Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng như tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra máu, đau âm ỉ vùng bụng dưới,… thì rất có thể bạn đã mắc bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Nội soi bàng quang sẽ cho phép các bác sĩ thăm khám bên trong hệ tiết niệu nói chung và bàng quang nói riêng một cách trực quan nhất. Hãy cùng Đa khoa Phương Nam tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết này nhé!
Nội soi bàng quang là một phương pháp thăm khám bên trong bàng quang và hệ tiết niệu bằng cách dẫn một ống rỗng đã gắn camera ở đầu thiết bị đi xuyên qua niệu đạo.
Kỹ thuật này hoạt động dựa trên nguyên lý là mọi dữ liệu hình ảnh từ thiết bị nội soi được phóng đại lên nhiều lần rồi truyền ra màn hình ti vi bên ngoài, giúp bác sĩ quan sát rõ bên trong niêm mạc bàng quang cũng như hệ tiết niệu một cách rõ ràng nhất.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân vẫn chưa biết rõ kỹ thuật nội soi bàng quang qua đường nào. Câu trả lời mà bác sĩ cung cấp là niệu đạo. Niệu đạo về cơ bản là ống dẫn nước tiểu từ cơ thể đi ra bên ngoài và nó cũng là đường dẫn cho dụng cụ ống nội soi đi vào bên trong bàng quang. Thông qua đường ngã niệu đạo mà thiết bị nội soi được đưa vào, sau đó từ từ tiến tới bàng quang một cách dễ dàng.
Chỉ định thực hiện nội soi bàng quang
Bác sĩ thường chỉ định nội soi bàng quang để tìm ra những nguyên nhân bệnh lý như:
Chẩn đoán bệnh lý tại bàng quang và các cơ quan lân cận
Hội chứng rối loạn đường tiểu dưới: Rối loạn tiểu tiện (tiểu khó, tiểu đau, kích thích đi tiểu, tiểu mất kiểm soát), nhiễm trùng đường tiểu thường xuyên, bàng quang tăng hoạt, bàng quang hỗn loạn thần kinh, đau mạn tính vùng chậu, viêm bàng quang kẽ, đau mạn tính vùng chậu, hẹp cổ bàng quang, niệu đạo.
Tiểu ra máu: Chẩn đoán bệnh lý cụ thể trong trường hợp tiểu máu đại thể (mắt thường có thể trông thấy), tiểu máu vi thể (tế bào máu được phát hiện trên xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và cặn lắng nước tiểu), tiểu máu tái phát nhiều lần.
Xác định khối u ác tính: Tầm soát, kiểm tra khối u bàng quang, niệu đạo, niệu mạc đường tiểu trên, xét nghiệm tế bào học nước tiểu. Trong những trường hợp có khối u ở vùng chậu, nội soi bàng quang chẩn đoán giúp khảo sát sự xâm lấn, chèn ép của khối u lên niệu quản và bàng quang. Khi tiến hành nội soi, bác sĩ có thể đưa thiết bị vào bàng quang, niệu quản để lấy mẫu mô sinh thiết. Đồng thời phương pháp này cũng giúp theo dõi sau điều trị u bàng quang thể nông (giai đoạn sớm).
Hỗ trợ chụp niệu quản bể thận ngược dòng: Với thủ thuật nội soi, bác sĩ có thể bơm thuốc cản quang vào mỗi bên niệu quản dẫn tới bể thận. Phim chụp X quang thu được giúp bác sĩ đánh giá các vấn đề của bể thận và niệu quản.
Lấy nước tiểu niệu quản để phục vụ cho mục đích xét nghiệm: Mẫu nước tiểu được lấy từ niệu quản thông qua nội soi bàng quang – niệu quản giúp bác sĩ xác định rõ tình trạng nhiễm trùng hoặc khối u liên quan tới mỗi bên thận.
Các chỉ định khác:
+ Chấn thương bàng quang, mẫu nước tiểu xuất hiện những tế bào bất thường.
+ Xuất tinh có máu.
+ Vô tinh do tắc nghẽn.
+ Nghi ngờ bị lao niệu – sinh dục.
+ Trào ngược niệu quản – bàng quang.
+ Nang niệu quản.
+ Rò bàng quang – âm đạo.
+ Rò bàng quang – ruột.
+ Có dấu hiệu bất thường về giải phẫu cũng như cấu trúc của đường tiểu dưới (túi thừa niệu đạo, túi thừa bàng quang, van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo, sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, dị vật trong lòng bàng quang,…).
