[Giải Đáp] Có Các Chỉ Số Đánh Giá Chức Năng Thận Nào?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Thận học > [Giải Đáp] Có Các Chỉ Số Đánh Giá Chức Năng Thận Nào?

Tác giả: Duyen Nguyen Ngày đăng: Tháng năm 18, 2022

Khi đối mặt với các triệu chứng của bệnh thận, bạn nhất định phải đến cơ sở y tế thăm khám sớm. Thông qua các chỉ số đánh giá chức năng thận, bác sĩ sẽ có góc nhìn cụ thể về thể trạng của bạn, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đề xuất phác đồ chữa trị phù hợp. Vậy có các chỉ số đánh giá chức năng thận nào? Hãy cùng Đa khoa Phương Nam tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận

Trước khi tìm hiểu về các chỉ số đánh giá chức năng thận, chúng ta hãy cùng khám phá xem thận có chức năng gì và để kiểm tra bệnh cần thực hiện những xét nghiệm nào nhé. 

Chức năng của thận

Thận là một cặp cơ quan nằm ở dưới cùng lồng ngực, bên trái và phải của cột sống, có hình dạng tương tự như hạt đậu. Chúng là một phần của hệ tiết niệu và đảm nhận một số chức năng thiết yếu như sau:

Thận sở hữu khoảng một triệu đơn vị lọc máu nhỏ, còn gọi là nephron. Ở mỗi nephron, máu được lọc liên tục qua một cụm mạch máu lặp lại, gọi là cầu thận. Nó cho phép các phân tử nhỏ và nước đi qua nhưng vẫn giữ lại tế bào máu, Protein như Albumin cùng những phân tử lớn hơn. 

Mỗi cầu thận sẽ gắn liền với các ống có một số đoạn thu thập phân tử và chất lỏng đi qua. Đồng thời tái hấp thu những gì mà cơ thể sẽ tái sử dụng, thêm các phân tử khác thông qua quá trình bài tiết. Sau đó điều chỉnh lượng nước được loại bỏ cuối cùng với chất thải dưới dạng nước tiểu. 

Bên cạnh việc điều chỉnh lượng nước trong cơ thể và loại bỏ chất thải, những hoạt động kể trên cho phép thận duy trì sự cân bằng hóa học bình thường bên trong cơ thể. Sự cân bằng phù hợp của các chất như Magie, Phốt pho, Canxi, Kali, Natri là rất quan trọng. Nồng độ của những chất này trong máu sẽ có biểu hiện bất thường khi thận hoạt động không bình thường. Chất lỏng và chất thải có thể tích tụ đến mức gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Thận cũng giữ một vài vai trò khác trong việc duy trì một cơ thể mạnh khỏe, bao gồm:

  • Sản xuất Hormone giúp duy trì huyết áp bình thường.
  • Sản xuất Hormone kích thích sản sinh hồng cầu.
  • Làm một dạng Vitamin D trở thành dạng hoạt động hơn, nâng cao khả năng hấp thu Canxi. 

Nếu thận hoạt động không bình thường, những chất cặn bã có thể tích tụ trong máu và khiến lượng chất lỏng tăng lên mức nguy hiểm, làm cơ thể bị tổn thương, đe dọa tính mạng. Nhiều bệnh lý cũng có thể khiến thận chịu tổn thương. Các yếu tố nguy cơ chính và nguyên nhân phổ biến nhất phải kể đến là tăng huyết áp và bệnh tiểu đường.

cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-1
Thận là một cặp cơ quan nằm ở dưới cùng lồng ngực, bên trái và phải của cột sống, có hình dạng tương tự như hạt đậu

Bạn cần kiểm tra các chỉ số đánh giá chức năng thận khi có những biểu hiện sau:

  • Sưng hoặc có bọng mắt. Nhất là vùng xung quanh mắt hoặc ở đùi, bụng, cổ tay, mắt cá chân.
  • Nước tiểu có máu, bọt hoặc màu cà phê.
  • Làm giảm lượng nước tiểu.
  • Gặp một số vấn đề khi đi tiểu, ví dụ như cảm thấy nóng rát, xuất hiện dịch bất thường hoặc thay đổi tần suất tiểu, nhất là vào ban đêm. 
  • Đau gần thận, dưới xương sườn, giữa lưng.

