Xét Nghiệm Máu CA 19-9 Để Làm Gì? Thực Hiện Ra Sao?

Trang chủ > Chuyên khoa > Nội khoa > Huyết học > Xét Nghiệm Máu CA 19-9 Để Làm Gì? Thực Hiện Ra Sao?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Thị Hương | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng Sáu 7, 2022

CA 19-9 được xem là chất chỉ điểm khối u được ứng dụng trong việc chẩn đoán, đánh giá và điều trị bệnh ung thư tuyến tụy hoặc gan, mật. Vậy kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 sẽ có ý nghĩa cụ thể ra sao? Quy trình thực hiện thế nào? Bạn hãy cùng Phòng khám Đa khoa Phương Nam tìm hiểu cụ thể hơn trong bài viết này nhé!

Dấu ấn ung thư CA 19-9 là gì?

Trước khi tìm hiểu về hình thức xét nghiệm máu CA 19-9, chúng ta hãy cùng khám phá xem dấu ấn ung thư là gì nhé. Nhiều người đã từng nghe qua định nghĩa CA 19-9 là một chất chỉ điểm khối u. Cụ thể hơn, dấu ấn ung thư chính là chất do các tế bào ung thư hoặc những tế bào khác trong cơ thể sản xuất ra. Chức năng của nó là đáp ứng với bệnh ung thư hay các bệnh lý lành tính khác.

Đa phần các dấu ấn ung thư sẽ do tế bào sản xuất ra. Nếu thật sự mắc ung thư, số lượng sẽ gia tăng lên rất nhiều lần. Bác sĩ có thể phát hiện ra dấu ấn chỉ điểm ung thư thông qua mẫu nước tiểu, phân, máu, tổ chức u hay những tổ chức khác bên trong cơ thể bệnh nhân. 

Hầu hết các dấu ấn chỉ điểm ung thư là những Protein sở hữu tính kháng nguyên. Tuy nhiên bạn cần hiểu rõ rằng không phải kháng nguyên ung thư nào cũng được dùng để chỉ điểm ung thư. Với việc dùng dấu ẩn chỉ điểm ung thư hiện vẫn có một số giới hạn nhất định. Đó có thể là trường hợp người bệnh không mắc ung thư nhưng chất chỉ điểm vẫn gia tăng.

Ngoài ra, không phải người bệnh nào cũng có kết quả xét nghiệm dấu ấn chỉ điểm tăng cao. Vậy xét nghiệm CA 19-9 là gì? Xét nghiệm máu CA 19-9 thường dùng để làm gì?

xet-nghiem-mau-ca-19-9-1-2
Đa phần các dấu ấn ung thư sẽ do tế bào sản xuất ra

Xét nghiệm CA 19-9 là gì?

CA 19-9 là một loại kháng nguyên ung thư đường tiêu hóa GICA. Tên gọi khoa học là Carbohydrate Antigen 19-9 hoặc Cancer Antigen 19-9. CA 19-9 được tế bào biểu mô của các tuyến hô hấp và tiêu hóa bài tiết, ví dụ như đại tràng, dạ dày, tuyến mật, tụy, nước bọt,… 

Kháng nguyên CA 19-9 sẽ được cơ thể tổng hợp và bài tiết bình thường trong giới hạn nhất định. Nếu chỉ số CA 19-9 tăng cao vượt mức độ cho phép thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể có khả năng mắc phải một số bệnh lý như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tụy,… Hoặc những bệnh lành tính khác, điển hình là xơ nang, xơ gan, viêm tụy cấp/mạn tính, viêm ruột, đường mật, tắc mật,…

Xét nghiệm CA 19-9 được tiến hành trên mẫu máu, bằng cách ly tâm tách huyết tương hoặc huyết thanh. Sau đó sử dụng thiết bị y khoa phân tích, kiểm tra chỉ số CA 19-9 có trong huyết tương hay huyết thanh. 

Với độ nhạy và đặc hiệu thấp, phương pháp này chỉ được dùng như một xét nghiệm chỉ ấn ung thư (Marker ung thư) trong việc chẩn đoán ung thư tụy ở người bệnh có dấu hiệu. Bên cạnh đó, nó cũng hỗ trợ bác sĩ theo dõi đáp ứng chữa trị, tiên lượng và đánh giá tái phát. Xét nghiệm CA 19-9 còn được ứng dụng như dấu ấn chỉ điểm ung thư loại 2, ví dụ như ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng, buồng trứng,… Thế xét nghiệm máu CA 19-9 được dùng để làm gì? 

xet-nghiem-mau-ca-19-9-1
Xét nghiệm CA 19-9 là gì?