Nếu kết quả nội soi bàng quang vẫn không phát hiện ra vấn đề bất thường thì nó cũng giúp loại trừ một số nguyên nhân bệnh lý. Thêm vào đó, kỹ thuật này còn được sử dụng để theo dõi diễn tiến của bệnh hoặc đánh giá kết quả điều trị.
Nội soi điều trị bệnh lý ở bàng quang
Loại bỏ soi hay dị vật có trong bàng quang: Nhờ kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành lấy ra những viên sỏi, dị vật ở bàng quang, đặc biệt là khi sỏi kẹt ở khu vực niệu quản (vị trí cao và khó lấy hơn).
Cắt polyp hoặc khối u ở bàng quang: Kỹ thuật nội soi cũng giúp lấy ra, loại bỏ polyp nhỏ hoặc khối u từ lớp niêm mạc bàng quang.
Đặt ống thông tiểu: Bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống thông nhỏ vào trong niệu quản bị hẹp thông qua kỹ thuật nội soi, hỗ trợ thông nước tiểu cho người bệnh.
Điều trị u xơ tiền liệt tuyến, viêm: Phương pháp nội soi bàng quang giúp bác sĩ thực hiện cắt đốt tiền liệt tuyến thông qua một thiết bị phẫu thuật nội soi đặc biệt. Qua đó, từng mẫu mô tiền liệt tuyến sẽ bị cắt bỏ và được đưa ra ngoài.
Chống chỉ định nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang chống chỉ định với những đối tượng sau đây:
Viêm niệu đạo cấp.
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính.
Viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn cấp.
Sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Rối loạn đông máu.
Các phương pháp nội soi bàng quang
Trong lĩnh vực y học hiện đại, có hai hình thức nội soi bàng quang khác nhau là nội soi bằng ống mềm và nội soi bằng ống cứng.
Thường thì, nội soi bàng quang bằng ống mềm được sử dụng để chẩn đoán bệnh, trong khi đó nội soi bàng quang bằng ống cứng dùng cho mục đích điều trị bệnh. Việc lựa chọn phương pháp nội soi bằng ống cứng hay ống mềm phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, yêu cầu của bệnh nhân và mục đích thăm khám, điều trị từ bác sĩ.
Nội soi bàng quang bằng ống mềm
Định nghĩa: Phương pháp nội soi bàng quang bằng ống mềm là kỹ thuật sử dụng ống nội soi mềm, có khả năng uốn cong và thích nghi với hình dạng niệu đạo khi đưa vào cơ thể. Thủ thuật này được thực hiện ngay cả khi bệnh nhân tỉnh táo mà không cần phải gây mê, giảm thiểu đau đớn.
Đặc điểm: Nội soi bàng quang bằng ống mềm có đặc tính linh hoạt, “thân thiện” với bệnh nhân và dễ dàng được thực hiện trong bất kỳ tư thế nào. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp bác sĩ thăm khám tốt hơn ở những vùng bàng quang hẹp hay có nhiều góc khuất.
Nội soi bàng quang bằng ống cứng
Định nghĩa: Kỹ thuật nội soi bàng quang bằng ống cứng là phương pháp đưa vào niệu đạo một ống nội soi cứng, không thể uốn cong, để sử dụng làm kênh dẫn truyền các dụng cụ y khoa khác vào bàng quang nhằm lấy mẫu sinh thiết hoặc cắt bỏ khối u (nếu có).
Đặc điểm:
Phương pháp nội soi bằng ống cứng giúp bác sĩ chủ động điều chỉnh hướng quan sát của đầu soi theo các góc tùy thích, hỗ trợ tối ưu cho công tác thăm khám và điều trị. Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân thường được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân (nếu cần).
Tại sao cần nội soi bàng quang?
Bạn cần thực hiện nội soi bàng quang để giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm, phát hiện và điều trị những bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu một cách hiệu quả, cụ thể:
Chẩn đoán
Quy trình nội soi bàng quang nhằm mục đích chẩn đoán thường kéo dài 5 – 15 phút, giúp bác sĩ xác định được:
Những vấn đề liên quan tới việc rối loạn tiểu tiện.
Hiện tượng bí tiểu: Bàng quang không thể thải hết nước và bệnh nhân thường xuyên mắc tiểu.
Hiện tượng són tiểu: Người bệnh mất kiểm soát dòng nước tiểu, rỉ nước ra ngoài mà không biết.
Hiện tượng tiểu buốt: Gây đau rát thậm chí là xuất hiện dị vật, tế bào bất thường và máu trong nước tiểu.