Chỉ định cần kiểm tra chức năng thận:

  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, chỉ thực hiện các xét nghiệm đơn giản có tính định hướng như: Tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm bụng. 
  • Có người thân bị suy thận hoặc tiền căn gia đình mắc các bệnh di truyền về thận: Tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm bụng và những phương pháp chẩn đoán chuyên biệt về di truyền.
  • Khi có biểu hiện suy thận lâm sàng: Tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm bụng. Nếu tìm ra nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ niệu thì sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm hình ảnh. Trong trường hợp không tìm thấy tình trạng tắc nghẽn có thể tiến hành sinh thiết thận.
  • Có tiền căn phẫu thuật, thực hiện thủ thuật lên đường tiết niệu hoặc những cơ quan khác trong bụng: Tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm bụng. Làm thêm các xét nghiệm hình ảnh nếu có dấu hiệu tắc nghẽn.
cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-2
Khi có biểu hiện suy thận lâm sàng bạn cần làm kiểm tra

Xét nghiệm cần thiết nhất để kiểm tra bệnh thận

Xét nghiệm máu kiểm tra tốc độ lọc cầu thận (GFR):

GFR là xét nghiệm tối ưu để đo mức độ chức năng thận, đồng thời hỗ trợ bác sĩ xác định giai đoạn bệnh. Bác sĩ có thể tính toán dựa vào giới tính, kích thước cơ thể, tuổi và kết quả xét nghiệm Creatinin máu. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thận của bạn sẽ không thể hoạt động tốt như bình thường nếu số GFR thấp. 

Phát hiện bệnh thận càng sớm thì càng có cơ hội khống chế, làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển của nó. Mức độ bình thường của GFR thay đổi tùy vào kích thước cơ thể, giới tính và độ tuổi. Tốc độ GFR ở thanh niên dao động khoảng 120 – 130 ml/phút/1,73 m2 và giảm dần theo độ tuổi. Kết quả bình thường sẽ cao hơn 90 ml/phút/1,73 m2. Nếu trong ít nhất ba tháng kết quả liên tục ở mức dưới 60 ml/phút/1,73 m2, điều này xác nhận rằng bệnh nhân bị thận mãn tính.

Ngoài ra, xét nghiệm máu còn tiết lộ các chỉ số đánh giá chức năng thận bất thường khác như:

  • Lượng muối thấp (hạ Natri máu).
  • Mức độ Kali cao (tăng Natri máu).
  • Thiếu máu (không đủ tế bào hồng cầu hoặc Protein, Hemoglobin trong tế bào hồng cầu vận chuyển Oxy).
  • Mức độ Axit cao (nhiễm Axit). 
  • Thay đổi mức Phốt phát và Canxi.

Xét nghiệm định lượng Albumin trong nước tiểu để kiểm tra dấu hiệu tổn thương thận:

Albumin là một loại Protein chính thường xuất hiện trong máu của bạn. Quả thận khỏe mạnh sẽ không có Albumin trong nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, một số Albumin sẽ được phép đi vào nước tiểu. Càng ít Albumin trong nước tiểu càng tốt. 

Một lượng nhỏ Albumin trong nước tiểu đôi khi còn được gọi là Microalbumin niệu hoặc Microalbumin. Thuật ngữ Albumin niệu dùng để chỉ bất kỳ sự gia tăng Albumin nào bên trong nước tiểu. Nồng độ Microalbumin tăng cao trong nước tiểu có thể được nhìn thấy tạm thời cùng những tình trạng như căng thẳng, nhiễm trùng, lúc ăn kiêng, mang thai,… 

cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-3
Xét nghiệm định lượng Albumin trong nước tiểu để kiểm tra dấu hiệu tổn thương thận