Xét nghiệm máu CA 19-9 thường dùng làm gì?

Xét nghiệm máu CA 19-9 thường được ứng dụng trong việc chẩn đoán, đánh giá hiệu quả chữa trị và giám sát tình trạng của bệnh nhân ung thư tuyến tụy hay gan, mật. Nếu nồng độ CA 19-9 trong máu gia tăng cùng với sự hiện diện của hiện tượng tắc mật/tụy thì bác sĩ có thể kết luận là ung thư tuyến tụy thay vì u tụy lành tính. Tương tự, trường hợp CA 19-9 đi kèm với triệu chứng vàng da, cổ trướng,… thì có thể là do bệnh ung thư gan.

Bệnh ung thư tuyến gan mật, tụy đã chẩn đoán vẫn được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm máu CA 19-9 để theo dõi khả năng đáp ứng điều trị. Nếu người bệnh đáp ứng tốt (hóa xạ trị, phẫu thuật), số lượng tế bào ung thư giảm thì nồng độ CA 19-9 có trong huyết thanh cũng giảm theo. Ngược lại, CA 19-9 tăng nhanh quá mức phản ánh sự tái phát hoặc tiến triển của khối u.

Nồng độ CA 19-9 cao thường xuất hiện ở người bị ung thư đại trực tràng, gan, dạ dày và trong khoảng 6 – 7% ca bệnh có khối u ác tính không nằm tại đường tiêu hóa. Bệnh nhân mắc viêm ruột, xơ nang, viêm tụy, sỏi mật, xơ gan cũng gặp tình trạng gia tăng CA 19-9 nhẹ. 

Kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 trong các bệnh ung thư

Dưới đây là kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 trong một số bệnh ung thư, bạn hãy theo dõi nhé.

Chỉ số CA 19-9 trong chẩn đoán ung thư tụy

Xét nghiệm máu CA 19-9 được dùng trong việc chẩn đoán nguy cơ ung thư tụy. Nó là dấu ấn có độ nhạy từ 79 – 81% và đặc hiệu khoảng 82 – 90%. Người bệnh có triệu chứng nghi ngờ sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm CA 19-9. Giá trị ngưỡng là 37 U/ml. Khi CA 19-9 trong máu gia tăng hơn 1000 U/ml thì độ nhạy sẽ giảm còn khoảng 41%. Song song đó, độ đặc hiệu lên đến 99,8%.

Vị trí của khối u liên quan đến tỷ lệ tăng CA 19-9. Ví dụ như nếu là khối u đầu tụy thì CA 19-9 sẽ tăng với tỷ lệ 80%. Trường hợp khối u ở đuôi hay thân tụy, tỷ lệ tăng CA 19-9 chỉ ở mức 57%. Tỷ lệ gia tăng CA 19-9 cũng có sự tương quan theo giai đoạn bệnh với ngượng > 120 U/ml. Khi ung thư tụy ở giai đoạn 2 hay 3, CA 19-9 sẽ tăng với tỷ lệ 33%. Trong khi đó, vào giai đoạn T+N1 tỷ lệ sẽ lên đến 71%. Tại giai đoạn TN+M1, tỷ lệ gia tăng CA 19-9 đạt đến 85%. 

Tỷ lệ tăng CA 19-9 cũng liên quan đến kích thước khối u tụy. Trong cùng ngưỡng 37 U/ml, khi kích thước khối u nhỏ hơn 3 cm, tỷ lệ sẽ tăng 57%. Tỷ lệ sẽ tăng 80% nếu kích thước khối u ở mức 3 – 6 cm. Với khối u lớn hơn 6 cm, tỷ lệ tăng CA 19-9 sẽ là 100%.