Các vấn đề bất thường liên quan đến bàng quang, niệu quản và niệu đạo.
Viêm và nhiễm trùng: Phát hiện những ổ viêm nhiễm khuẩn và vùng bất thường.
Xác định vùng hẹp hay rò rỉ: Tầm soát tại chỗ hẹp niệu đạo hay vết rò rỉ ở hệ tiết niệu.
Vấn đề liên quan tới giới tính: Xuất tinh ra máu mà không biết lý do, phì đại tuyến tiền liệt ở nam hay tình trạng đau vùng bụng dưới âm ỉ, vùng xương chậu ở phụ nữ.
Điều trị
Thời gian thực hiện nội soi bàng quang trong giai đoạn điều trị thường từ 15 – 30 phút. Sau khi bệnh lý đã được chẩn đoán, nội soi bàng quang tiếp tục sử dụng để:
Lấy mẫu nước tiểu: Lấy nước tiểu ở niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) để phân tích chuyên sâu khi cần.
Lấy các mô ở niêm mạc bàng quang hoặc niệu đạo: Điều này giúp phục vụ cho quá trình sinh thiết hoặc kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Hỗ trợ quá trình tiêm thuốc nhuộm cản quang (Contrast Agent) để theo dõi dòng chảy của nước tiểu khi chụp X-Quang, phát hiện ra chính xác điểm rò rỉ hay tắc nghẽn.
Tiêm thuốc trám rò rỉ: Nội soi bàng quang giúp ngăn sự rò rỉ nước tiểu ở bất kỳ phần nào trong hệ tiết niệu.
Gây tê trước khi tiểu phẫu: Bác sĩ tiến hành bơm gel gây tê cục bộ vào vùng niệu đạo để giảm đau hoặc sự khó chịu trong lúc thực hiện những thủ tục khác.
Tiểu phẫu: Nội soi bàng quang cũng giúp cắt bỏ sỏi bàng quang, mô bất thường, polyp hoặc khối u.
Quy trình nội soi bàng quang như thế nào?
Quy trình thực hiện nội soi bàng quang diễn ra 4 giai đoạn:
Chuẩn bị ra sao?
Tùy vào loại hình gây mê khi tiến hành nội soi bàng quang mà người bệnh cần chuẩn bị:
Nội soi không gây tê: Thường được sử dụng cho nội soi bàng quang sử dụng ống mềm. Trong trường hợp này, bạn không cần phải nhập viện mà chỉ cần đăng ký khám ngoại trú và trở về nhà trong ngày.
Nội soi có tiêm chất tê hoặc gây mê: Thường được sử dụng cho nội soi bàng quang sử dụng ống cứng. Trong trường hợp này, bạn cần phải ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Vì vậy, bạn nên có người thân đi cùng tiện cho việc chăm sóc và đưa bạn về nhà sau khi xét nghiệm hoàn tất.
Ngoài những hướng dẫn trên, bạn cần chấp hành nghiêm ngặt các chỉ định chung khác từ bác sĩ trước khi thực hiện nội soi bàng quang, chẳng hạn như:
Nhịn ăn và uống: Trước khi gây tê, bạn thường được yêu cầu không ăn uống để đảm bảo vệ sinh hệ tiết niệu và chuẩn bị sẵn sàng cho quy trình nội soi.
Kiểm tra nước tiểu: Xác định xem bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu không. Nếu có, bạn cần được điều trị nhiễm trùng đường tiểu trước khi thực hiện nội soi.
Sử dụng kháng sinh: Hãy sẵn sàng uống kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng trước và sau khi thực hiện nội soi.
Quản lý thuốc: Mang theo ghi chú về các loại thuốc, thực phẩm bổ sung cần uống và thời điểm uống phù hợp.
Chuẩn bị tinh thần: Hãy sẵn sàng về việc bác sĩ có thể lấy mẫu mô tiến hành sinh thiết (giai đoạn chuẩn đoán) hoặc sử dụng các dụng cụ y tế khác kèm theo ống nội soi để phẫu thuật bàng quang (giai đoạn điều trị).
Ngừng sử dụng thuốc làm tan máu: Ví dụ như Aspirin và Warfarin hoặc tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đang mang thai: Hãy báo cho bác sĩ biết ngay vì thuốc gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Thực hiện
Quy trình nội soi bàng quang bao gồm 9 bước:
Bước 01: Làm rỗng bàng quang
Trước khi tiến hành nội soi, bác sĩ yêu cầu người bệnh đi tiểu để đảm bảo bàng quang rỗng.