Các chỉ số đánh giá chức năng thận

Dưới đây là các chỉ số đánh giá chức năng thận:

Các chỉ số đánh giá chức năng thận trong xét nghiệm máu

 Xét nghiệm Ure máu

Một sản phẩm ở dạng Ure được tạo ra khi Protein bị phân hủy. Nó sẽ được lọc qua cầu thận vào thải ra ngoài bằng đường nước tiểu. Nồng độ Ure trong máu sẽ cao nếu chức năng thận bị suy giảm. Bác sĩ có thể đánh giá chức năng thận thông qua xét nghiệm chỉ số Ure trong máu. Trị số Ure máu ở mức 2,5 – 7,5 mmol/l thể hiện chức năng thận đang hoạt động bình thường. 

Ngược lại, khi trị số Ure máu tăng cao, bệnh nhân sẽ dễ bị các bệnh lý như viêm cầu thận, viêm ống thận, có dấu hiệu sỏi niệu quản, sỏi thận hoặc mất nước do tiêu chảy, sốt quá cao, suy tim sung huyết. Giá trị Ure trong máu sẽ giảm xuống khi bệnh nhân ăn thực phẩm cung cấp ít chất đạm, truyền dịch hoặc bị suy yếu chức năng gan. 

 Xét nghiệm Creatinin huyết thanh

Khi Creatine trong cơ bị thoái hóa nó sẽ chuyển thành Creatinin. Loại chất này chủ yếu được đào thải thông qua thận. Creatinin cũng là một trong các chỉ số đánh giá chức năng thận. Lúc bình thường nó nằm trong khoảng: 

  • 0,6 – 1,2 mg/dl với nam giới.
  • 0,5 – 1,1 mg/dl với nữ giới.

Nếu chỉ số Creatinin vượt quá định mức cho phép thì đó là dấu hiệu cho thấy chức năng thận đang rối loạn. Vì nồng độ của chất này trong máu tăng cao hơn mức bình thường và khả năng lọc Creatinin bị suy giảm. Trong các chỉ số đánh giá chức năng thận, Creatinin cũng phản ánh giai đoạn của bệnh suy thận, cụ thể như sau:

  • Suy thận độ I: Nồng độ Creatinin < 130 mmol/l.
  • Suy thận độ II: Nồng độ Creatinin ở khoảng 130 – 299 mmol/l.
  • Suy thận độ III: Nồng độ Creatinin ở khoảng 300 – 899 mmol/l.
  • Suy thận độ IV: Nồng độ Creatinin cao hơn mức 900 mmol/l.
cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-4
Nếu chỉ số Creatinin vượt quá định mức cho phép thì đó là dấu hiệu cho thấy chức năng thận đang rối loạn

Creatinin máu là một trong các chỉ số đánh giá chức năng thận phổ biến. Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm Creatinin máu cùng với BUN. Chỉ số Creatinin máu cũng là một phần của bảng chuyển hóa toàn diện hoặc cơ bản. Chúng được dùng để sàng lọc những người khỏe mạnh trong các kỳ khám sức khỏe. Đồng thời giúp bác sĩ đánh giá bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc cấp tính trong bệnh viện hay phòng cấp cứu.

Nếu kết quả BUN và Creatinin phát hiện ra bất thường hoặc ai đó mắc bệnh tiềm ẩn tác động đến thận, ví dụ như huyết áp cao, tiểu đường thì hai loại xét nghiệm này sẽ được dùng để theo dõi những rối loạn chức năng thận hay hiệu quả của việc chữa trị. Xét nghiệm BUN và Creatinin máu cũng có thể được bác sĩ chỉ định để đánh giá chức năng thận trước khi tiến hành một số thủ thuật, điển hình là chụp CT. 

Kết quả xét nghiệm chỉ số Creatinin còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như cơ địa, giới tính, tuổi tác. Do đó khi có nghi ngờ về độ chính xác của kết quả Creatinin, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm Cystatin C trong máu. Giá trị bình thường của Cystatin C trong máu dao động từ 0,31 – 0,99 mg/l. 

