Cách lấy dị vật trong mắt an toàn, nhẹ nhàng

Trang chủ > Chuyên khoa > Trị liệu > Nhãn khoa > Cách lấy dị vật trong mắt an toàn, nhẹ nhàng

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 3 5, 2025

Dị vật có thể là bụi bẩn, cát, côn trùng nhỏ hoặc bất kỳ vật thể lạ nào khác lọt vào mắt, gây khó chịu, đau rát và thậm chí tổn thương giác mạc nếu không xử lý đúng cách. Vậy, đâu là cách lấy dị vật trong mắt an toàn, nhẹ nhàng? Cách chăm sóc và điều trị như thế nào?

Tình trạng dị vật trong mắt là gì?

Dị vật trong mắt là tình trạng các vật thể lạ từ bên ngoài xâm nhập vào mắt. Những vật thể này có thể là bụi, cát, côn trùng hoặc những vật nhỏ khác trong sinh hoạt hàng ngày, gây ảnh hưởng đến giác mạc hoặc kết mạc của mắt.

Những tổn thương do dị vật gây ra thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tình trạng này có thể gây nhiễm trùng, thậm chí ảnh hưởng đến thị lực. Do đó, cần tìm cách lấy dị vật trong mắt sớm để tránh tốn thưởng và ảnh hưởng tới thị lực.

Dị vật có thể là bất cứ thứ gì, từ bụi bẩn nhỏ đến mảnh kim loại lớn
Dị vật có thể là bất cứ thứ gì, từ bụi bẩn nhỏ đến mảnh kim loại lớn

Giác mạc (cornea) là màng trong suốt, hình chỏm cầu. Giác mạc có cấu tạo gồm 5 lớp, thực hiện chức năng bảo vệ, kiểm soát và hội tụ ánh sáng đi vào mắt. Cùng với củng mạc (tròng trắng của mắt), giác mạc giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, côn trùng và các dị vật khác, đồng thời, lọc 1 số tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời.

Dị vật làm xước giác mạc nghe có vẻ không đáng ngại, nhưng nếu không xử lý cẩn thận, vết xước có thể nhiễm trùng và gây ra những biến chứng nguy hiểm:

  • Trầy xước giác mạc: có thể tự lành trong vòng 2 ngày, nhưng nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng xói mòn, làm chậm quá trình hồi phục.
  • Loét giác mạc: vết xước không lành có thể phát triển thành vết loét, thậm chí hình thành áp xe, gây đau đớn và khó chịu.
  • Sẹo giác mạc: biến chứng này có thể gây suy giảm thị lực vĩnh viễn.

Các triệu chứng của dị vật trong mắt bao gồm:

  • Mắt đỏ lên, cộm xốn, đau nhức hoặc khó chịu.
  • Nước mắt chảy nhiều.
  • Mỗi lần chớp mắt đều thấy vướng víu.
  • Mắt nhìn không rõ, mờ đi.
  • Sợ ánh sáng, thấy chói mắt.
  • Có thể thấy những vệt đỏ trong mắt.

Hướng dẫn cách lấy dị vật trong mắt ngay tại nhà

Khi bị dị vật bay vào mắt, bạn có thể thử một số cách sau để lấy dị vật ra tại nhà:

Chớp mắt liên tục là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn
Chớp mắt liên tục là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn

  • Chớp mắt liên tục: Khi bị côn trùng, bụi hoặc dị vật nhỏ rơi vào mắt, phản xạ tự nhiên của cơ thể là chớp mắt. Hành động này giúp nước mắt làm trôi dị vật ra ngoài. Người bệnh càng chớp mắt nhiều, nước mắt càng chảy ra liên tục, cơ hội loại bỏ dị vật càng cao.
  • Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới: Trường hợp dị vật kẹt dưới mí mắt, đầu tiên cần nhắm mắt lại, kéo nhẹ phần da của mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới. Sau đó đảo tròng mắt có dị vật, động tác này có thể giúp dị vật rơi ra ngoài.
  • Rửa mắt bằng nước sạch: Rửa mắt bằng nước sạch cũng là cách đơn giản để làm trôi dị vật. Có thể rót đầy nước sạch vào thau nhỏ, sau đó mở mắt và lấy tay hất nhẹ nước lên mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể mở mắt và áp mặt xuống nước để rửa trôi dị vật.
  • Sử dụng tăm bông hoặc một góc khăn mặt sạch: bạn có thể nhẹ nhàng kéo mí mắt lên, rồi dùng tăm bông sạch để lấy dị vật ra (nếu thấy nó ở đó). Kết hợp đảo mắt nhẹ nhàng để dị vật dễ lộ ra hơn. Sau đó nhớ kiểm tra tăm bông xem đã lấy được dị vật chưa. Dùng tăm bông hoặc góc khăn mềm mại chấm nhẹ nhàng lên vùng mắt bị cộm, tránh tuyệt đối việc quẹt ngang dọc để không làm trầy xước giác mạc. Để dễ dàng thao tác và bảo vệ mắt, hãy nhìn ngược hướng với vị trí dị vật và sử dụng vật dụng màu trắng để dễ kiểm tra kết quả sau mỗi lần chấm.
  • Nhờ đến sự giúp giúp đỡ từ người ngoài: Nếu cần người khác giúp lấy dị vật trong mắt, hãy nhờ họ giữ nhẹ hai mí mắt của bạn để mở rộng tầm nhìn. Đồng thời, đảo mắt nhẹ nhàng để họ có thể quan sát kỹ toàn bộ bề mặt mắt và dễ dàng tìm thấy dị vật.
  • Rửa mắt bằng dung dịch nhỏ mắt: Sử dụng dung dịch nhỏ mắt là phương pháp hiệu quả để đẩy dị vật ra ngoài. Người bệnh có thể thực hiện bằng cách ngửa đầu ra sau rồi nhỏ từng giọt vào mắt bị ảnh hưởng.