Bước 02: Điều chỉnh tư thế
Tư thế nằm của người bệnh sẽ phụ thuộc vào loại ống soi mà bác sĩ sử dụng:
Nếu sử dụng ống mềm: Bác sĩ không yêu cầu tư thế đặc biệt mà sẽ chỉ dẫn người bệnh tìm tư thế thoải mái nhất.
Nếu sử dụng ống cứng: Người bệnh nằm ngửa, đầu gối nâng lên và mở rộng 2 bên. Chân có thể kiễng rộng một chút.
Bước 03: Tiêm thuốc gây mê hoặc an thần (nếu có)
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ tiêm thuốc an thần hoặc chất gây mê qua tĩnh mạch trên cánh tay của người bệnh.
Với thuốc an thần: Người bệnh vẫn giữ được nhận thức, chỉ cảm thấy chút buồn ngủ nhưng nhìn chung vẫn rất thư giãn.
Với chất gây mê: Bệnh nhân sẽ không nhận thức gì trong quá trình nội soi, cảm giác như một giấc ngủ sâu trong suốt quá trình.
Bước 04: Bôi trơn niệu đạo
Trước khi đưa ống soi vào bàng quang, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel gây tê vào niệu đạo để giảm đau cho người bệnh.
Bước 05: Đưa ống soi vào bàng quang
Bác sĩ đưa ống soi vào niệu đạo và đẩy ống đến bàng quang, sau khi chờ đợi một vài phút để thuốc tê phát huy tác dụng. Ban đầu sử dụng ống soi có đường kính nhỏ nhất, sau đó tăng dần đường kính ống soi nhằm đưa các dụng cụ y khoa khác vào bàng quang phục vụ công tác lấy mẫu mô hoặc phẫu thuật (nếu cần).
Bước 06: Bác sĩ thăm khám
Ở bước này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để xem lớp niêm mạc của bàng quang. Hình ảnh và video từ ống soi thường được hiển thị lên màn hình gần đó. Bác sĩ sẽ quan sát màn hình, tiến hành chẩn đoán, điều trị tùy thuộc vào tình trạng bàng quang.
Bước 07: Làm căng bàng quang
Ở bước này, bác sĩ tiến hành bơm một dung dịch vô trùng hoặc nước muối sinh lý vào bàng quang của bạn thông qua ống nội soi. Dung dịch này sẽ làm căng và đầy bàng quang để bác sĩ dễ dàng nhìn thấy lớp niêm mạc ở mọi góc độ. Bạn có thể cảm thấy rất buồn tiểu sau khi quá trình nội soi bàng quang kết thúc, bác sĩ thường khuyến khích bạn đi tiểu ngay lập tức.
Bước 08: Lấy mẫu mô (nếu cần)
Nếu lớp niêm mạc bên trong của bàng quang có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để cắt một mảnh nhỏ rồi gửi đến phòng thí nghiệm phân tích.
Bước 09: Làm sạch bàng quang
Ở bước này, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra ngoài và giúp bạn xả hết chất lỏng trong bàng quang ra (nếu bạn đang ngủ do thuốc mê), hoặc bạn được yêu cầu vào nhà vệ sinh để tự xả hết chất lỏng đã bơm vào bàng quang.
Sau khi soi bàng quang
Bằng nội soi bàng quang bằng ống mềm:
Sau khi hoàn tất nội soi: Bạn thường có thể xuất viện ngay trong ngày và nhanh chóng quay trở lại các hoạt động bình thường như làm việc, tập thể dục hay quan hệ tình dục (nếu bạn cảm thấy thoải mái).
Uống nhiều nước: Trong 120 phút đầu tiên sau khi nội soi, bạn nên cố gắng uống 475 ml nước để giúp loại bỏ bất kỳ chất lỏng còn lại trong bàng quang và hỗ trợ sự phục hồi của niêm mạc. Bạn cũng nên tránh uống nước có gas, cà phê, rượu, các đồ uống chứa Caffeine trong vòng 24 giờ sau khi nội soi.
Với quá trình nội soi bàng quang bằng ống cứng:
Sau khi kết thúc, bạn sẽ được chuyển đến khu vực phòng hồi sức.
Bác sĩ sẽ đặt một ống nhựa mỏng (gọi là ống thông tiểu) vào niệu đạo của bạn để đảm bảo việc thải nước. Ống này được rút ra trước khi bạn ra viện.
Sau khi xuất viện, bạn cần chú ý:
Uống nước thật nhiều để đẩy hết chất tồn đọng ra khỏi bàng quang.