 Điện giải đồ

Điện giải bị mất cân bằng chủ yếu do chức năng thận suy giảm, gồm có:

  • Natri: Giá trị bình thường của Natri trong máu dao động từ 135 – 145 mmol/l. Nhưng ở người bệnh suy thận, nồng độ Natri trong máu sẽ suy giảm đáng kể do bị thất thoát qua da, thận, đường tiêu hóa hoặc do thừa nước.
  • Kali: Giá trị bình thường của Kali trong máu dao động từ 3,5 – 4,5 mmol/l. Với người bệnh suy thận, nồng độ Kali trong máu sẽ cao do việc đào thải các chất độc hại kém đi. 
  • Canxi máu: Giá trị bình thường của Canxi trong máu dao động từ 2,2 – 2,6 mmol/l. Ở người bệnh suy thận, nồng độ Canxi sẽ giảm nhưng Phốt phát lại gia tăng.

 Rối loạn cân bằng kiềm toan

Xét nghiệm rối loạn Axit-bazơ thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán bệnh thận. Nồng độ pH trong máu thường nằm ở mức trung bình từ 7,37 – 7,43. Nếu chức năng thận bị suy giảm, nồng độ Axit trong máu sẽ gia tăng. Từ đó giúp bác sĩ phát hiện ra những vấn đề về bệnh thận.

 Nồng độ Axit Uric trong máu

Lúc bình thường, nồng độ Axit Uric trong máu nằm ở khoảng 180 – 420 mmol/l (nam giới) và 150 – 360 mmol/l (nữ giới). Xét nghiệm này thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán bệnh thận hoặc Gout. 

cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-5
Lúc bình thường, nồng độ Axit Uric trong máu nằm ở khoảng 180 – 420 mmol/l (nam giới) và 150 – 360 mmol/l (nữ giới)

 Các xét nghiệm sinh hóa khác

  • Tổng phân tích tế bào máu: Bạn có khả năng bị suy thận mãn tính nếu lượng hồng cầu giảm.
  • Albumin huyết thanh: Albumin huyết thanh ở mức 35 – 50 gam/l với người khỏe mạnh, chiếm khoảng 50 – 60% tổng lượng Protein. Chỉ số này sẽ xuống thấp khi bị viêm cầu thận cấp.
  • Protein toàn phần trong huyết tương: Dao động từ 60 – 80 gam/l với người khỏe mạnh. Chỉ số này có xu hướng giảm khi quá trình lọc thận gặp vấn đề.

Chúng ta vừa tìm hiểu qua các chỉ số đánh giá chức năng thận trong xét nghiệm máu. Tiếp theo, hãy cùng Đa khoa Phương Nam khám phá các chỉ số đánh giá chức năng thận bằng xét nghiệm nước tiểu nhé. 

Các chỉ số đánh giá chức năng thận trong xét nghiệm nước tiểu

Dưới đây là các chỉ số đánh giá chức năng thận trong xét nghiệm nước tiểu:

 Tổng phân tích nước tiểu

Lúc bình thường tỷ trọng nước tiểu nằm trong khoảng 1,01 – 1,020. Người bệnh bị suy giảm chức năng thận sẽ có tỷ trọng thấp hơn. Nguyên nhân là do nồng độ nước tiểu bị suy giảm. Lượng Protein trong nước tiểu còn giúp bác sĩ đưa ra quyết định có cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm định lượng Protein niệu 24 giờ hay không.

 Định lượng Protein niệu 24 giờ

Protein trong nước tiểu sẽ dao động từ 0 – 0,2 gam/l/24 giờ ở người có sức khỏe bình thường. Với bệnh nhân bị tổn thương cầu thận, suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp thì Protein niệu trong mẫu xét nghiệm sẽ tăng ở mức 0,3 gam/l/24 giờ. 