Khi nồng độ CA 19-9 cao hơn 1000 U/ml chúng ta có thể chẩn đoán bệnh ung thư tụy dương tính, không còn khả năng phẫu thuật cắt bỏ, độ đặc hiệu đã xấp xỉ 100%. Nếu mức độ CA 19-9 huyết tương giảm sau phẫu thuật, thể hiện sự đáp ứng điều trị và cũng tỷ lệ thuận với thời gian sống của người bệnh. Ngược lại, mức CA 19-9 gia tăng nghĩa là bệnh có khả năng tái phát cao, thời gian sống ngắn.

xet-nghiem-mau-ca-19-9-1-3
Xét nghiệm máu CA 19-9 được dùng trong việc chẩn đoán nguy cơ ung thư tụy

Chỉ số CA 19-9 trong chẩn đoán, đánh giá một số ung thư khác

Nồng độ CA 19-9 huyết tương cũng gia tăng trong một vài bệnh ung thư như thực quản, đại trực tràng, buồng trứng, mật, gan, dạ dày,…

 Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)

Chỉ số xét nghiệm máu CA 19-9 trong bệnh ung thư biểu mô tế bào gan có độ nhạy lâm sàng ở mức 22 – 49%.

 Ung thư đường mật

Ở ngưỡng > 100 U/ml độ nhạy của chỉ số CA 19-9 là 53%. Ngưỡng CA 19-9 200 U/ml được dùng để phân biệt giữa sự tắc mật ác tính và lành tính. Ngưỡng 37 U/ml có độ nhạy 83% và đặc hiệu ở mức 45%. Kết hợp với ngưỡng CEA > 5 ng/ml sẽ giúp bác sĩ phân biệt viêm xơ đường mật nguyên phát và ung thư biểu mô tế bào gan.

 Ung thư dạ dày

Chỉ số xét nghiệm máu CA 19-9 trong ung thư dạ dày có độ nhạy lâm sàng thấp, ở mức 26 – 60% và phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Kết hợp độ nhạy tăng cao hơn và dấu ấn CEA sẽ trở thành yếu tố tiên lượng giúp bác sĩ đánh giá di căn gan, mức độ xâm lấn, giai đoạn hay di căn phúc mạc. 

 Ung thư đại trực tràng

Kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng có độ nhạy thấp hơn nhiều so với dấu ấn CEA. Ước tính chỉ 18 – 58% so với 38 – 58%. CA 19-9 gia tăng trong bệnh ung thư đại trực tràng sẽ còn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư nhưng nó cũng không rõ ràng như dấu ấn CEA.

 Chỉ số CA 19-9 trong những loại bệnh ung thư còn lại

Chỉ số CA 19-9 trong việc chẩn đoán những bệnh ung thư còn lại nói chung đều có độ nhạy không cao, ví dụ như: Ung thư tử cung (13%), ung thư buồng trứng (15% – 38%), ung thư phổi (7 – 42%),…

 Chỉ số CA 19-9 trong các bệnh lành tính

Chỉ số CA 19-9 huyết tương cũng gia tăng trong một số bệnh lành tính như tuyến giáp, xơ nang, viêm tụy cấp/mạn tính, xơ gan, tắc mật, viêm ruột, đường mật,… Ước tính 10 – 30% số trường hợp có tăng CA 19-9 nhẹ và nó còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Mức tăng thường < 100 U/ml, tối đa là 500 U/ml hoặc gia tăng nhẹ dai dẳng, cần theo dõi tối thiểu trong 2 tuần.

xet-nghiem-mau-ca-19-9-3
Xét nghiệm máu CA 19-9 cũng hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Chỉ số CA 19-9 bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số định lượng CA 19-9 bình thường trong huyết thanh hoặc huyết thanh nhỏ hơn hoặc bằng 37 U/ml. Tùy vào các kít sử dụng, hệ thống máy phân tích và phương pháp định lượng, giá trị bình thường của CA 19-9 có thể thay đổi đôi chút.

Mối quan hệ giữa CA 19-9 và bệnh ung thư tụy

Theo WHO, ung thư tụy (tụy ngoại tiết chiếm 95%) là loại ung thư phổ biến thế 12 trên thế giới. Nó cũng là nguyên nhân đứng thứ 7 gây tử vong vì bệnh ung thư. Ung thư tụy ở giai đoạn đầu thương không biểu hiện triệu chứng nên rất khó chẩn đoán. 

Một vài yếu tố sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ung thư tụy như viêm loét dạ dày do H.pylori, xơ gan, viêm tụy mạn, béo phì, đái tháo đường, đột biến gen, tiền sử gia đình, giới tính (nam hơn nữ 30%), tuổi (trên 50 tuổi), hút thuốc lá, phơi nhiễm với thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm và những hóa chất độc hại. 

