Dây thần kinh thị giác là dây số mấy? Cấu tạo, chức năng và bệnh ảnh hưởng

Trang chủ > Chuyên khoa > Trị liệu > Nhãn khoa > Dây thần kinh thị giác là dây số mấy? Cấu tạo, chức năng và bệnh ảnh hưởng

Tác giả: Nguyễn Hương Ngày đăng: Tháng 2 28, 2025

Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ, có chức năng dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc (mắt) về thùy chẩm ở não để phân tích. Nếu dây thần kinh thị giác bị tổn thương, có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực, thậm chí mù lòa.

Dây thần kinh thị giác là gì?

Dây thần kinh thị giác (Optic nerve) là dây thần kinh sọ số II, chịu trách nhiệm dẫn truyền thông tin thị giác. Dây thần kinh thị giác chỉ chứa các sợi cảm giác (gồm một đôi) giống các cặp dây thần kinh sọ khác. Trong quá trình phát triển của phôi, dây thần kinh này được hình thành trong võng mạc, thoát ra khỏi ổ mắt qua ống thị giác và chạy dọc đến các nhân chính trong não.

Nếu dây thần kinh thị giác mắc bệnh hay tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, thậm chí gây mất thị lực hoàn toàn.

 Dây thần kinh thị giác (Optic nerve) là dây thần kinh sọ số II, chịu trách nhiệm dẫn truyền thông tin thị giác.
Dây thần kinh thị giác (Optic nerve) là dây thần kinh sọ số II, đóng vai trò dẫn truyền thông tin thị giác.

Giải phẫu dây thần kinh thị giác

Người trưởng thành, các sợi trục cấu tạo từ khoảng 1,2 triệu tế bào hạch võng mạc hội tụ tại đĩa thị giác để tạo thành dây thần kinh thị giác. Đĩa thị không có tế bào cảm thụ quang và tạo thành một điểm mù trong thị trường của mỗi mắt. Cùng với động mạch mắt, dây thần kinh của thị giác đi vào hộp sọ qua lỗ thị giác và đi trong ống thị giác để đến hố sọ giữa. Dây thần kinh thị giác dài khoảng 5-6cm, chia thành 4 đoạn:

  • Đoạn trong nhãn cầu (intraocular): 1mm;
  • Đoạn trong hốc mắt (intraorbital): 25-30 mm;
  • Đoạn trong ống thị giác (intracanalicular): 6-10 mm;
  • Đoạn nội sọ (intracranial): 10 mm.

Dây thần kinh thị giác nằm ở đâu?

Dây thần kinh thị giác nằm ở phía sau mắt, kết nối trực tiếp mắt với não. Dây thần kinh thị giác đi qua những vùng sau đây:

Ống thị giác (optic canal) là nơi dây thần kinh thị giác rời khỏi hốc mắt và đi qua cùng với động mạch mắt.

Giao thoa thị giác (optic chiasm) là vị trí quan trọng nơi các sợi thần kinh từ nửa mũi của mỗi mắt bắt chéo sang phía đối diện. Sự giao thoa này đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp não sắp xếp đầu vào hình ảnh của hai mắt, từ đó cho phép việc hợp nhất các tín hiệu hình ảnh khác nhau của hai mắt thành một hình ảnh liền mạch.

Dải thị giác (optic tract) có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu từ giao thoa thị giác đến các cấu trúc trong não. Các cấu trúc này bao gồm thể gối ngoài (lateral geniculate nucleus) và vùng vỏ não thị giác (thuỳ chẩm), nơi diễn ra phần lớn quá trình xử lý hình ảnh.

Cấu trúc dây thần kinh thị giác bên trong hộp sọ.
Cấu trúc dây thần kinh thị giác bên trong hộp sọ.

Một số ít sợi thần kinh phân nhánh đến những nơi khác trong não nhằm hỗ trợ một số hoạt động như:

  • Phản xạ đồng tử (pupil reflexes): Đồng tử có khả năng co giãn tự động để điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt.
  • Phản xạ điều tiết (accommodation reflex): phản xạ của mắt đáp ứng với việc tập trung nhìn vào một vật ở gần, sau đó nhìn vào một vật ở xa (và ngượ lại).
  • Nhịp sinh học (circadian rhythm): Sợi thần kinh thị giác đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết ánh sáng nhằm phân định ngày/đêm để làm điểm neo nhịp sinh học cố định. Nhịp sinh học quản lý chu kỳ thức/ngủ của cơ thể, góp phần điều chỉnh một số yếu tố như huyết áp, nhiệt độ, lượng đường trong máu.