 Albumin nước tiểu

Xét nghiệm này có thể được tiến hành trên mẫu nước tiểu 24 giờ. Hoặc đo cả Creatinin và Albumin trong một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên. Lúc này có khả năng tính được tỷ lệ Albumin/Creatini (ACR). ACR được khuyến nghị là xét nghiệm ưu tiên nhằm sàng lọc Albumin trong nước tiểu. Nó được dùng để sàng lọc những người bị bệnh mãn tính, ví dụ như huyết áp cao, tiểu đường khiến họ có nguy cơ phát triển bệnh thận. 

Chúng ta vừa tìm hiểu qua các chỉ số đánh giá chức năng thận trong xét nghiệm nước tiểu. Vậy các chỉ số đánh giá chức năng thận ở những xét nghiệm khác ra sao? 

cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-6
Lúc bình thường tỷ trọng nước tiểu nằm trong khoảng 1,01 – 1,020

Các chỉ số đánh giá chức năng thận trong những xét nghiệm khác

Dưới đây là các chỉ số đánh giá chức năng thận trong những xét nghiệm khác:

 X-quang

Để đánh giá chức năng thận một cách toàn diện và đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ thường kết hợp phương pháp chụp X-quang với xét nghiệm máu, nước tiểu.

 Siêu âm ổ bụng

Phương pháp siêu âm ổ bụng sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra tình trạng thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản. Nếu thận ứ nước cả hai bên sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ bị suy thận mạn hoặc cấp tính. Ngoài ra, còn hỗ trợ bác sĩ phát hiện hiện tượng thận đa nang di truyền hoặc bẩm sinh. Căn cứ vào hình ảnh siêu âm, thận sẽ nhỏ hơn so với bình thường, thay đổi cấu trúc, mất khả năng phân biệt vỏ tủy hoặc có nhiều nang. Từ đó gợi ý nguy cơ bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính. Bên cạnh đó, siêu âm còn có khả năng phát hiện sỏi thận.

 Chụp CT – Scanner

Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc suy thận thường chỉ định cho chụp CT. Phương pháp này sẽ dùng tia X nhắm vào một vị trí bên trong khoang bụng cho phép hiển thị hình ảnh toàn bộ hệ thống tiết niệu được rõ ràng. Để tìm ra vị trí tắc nghẽn và phát hiện nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản, cần phải kết hợp chụp CT với tiêm thuốc cản quang. Qua đó giúp dựng được toàn bộ hình ảnh đường tiết niệu.

 Xạ hình thận với đồng vị phóng xạ

Đây là phương pháp xét nghiệm duy nhất sở hữu khả năng đánh giá chức năng thận từng bên. Đồng thời hỗ trợ bác sĩ đánh giá mức độ tắc nghẽn niệu quản. Thông qua biện pháp này, bác sĩ sẽ thấy rõ tỷ lệ tưới máu, mức độ tham gia và chức năng lọc của từng thận. 

Những lưu ý khi làm xét nghiệm kiểm tra chức năng thận

Bên cạnh việc tìm hiểu các chỉ số đánh giá chức năng thận, bạn hãy lưu ý thêm một số vấn đề dưới đây khi làm xét nghiệm kiểm tra nhé.

  • Bệnh nhân cần nhịn ăn trước khi làm thủ thuật tối thiểu 8 – 10 tiếng.
  • Tuyệt đối không dùng chất kích thích vì sẽ làm kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng.
  • Bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu đạm vì sẽ làm lượng Axit Uric trong máu gia tăng.
  • Trước khi làm xét nghiệm đánh giá các chỉ số đánh giá chức năng thận, bạn cần được bác sĩ tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả bạn hãy thông báo cho bác sĩ biết về những loại thuốc bản thân đang sử dụng.
cac-chi-so-danh-gia-chuc-nang-than-7
Trước khi làm xét nghiệm đánh giá các chỉ số đánh giá chức năng thận, bạn cần được bác sĩ tư vấn cụ thể

Chúng ta vừa tìm hiểu về các chỉ số đánh giá chức năng thận. Khi thấy bản thân có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ do bệnh thận, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy thực hiện các xét nghiệm, phương pháp sàng lọc nhé. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 0868 666 968 hoặc 1800 2222!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