Xét Nghiệm Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu Gồm Những Gì?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Xét Nghiệm Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu Gồm Những Gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng sáu 1, 2022

Xuất huyết tiểu cầu là một loại bệnh miễn dịch, làm cơ thể bị chảy máu dễ dàng chỉ với tác động nhẹ. Khi chuyển biến nặng, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, ngay khi có triệu chứng, bệnh nhân cần được bác sĩ xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu để chẩn đoán và đưa ra phương hướng chữa trị nhanh chóng. Bạn hãy cùng Đa khoa Phương Nam tìm hiểu về hình thức xét nghiệm này trong bài viết dưới đây nhé!

Triệu chứng và dấu hiệu xuất huyết giảm tiểu cầu

xet-nghiem-xuat-huyet-giam-tieu-cau-1
Xuất huyết giảm tiểu cầu có một số triệu chứng và dấu hiệu điển hình

Trước khi tìm hiểu về hình thức xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu, chúng ta cần biết triệu chứng và dấu hiệu của bệnh lý này trước. Xuất huyết giảm tiểu cầu có một số triệu chứng và dấu hiệu điển hình như:

  • Thường bị xuất huyết dưới da (dạng đám xuất huyết, mảng, nốt, chấm).
  • Các nốt xuất huyết đa hình thái và màu sắc như xanh vàng, tím, đỏ,…
  • Phân đen, rong kinh, nôn ra máu, chảy máu mũi, chân răng,… 
  • Gan, hạch ngoại vi không to.

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu là gì? Máu là một loại dịch bên trong cơ thể gồm có huyết tương và những thành phần tế bào như tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu. Trong đó, tiểu cầu có chức năng ngăn cản sự chảy máu, giúp đông máu khi xuất hiện vết thương. Lúc cơ thể bị ký sinh trùng, vi trùng, virus,… xâm nhập thì tế bào bạch cầu sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại. 

Nếu bị bệnh tự miễn, cơ thể sẽ nhận lầm một cơ quan nào đó của chính bản thân là vật lạ, từ đó sinh ra chất kháng thể để chống lại. Ở trường hợp này, kháng thể chống lại tiểu cầu sẽ được sinh ra. Chúng gắn vào tế bào tiểu cầu và tiến hành phá hủy nó. Thế nên hàm lượng tiểu cầu trong máu sẽ bị giảm, khiến cơ thể dễ chảy máu dù chỉ chịu tác động nhỏ. Tình trạng trên được gọi là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hay xuất huyết giảm tiểu cầu.

Nhiều người mắc bệnh nhưng lại không có dấu hiệu nào. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số loại xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và chữa trị từ sớm. Vậy xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu gồm những gì?

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu gồm những gì?

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu gồm những gì là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

 Xét nghiệm tổng phân tích máu tế bào ngoại vi

Xét nghiệm này được thực hiện với mục đích xem xét:

  • Số lượng bạch cầu, huyết sắc tố, hồng cầu và công thức bạch cầu.
  • Số lượng tiểu cầu giảm.

 Xét nghiệm tủy đồ

Đây là hình thức xét nghiệm quan trọng để phát hiện bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Bác sĩ sẽ quan sát tế bào bằng cách rút dịch tủy xương rồi soi dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ dùng thuốc gây tê tại chỗ vì phương pháp này thường gây đau đớn. Xét nghiệm tủy đồ sẽ giúp:

  • Xem xét số lượng tiểu cầu.
  • Theo dõi mật độ của tế bào.
  • Xem xét dòng bạch cầu và hồng cầu có phát triển bình thường hay không.
  • Phát hiện ra tế bào ác tính.

 Một số xét nghiệm khác

Để chẩn đoán nguyên nhân và phân biệt tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu với những bệnh lý khác, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm miễn dịch: LE cell, FT4, FT3, TSH, ANA,…
  • Xét nghiệm vi sinh: Anti HCV, HBsAG, Anti HIV,…
  • Xét nghiệm khác nếu xuất hiện thêm dấu hiệu thiếu máu: Bilirubin, Ferritin, LDH, sắt huyết thanh, hồng cầu lưới,…

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu phát hiện bệnh thì có chữa khỏi không?

