Việc chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng khỏe mạnh, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như những vấn đề ngoài ý muốn. Bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho mẹ cách chăm sóc, theo dõi và xử lý những tác dụng phụ có thể gặp phải khi trẻ tiêm phòng. Mẹ đừng bỏ qua nhé!
Tiêm ngừa cho trẻ để làm gì? Có nguy hiểm không? Tiêm ngừa là phương pháp hiệu quả và duy nhất hiện nay phòng chống những căn bệnh dịch, lây lan nhanh. Thậm chí có nhiều bệnh vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị, người bị nhiễm có thể để lại biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Tất cả các loại vacxin trên thế giới đều được nghiên cứu và thử nghiệm cẩn thận mới đưa vào sử dụng vì thế tính an toàn rất cao. Đa số sẽ gặp một số phản ứng nhẹ như đau chỗ tiêm, sốt nhẹ, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ, … . Rất hiếm trường hợp gặp biến chứng nặng như áp xe, sốc phản vệ, dị ứng, … Và để hạn chế phản ứng phụ, mẹ cần tham khảo cách chăm sóc trẻ sau khi đi tiêm ngừa.
Trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng biết cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin, đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ hoặc lần đầu đưa con đi tiêm phòng. Theo các chuyên gia y tế, để đảm bảo an toàn cho trẻ, sau khi tiêm vacxin, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm
Sau khi tiêm vacxin cho bé, phụ huynh nhất định phải để trẻ ở lại trung tâm tiêm chủng theo dõi ít nhất 30 phút trước khi ra về. Việc này giúp bác sĩ quan sát được tình trạng của trẻ sau khi tiêm, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời những vấn đề ngoài ý muốn có thể xảy ra. Hơn nữa, nếu trẻ xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào như khó thở, sốt cao, không tỉnh táo, hôn mê thì mẹ cũng cần báo ngay cho bác sĩ.
Theo dõi tình trạng của trẻ tại nhà từ 24 – 48h tiếp theo
Ngoài việc theo dõi 30 phút tại trung tâm y tế, sau khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục quan sát tình trạng của trẻ trong ít nhất từ 24 – 48h tiếp theo. Bởi đây là khoảng thời gian trẻ rất dễ xảy ra phản ứng phụ sau khi tiêm vacxin.
Mẹ nên thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể trẻ để kiểm tra xem trẻ có bị sốt không? Tình trạng chỗ tiêm có sưng nhiều không? Hay trẻ tiêm vacxin bị tiêu chảy, chán ăn, phát ban… không? Để có thể nhanh chóng có biện pháp xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin đúng cách
Bên cạnh việc theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm phòng, phụ huynh còn cần lưu ý thêm những vấn đề dưới đây:
Sau khi tiêm nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và cần hạn chế chạm vào chỗ tiêm.
Mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên, nếu trẻ bị sốt có thể dùng khăn lạnh đắp lên trán, sử dụng miếng dán hạ sốt hoặc thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao trên 39 độ liên tục, tiêu chảy, phát ban, người mệt lả, co giật, tay chân lạnh, hôn mê… thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay.
Để chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin đúng cách, mẹ cần lưu ý những vấn đề đã được kể trên, tuyệt đối không áp dụng các phương pháp giảm triệu chứng bất thường ở trẻ bằng cách dân gian, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được xử lý an toàn.
Một số tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin
Để chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin đúng cách, phụ huynh cần hiểu về những phản ứng phụ trẻ có thể gặp phải khi tiêm phòng. Bởi như vậy mới biết phải xử lý như thế nào, từ đó đảm bảo an toàn cho trẻ.
Thường thì bởi vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, đề kháng chưa cao nên hầu hết sau khi tiêm vacxin, trẻ sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như:
Sốt nhẹ
Sốt là một trong những biểu hiện phổ biến nhất sau khi trẻ tiêm phòng. Nguyên nhân khiến trẻ bị sốt là do phản ứng của cơ thể đang sản sinh ra kháng thể để chống lại virus, vi khuẩn, nhưng hệ miễn dịch của trẻ lại chưa thực sự hoàn thiện, nên dễ dẫn đến phản ứng sốt.
Vậy trẻ tiêm phòng bị sốt phải làm sao? Triệu chứng sốt ở trẻ thường không nguy hiểm và có thể tự động khỏi sau khoảng 1 – 2 ngày, mẹ không cần quá lo lắng. Trường hợp trẻ sốt nhẹ thì có thể đắp khăn lạnh để hạ sốt, nếu trẻ sốt cao thì mẹ hãy xin ý kiến của bác sĩ về việc cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.
Sưng đau chỗ tiêm
Trẻ sẽ rất dễ bị sưng đau chỗ tiêm sau khi tiêm vacxin, bởi vì làn da và cơ thể trẻ đang còn rất yếu, nên chỗ tiêm dễ bị sưng viêm do tổn thương mà kim tiêm gây nên. Bạn có thể tham khảo cách làm giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng để giúp hạn chế tình trạng này khi tiêm vacxin cho trẻ.
