Tham vấn y khoa: Bác sĩ Ngô Thị Vinh | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng tư 27, 2021
Mục Lục Bài Viết
Dị tật sứt môi là tình trạng những mô ở môi không hình thành thích hợp trong quá trình thai nhi phát triển. Lúc này, phần môi sẽ bị hở ra, vi xếch lên thay vì khép kín như bình thường. Đây là một trong những dị tật bẩm sinh có khả năng làm biến dạng khuôn môi và làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ toàn diện khuôn mặt.
Dị tật sứt môi ở thai nhi xảy ra khi 3 khối mô mà thai nhi tạo thành không liền lại được với nhau. Thông thường tình trạng sứt môi có thể đi kèm hở hàm ếch hoặc không. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này có thể là do yếu tố di truyền hoặc môi trường sống.
Sứt môi và hở hàm ếch cũng được xem là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ với tỉ lệ lên đến 1/700.
Dị tật sứt môi có thể phát hiện ngay trong thai kỳ qua siêu âm dị tật thai nhi, nhưng tình trạng này có thể khắc phục hiệu quả bằng phương pháp phẫu thuật, khi trẻ đã đủ tuổi, nên mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Siêu âm là một trong những phương pháp tầm soát dị tật ở thai nhi chính xác, an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Do đó, nó cũng được sử dụng để chẩn đoán các dấu hiệu bất thường liên quan đến sứt môi ở thai nhi.
Thực tế thì chỉ cần siêu âm đúng mốc thời gian, sử dụng phương pháp siêu âm hiện đại và quá trình siêu âm do bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện thì siêu âm thai có thể phát hiện hầu hết các dị tật về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, hở thành bụng, ngắn chi, chân tay khoèo, nứt đốt sống, thoát vị hoành,bất sản thận, dị dạng bàng quang, não úng thủy, giãn não thất, teo thực quản, hẹp tá tràng, thoát vị rốn… Do đó, mẹ bầu có thể yên tâm về độ chính xác của kết quả chẩn đoán dị tật sứt môi ở thai nhi.
Thông thường, vào tuần thứ 21 – 24 của thai kỳ là mẹ bầu đã có thể thực hiện siêu âm để đánh giá tình trạng sứt môi của thai nhi. Đây là thời điểm có thể nhìn thấy rõ các bất thường trong hình thái của thai nhi. Nên mẹ bầu nhất định không được bỏ qua mốc siêu âm này.
Hơn nữa, giai đoạn từ tuần thứ 21 – 24 cũng là thời điểm lý tưởng để phát hiện những bất thường liên quan đến quá trình tăng trưởng, phát triển của thai nhi, từ đó có phương pháp xử lý an toàn nhất, tránh những vấn đề ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến cả mẹ bầu lẫn thai nhi.
Trường hợp bạn nhận được kết quả siêu âm thai bị sứt môi, thì cũng đừng quá hoang mang, lo lắng. Bởi sứt môi là một trong những dị tật không gây nguy hiểm cho trẻ và hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Thường thì độ tuổi thích hợp nhất để phẫu thuật điều trị sứt môi là từ 4 – 6 tháng tuổi. Do vậy, mẹ hãy yên tâm điều dưỡng để chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ nhé!
Ngoài ra, khi siêu âm thai bị sứt môi, mẹ cũng cần theo dõi thai kỳ sát sao. Hơn nữa, hãy đi khám thai, siêu âm định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để quan sát tình trạng phát triển, tăng trưởng của thai. Đảm bảo mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.