Tiểu cầu là yếu tố quan trọng trong cơ thể, hỗ trợ tích cực cho việc đông máu. Thế nên khi số lượng tiểu cầu quá thấp, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa. Vì dễ gây ra hiện tượng xuất huyết tự nhiên hay lúc có va chạm nhẹ. Ở mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết đường niệu, tiêu hóa, màng não,… Tỷ lệ phục hồi cao hay thấp sẽ còn tùy vào diễn biến bệnh và thể trạng của người bệnh. Khi xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ đề ra một số phương pháp điều trị như:

  • Dùng thuốc nhóm Rituximab, Corticoid, thuốc kích thích gia tăng tiểu cầu.
  • Cắt lách.
  • Phẫu thuật hay làm thủ thuật xâm lấn phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

xet-nghiem-xuat-huyet-giam-tieu-cau-3

Sau khi làm xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ đề ra phương pháp chữa trị hiệu quả, cụ thể như sau:

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở người lớn

Điều trị đặc hiệu

Có thể chọn những loại thuốc sau:

 Corticoid (Methylprednisolone): Được khuyến nghị là loại thuốc chữa trị “đầu tay” cho người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn (trừ trường hợp chống chỉ định với Corticoid). 

Liều dùng: 1 – 2 mg/kg/ngày.

  • Giảm liều dần (30% liều/tuần) nếu bệnh nhân có đáp ứng (số lượng tiểu cầu tăng lên lớn hơn hoặc bằng 50 g/l).
  • Giảm liều (30% liều/tuần) và xem xét kết hợp thêm những loại thuốc khác nếu trong vòng 3 tuần người bệnh không có đáp ứng.

Liều duy trì ở mỗi bệnh nhân sẽ rất khác nhau vì mang tính “cá thể” cao. Do đó, bác sĩ cần xác định liều dùng phù hợp cho từng bệnh nhân để đạt được sự cân bằng giữa các tác dụng phụ của Corticoid và hiệu quả điều trị. 

Khi số lượng tiểu cầu của người bệnh trở về mức bình thường thì nên chữa trị duy trì với mức thấp (uống Methylprednisolone 4 mg/ngày) trong 1 năm. Sau đó có thể dừng sử dụng Corticoid và tiếp tục theo dõi.

*Lưu ý một số tác dụng phụ của Corticoid: Loãng xương, tăng đường huyết, loét dạ dày tá tràng, hội chứng giả Cushing,…

 Những loại thuốc ức chế miễn dịch khác: Nếu trong vòng 3 tuần người bệnh không có đáp ứng thì nên kết hợp với một trong số các loại thuốc dưới đây:

Cyclophosphamide: Chỉ định: Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch không đáp ứng điều trị Corticoid. Liều dùng: Uống 50 – 200 mg/ngày trong 4 – 8 tuần. Khi số lượng tiểu cầu trở về mức bình thường thì giảm liều dần và duy trì điều trị 50 mg/ngày trong 3 tháng. Sau đó bệnh nhân có thể dừng thuốc và tiếp tục theo dõi.

Vinca alkaloids (Vinblastin, Vincristin): Chỉ định: Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch điều trị Corticoid thất bại. Liều dùng: Truyền tĩnh mạch Vincristin 1 – 2 mg 1 lần/tuần, kéo dài ít nhất 3 tuần. Truyền tĩnh mạch Vinblastin 0,1 mg/kg 1 lần/tuần, kéo dài ít nhất 3 tuần.

Azathioprin (Imurel): Đây là loại thuốc có công dụng ức chế miễn dịch. Nhờ đó làm giảm hiện tượng thực bào tiểu cầu gắn kháng thể kháng tiểu cầu. Đồng thời làm giảm sản xuất kháng thể kháng tiểu cầu. Liều dùng: 50 – 250 mg/ngày và kéo dài ít nhất 4 tháng.

*Lưu ý: Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là làm giảm bạch cầu và gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch (IVIg): Thường được sử dụng trong trường hợp người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tái phát, có chống chỉ định dùng Corticoid, giảm tiểu cầu nghiêm trọng, cấp tính. Liều dùng: Tiêm tĩnh mạch 1 gam/kg/ngày (2 ngày) hoặc 0,4 gam/kg/ngày (5 ngày) sao cho đạt tổng liều là 2 gam/kg. Liều đơn duy trì: 0,5 – 1 gam/kg. 