Thường thì việc sưng đau ở vị trí tiêm chủng chỉ là phản ứng thông thường và sẽ tự động hết sau khoảng 2 – 3 ngày mà không cần điều trị. Mẹ hãy lưu ý là cần hạn chế chạm vào vết tiêm, cũng không được sử dụng đá lạnh, chanh hay khoai tây đắp lên chỗ tiêm.
Trường hợp vết tiêm bị bầm tím lâu dài, thì mẹ hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc đưa trẻ đến cơ sơ y tế để thăm khám, bởi vì có thể trẻ đang bị giảm tiểu cầu hoặc mắc các bệnh lý về máu.
Rối loạn tiêu hóa mức độ nhẹ
Sau khi chích ngừa, trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ, nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa thực sự hoàn thiện, do vậy đôi khi sẽ khiến trẻ bị đi ngoài nhiều lần.
Phản ứng này chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 ngày, mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần tăng cường cho trẻ uống nhiều nước và bú nhiều sữa mẹ để tránh mất nước cũng như giúp bổ sung dinh dưỡng, nâng cao đề kháng cho trẻ là được.
Một số phản ứng khác
Sau khi tiêm vacxin trẻ sẽ xuất hiện thêm một số phản ứng sau phát ban, nổi mề đay, ho, đau đầu, chảy nước mũi, đau cơ, áp xe chỗ tiêm, co giật… Đây đều là những phản ứng bất thường, nên mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và tìm biện pháp xử lý an toàn nhất nhé!
Để hiểu hơn về các phản ứng bất thường sau khi tiêm vacxin, mời bạn xem tiếp nội dung bên dưới nhé!
Các phản ứng nguy hiểm cần lưu ý
Bên cạnh các phản ứng phụ phổ biến, thì trong một số trường hợp, trẻ cũng sẽ gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Tuy các phản ứng này rất hiếm khi xảy ra, nhưng phụ huynh cũng cần nắm để biết cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin cũng như có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Sốt cao liên tục
Trẻ sẽ xuất hiện tình trạng sốt cao kéo dài và liên tục trên 39 độ C do cơ thể không thể thích nghi và phản ứng thái quá với vacxin. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm nếu không sớm phát hiện. Lúc này mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Trẻ phát ban, nổi mề đay:
Phản ứng không mong muốn tiếp theo trẻ có thể gặp phải đó là phát ban toàn thân, nổi mề đay. Lúc này, có thể đang sản sinh ra kháng nguyên chống lại virus gây bệnh nhưng vì đề kháng trẻ còn yếu, dẫn đến tình trạng phản ứng với vacxin. Thường thì nếu phản ứng này biến mất sau 1 – 2 ngày và không đi kèm sốt thì sẽ không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ngược lại thì mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhé!
Trẻ đôi khi sẽ gặp phải tình trạng áp xe chỗ tiêm, chỗ tiêm bị bầm tím, sờ thấy mềm, có thể xuất hiện dịch mủ. Lúc này, mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế để bác sĩ xử lý bằng cách chích rạch và dẫn lưu để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.
Co giật
Đây là phản ứng rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra khi trẻ bị sốc vacxin. Khi trẻ bị co giật, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị hiệu quả, bởi trẻ co giật sau tiêm phòng là triệu chứng rất nguy hiểm.
Phản ứng quá mẫn cấp tính
Phản ứng này thường xảy ra 2h sau khi tiêm, lúc này bé sẽ bị khó thở, thở ngắt quãng, phát ban, phù nề. Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, cần xử lý bằng thuốc và đôi khi cần cho thở oxi. Nên phụ huynh cần lưu ý để kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhé!
Phản ứng phụ này có tỉ lệ xảy ra vô cùng thấp nhưng một khi đã xuất hiện thì lại vô cùng nguy hiểm với trẻ. Nguyên nhân là do trẻ phản ứng với vacxin, dị ứng với vacxin được tiêm. Tình trạng sốc phản vệ hay nhiễm khuẩn huyết cần được điều trị hiệu quả tại cơ sở y tế.
Mẹ hãy theo dõi tình trạng của trẻ thật kỹ lưỡng sau khi tiêm vacxin để có thể phòng ngừa những vấn đề ngoài ý muốn nhé!
Một số lưu ý để giúp bé chích ngừa an toàn
Để giúp bé chích ngừa an toàn, thì trong quá trình tiêm vacxin, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đưa trẻ đi tiêm đúng lịch tiêm chủng, chỉ hoãn tiêm trong trường hợp con bị sốt, ho hay bị bệnh.
Phải báo với bác sĩ về các loại thuốc trẻ đang sử dụng.
Nếu trẻ bị dị ứng hay có phản ứng thái quá với vacxin trong lần tiêm trước, cũng phải thông báo cho bác sĩ.
Chủ động tìm hiểu và hỏi các chuyên gia y tế về loại vacxin sẽ tiêm, những phản ứng phụ có thể xảy ra để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Sau khi tiêm hãy ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi sức khỏe của trẻ và cần tiếp tục quan sát trẻ từ 24 – 48h tiếp theo ngay tại nhà.
Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể và bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Mong rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi về vấn đề chăm sóc trẻ sau khi tiêm vacxin sẽ hữu ích với phụ huynh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến hotline 1800 2222 của Đa khoa Phương Nam để nhận giải đáp tận tình hơn nhé!