Với độ nhạy và đặc hiệu thấp, CA 19-9 không được dùng như một loại xét nghiệm giúp tầm soát ung thư. Thay vào đó, xét nghiệm máu CA 19-9 chủ yếu được sử dụng như một dấu ấn ung thư. Ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến tụy sẽ có rất ít triệu chứng. Khi bệnh nhân có nồng độ CA 19-9 tăng cao và dấu hiệu rõ ràng thì ung thư tuyến tụy thường đã đến giai đoạn tiến triển. 

Với ung thư tụy, mức độ CA 19-9 huyết tương thay đổi có thể giúp bác sĩ đánh giá khả năng phẫu thuật, giai đoạn bệnh, theo dõi đáp ứng với hóa trị liệu, phát hiện nguy cơ tái phát và tiên lượng. Độ nhạy lâm sàng của CA 19-9 nói chung là thấp trong một số bệnh ung thư khác. Do đó, nó thường chỉ được áp dụng như dấu ấn phụ thêm.

xet-nghiem-mau-ca-19-9-4
CA 19-9 và bệnh ung thư tụy có mối liên hệ với nhau

Chỉ định xét nghiệm máu CA 19-9 khi nào?

Bệnh nhân nên tiến hành xét nghiệm máu CA 19-9 khi đối mặt với những triệu chứng dưới đây:

  • Nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, vàng da.
  • Đau vùng thắt lưng hoặc đau bụng âm ỉ kéo dài không do yếu tố cơ học gây nên.
  • Buồn nôn, nôn, giảm giác ngon miệng, chán ăn.
  • Sốt không rõ lý do.
  • Gầy sụt cân, thường xuyên mệt mỏi.
  • Ở giai đoạn muộn có thể xuất hiện một số dấu hiệu như gầy sụt nhanh chóng, kém hấp thụ, hạ hoặc tăng đường huyết thất thường, cơn đau mãn tính kéo dài. 

Quy trình xét nghiệm CA 19-9

Trước khi thực hiện xét nghiệm máu CA 19-9, bạn nên giữ tinh thần thật thoải mái, ăn uống đầy đủ. Bệnh nhân sẽ được điều dưỡng tiến hành lấy từ 2 – 3 ml máu. Mẫu máu sau đó được ly tâm, tách chiết hồng cầu và huyết tương rồi gửi đến phòng xét nghiệm để đo chỉ số CA 19-9 thông qua phương pháp phân tích kiểm tra sinh hóa. Cuối cùng, kết quả sẽ được trả dưới dạng list. Bác sĩ sẽ đối chiếu kết quả với bảng chỉ số bình thường. Từ đó đánh giá giai đoạn, mức độ của bệnh. 

xet-nghiem-mau-ca-19-9-5
Bệnh nhân sẽ được điều dưỡng tiến hành lấy từ 2 – 3 ml máu

Những lưu ý về xét nghiệm CA 19-9

Thông thường trước khi làm xét nghiệm máu CA 19-9, bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích cho bệnh nhân hiểu về quy trình, thủ tục. Lúc này, nếu có bất kỳ câu hỏi nào, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả.

Bạn không cần nhịn ăn uống trước khi tiến hành xét nghiệm CA 19-9. Việc cần làm là tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình lấy mẫu và giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái. Lúc lấy mẫu sẽ không tốn nhiều thời gian. Phần máu dùng cho xét nghiệm sẽ được lấy từ tĩnh mạch. Mỗi cơ sở y tế sẽ có thời gian trả kết quả khác nhau. Nếu nhanh, bạn sẽ được nhận kết quả chỉ sau vài giờ. 

Tóm lại, xét nghiệm máu CA 19-9 có vai trò vô cùng hữu ích trong việc chẩn đoán, đánh giá và điều trị bệnh ung thư tụy hay gan, mật. Tại Việt Nam, hình thức xét nghiệm này đang được ứng dụng phổ biến. Bạn hãy đến cơ sở y tế uy tín thực hiện khi đối mặt với những triệu chứng của bệnh nhé. Nếu còn thắc mắc khác cần tư vấn thêm, vui lòng liên hệ với Đa khoa Phương Nam qua Hotline 0868 666 968 hoặc 1900 633 698!

Đánh giá bài viết
Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Đăng ký tư vấn ngay

Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí về sức khỏe của bạn!

Bạn chưa điền số điện thoại

DMCA.com Protection Status
*Lưu ý: kết quả điều trị còn phụ thuộc vào cơ địa từng người
Chat ngay 1