*Nhược điểm: Sau khi xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu phát hiện ra bệnh, Globulin miễn dịch thường không được bác sĩ lựa chọn ban đầu để điều trị cho người lớn. Trừ khi xuất hiện tình trạng chảy máu nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Và sau đó thường phải kết hợp dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác.

Anti-(Rh) D: 

  • Anti-(Rh) D sở hữu lượng lớn kháng thể chống kháng nguyên của hồng cầu.
  • Chỉ định: Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu không đáp ứng với Corticoid và đang đối mặt với tình trạng xuất huyết nặng, đe dọa đến tính mạng hoặc bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Anti-(Rh) D không được chỉ định cho bệnh nhân Rh (-) và có hiệu quả rất thấp trong trường hợp đã cắt lách. 
  • Khi điều trị Anti-(Rh) D, nồng độ Haptoglobin trong huyết tương sẽ giảm và có kết quả xét nghiệm Coombs dương tính. Có thể xuất hiện tình trạng tan máu nhẹ hoặc thoáng qua nhưng không cần truyền máu. Bên cạnh đó cũng có thể gặp trường hợp tan máu nặng.
  • Liều đơn độc được khuyến nghị: Tiêm tĩnh mạch 50 – 100 mg/kg trong 3 – 5 phút.
  • Tác dụng phụ: Phản ứng quá mẫn, đau cơ, chóng mặt, tiêu chảy, đau bụng, sốt, rét run, nôn, buồn nôn, đau đầu,… 

Danazol: Liều dùng: Khoảng 400 – 800 mg/ngày, dùng tối thiểu trong vòng 6 tháng, tỷ lệ đáp ứng từ 10 – 80%. Thường được bác sĩ chỉ định kết với những loại thuốc ức chế miễn dịch khác và có đáp ứng chậm.

Rituximab: Chỉ định: Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tái phát. Liều dùng: 375 mg/m2 da/lần/tuần x 4 tuần, áp dụng trong 1 đợt điều trị. 

 Cắt lách: Chỉ định: Trong trường hợp:

  • Người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch tái phát nhiều lần hoặc điều trị 6 tháng bằng Corticoid và những loại thuốc miễn dịch khác thất bại. 
  • Bệnh nhân tự nguyện.
  • Không có bệnh nội khoa kèm theo.
  • Tình trạng sinh mẫu tiểu cầu trong tủy vẫn còn tốt.

Trường hợp cắt lách không đáp ứng thì tiếp tục chữa trị trở lại bằng Corticoid và những loại thuốc ức chế miễn dịch khác.

*Lưu ý:

  • Trước khi cắt lách 2 tuần nên tiêm phòng các bệnh: Haemophilus influenzae type B, Meningococcus, Pneumococcus,…
  • Sau khi cắt lách uống thuốc kháng sinh dự phòng (Erythromycin, Penicillin V,…).
  • Bệnh nhân cần điều trị IVIg hoặc Corticoid trước phẫu thuật nếu có số lượng tiểu cầu < 50 g/l đặc biệt < 30 g/l. Việc này giúp nâng cao hàm lượng tiểu cầu đồng thời làm giảm tối đa nguy cơ bị chảy máu trong và sau phẫu thuật. 
  • Truyền khối tiểu cầu trong và trước phẫu thuật để làm giảm nguy cơ chảy máu.

Điều trị hỗ trợ

 Truyền khối tiểu cầu: Chỉ định khi trên lâm sàng có biến chứng xuất huyết. Hoặc không có biến chứng xuất huyết nhưng lượng tiểu cầu < 20 g/l.

  • Ưu tiên truyền khối tiểu cầu được gạn tách từ một người cho. Còn được gọi là khối tiểu cầu “máy”.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định truyền khối tiểu cầu pool (được tách từ nhiều người cho máu) nếu không có khối tiểu cầu “máy”. Để nhanh chóng làm giảm nguy cơ xuất huyết nghiệm trọng, ngay từ đầu nên truyền khối lượng lớn, có thể lên đến 6 – 8 đơn vị/ngày.

 Truyền khối hồng cầu: Khi có tình trạng thiếu máu.

Trao đổi huyết tương: Thường áp dụng ở trường hợp diễn biến cấp tính, xuất huyết nặng, có thể kèm theo những bệnh lý khác như tan máu miễn dịch, viêm gan,… Mục đích là nhanh chóng làm giảm lượng kháng thể kháng tiểu cầu trong máu bệnh nhân.

