Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa | Tác giả: Duyên Nguyễn Ngày đăng: Tháng tư 9, 2021
Mục Lục Bài Viết
Tình trạng tiêm vacxin bị dị ứng rất ít xảy ra, nói đúng hơn là tỉ lệ rất thấp. Nhưng trong một số trường hợp, trẻ vẫn sẽ bị dị ứng khi cơ thể không thể đáp ứng vacxin hay phản ứng thái quá với thành phần vacxin. Những lúc này, trẻ sẽ có những phản ứng như:
Sốt nhẹ: Trẻ có thể bị sốt nhẹ trong khoảng 2 – 3 ngày và phản ứng này cũng tự động khỏi mà không phải điều trị. Nhưng để làm giảm triệu chứng này, mẹ có thể dùng khăn lạnh để đắp lên trán hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định từ bác sĩ.
Sưng đau chỗ tiêm: Sau khi tiêm xong, trẻ sẽ bị sưng đau chỗ tiêm, nhưng mẹ không cần quá lo lắng vì tình trạng cũng sẽ dần khỏi sau 2 – 3 ngày.
Trẻ quấy khóc, tiêu chảy sau khi tiêm vacxin: Trẻ bị nóng, sốt, đau chỗ tiêm nên thường sẽ quấy khóc. Đặc biệt, có một số loại vacxin có thể gây tiêu chảy, nên mẹ hãy dỗ dành trẻ và cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống đủ nước để hạn chế tình trạng mất nước.
Ngoài những phản ứng thường gặp trên, thì nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần hết sức lưu ý, tốt nhất hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để đề phòng biến chứng xảy ra. Bởi vì lúc này có thể trẻ đã gặp phải tình trạng tiêm vacxin bị dị ứng.
Trẻ phát ban và nổi mề đay sau khi tiêm phòng: Phát ban toàn thân, nổi mề đay là một trong những vấn đề trẻ sẽ gặp phải khi bị dị ứng vacxin.
Sốt cao liên tục, kéo dài trên 39 độ C: Khi bị dị ứng vacxin, trẻ sẽ xuất hiện tình trạng sốt cao kéo dài và liên tục trên 39 độ C do cơ thể phản ứng thái quá với vacxin. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm nếu không sớm phát hiện. Lúc này mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Áp xe chỗ tiêm: Một số trường hợp trẻ đôi khi sẽ gặp phải tình trạng áp xe chỗ tiêm, chỗ tiêm bị bầm tím, sờ thấy mềm, có thể xuất hiện dịch mủ. Lúc này, mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế để bác sĩ xử lý bằng cách chích rạch và dẫn lưu để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.
Nhiễm khuẩn huyết, sốc phản vệ khi tiêm vacxin: Khi tình trạng dị ứng ở mức nghiêm trọng, trẻ sẽ có thể bị nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Phản ứng phụ này có tỉ lệ xảy ra vô cùng thấp nhưng một khi đã xuất hiện thì lại vô cùng nguy hiểm với trẻ. Tình trạng sốc phản vệ hay nhiễm khuẩn huyết cần được điều trị hiệu quả tại cơ sở y tế.
Co giật: Co giật là một trong những phản ứng thể hiện trẻ đang bị dị ứng với vacxin. Khi trẻ bị co giật, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị hiệu quả, bởi trẻ co giật sau tiêm phòng là triệu chứng rất nguy hiểm.
Phản ứng quá mẫn cấp tính: Phản ứng dị ứng này thường xảy ra 2h sau khi tiêm, thông thường trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng như khó thở, thở ngắt quãng, phát ban, phù nề. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, cần xử lý bằng thuốc và đôi khi cần cho thở oxi.
Thực tế thì khi tiêm vacxin bị dị ứng thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám, tìm ra nguyên nhân, thành phần dị ứng để có biện pháp xử lý hiệu quả, hạn chế biến chứng cũng như tránh những vấn đề không mong muốn xảy đến với trẻ.
Phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có phản ứng dị ứng vacxin như khó thở, sốt cao, ngất xỉu, co giật, tay chân lạnh, người tím tái. Đừng tự ý xử lý tại nhà hay áp dụng bất cứ cách làm nào theo phương pháp dân gian, vì nó sẽ khiến tình trạng dị ứng trở nên nặng hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.
Để phòng ngừa tình trạng tiêm vacxin bị dị ứng thì mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Các thành phần vacxin đóng vai trò tạo ra những đáp ứng miễn dịch, tăng độ an toàn, tính miễn dịch, thời gian tác dụng trong quá trình chế tạo vacxin. Nhưng một số trường hợp, những thành phần này sẽ gây ra dị ứng. Cụ thể như:
Protein trứng là nguyên nhân chủ yếu gây ra dị ứng vacxin thậm chí là sốc phản vệ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bị dị ứng với protein trứng, trẻ vẫn có thể tiêm vacxin rubella và vacxin cúm an toàn dù bị sốc phản vệ với hàm lượng protein trứng có trong vacxin.
Ở các nước phương Tây, có đến 1,6 – 2,4 % số trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng sị ứng trứng. Do quá trình sản xuất vacxin như cúm, sốt vàng, herpes simplex và vắc-xin dại, vacxin Sởi, Quai Bị, Rubella… có chứa một ít protein trứng được lấy trong môi trường nuôi cấy.
Gelatine là loại protein động vật có nguồn gốc từ bò và lợn. Được sử dụng để làm chất ổn định trong những loại vacxin sống giảm độc lực. Đây là chất có trong rất nhiều loại vacxin như vacxin thủy đậu, viêm não Nhật Bản, Rubella…
Lượng gelatine sẽ thay đổi và khác nhau giữa các loại vacxin, thường là <30 μg đến >15 500 μg/ liều.
Theo thống kê thì việc dị ứng với Gelatine trong vacxin là rấy hiếm. Tuy nhiên hiện nay một số quốc gia đã sử dụng vacxin không chứa Gelatine để tránh tình trạng dị ứng toàn thân qua trung gian IgE hay sốc phản vệ.
Trong vacxin phòng bệnh viêm gan B hay vacxin HPV đều có chứa Protein của men, nó được sản xuất bằng cách thu kháng nguyên từ việc nuôi cấy các tế bào tái tổ hợp chuỗi Saccharomyces cerevisiae. Thông thường, rất khó phát hiện protein men bia trong vacxin HPV, nó chỉ để lại dấu vết rất ít.
Ngoài ra, các nghiên cứu thị trường về độ an toàn của việc tái tổ hợp 2 loại vacxin HBV và HPV cũng giúp giảm thiểu tình trạng dị ứng protein của men ở cả những người nhạy cảm.
Trong nhiều loại vacxin có chứa các loại kháng sinh như polymyxin, chlortetracycline aminoglycosides và thuốc kháng nấm amphothericin B, có tác dụng chống lại nấm và tình trạng nhiễm khuẩn trong quá trình vacxin được sản xuất. Tình trạng dị ứng với kháng sinh trong vacxin thực sự rất hiếm.
Hiện nay, người ta thường sử dụng Neomycin sulphate trong quá trình chế tạo vacxin, nên những người có tiền sử dị ứng với Neomycin sulphate thì không nên tiêm hay sử dụng các loại vacxin có chứa thành phần Neomycin.
Muối nhôm được sử dụng trong vacxin như một tá dược làm tăng đáp ứng miễn dịch. Đây cũng là thành phần sẽ gây ra dị ứng nhất khi tiêm vacxin.
Thông thường, trẻ nổi mẩn đỏ sau tiêm phòng, trẻ có cảm giác đau, ngứa sau khi tiêm vacxin, đó là do muối nhôm gây ra.
Ngoài những thành phần chính trên, trong các loại vacxi còn chứa rất nhiều thành phần khác như chất bảo quản, chất ổn định… Những chất này cũng có thể gây ra dị ứng nhưng cũng rất hiếm.