậy trong trường hợp người đã tiêm phòng dại bị chó cắn có cần tiêm tiếp không? Hãy tìm hiểu ở phần tiếp theo nhé!
Tiến hành tiêm phòng dại trước khi bị phơi nhiễm sẽ mang đến nhiều lợi ích trong việc ngăn ngừa bệnh dại. Người đã chủng ngừa vắc xin dại không cần tiêm huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, dù đó là vết thương độ III.
Vết thương độ III là các vết cắn phức tạp, sâu, nhiều vị trí. Hoặc vết cào, cắn gần hệ thần kinh trung ương như cổ, mặt, đầu hoặc các vị trí có hệ thống dây thần kinh phong phú như bộ phận sinh dục. Đối tượng chưa được chủng ngừa dại trước phơi nhiễm nếu bị chó cắn gây ra vết thương nghiêm trọng như trên thì bắt buộc phải tiêm huyết thanh kháng dại kết hợp với vắc xin đúng theo phác đồ.
Chủng ngừa vắc xin dại trước khi bị chó cắn sẽ tạo ra miễn dịch cho những tế bào nhớ. Nhờ đó, trong trường hợp bị chó cắn và tiêm nhắc lại sẽ làm đáp ứng miễn dịch trong cơ thể gia tăng rất nhanh chóng. Quay lại với câu hỏi người đã tiêm phòng dại bị chó cắn có cần tiêm tiếp không? Đáp án chính là nếu một người đã chủng ngừa đủ số mũi vắc xin dại trước phơi nhiễm thì chỉ cần tiêm thêm 2 liều vào ngày 0 và 3. Thế nên chúng ta nên tiến hành tiêm ngừa bệnh dại trước khi phơi nhiễm nhé.