 Tranexamic Axit: 

  • Có thể dùng cả đường tiêm và uống.
  • Liều dùng: Khoảng 250 – 500 mg/lần x 3 – 4 lần/ngày.
  • Trường hợp người bệnh có số lượng tiểu cầu sụt giảm nhiều và xuất huyết nghiêm trọng: Tiến hành truyền tĩnh mạch với liều 0,1 gam/kg/30 phút đầu. Sau đó truyền liên tục trong 0,5 – 1 gam/h đến khi ngừng xuất huyết.
  • Chống chỉ định: Người bệnh đi tiểu ra máu.

Điều trị bệnh nhân có số lượng tiểu cầu giảm nặng (< 10 g/l) và xuất huyết nghiêm trọng

  • Tiến hành truyền khối tiểu cầu. Thường truyền 1 đơn vị/lần/ngày và ưu tiên khối tiểu cầu “máy”.
  • Corticoid liều cao: Truyền tĩnh mạch Methylprednisolone 1 gam/ngày (3 ngày).  
  • Hoặc IVIg: Liều dùng: Tiêm tĩnh mạch 1 gam/kg/ngày (2 ngày) hoặc 0,4 gam/kg/ngày (5 ngày). 
  • Hoặc kết hợp IVIg 1 gam/kg/ngày (2 ngày) và Methylprednisolone 1 gam/ngày (3 ngày).
  • Hoặc liều đơn anti D: Tiêm tĩnh mạch chậm 50 – 100 mg/kg/ngày trong 3 – 5 phút. 
  • Tranexamic Axit: Truyền tĩnh mạch 0,1 gam/kg/30 phút đầu. Sau đó liên tục truyền 0,5 – 1 gam/h đến khi ngừng xuất huyết. Chống chỉ định: Người bệnh đi tiểu ra máu.

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ em

xet-nghiem-xuat-huyet-giam-tieu-cau-5

Sau khi làm xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu và chẩn đoán chính xác bệnh ở trẻ. Bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị dưới đây:

Corticoid

Liều dùng:

  • Prednisone 2 mg/kg/ngày (10 – 20 ngày). Sau đó tiến hành giảm liều trong vòng 1 – 2 tuần và ngừng dùng thuốc.
  • Methylprednisolone 4 mg/kg/ngày (7 ngày). Sau đó dùng 2 mg/kg/ngày (2 tuần) rồi giảm liều dần (khoảng 30% liều/tuần).

Nếu người bệnh không đáp ứng hoặc sau khi có đáp ứng và ngừng thuốc, tiểu cầu lại giảm thì cần tiếp tục điều trị một đợt Corticoid nữa trong 4 tuần với liều như trên. 

Truyền tĩnh mạch Globulin miễn dịch (IVIg)

Chỉ định:

  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi.
  • Trường hợp chảy máu cấp tính và đe dọa đến tính mạng.
  • Trường hợp chuẩn bị phẫu thuật hoặc cần tăng nhanh số lượng tiểu cầu.

Liều dùng:

  • Thể cấp tính: 1 gam/kg/ngày (2 ngày) hoặc 0,4 gam/kg/ngày (5 ngày) sao cho tổng liều 2 gam/kg, tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 3 – 5 phút.
  • Thể mạn tính: 1 gam/kg/ngày (2 ngày). Sau đó điều trị Corticoid xen kẽ và IVIg (0,4 – 1 gam/kg) phụ thuộc vào đáp ứng của người bệnh.

Anti-(Rh) D

Chỉ định: 

  • Người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu không đáp ứng với việc điều trị Corticoid. 
  • Người bệnh đang trong tình trạng xuất huyết nặng, khiến tính mạng bị đe dọa hoặc có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
  • Anti-(Rh) D không được chỉ định cho người bệnh Rh(-) hay hiệu quả rất thấp trên ca bệnh đã cắt lách. 

Liều đơn độc được khuyến khích: Tiêm tĩnh mạch từ 50 – 100 mg/kg trong 3 – 5 phút.

Cắt lách

Chỉ định:

  • Người bệnh có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và không đáp ứng với chữa trị nội khoa.
  • Thể mạn tính, trên lâm sàng có xuất huyết và số lượng tiểu cầu luôn < 30 g/l. không đáp ứng với chữa trị nội khoa.