Cấu tạo của dây thần kinh thị giác

Cấu tạo dây thần kinh thị giác bao gồm:

 cấu tạo của dây thần kinh thị giác.
Cấu tạo của dây thần kinh thị giác.

  • Sợi trục thần kinh: chủ yếu được cấu tạo từ các tế bào hạch võng mạc, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tín hiệu thần kinh từ thân tế bào đến các tế bào thần kinh khác hoặc tế bào cơ trong cơ thể.
  • Bao myelin: bọc quanh sợi trục không chỉ giúp tăng tốc độ dẫn truyền tín hiệu điện dọc theo sợi trục mà còn có chức năng bảo vệ sợi trục khỏi các tổn thương có thể xảy ra.
  • Hệ thống mạch máu: bao gồm động mạch trung tâm võng mạc và các mạch máu quanh dây thần kinh.
  • Bao bọc thần kinh: Có ba lớp màng bao bọc tương tự như não (màng cứng, màng nhện, màng mềm).

Chức năng của dây thần kinh thị giác

Dây thần kinh thị giác đóng vai trò then chốt trong việc truyền tải thông tin hình ảnh từ võng mạc đến não. Cơ chế hoạt động của mắt người tương tự như ống kính máy ảnh, trong đó võng mạc phía sau mắt đảm nhận việc nhận diện hình ảnh từ thế giới bên ngoài. Sau đó, hình ảnh được chuyển đổi thành dạng tín hiệu điện và được dây thần kinh dẫn truyền đến não. Đặc biệt, dây thần kinh thị còn có chức năng đảm bảo sự đồng bộ của thị giác giữa hai mắt.

Những bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác

Có nhiều bệnh có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, gây ra các vấn đề về thị lực, thậm chí mù lòa. Dưới đây là một số bệnh thường gặp:

Bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ

Để duy trì hoạt động bình thường, dây thần kinh thị giác cần được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng, tương tự như các cơ quan khác trong cơ thể. Khi thiếu máu nuôi, dây thần kinh này sẽ không thể hoạt động một cách bình thường. Đáng lo ngại hơn, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn của bộ phận này, khiến người bệnh mất hoàn toàn khả năng nhìn.

Bệnh thiếu máu đầu thần kinh thị (anterior ischemic optic neuropathy) là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp và thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Với tính chất nghiêm trọng của bệnh, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm để có thể hạn chế biến chứng trở nặng, đồng thời bảo tồn được chức năng nhìn của mắt.

Phù gai thị

Phù gai thị (hay còn gọi là papilledema) là tình trạng sưng phù của đĩa thị giác, là phần đầu của dây thần kinh thị giác nằm ở phía sau mắt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Áp xe não, u não;
  • Chấn thương, xuất huyết não;
  • Viêm não, viêm màng não;
  • Tăng áp lực nội sọ vô căn (không có khối u);
  • Huyết khối (cục máu đông) xoang hoặc xoang màng cứng.

Phù gai thị là một tình trạng nguy hiểm có thể cần được cấp cứu vì áp lực nội sọ tăng cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Mặc dù ở giai đoạn đầu, phù gai thị thường không ảnh hưởng đến thị lực, nhưng nếu bệnh tiến triển, nó có thể gây ra suy giảm hoặc mất thị lực.

Viêm dây thần kinh thị giác 

Viêm thần kinh thị giác (optic neuritis) là tình trạng viêm của dây thần kinh thị giác, dây thần kinh có chức năng truyền tải thông tin thị giác từ mắt đến não. Bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề về thị lực, từ mờ mắt nhẹ đến mất thị lực hoàn toàn, thường gặp ở người trẻ tuổi (20-40 tuổi), đặc biệt là phụ nữ.

Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây đau nhức vùng mắt và đầu, và trong những trường hợp nghiêm trọng, thị lực của người bệnh có thể bị suy giảm.
Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây đau nhức vùng mắt và đầu, và thị lực của người bệnh có thể bị suy giảm.