Cách lấy dị vật trong mắt mi trên

Vị trí phổ biến của dị vật thường ở trong mắt mi trên. Để loại bỏ dị vật trong mắt ở vị trí này, người bệnh chỉ cần chạm một bên mặt có mắt vướng dị vật vào thau nước sạch. Chớp mắt liên tục để đẩy dị vật ra ngoài. Trường hợp dị vật mắc kẹt, người bệnh cần kéo mí trên và đưa mắt hướng xuống để dị vật rơi ra.

Cách lấy dị vật nằm ở mi mắt dưới

Có thể sử dụng thau nước sạch rồi chạm một bên mặt có mắt vướng dị vật vào. Việc chớp mắt liên tục khi ngâm mắt trong nước sẽ giúp đẩy dị vật ra ngoài hiệu quả. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi dị vật nằm ở vị trí dễ tiếp cận với nước.

Trường hợp dị vật có nhiều mảnh nhỏ, chẳng hạn như hạt cát, cần có phương pháp xử lý đặc biệt hơn. Những cách lấy dị vật trong mắt này cần được thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây thêm kích ứng cho mắt.

  • Sử dụng tăm bông hoặc vải ướt, sau đó chấm nhẹ để làm sạch cát ở khu vực xung quanh mắt.
  • Ngâm bên mắt có dị vật vào trong nước và nhấp nháy mắt nhiều lần để hạt cát trôi theo nước. Cách này hiệu quả với người lớn và trẻ em lớn có thể hợp tác trong quá trình thực hiện.
  • Với trẻ em, phụ huynh nên nhỏ nước muối sinh lý vào mắt thay vì ngâm mắt. Đưa mặt trẻ ngửa lên, giữ mí mắt mở khi nhỏ nước vào mắt để hạt cát trôi đi. Cách này sẽ hiệu quả hơn nếu một người nhỏ nước và người còn lại mở và giữ mí mắt trẻ, giúp đảm bảo nước muối sinh lý tiếp xúc đầy đủ với mắt để loại bỏ dị vật.

Lưu ý khi lấy dị vật trong mắt

Do mắt là một bộ phận vô cùng nhạy cảm, bạn cần hết sức cẩn thận khi thực hiện các thao tác lấy dị vật ra khỏi mắt.

  • Rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi thao tác lấy dị vật. Lau khô tay để tránh vi khuẩn lây lan có thể gây nhiễm trùng mắt.
  • Sử dụng gương để xác định vị trí dị vật.
  • Tháo kính áp tròng: dị vật có thể mắc vào mặt dưới của thấu kính.
  • Tránh sử dụng các vật nhọn để lấy dị vật vì có thể làm tổn thương mắt.
  • Không dụi, chà xát hoặc tạo áp lực lên mắt.
  • Cẩn thận khi thao tác lấy dị vật trên bề mặt mắt.
  • Không cố gắng loại bỏ dị vật bằng mọi cách.

Để giúp người khác lấy dị vật ra khỏi mắt, bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Rửa tay với xà phòng hoặc nước sạch trước khi lấy dị vật.
  • Cho bệnh nhân ngồi ở khu vực có ánh sáng tốt.
  • Nhẹ nhàng kiểm tra mắt để xác định vị trí dị vật. Kéo mi dưới xuống và yêu cầu người bệnh nhìn lên. Sau đó giữ mi trên rồi yêu cầu người bệnh nhìn xuống.
  • Dùng tăm bông ẩm, miếng gạc hoặc góc khăn sạch để lấy dị vật.
  • Trường hợp dị vật nằm ở góc của mắt, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm trôi chúng ra ngoài.

Cần làm gì với những dị vật kích thước lớn?

Những dị vật có kích thước lớn hơn hạt bụi có nguy cơ làm tổn thương mắt rất cao, khi đó rất cần đến sự trợ giúp từ phía nhân viên y tế. Nếu dị vật sắc, kích thước lớn đâm vào mắt gây chảy máu, đau dữ dội thì việc đến gặp bác sĩ là điều cần thiết. Cần quan sát kỹ sự thay đổi của mắt đặc biệt là màu sắc, chảy máu, sự bất thường có trong mắt, thị lực giảm, xuất hiện dịch tiết ra từ mắt.