Bạn cũng nên uống thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không Steroid và chăm sóc vùng niệu đạo bị đau bằng cách chườm khăn ấm lên vùng đó.
Nếu được phép, bạn có thể tắm với nước ấm hoặc ngâm bồn nước ấm để thư giãn, trừ khi bác sĩ khuyến cáo tránh nước.
Kết quả
Sau nội soi bàng quang, bác sĩ thường trả kết quả chẩn đoán, điều trị cho bạn ngay trong ngày. Tuy nhiên, nếu cần lấy mẫu mô thì kết quả xét nghiệm sẽ lâu hơn và được gửi cho bạn sau vài ngày.
Các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra sau khi nội soi bàng quang
Thường thì nội soi bàng quang là kỹ thuật an toàn và hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau nội soi bàng quang vẫn có thể xảy ra một số tác dụng phụ mà bạn cần lưu ý như:
Chảy máu: Nội soi bàng quang có thể gây chảy máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, chảy máu nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, thường chỉ xuất hiện một chút máu hồng nhạt từ máu.
Đau rát: Sau khi nội soi, có thể bạn sẽ cảm thấy tiểu rát và đau bụng dưới âm ỉ. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường giảm dần trong 48 giờ sau phẫu thuật.
Đi tiểu nhiều lần: Trong 48 giờ sau khi nội soi, có thể bạn sẽ cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp hơn bình thường.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng sau khi nội soi bàng quang, bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay khoa cấp cứu gần nhất, bao gồm:
Không thể đi tiểu hoặc đi tiểu ít hơn bình thường sau khi nội soi bàng quang.
Nước tiểu chứa quá nhiều máu, có màu đỏ tươi hoặc xuất hiện máu đông đỏ sẫm.
Đau bụng dưới kéo dài hơn 48 giờ sau khi nội soi, cảm giác buồn nôn kéo theo.
Sốt cao hơn 38,5 độ C.
Đau rát khi đi tiểu kéo dài hơn 48 giờ sau khi nội soi vẫn không giảm.
Các câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi thường gặp đối với phương pháp nội soi bàng quang:
Nội soi bàng quang có đau không?
Việc thực hiện nội soi bàng quang không gây đau. Thông thường, quá trình này chỉ gây ra cảm giác khó chịu nhưng sẽ nhanh chóng hết.
Đối với nội soi bằng ống mềm: Bác sĩ sử dụng gel gây tê cục bộ để làm tê niệu đạo, do đó bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ sự khó chịu nào khi ống nội soi được đưa vào.
Đối với nội soi bằng ống cứng: Quá trình này được thực hiện khi bạn đang ngủ (gây mê) hoặc bị gây tê tủy sống (làm tê nửa người dưới), do đó bạn sẽ không cảm thấy đau khi tiến hành nội soi.
Chi phí nội soi bàng quang
Trung bình, chi phí nội soi bàng quang dao động từ 200.000 VNĐ tới 11.000.000 VNĐ tùy theo:
Địa điểm thăm khám: Các bệnh viện lớn, uy tín thường có chi phí cao hơn. Tuy nhiên nơi đây sẽ được trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia bác sĩ giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn.
Phương pháp nội soi: Nội soi bàng quang được thực hiện bằng ống soi cứng hay mềm, có gây mê hay không.
Mục đích nội soi: Nội soi bàng quang để chẩn đoán hay điều trị? Nếu điều trị thì mục tiêu điều trị là gì, chẳng hạn như nội soi lấy niệu sỏi đoạn sát bàng quang, nội soi bàng quang đặt UPR, đặt Catheter niệu quản.
Các gói bảo hiểm xã hội, y tế, sức khỏe khác mà bạn có.
Vì thế, chi phí nội soi bàng quang cuối cùng mà bạn phải trả có thể sẽ dao động cao hơn hoặc thấp hơn mức trên một chút.
Nội soi bàng quang mất bao lâu để hồi phục?
Sau quá trình nội soi bàng quang, thường cần mất từ 1 – 2 ngày để phục hồi hoàn toàn. Nếu sau 2 ngày bạn vẫn không hồi phục, cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến khoa cấp cứu gần nhất.
Nội soi bàng quang là một kỹ thuật y tế đơn giản và đạt hiệu quả cao. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như rối loạn tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu gắt, đau âm ỉ vùng bụng dưới,… bạn không nên chủ quan hay lo lắng, hãy tiến hành nội soi bàng quang ngay để được lên phác đồ điều trị sớm nhất. Nếu có câu hỏi khác cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 1900 633 698 hoặc 0868 666 968.