  • Các bệnh tự miễn như đa xơ cứng (multiple sclerosis) và viêm tủy thị thần kinh (neuromyelitis optica – NMO) có liên quan đến kháng thể kháng aquaporin-4.
  • Các tác nhân gây nhiễm trùng mắt bao gồm virus (như herpes, HIV…), vi khuẩn (như giang mai, lao…), và nấm.
  • Các bệnh hệ thống toàn thân như Lupus ban đỏ hệ thống và bệnh u hạt (sarcoidosis) có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.
  • Một số loại thuốc điều trị như amiodarone, digoxin, chloroquine và các chất độc có trong thuốc lá, chế phẩm nicotin hay rượu bia có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác.
  • Tình trạng thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin B12 hoặc folate cũng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.

Teo dây thần kinh thị giác

Teo dây thần kinh thị giác (optic atrophy) xảy ra khi dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số II) bị tổn thương kéo dài, dẫn đến tình trạng thoái hóa và mất dần chức năng. Tình trạng này có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm:

  • Bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ.
  • Viêm dây thần kinh thị giác kéo dài.
  • Dây thần kinh thị giác bị tổn thương do tai nạn, chấn thương vùng đầu.
  • Tác dụng của thuốc hoặc chất độc.
  • Bẩm sinh (bệnh thần kinh thị giác di truyền Leber hay bệnh Leber).

Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi teo dây thần kinh thị giác là do bẩm sinh, các phương pháp điều trị hiện tại chỉ có thể làm chậm quá trình thoái hóa, nhưng khả năng mất thị lực hoàn là khó tránh khỏi.

Viêm tủy thị thần kinh

Viêm tủy thị thần kinh hay các rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh ( Neuromyelitis Optica Spectrum Disorder- NMOSD) là bệnh mạn tính hiếm gặp do tình trạng rối loạn tự miễn gây nên. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các cơ quan thần kinh do không thể phân biệt kháng nguyên gây hại và mô/tế bào lành tính của cơ thể. Từ đó.  ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là dây thần kinh thị giác và tủy sống.

Bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMOSD) thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới (tỷ lệ khoảng 80-90%) và thường bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh từ khoảng 30 đến 40 tuổi.

Cườm nước (glaucoma)

Cườm nước (glaucoma) là một nhóm bệnh về mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dây thần kinh kết nối mắt với não. Tổn thương này thường do áp lực trong mắt tăng cao, nhưng cũng có thể xảy ra với áp lực bình thường. Nếu không được điều trị, cườm nước có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Hầu hết bệnh nhân glaucoma (cườm nước) đều bị ảnh hưởng ở cả hai mắt, mặc dù mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau giữa hai bên. Trong phần lớn các trường hợp, nguyên nhân gây ra glaucoma không được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể dẫn đến bệnh glaucoma, bao gồm:

  • Viêm mắt, nhiễm trùng;
  • Khối u;
  • Đái tháo đường biến chứng trên mắt;
  • Sử dụng thuốc chứa chất kháng viêm corticoid trong thời gian dài.

Bệnh thần kinh thị giác di truyền Leber

Bệnh thần kinh thị giác di truyền Leber (LHON) là một bệnh di truyền hiếm gặp gây mất thị lực trung tâm, liên quan đến đột biến DNA ty thể. Ty thể là bào quan có chức năng chuyển đổi oxy và chất dinh dưỡng thành năng lượng (ATP) để duy trì hoạt động của tế bào. Khi ty thể bị đột biến, quá trình sản xuất năng lượng bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương và chết các tế bào thần kinh thị giác, gây ra tình trạng mất thị lực.

Tình trạng mất thị lực do bệnh Leber thường bắt đầu ở một mắt, sau đó lan sang mắt còn lại trong khoảng vài tuần đến vài tháng. Bệnh thường khởi phát ở giai đoạn đầu trưởng thành (20-30 tuổi), nhưng cũng có thể gặp ở lứa tuổi thiếu niên hoặc trung niên. Sau khoảng nửa năm, thị lực có thể suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến mất hoàn toàn khả năng nhìn ở vùng trung tâm.

Bệnh thần kinh thị giác di truyền Leber được di truyền từ mẹ sang con. Các yếu tố như hút thuốc lá và uống rượu bia có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Đáng chú ý, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.

Triệu chứng của dây thần kinh thị giác cần gặp bác sĩ

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn có thể đang mắc bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác nên khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị. Cụ thể:

  • Tầm nhìn ngoại vi (2 bên) bị thu hẹp;
  • Mờ mắt, nhìn không rõ hơn bình thường;
  • Đau nhức mắt, đặc biệt khi cử động mắt;
  • Gặp tình trạng song thị (diplopia), nhìn thấy một vật bị chia thành hai;
  • Cảm thấy có ánh sáng nhấp nháy trong mắt (photopsia);
  • Mất màu hoặc khó phân biệt màu sắc;
  • Đột ngột mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.