Lưu ý: 

  • 2 tuần trước khi cắt lách nên tiêm phòng một số bệnh lý như Haemophilus influenzae type B, Meningococcus, Pneumococcus,…
  • Cần uống kháng sinh dự phòng sau khi cắt lách như Erythromycin, Penicillin V,…
  • Bệnh nhân cần điều trị IVIg hoặc Corticoid trước phẫu thuật nếu có số lượng tiểu cầu < 50 g/l đặc biệt < 20 g/l. Việc này giúp nâng cao hàm lượng tiểu cầu đồng thời làm giảm tối đa nguy cơ bị chảy máu trong và sau phẫu thuật. 
  • Truyền khối tiểu cầu đậm đặc trước và trong phẫu thuật để làm giảm nguy cơ bị chảy máu. 
  • Để đề phòng ức chế thượng thận sau khi cắt lách, bệnh nhân cần điều trị Corticosteroid các ngày trước, trong và sau phẫu thuật. 
  • Chỉ cắt lách cho trẻ em > 5 tuổi, đã được bác sĩ chẩn đoán > 2 năm và không đáp ứng điều trị nội khoa.

Các thuốc ức chế miễn dịch khác

Ít được dùng. Chỉ được bác sĩ lựa chọn khi chảy máu nghiêm trọng, khiến tính mạng bị đe dọa, có nguy cơ biến chứng cao. Liều dùng: Tương tự như ở người lớn. 

Điều trị ở trẻ em có số lượng tiểu cầu giảm nặng (< 10 g/l) và xuất huyết nghiêm trọng

  • Tiến hành truyền khối tiểu cầu (ưu tiên loại khối tiểu cầu “máy”).
  • Corticoid liều cao: Truyền tĩnh mạch Methylprednisolone 500 mg/m2 da/ngày, chia thành 3 lần.
  • Hoặc IVIg (biệt dược Gamma IV, Human Globulin): Liều dùng tiêm tĩnh mạch 0,4 gam/kg/ngày (5 ngày) hoặc 1 gam/kg/ngày (2 ngày) sao cho tổng liều đạt 2 gam/kg. 
  • Hoặc kết hợp tiêm tĩnh mạch Methylprednisolone 500 mg/m2 da/ngày, chia thành 3 lần và IVIg 1 gam/kg/ngày (2 ngày).
  • Hoặc kết hợp truyền tĩnh mạch Vincristin 2 mg/m2 da/lần và tiến hành gạn huyết tương đối với các thể không đáp ứng những phương pháp chữa trị kể trên.
  • Cắt lách cấp cứu.
  • Tranexamic Axit: Truyền tĩnh mạch 0,1 gam/kg/30 phút đầu. Sau đó tiến hành truyền liên tục từ 0,5 – 1 gam/h đến khi ngừng xuất huyết. Chống chỉ định: Người bệnh đi tiểu ra máu. 

Xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu ở đâu nhanh chóng và hiệu quả?

Hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện diễn ra an toàn, nhanh chóng và nhận được kết quả xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu chính xác, bạn nên đến bệnh viện, phòng khám uy tín, đảm bảo những yếu tố dưới đây:

  • Quy trình xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu chuyên nghiệp, khoa học, chuẩn y khoa, mang đến kết quả có độ chính xác cao, nhanh chóng.
  • Quy tụ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tình, chu đáo.
  • Trang thiết bị, máy móc xét nghiệm hiện đại, được nhập khẩu từ những quốc gia tiên tiến trên thế giới.
  • Chi phí xét nghiệm phải chăng, công khai, minh bạch, không phát sinh thêm.

Chúng ta vừa tìm hiểu về hình thức xét nghiệm xuất huyết giảm tiểu cầu và phương pháp chữa trị. Nếu có dấu hiệu của bệnh, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, làm xét nghiệm và chữa trị sớm nhé. Để được tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Phòng khám Đa khoa Phương Nam qua Hotline 1800 2222!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Giờ làm việc

Thứ 2 - Chủ Nhật

Thời gian: 07h00p - 18h00p

Liên Hệ

  • 1/ Số 81 Phan Đình Phùng, Phường 1, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    2/ Số 412 Quốc lộ 20, Thị trấn Liên Nghĩa, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Gọi ngay Đặt hẹn
CHAT NGAY
Địa Chỉ Bác sĩ