Đối với các dị vật như mảnh thủy tinh, móng tay,… cần phải được chuyên viên y tế xử lý. Nếu dị vật nằm bên trong mắt cần làm tiểu phẫu để loại bỏ. Trong trường hợp này không nên cố gắng tự lấy dị vật ra, điều này có thể làm cho tình trạng càng nguy hiểm hơn.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu chẳng may bị dị vật lớn rơi vào mắt, nguy cơ tổn thương là rất cao. Trong những trường hợp sau, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được hỗ trợ:

  • Đau, đỏ mắt kéo dài hơn 24 giờ.
  • Bạn không thể tự lấy dị vật ra khỏi mắt.
  • Dị vật nằm sâu trong mắt.
  • Mắt bị mờ hoặc có những thay đổi bất thường khác sau khi đã lấy dị vật ra.
  • Dị vật là mảnh thủy tinh hoặc hóa chất.
  • Dị vật có kích thước lớn, làm bằng sắt hoặc có nhiều mảnh nhỏ.

Trong những trường hợp trên, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ tiến hành kiểm tra và có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

  • Kiểm tra thị lực để đánh giá mức độ ảnh hưởng.
  • Gây tê bề mặt mắt để giảm đau và giúp quá trình kiểm tra dễ dàng hơn.
  • Sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang để làm nổi bật dị vật dưới ánh sáng đặc biệt.
  • Dùng kính lúp để quan sát kỹ lưỡng và xác định chính xác vị trí dị vật.
  • Sử dụng tăm bông ẩm để nhẹ nhàng lấy dị vật ra.
  • Rửa mắt bằng nước muối vô trùng để loại bỏ bụi bẩn và các mảnh vụn còn sót lại.
  • Trong trường hợp dị vật khó lấy, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên khoa khác.
  • Nếu giác mạc bị trầy xước, bác sĩ sẽ kê thuốc mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Với các vết trầy xước lớn hơn, thuốc nhỏ mắt chứa cyclopentolate hoặc homatropine có thể được sử dụng.
  • Acetaminophen có thể được chỉ định để giảm đau.
  • Chụp CT hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác có thể được sử dụng để xác định chính xác vị trí dị vật, đặc biệt trong trường hợp dị vật nằm sâu trong mắt.

Lưu ý tình trạng mắt sau điều trị

Sau khi lấy dị vật ra khỏi mắt, nếu bạn vẫn còn các triệu chứng đau và chảy nước mắt, hãy lưu ý những điều sau để giúp mắt phục hồi:

  • Giữ miếng dán che mắt trong vòng 24 giờ.
  • Đeo kính bảo vệ trong 1-2 ngày sau đó.
  • Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc thuốc nhỏ mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nếu đau, có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol theo hướng dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu mắt mờ hoặc tầm nhìn hạn chế, hãy báo ngay cho bác sĩ.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo mắt phục hồi tốt.

Chăm sóc và phòng ngừa dị vật trong mắt

Dị vật có thể gây khó chịu, đau đớn, trầy xước bên trong mắt và thậm chí ảnh hưởng đến thị lực nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa và chăm sóc mắt để tránh dị vật là rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể thực hiện:

  • Tuyệt đối không dụi mắt bằng tay, vì hành động này có thể gây trầy xước giác mạc.
  • Sử dụng kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn, ví dụ như xưởng gỗ. Bên cạnh đó, đeo kính khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc các hoạt động ngoài trời để bảo vệ mắt khỏi gió, bụi và các vật thể lạ.
  • Không sử dụng nhíp hoặc các vật dụng sắc nhọn khác để cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt.
  • Hạn chế đứng hoặc đi lại gần những khu vực đang thực hiện các công việc như mài, khoan hoặc cưa gỗ.

Việc lấy dị vật ra khỏi mắt đúng cách và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc sau điều trị sẽ giúp mắt nhanh chóng phục hồi. Ngược lại, nếu để tình trạng này kéo dài hoặc thao tác không đúng cách, nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng và suy giảm thị lực là rất cao.

Khi lấy dị vật, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và áp dụng đúng cách lấy dị vật trong mắt để tránh gây tổn thương. Nếu dị vật nhỏ và nằm ở bề mặt mắt, bạn có thể thử các biện pháp như chớp mắt, rửa mắt bằng nước sạch hoặc dùng tăm bông sạch để lấy ra. Tuy nhiên, nếu dị vật lớn, sắc nhọn hoặc nằm sâu trong mắt, bạn cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được xử lý kịp thời và an toàn.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo:

Professional, C. C. M. (n.d.). Corneal abrasion. Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14423-corneal-abrasion

Department of Health & Human Services. (n.d.). Eye injuries – foreign body in the eye. Better Health Channel. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/eye-injuries-foreign-body-in-the-eye

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