Song thị là tình trạng thị lực bị rối loạn, khiến cho người bệnh nhìn thấy một vật thể thành hai hình ảnh riêng biệt.
Song thị là tình trạng thị lực bị rối loạn, khiến cho người bệnh nhìn thấy một vật thể thành hai hình ảnh riêng biệt.

Phương pháp chẩn đoán và khám dây thần kinh thị giác

Để xác định bệnh lý dây thần kinh thị giác, bác sĩ có thể kết hợp khám tổng quát, kiểm tra đáy mắt và sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT hoặc MRI.

Quá trình khám lâm sàng để đánh giá chức năng dây thần kinh thị giác, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng đang gặp phải (thời gian xuất hiện, mức độ nghiêm trọng,…). Các triệu chứng thường gặp khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương bao gồm:

  • Xuất hiện điểm mù: Có một vùng trong tầm nhìn mà bạn không thể nhìn thấy.
  • Thị lực mờ: Tầm nhìn bị mờ đi, không liên quan đến các tật khúc xạ như cận thị.
  • Rối loạn màu sắc: Khó khăn trong việc phân biệt hoặc nhận biết màu sắc.
  • Song thị: Nhìn một vật thể thành hai hình ảnh.
  • Đau mắt, khó chịu ở mắt, đau đầu: Các cảm giác khó chịu ở vùng mắt hoặc đầu.
  • Cảm giác buồn nôn.
  • Quáng gà khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu.
  • Thấy chớp sáng: Nhìn thấy các tia sáng hoặc đốm sáng nhấp nháy.
  • Mất tầm nhìn ngoại vi hoặc mất thị lực hoàn toàn. 

Soi đáy mắt là một phương pháp quan trọng giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý liên quan đến dây thần kinh thị giác, ví dụ như teo dây thần kinh thị giác hoặc phù gai thị. Nếu cần thêm thông tin, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm như: 

  • Chụp OCT (Optical Coherence Tomography): Phương pháp này giúp phát hiện các tổn thương ở lớp sợi thần kinh võng mạc.
  • Chụp MRI hoặc CT: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm, chèn ép hoặc các tổn thương khác ở dây thần kinh thị giác.
  • Điện võng mạc (ERG) và điện thần kinh thị giác (VEP): Các xét nghiệm này giúp đo lường và đánh giá chức năng dẫn truyền của dây thần kinh thị giác.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện các bệnh nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc các rối loạn chuyển hóa. 

Đột ngột mù màu hoặc nhìn thấy sai lệch màu là dấu hiệu nguy hiểm, cần được chẩn đoán và điều trị sớm để bảo vệ thị lực.
Mù màu hoặc nhìn thấy sai lệch màu là dấu hiệu cần được chẩn đoán và điều trị sớm để bảo vệ thị lực.

Phương pháp phục hồi dây thần kinh thị giác

Việc điều trị các bệnh lý thần kinh thị giác sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu cần thiết. Bên cạnh đó, để bảo vệ dây thần kinh thị giác và hỗ trợ quá trình phục hồi, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Khám mắt định kỳ: Ngay cả khi bạn không có các vấn đề về thị lực, việc kiểm tra mắt định kỳ vẫn rất quan trọng.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Tăng cường sức khỏe của mắt và dây thần kinh bằng cách bổ sung các vitamin A, E, B1, B6, B12, magie,…
  • Tránh hút thuốc: Hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử, gây hại cho dây thần kinh thị giác.
  • Bảo vệ đầu và mắt: Đeo kính bảo hộ, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ gây chấn thương.
  • Kiểm soát các bệnh lý nền: Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh liên quan đến lưu thông máu như tiểu đường và cao huyết áp.

Dây thần kinh thị giác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thị giác của con người. Bất kỳ tổn thương nào đối với dây thần kinh thị giác đều có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực, thậm chí mù lòa. Do đó, việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho đôi mắt, đặc biệt là dây thần kinh thị giác, là vô cùng quan trọng.

Khuyến cáo y khoa: Các bài viết của Phòng khám Đa khoa Phương Nam chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